Nguy cơ tử vong nếu để nắng gắt chiếu thẳng vào bộ phận này trên cơ thể
Bộ Y tế khuyến cáo cần "hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy" để phòng một số ảnh hưởng tiêu cực của nắng nóng.
Trong công văn gửi sở y tế các địa phương về dự phòng bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Bộ Y tế cảnh báo thời gian tới, nắng nóng có khả năng xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn. Để giúp người dân phòng nguy cơ sức khỏe bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nắng nóng, cơ quan này đưa ra một số khuyến cáo.
Trong đó, Bộ Y tế khuyến cáo "cần hạn chế tối đa diện tích tiếp xúc của ánh nắng lên cơ thể đặc biệt là vùng vai gáy". Nhiều người dân chưa hiểu vì sao cần che chắn vùng vai gáy khỏi ánh nắng trực tiếp.
Bác sĩ chuyên khoa I Lê Nguyễn Hoàng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận 11 (TP.HCM), cho biết vùng gáy được coi là trung tâm điều hòa thân nhiệt, giúp giữ nhiệt độ cơ thể luôn ở mức cân bằng, không thay đổi nhiều theo tác động của môi trường.
Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời gay gắt chiếu vào vùng đầu, gáy, trung tâm này sẽ bị tổn thương, làm rối loạn điều hòa thân nhiệt, cơ thể sẽ không giữ được sự cân bằng đó.
Điều này dễ gây tình trạng cơ thể mất nước cấp, rối loạn các chức năng trong cơ thể, nhất là hệ thần kinh, biểu hiện nặng ngay từ đầu tổn thương thần kinh có thể hồi phục hoặc không hồi phục; thậm chí có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.
Theo bác sĩ Hoàng, ánh nắng mặt trời và sức nóng là hai nguyên nhân vật lý gây ra say nắng, say nóng. Do đó, tai nạn có thể xuất hiện ở ngoài trời, trong hầm lò, nhà máy - xí nghiệp, trong nhà, toa xe, trên ô tô…
Bộ Y tế khuyến cáo người dân sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân phù hợp khi làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính. Mặc quần áo rộng, thoáng mát và thấm mồ hôi. Có thể sử dụng thêm các loại kem chống nắng.
Người dân cũng cần hạn chế đi ra ngoài trời trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10h đến 16h. Khi đi ra ngoài đường nên che kín gáy bằng cách đội mũ rộng vành, mặc áo có cổ cao, sử dụng khăn che mặt rộng có thể vòng ra sau che phủ phần gáy.
Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.
Bạn cần uống ít nhất 1,5-2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Không sử dụng các loại đồ uống có cồn. Cần uống nước đều đặn trong suốt thời gian làm việc. Đặc biệt, cần uống thêm các loại nước có bổ sung thêm muối và khoáng chất như Oresol đối với những người bị mất nhiều mồ hôi trong quá trình làm việc.
Cảnh báo rối loạn nhân cách ở trẻ
Là con lớn trong gia đình, từ nhỏ T.L.L đã có tính cách bướng bỉnh và được bố mẹ rất chiều chuộng. Khoảng 3 năm nay, do áp lực trong học tập, bố mẹ thường hay mâu thuẫn về việc học của con khiến L. luôn cảm thấy căng thẳng, bức bối, khó kiềm chế cảm xúc, dễ nổi nóng, cáu gắt với mọi người.
