Tin tức Đời sống 15/11: Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Tin tức Đời sống 15/11: Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Thứ 6, 15/11/2024 11:41

Cập nhật tin tức đời sống ngày 15/11: Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng; Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm...

Cậu bé 12 tuổi nguy cơ mù vĩnh viễn do loại đồ ăn giới trẻ cực ưa chuộng

Tạp chí New England Journal of Medicine gần đây đã ghi nhận trường hợp của một cậu bé 12 tuổi ở Massachusetts, Mỹ bất ngờ mất thị lực. Lý do chủ yếu là chế độ ăn gồm các món ăn nhanh, ăn vặt như bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên, bánh donut và nước ép đóng chai.

Cậu bé được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ và bị "nghiện" một số món ăn vặt. Bố mẹ cậu bé cho biết cậu là người "kén ăn" nên dù đã cố gắng dỗ dành nhưng con trai hoàn toàn phản đối việc thử các loại thực phẩm hoặc vitamin mới vì cậu không thích mùi vị của chúng.

Tình trạng mất thị lực bắt đầu xuất hiện từ đầu năm nay. Cậu bé thường gặp phải vấn đề về mắt vào buổi sáng và tối, dù vẫn bình thường trong suốt cả ngày. Tuy nhiên, thị lực của cậu bắt đầu suy giảm nhanh chóng, và chỉ trong vòng 6 tuần, cậu bé không thể tự di chuyển nếu không có sự trợ giúp của cha mẹ.

Rồi một đêm, cậu bé tỉnh dậy và hoảng loạn, la hét vì không thể nhìn thấy gì nữa.

Cậu bé sau đó được đưa đến bệnh viện kiểm tra. Hai ngày trước khi được đưa đến bệnh viện, bố mẹ cậu bé nhận thấy xung quanh mắt cậu có vết sưng và xuất hiện vảy. Đôi khi cậu bé chỉ nhìn chằm chằm vào bức tường thay vì màn hình lúc xem TV.

Tin tức Đời sống 15/11: Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm- Ảnh 1.

Đồ ăn nhanh là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe (Ảnh: Getty Images).

Tại bệnh viện, các xét nghiệm cho thấy cậu bé thiếu các dưỡng chất thiết yếu đối với thị giác. Cụ thể, cậu bé bị suy giảm thị lực do chế độ ăn uống chỉ toàn các món ăn nhanh, dẫn đến thiếu hụt trầm trọng các vitamin A, C, D, đồng và kẽm. Các dây thần kinh của cậu đã bắt đầu thoái hóa từ lâu và hoàn toàn hoại tử khi cậu đến bệnh viện.

Trong thời gian nằm viện, cậu bé được bổ sung vitamin A, C, D, và K, cùng với canxi, thiamine, đồng và kẽm, cũng như bổ sung thêm rau diếp và phô mai trong bánh mì kẹp thịt, món ăn quen thuộc của cậu bé. Cha mẹ cậu cũng cho thêm những dưỡng chất bổ sung vào nước ép, nhưng sau một thời gian, cậu bé nhận ra vị lạ và bỏ đi thứ đồ uống này.

Do đó, dù đã có những cải thiện trong chế độ ăn uống và bổ sung dưỡng chất nhưng các biện pháp này không được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi thị lực của cậu bé. Các chuyên gia vẫn nhận thấy tình trạng mất thị lực của cậu bé là vĩnh viễn do phát hiện quá muộn nên việc điều trị sẽ không có hiệu quả.

Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm

Theo ThS.BS Lý Kiều Diễm, Trưởng khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, các triệu chứng cảm lạnh xuất hiện sau khoảng 2 ngày nhiễm virus. Trong thời gian này, trẻ sẽ có các biểu hiện như ho, sổ mũi, sốt, đau họng, viêm hô hấp... Tuy nhiên, trẻ không lừ đừ mà vẫn hoạt động, vui chơi bình thường, tỉnh táo, sau đó khỏe mạnh dần.

