Cảnh báo nguy cơ nhiễm viêm màng não do não mô cầu ở trẻ em
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận nhiều ca nhiễm viêm màng não do não mô cầu, đa số nhập viện trong tình trạng cần theo dõi đặc biệt.
TS.BS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết triệu chứng viêm màng não do não mô cầu trong giai đoạn đầu giống với cúm và sốt vi rút nên phụ huynh rất khó phát hiện. Đa phần bố mẹ khi thấy trẻ sốt, đau họng, buồn nôn… sẽ cho trẻ uống thuốc và chăm sóc tại nhà, cho đến khi thấy có triệu chứng nặng như đau đầu dữ dội, cổ cứng, hôn mê, xuất hiện mảng xuất huyết mới đưa đến cơ sở y tế.
Viêm màng não do não mô cầu thường gặp nhất ở trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 14 - 20 tuổi, đang trong độ tuổi đi học, sinh hoạt ở nơi đông người như nhà trẻ, trường học. Tuy nhiên, viêm màng não do não mô cầu có thể xảy đến với mọi độ tuổi chứ không riêng gì trẻ nhỏ, nhất là người sống trong môi trường chung cư, công sở đông đúc hay bị suy giảm miễn dịch.
Nguồn lây bệnh có thể đến từ "người lành mang trùng", tức người mang mầm bệnh não mô cầu tại hầu họng nhưng lại không biểu hiện triệu chứng, âm thầm lây bệnh qua dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra trực tiếp lúc nói chuyện, hắt hơi hoặc qua đồ dùng cá nhân như khăn, muỗng đũa. "Người lành mang trùng" có thể là người thân trong gia đình, bạn bè, những người tiếp xúc gần với trẻ.
Do đó, để phòng bệnh, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ rửa tay đúng cách, che mũi miệng khi hắt hơi hoặc ho bằng khăn giấy; ho và hắt hơi vào vị trí bên trong khuỷu tay của mình; không dùng chung đồ cá nhân với bạn bè.
Về phía phụ huynh, cần giữ nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ, theo dõi các biểu hiện của trẻ. Nếu thấy trẻ xuất hiện triệu chứng, bố mẹ nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế.
TS.BS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo: "Nếu không may mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và không được điều trị kịp thời ngay từ những giờ đầu thì nguy cơ diễn biến nặng là rất cao. Chính vì thế, phụ huynh nên chủ động cho trẻ tiêm phòng vắc-xin, hướng tới hai mục đích quan trọng: Bảo vệ người được tiêm và hạn chế nguy cơ lây lan trong cộng đồng, gia đình".
Hiện tại Việt Nam đã có 2 loại vắc-xin giúp bảo vệ khỏi 5 nhóm vi khuẩn não mô cầu thường gặp (A, B, C, Y, W-135). Phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn loại vắc-xin và lịch tiêm chủng phù hợp.
Ba bố con đi cấp cứu sau khi ăn loại hạt chứa chất độc có trong thuốc trừ sâu
Cả ba bố con vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, tối 13/11. Anh V. cho biết chiều cùng ngày, anh ra vườn nhà thấy cây củ đậu có hạt nên hái và luộc ăn trong bữa cơm tối.
Hai con anh ăn thử thấy đắng nên không ăn nữa, riêng anh T. ăn nhiều hơn. Khoảng 15 phút sau khi ăn, anh T. xuất hiện các hiện tượng buồn nôn, nôn, chóng mặt, vợ anh đưa 3 bố con đi viện.
Được cấp cứu kịp thời, sức khỏe của anh T. đã ổn định. Hai con của anh do ăn ít, các dấu hiệu ngộ độc không rõ ràng, hiện các bé đã được chuyển sang khoa Nhi để tiếp tục theo dõi thêm.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết củ đậu là món ăn giải nhiệt rất mát và bổ, được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, trong phần thân, lá, hoa, quả/hạt của cây củ đậu có chứa chất Rotenon - một chất độc thường được dùng làm chế phẩm trong thuốc trừ sâu.
Khi được hấp thu vào cơ thể, Rotenon gây ức chế hô hấp của tế bào, gây tăng sinh lactate nhiễm toan hóa máu, tăng hình thành các gốc oxy hóa tự do và gây chết tế bào. Sau khi ăn khoảng 30 phút đến 1 giờ, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, đau bụng, buồn nôn, ý thức lơ mơ,...
Ở mức độ nặng hơn, Rotenon gây ức chế thần kinh khiến người bệnh rơi vào hôn mê, co giật, ngừng thở, ngừng tim và dẫn tới tử vong nhanh chóng. Đặc biệt, Rotenon trong hạt củ đậu có thể diễn tiến nặng rất nhanh, chưa có thuốc giải độc đặc hiệu.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong trong vòng 2-5 giờ sau khi ăn phải chất độc.
Do đó, bác sĩ khuyến cáo người dân nên hết sức cẩn trọng khi ăn các loại quả, hạt lạ. Khi xuất hiện các biểu hiện của ngộ độc cần nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế nhằm kịp thời kiểm soát tình trạng ngộ độc.
Bé trai Hà Nội dập nát bàn tay vì tự chế pháo
Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) vừa tiếp nhận bệnh nhi N.H.C (14 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) bị tai nạn thương tích nặng liên quan đến pháo nổ. Người nhà bệnh nhi kể lại, bé trai mua pháo trên mạng về tự chế dẫn đến tai nạn.
Kết quả chụp X-quang cho thấy bàn tay phải bị gãy nền đốt bàn tay I, gãy nền đốt ngón tay V, gãy đốt 2 và ngón III. Các bác sĩ Khoa Ngoại chấn thương đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu xử lý vết thương cho bệnh nhi. Tổng cộng bé trai phải khâu 15 mũi trên bàn tay.
Dù ca mổ đã thành công nhưng các bác sĩ cho biết bé sẽ phải chịu những di chứng để lại cho bàn tay phải về sau. Đồng thời, bệnh nhi phải trải qua vài cuộc phẫu thuật để tháo phương tiện kết xương, sửa chữa các di chứng khác.
Tuệ Minh (tổng hợp)