Lên lớp 9, L. thiếu tập trung, sao nhãng trong học tập nên học lực dần sa sút. L. thường tự gây sự vô cớ với bạn bè trên lớp, cáu gắt, mắng chửi em gái. Người mẹ cho biết gần đây thấy con ăn ngủ thất thường, lấy dao rọc giấy rạch vào cẳng tay tự làm tổn thương bản thân. Các vết rạch ngày càng sâu, tổn thương nhiều hơn. Bất lực khi con quá bướng bỉnh, lì lợm, thậm chí người mẹ đã dùng đủ các biện pháp từ nhẹ nhàng đến "thiết quân luật" nhưng vẫn không có tác dụng. Gần đây, thấy con có nhiều biểu hiện bất thường nên đã đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Trao đổi với bác sĩ, bệnh nhân cho biết luôn có cảm giác lo sợ bản thân mình sẽ bị bỏ rơi, sợ bố mẹ không yêu thương mình như trước, nhiều lúc có cảm giác trống rỗng, bị bỏ rơi nên sống thu mình, ít giao tiếp với người thân, bạn bè. Bệnh nhân cũng cho biết trước đó đã lên mạng lập nhiều nhóm nhằm chia sẻ những tiêu cực và hướng dẫn cách giải tỏa cảm xúc bằng việc tự gây thương tích.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần nhi - vị thành niên - Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán mắc rối loạn nhân cách ranh giới có hành vi tự sát, tự hủy hoại bản thân. Sau 2 tuần điều trị nội trú, cảm xúc ổn định hơn, hợp tác hơn, không có hành vi bất thường. Bác sĩ đã nhận thấy sự lúng túng của bố mẹ trong việc phân biệt bướng bỉnh do sinh lý tuổi vị thành niên với sự bướng bỉnh do bệnh lý.
Đáng chú ý, những trường hợp trẻ ở tuổi "ẩm ương" có những tính cách nổi loạn, tự hủy hoại bản thân như trường hợp bệnh nhân L. đang xảy ra khá nhiều. Đôi khi cha mẹ thiếu để ý đến tâm sinh lý của con mình dẫn đến việc điều trị muộn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của con, thậm chí trẻ tự hủy hoại bản thân mất kiểm soát gây thương tích nặng hay có những hành vi tự tử.
Theo bác sĩ Yến, nếu trẻ bướng bỉnh do sinh lý thì khi qua tuổi nổi loạn trẻ sẽ hết bướng. Tuy nhiên, nếu là vấn đề bệnh lý, tâm lý bướng bỉnh sẽ xuất hiện trong thời gian dài và trẻ sẽ có những hành vi bất thường như tự làm tổn thương chính mình. Mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí bế tắc vì sự lì lợm, ương bướng của con nhưng nhiều cha mẹ chỉ cho rằng đó chỉ là sự "nổi loạn" tuổi dậy thì, không nghĩ đó là tình trạng rối loạn tâm thần.
Bác sĩ Lê Công Thiện, Phó trưởng Bộ môn Tâm thần Trường Đại học Y Hà Nội, cho biết rối loạn nhân cách ranh giới thường gặp ở trẻ vị thành niên nhiều hơn người trưởng thành và dễ nhầm lẫn với trầm cảm bởi người bệnh cũng có những triệu chứng liên quan đến trầm cảm.
Khi bị tình trạng này, người bệnh thường thay đổi hành vi, cảm xúc rất nhanh, có thể đang vui nhưng buồn ngay và ngược lại. Ngoài ra, người bệnh có tính cách bốc đồng, hành vi tự hủy hoại xuất hiện bộc phát, nghĩ đến làm ngay. Trong khi đó, người trầm cảm dù cũng có hành vi tự sát nhưng trước đó họ luôn tìm cách để lý giải sau đó mới xuất hiện hành vi.
Ngoài các yếu tố di truyền, sử dụng thuốc thì môi trường cũng là yếu tố nguy cơ khiến trẻ dễ bị rối loạn nhân cách ranh giới. Điển hình như việc bị ngược đãi trong gia đình, cha mẹ thường xuyên xung đột với nhau hoặc xung đột với con cái. Tất cả những điều này đều âm thầm tác động đến tâm lý trẻ, nhất là trong lứa tuổi vị thành niên có nhiều thay đổi cả về thể chất và tâm lý.
Theo bác sĩ Thiện, rối loạn nhân cách ranh giới thường được phát hiện muộn, dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Nhiều trường hợp đưa đến bệnh viện vì những lý do, triệu chứng khác nhau nhưng khi khai thác sâu mới hướng đến chẩn đoán bị rối loạn nhân cách ranh giới. Do không nhận biết được sớm nên triệu chứng tồn tại âm ỉ, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập cũng như sự hình thành nhân cách, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng của người bệnh khi họ có hành vi tự hủy hoại bản thân.