Ngược lại, trong trường hợp trẻ xuất hiện các triệu chứng kể trên với diễn tiến nặng hơn mỗi ngày, chẳng hạn sốt cao hơn, ho nhiều hơn, nước mũi trong chuyển sang nước mũi xanh/vàng, trẻ mệt lừ đừ..., ba mẹ có thể nhận diện trẻ đang bị cảm cúm.

Hầu hết phương pháp điều trị cảm lạnh và cảm cúm hiện nay là kê thuốc làm dịu các cơn đau đầu, đau họng và ho, làm thông mũi và xoang. Nhiều người lựa chọn kháng sinh để điều trị cảm lạnh và cảm cúm ngay từ đầu. Trên thực tế, kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, trong khi cảm lạnh và cảm cúm là do virus gây ra.

Khi bị cảm lạnh và cảm cúm, người bệnh nên tuân theo các nguyên tắc sau: Giữ ấm cơ thể;Uống nhiều nước hoặc nước trái cây; Làm dịu cổ họng bằng cách xúc nước muối hoặc uống trà chanh mật ong; Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mũi; Ăn thức ăn ấm.

Bệnh thoái hóa khớp có xu hướng trẻ hóa

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có đến 80% người bị thoái hóa khớp ở độ tuổi trên 40. Tuy nhiên, hiện nay, không chỉ có người cao tuổi mới mắc phải các bệnh thoái hóa khớp mà ngay cả người trẻ cũng có nguy cơ mắc.

Bác sĩ Phạm Văn Minh (Đội tuyển bóng đá Việt Nam) cho biết, tình trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ có dấu hiệu gia tăng. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nguy hiểm như thoái hóa khớp, loãng xương, viêm khớp dạng thấp…

Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và chức năng vận động về sau. "Nếu không chăm sóc khớp đúng cách, chính chúng ta có thể vô tình đẩy nhanh tiến trình thoái hóa khớp gối.

Do vậy, cần phòng ngừa thoái hóa khớp từ sớm, với các biện pháp đơn giản như tập thể dục đều đặn và đúng cách, tập luyện các môn thể thao như bơi, đi bộ, đạp xe đạp, tránh những động tác quá mạnh, đột ngột", bác sĩ Phạm Văn Minh lưu ý.

Thoái hóa khớp có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như hoại tử xương hoặc chất xương; khớp bị nhiễm trùng hoặc chảy máu trong khớp; suy giảm gân quanh khớp hoặc đứt dây chằng; cảm giác dây thần kinh bị chèn ép (nếu bị thoái hóa cột sống).

Vôi hóa có thể xảy ra trên sụn với sự hình thành các tinh thể canxi trong sụn, thường là đầu gối, gây những cơn đau cấp tính. U nang bao hoạt dịch vùng khoeo có thể hình thành khi chất lỏng khớp dư thừa được tạo ra.

Ngoài ra, biến chứng của thoái hóa khớp còn dẫn đến trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, bệnh gout, tăng cân và giảm năng suất làm việc.

Bác sĩ Phạm Văn Minh nhấn mạnh, mỗi người cần xây dựng chế độ ăn uống khoa học, giàu canxi và khoáng chất, tránh ăn nhiều chất béo, tránh dùng rượu, bia và các chất kích thích thần kinh gây co cứng cơ.

Kiểm soát cân nặng tốt, tránh thừa cân, béo phì. Giới văn phòng sau 1 - 2 giờ ngồi làm việc cần nghỉ giải lao, thay đổi tư thế sau mỗi 20 phút để tránh cơ và khớp bị mỏi. Xoa bóp khớp gối đều đặn mỗi ngày, vào buổi sáng và chiều, việc massage giúp cơ bắp thư giãn, lưu thông máu. Kiểm tra sức khỏe định kỳ, chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh lý xương khớp.

T.M (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.