Tin tức Đời sống 16/12: Lý do hoa hồi được coi là 'báu vật trời ban'

Tin tức Đời sống 16/12: Lý do hoa hồi được coi là 'báu vật trời ban'

Thứ 2, 16/12/2024 13:41

Cập nhật tin tức Đời sống ngày 16/12: Nhiều bệnh nhân nhập viện do rét đậm; Lý do hoa hồi được coi là 'báu vật trời ban'...

Hà Nội: Số ca mắc sởi tiếp tục tăng mạnh, sốt xuất huyết giảm sâu

Ngày 16/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần vừa qua (từ ngày 6 đến 13-12), toàn thành phố ghi nhận 44 ca mắc Sởi tại 20 quận, huyện, tăng 19 ca so với tuần trước đó.

CDC Hà Nội nhận định, số mắc Sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.

Cũng trong tuần, thành phố ghi nhận 317 trường hợp mắc Sốt xuất huyết, giảm mạnh 291 trường hợp so với tuần trước đó. Trong tuần ghi nhận 10 ổ dịch Sốt xuất huyết tại 7 quận, huyện, nhiều nhất là quận Tây Hồ với 3 ổ dịch…

Về các dịch bệnh khác, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 26 trường hợp mắc Tay chân miệng, với 2 ổ dịch tại Mễ Trì (Nam Từ Liêm) và Cao Viên (Thanh Oai); các dịch bệnh như ho gà, liên cầu lợn, não mô cầu, Covid-19, uốn ván… không ghi nhận ca mắc mới.

Tin tức Đời sống 16/12: Lý do hoa hồi được coi là 'báu vật trời ban'- Ảnh 1.

Khám bệnh cho trẻ em tại Hà Nội

Theo các chuyên gia, thời tiết giá lạnh ở miền bắc khiến số ca mắc SXH có xu hướng giảm và dịch đang dần bước vào cuối vụ, song chưa thể chủ quan. CDC Hà Nội đề nghị các Trung tâm Y tế chủ động triển khai các biện pháp phòng chống một số dịch bệnh như Sởi, Sốt xuất huyết và các dịch bệnh thường gặp trong mùa đông xuân, nhất là nên tiêm chủng chủ động, đầy đủ, đúng lịch…

Nhiều bệnh nhân nhập viện do rét đậm

Theo BS Phạm Xuân Hiếu - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện E), vào mùa lạnh, số bệnh nhân nhập viện thường tăng khoảng 15% so với trước, đặc biệt là những người có tiền sử đột quỵ hoặc tai biến.

TS.BS Ngô Tuấn Anh - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) thông tin, thời tiết chuyển lạnh sâu, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp mắc các bệnh lý tim mạch, trong đó chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch từ trước.

Tại bệnh viện Lão khoa Trung ương, lượng bệnh nhân gia tăng mạnh trong những ngày trời giá rét. TS.BS Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa trung ương) lý giải, thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong, nếu không xử trí kịp thời. trung bình số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70 - 80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.

BS Thắng cho biết thêm, thời tiết lạnh làm thay đổi nhiệt độ đột ngột, các mạch máu ngoại vi co lại, dồn máu vào các tạng và não, gọi là hiện tượng trung tâm hóa tuần hoàn, dẫn tới tình trạng huyết áp tăng vọt, gây ra xuất huyết não.

Ngoài nguy cơ về bệnh tim mạch, không khí lạnh cũng là yếu tố thuận lợi để một số virus phát triển như cảm lạnh thông thường (rhinovirus), cúm (influenza), Respiratory syncytial virus-RSV... Các virus này là căn nguyên gây viêm phổi, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Triệu chứng phổ biến thông thường là ho, sốt, mệt mỏi tuy nhiên các trường hợp nghiêm trọng hơn gây khó thở, suy hô hấp thậm chí tử vong. Trời lạnh còn có thể làm trầm trọng thêm các cơn đau khớp, đặc biệt là ở những người mắc bệnh viêm khớp hoặc thoái hóa khớp. Cảm giác đau và cứng khớp làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và giảm khả năng vận động của người cao tuổi.

Để người dân, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ vượt qua mùa lạnh an toàn, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh có các bệnh lý mạn tính cần cố gắng tái khám định kì và duy trì thuốc đều đặn để tránh các bệnh lí trở nặng hơn. Trẻ nhỏ và người cao tuổi, đặc biệt là người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền như bệnh phổi mãn tính, tim mạch, tiểu đường nên tiêm vaccine cúm và phế cầu hàng năm để giảm nguy cơ mắc bệnh do chủng loại này gây ra.

