Tin tức Đời sống 18/3: Người già, trẻ nhỏ ùn ùn nhập viện vì nồm ẩm

Tin tức Đời sống 18/3: Người già, trẻ nhỏ ùn ùn nhập viện vì nồm ẩm

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 2, 18/03/2024 12:10

Cập nhật tin tức đời sống ngày 18/3: Người già, trẻ nhỏ ùn ùn nhập viện vì nồm ẩm; Nội tạng tổn thương vì tai nạn sinh hoạt hy hữu...

Người già, trẻ nhỏ ùn ùn nhập viện vì nồm ẩm

Sáng 18/3, bác sĩ chuyên khoa I Phạm Chiến Thắng, Phó Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, trong 1-2 tuần trở lại đây, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tăng 20-30% so với ngày thường. Trong số bệnh nhân nhập viện, chủ yếu là người già và trẻ nhỏ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như: Viêm phổi, bệnh phổi mãn tính, hen phế quản, giãn phế quản…

“Với tình trạng bệnh nhân tăng, bệnh viện đã tổ chức khám, sàng lọc phân loại. Với những trường hợp nặng buộc phải nhập viện điều trị, còn những trường hợp nhẹ sẽ được bác sĩ hướng dẫn theo dõi, điều trị tại nhà, tránh tình trạng quá tải, lây nhiễm chéo”, bác sĩ Phạm Chiến Thắng nói.

Đơn cử như trường hợp ông N.X.H (70 tuổi, ở huyện Chương Mỹ) bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính từ năm 2007 nên mỗi khi thời tiết thay đổi, ông đều bị khó thở, người nóng rất khó chịu. Đợt này giao mùa, nồm ẩm, các triệu chứng trên của ông càng trầm trọng hơn.

Hay như bé gái 3 tuổi ở quận Hà Đông bị sốt cao, ho nhiều. Sau đó, gia đình đưa bé đến viện khám, được các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, chỉ định nhập viện điều trị.

Lý giải về nguyên nhân khiến các bệnh đường hô hấp gia tăng khi nồm ẩm, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Giang, Phó Trưởng khoa Hô hấp và Bệnh phổi (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết, độ ẩm tăng cao là điều kiện thuận lợi để vi rút, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển. Với những bệnh nhân bệnh phổi mãn tính sức khỏe kém, cộng với yếu tố môi trường như vậy, càng gia tăng nguy cơ bội nhiễm cũng như kích thích các đợt cấp bệnh phổi xuất hiện trở lại.

Đáng chú ý, theo bác sĩ Giang, một số bệnh nhân có diễn biến phức tạp, diễn tiến bệnh nhanh, nặng hơn thời gian trước rất nhiều. Theo đó, buổi sáng, bệnh nhân có thể bình thường nhưng buổi chiều đã xuất hiện các cơn khó thở, nặng, có thể suy hô hấp. Vì vậy, các bác sĩ luôn theo dõi sát sao bệnh nhân, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn.

Tương tự, tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trung bình mỗi ngày, đơn vị này tiếp nhận và khám cho khoảng 2.000 bệnh nhân. Đáng lưu ý, số bệnh nhi đến khám tăng cao, khoảng 150 ca/ngày, trong đó khoảng 30 ca nhập viện. Hầu hết bệnh nhi đến khám và nhập viện đều liên quan đến bệnh về đường hô hấp.

Còn theo tin từ Bệnh viện Hữu nghị, từ sau Tết Nguyên đán, số lượng người bệnh nhập viện tăng khoảng 150% so với trước Tết, trong đó chủ yếu là người cao tuổi.

Các bác sĩ cho biết, khi thời tiết khó chịu, người cao tuổi ăn uống kém ngon miệng, các chứng đầy hơi chướng bụng, khó tiêu hóa cũng dễ “hỏi thăm”, giấc ngủ chập chờn...

Để phòng bệnh trong mùa nồm ