Tin tức Đời sống 16/1: Sau gan, bộ phận này bị tổn thương nặng do rượu bia

Tin tức Đời sống 16/1: Sau gan, bộ phận này bị tổn thương nặng do rượu bia

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 3, 16/01/2024 12:30

Cập nhật tin tức đời sống ngày 16/1: Sau gan, đây là bộ phận bị tổn thương nặng do rượu bia; Hai trẻ nhập viện nguy kịch sau khi ăn bim bim và mì cay...

Sau gan, đây là bộ phận bị tổn thương nặng do rượu bia

Thông tin được các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho hay. Cụ thể, trong nghiên cứu, không chỉ gan là bộ phận bị ảnh hưởng nặng nề nhất, người nghiện rượu có khả năng bị viêm phổi cao hơn từ 3 đến 4 lần so với người không nghiện rượu.

Đặc biệt, viêm phổi ở người hay uống bia rượu thường nặng hơn, diễn biến nhanh, tỷ lệ phải nhập viện cao, thời gian điều trị dài hơn so với người bình thường. Trường hợp người hay uống rượu bia đã ở giai đoạn xơ gan, cộng hưởng thêm viêm phổi, cơ hội sống có thể chỉ còn khoảng 30% hoặc thậm chí thấp hơn.

Ngoài những vi khuẩn gây viêm phổi ở người bình thường, người hay uống rượu bia còn có nguy cơ cao bị nhiễm các loại vi khuẩn như phế trực khuẩn (Klebsiella pneumoniae), phế cầu khuẩn (Streptococcus pneumoniae) và trực khuẩn lao (Mycobacteryum tuberculosis).

Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong do viêm phổi ở người hay uống rượu do các vi khuẩn nói trên là khoảng 83%.

Bên cạnh đó, người hay uống bia rượu còn dễ bị viêm phổi vì khả năng ho khạc kém, phổi bị ứ động đờm dãi.

Sự trào ngược dịch từ dạ dày lên thực quản, tràn vào phổi hay xảy ra ở người nghiện rượu. Những dịch này mang theo vi khuẩn từ ruột lên cộng với axit dịch vị vào đường hô hấp, từ đó gây viêm phổi.

Đối với người mắc viêm phổi có tiền sử uống nhiều rượu bia, việc điều trị chủ yếu là kháng sinh. Ở thể nặng, bệnh nhân cần được điều trị tại các khoa hồi sức tích cực với biện pháp hồi sức hô hấp, tuần hoàn, kháng sinh đường tĩnh mạch...

Các bác sĩ khuyến cáo những người thường xuyên uống rượu bia nên chú ý đến một số dấu hiệu sớm của viêm phổi như: đột ngột mệt mỏi, tực ngực, sốt dai dẳng, bất ngờ muốn bỏ rượu...

Hai trẻ nhập viện nguy kịch sau khi ăn bim bim và mì cay

Ngày 16/1, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa xác nhận đang cấp cứu hai bệnh nhi xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn bim bim và mì cay.

Theo báo cáo của UBND xã Xuân Sinh, khoảng 16h ngày 14/1, các cháu C.V.T. (10 tuổi), Đ.T.C. (6 tuổi), Đ.T.D. (11 tuổi), và L.T.Đ (13 tuổi, cùng thôn Bích Phượng, xã Xuân Sinh) mua 1 gói bim bim khoai tây, 1 gói mì cay "vòi rồng" ở một tiệm tạp hóa trên địa bàn thôn Bích Phượng rồi chia nhau ăn.

Đến khoảng 17h cùng ngày, cháu C.V.T. và Đ.T.C. có triệu chứng co giật và nhiều triệu chứng bất thường khác nên gia đình đã đưa các cháu đến Bệnh viện đa khoa huyện Thọ Xuân cấp cứu.

Do tình trạng ngày càng nặng nên Bệnh viện đa khoa huyện Thọ Xuân chuyển các cháu đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp tục cấp cứu.

Đến ngày 16/1, cháu T. và C. vẫn đang phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng nguy kịch.

Hiện cơ quan chức năng vẫn chưa có kết luận trẻ xuất hiện các triệu chứng ngộ độc là do ăn bim bim khoai tây và mì cay vòi rồng.

Gia tăng số ca mắc bệnh cúm A, nhiều trường hợp biến chứng nặng phải thở máy

Đời sống - Tin tức Đời sống 16/1: Sau gan, bộ phận này bị tổn thương nặng do rượu bia

Trong 2 tuần gần đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân đến khám, chủ yếu được xét nghiệm và chẩn đoán mắc các bệnh cúm A. Đáng nói, có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.

Thống kê của Bộ Y tế, qua giám sát các trường hợp mắc cúm cho thấy, các chủng virus cúm gây bệnh chủ yếu là: cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B. Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người, như: cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho hơn 10 ca mắc bệnh cúm A trong tình trạng nặng, có trường hợp nhiễm cúm A nguy kịch đang phải lọc máu, thở máy tại khoa Hồi sức tích cực.

Còn ở Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số các trẻ đến thăm khám có chỉ định làm xét nghiệm mỗi ngày, có khoảng 100-150 trường hợp có kết quả mắc cúm, chủ yếu là cúm A, trong đó, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị. Phần lớn trẻ mắc cúm nhập viện điều trị do bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy. Thậm chí có ca suy hô hấp, đang phải thở máy do nhiễm cúm trên nền bệnh tim và thuyên tắc động mạch phổi…

TS. Vũ Ngọc Long, Phó Trưởng phòng Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin: Từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy tình hình bệnh cúm ở Việt Nam trong những tuần gần đây mặc dù có sự gia tăng ca mắc nhưng không phải là sự bất thường. Bởi lẽ, đây là khoảng thời điểm giao mùa Đông Xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc ấm, lúc lạnh thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm.

Các chuyên gia cũng lưu ý, chưa có bằng chứng khoa học về việc người đã mắc Covid-19 sau đó mắc cúm A bệnh sẽ nặng hơn, tuy nhiên nếu cùng mắc một thời điểm sẽ có nguy cơ tiến triển nặng.

Không giống như cảm lạnh thông thường, bệnh cúm thường xảy ra với triệu chứng khởi phát đột ngột. Các dấu hiệu phổ biến của nhiễm trùng cúm bao gồm: Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; đau đầu; sốt; đau cơ; mệt mỏi; đau họng; ho…

Các triệu chứng cúm A nhẹ có thể tự khỏi khi được nghỉ ngơi nhiều và uống đủ nước. Tuy nhiên, đối với ca nhiễm cúm nặng hơn, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus để chống lại nhiễm trùng.

T.M (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.