Người dân cũng cần giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đủ ấm, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân. Sử dụng chăn ấm khi ngủ và tránh để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với không khí lạnh.

Cung cấp cho cơ thể những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein giúp tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, hãy chú ý đến lượng nước uống để tránh mất nước trong mùa lạnh.

Nhằm duy trì sức khoẻ, tăng cường sự dẻo dai và linh hoạt của cơ thể, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính như tim mạch, tiểu đường và các vấn đề về cơ xương khớp,... Việc tập thể dục thường xuyên còn giúp giảm căng thẳng, lo âu và nâng cao chất lượng giấc ngủ.

BS Trần Quang Thắng nhấn mạnh: Khi phát hiện người cao tuổi có dấu hiệu tai biến, đột quỵ, tuyệt đối không sơ cấp cứu bằng cách cạo gió, xức dầu, chích máu 10 đầu ngón tay, chân hoặc di chuyển quá mạnh..., cần gọi cấp cứu đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Bởi thời gian vàng để bệnh nhân nhồi máu não được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát. Bệnh nhân tắc mạch máu lớn có thể can thiệp trong 6 giờ kể từ khi khởi phát, nếu để muộn hơn, bệnh nhân có nguy cơ hôn mê, tử vong, nhẹ hơn có thể bị liệt, tàn tật sau này...

Đối với trẻ nhỏ mắc các bệnh tim bẩm sinh, TS.BS Ngô Tuấn Anh khuyến cáo, thời tiết lạnh dễ làm bệnh tim nặng hơn, ngoài ra còn dễ khiến trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp, như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi. Đối với các trẻ này, cần lưu ý giữ ấm cổ và cơ thể, quàng khăn, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài trời lạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được thăm khám và điều trị tại các chuyên khoa về tim mạch.

Hóa ra đây là lý do hoa hồi được coi là 'báu vật trời ban'

Theo sách những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi, hồi là vị thuốc được dùng trong cả Đông y và Tây y.

Trong Tây y, hồi là thuốc trung tiện giúp tiêu hoá, lợi sữa, tác dụng trên hệ thống thần kinh và cơ (dịu đau, dịu co bóp) được dùng trong đau dạ dày. Ngoài ra hồi còn được dùng làm rượu khai vị, làm thơm thuốc đánh răng. Tuy nhiên nếu dùng nhiều và với liều cao quá sẽ gây ngộ độc.

Bác sĩ Lê Ngọc Châu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3 cho hay, hoa hồi hay hồi không chỉ là loại gia vị mà còn là vị thuốc với nhiều công dụng giảm hỗ trợ nhu động ruột, cải thiện đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, tăng tiết dịch tiêu hóa.

Theo tài liệu cổ đại hồi có vị cay, tính ôn, vào 4 kinh can, thận, tỳ và vị, tác dụng đuổi hàn, kiện tỳ, khai vị, dùng chữa nôn mửa, đau bụng, bụng đầy chướng, giải độc của thịt cá.

Hồi thường dùng làm thuốc giúp sự tiêu hoá, ăn uống không tiêu, nôn mửa, đau nhức tê thấp. Mỗi ngày dùng 4 đến 8g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài ngâm rượu xoa bóp chữa đau nhức, tê thấp.

Bác sĩ Ngọc Châu cho hay, hồi thường được dùng để chế biến với món ăn với công năng chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Ví như hồi hầm gà ăn giúp giảm lạnh bụng, ấm cơ thể, trợ Tỳ Vị. Hồi kho thịt giúp hỗ trợ tiêu hóa, cung cấp dinh dưỡng.

Hồi còn được dùng hãm trà uống giúp giảm tình trạng đầy bụng khó tiêu, kích thích tiêu hóa, giúp phụ nữ giảm đau bụng khi tới kỳ kinh. Dùng 2 cánh hoa hồi đun sôi với 500ml uống khi ấm có thể thêm mật ong để tăng hương vị.

Theo bác sĩ Ngọc Châu, hồi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu biết cách dùng đúng. Tuyệt đối không nên lạm dụng dùng hồi. Khi dùng hồi với mục đích để chữa bệnh nên tham khảo ý kiến của người có chuyên môn.

Ngoài ra, một số nhóm sau không nên sử dụng hoa hồi như người có hội chứng bệnh liên quan đến âm hư hỏa vượng thì không dùng, phụ nữ có thai hoặc cho con bú không nên dùng lượng lớn.

Khi sử dụng hoa hồi có hiện tượng hỏng mốc cần phải bỏ đi để tránh làm ảnh hưởng tới sức khỏe.

T.M (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.