Các bác sĩ cũng cho biết người bệnh rối loạn nhân cách ranh giới nếu đáp ứng tốt điều trị có thể khỏi bệnh. Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho người mắc chứng rối loạn này là liệu pháp tâm lý. Ngoài ra, thuốc chống loạn thần, trầm cảm, chống lo âu cũng được dùng để giảm một số triệu chứng của bệnh. Ở một số trường hợp, người mắc rối loạn nhân cách ranh giới có thể phải nhập viện để điều trị chuyên sâu, nhằm ngăn họ tự gây thương tích hoặc thực hiện hành vi tự tử. Trong trường hợp này, cha mẹ nên theo dõi con thật sát, chú ý xem trẻ có đang gặp vấn đề gì không, trải qua biến cố như chuyển cấp, chuyển trường, gia đình có biến cố... Sau đó, cha mẹ nên chia sẻ với trẻ, nhận biết mức độ mà con đang gặp phải, nhờ đến sự tư vấn của bác sĩ.
"Chúng tôi khuyến cáo cha mẹ phải là người được tư vấn trước, bởi nhiều cha mẹ sẽ không nhận biết được rõ hoặc làm trầm trọng vấn đề hơn thực tế. Không ít trường hợp chúng tôi phải tư vấn, giải quyết vấn đề tâm lý của cha mẹ trước khi tư vấn cho trẻ", bác sĩ Thiện lưu ý.
WHO cảnh báo các hãng dược phẩm về thành phần của siro ho bị dán nhãn giả
Ngày 15/4, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát cảnh báo đối với các hãng dược phẩm về 5 lô cồn có vị ngọt propylene glycol, một thành phần được sử dụng để bào chế siro y tế bị nhiễm hóa chất độc hại ethylene glycol (EG), đã bị dán nhãn giả mạo là do các chi nhánh của công ty hóa chất Dow Chemical (Mỹ) tại châu Á và châu Âu sản xuất.
Động thái này diễn ra sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm Pakistan (DRAP) đưa ra 3 cảnh báo trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2024 về hàm lượng cao của EG trong những chiếc thùng đựng propylene glycol mà cơ quan này thu giữ và được cho là do các chi nhánh của Dow Chemical ở Thái Lan, Đức và Singapore sản xuất. DRAP đã gửi các thùng propylene glycol này lên WHO để kiểm tra và kết quả là các mẫu cồn trên đã bị nhiễm EG với mức độ từ 0,76-100%, cao hơn so với hàm lượng EG được cho là an toàn theo tiêu chuẩn sản xuất quốc tế (dưới 0,1%).
Siro ho có chứa EG do Ấn Độ và Indonesia bào chế có liên quan tới hơn 300 trường hợp trẻ em tử vong trên toàn cầu kể từ cuối năm 2022. Các loại siro này được phát hiện chứa hàm lượng cao EG và diethylene glycol cũng là một loại hóa chất độc hại, dẫn đến tổn thương thận cấp và tử vong. Trong trường hợp của Indonesia, cơ quan chức năng đã phát hiện ra rằng một nhà cung cấp đã dán nhãn giả của Dow Chemical, chi nhánh ở Thái Lan (Dow Thailand) lên các thùng chứa EG mà họ bán cho một nhà phân phối để sử dụng trong ngành dược phẩm.
Theo WHO, những lô cồn nói trên đã được dán nhãn sản xuất trong năm 2023, vài tháng sau khi tổ chức này phát cảnh báo trên toàn cầu kêu gọi các hãng dược phẩm kiểm tra chất lượng nguồn cung ứng của họ.
Dow Chemical đã xác nhận rằng các lô cồn này không phải do công ty trên sản xuất hoặc cung cấp.
Cảnh báo nêu trên của WHO được đưa ra trong cùng thời gian các cơ quan quản lý dược phẩm ở Tanzania và Rwanda cùng với Nigeria, Kenya và Nam Phi thu hồi các lô siro ho dành cho trẻ em của hãng Johnson & Johnson sau khi Nigeria thông báo phát hiện hàm lượng cao diethylene glycol trong những lô thuốc này.
T.M (tổng hợp)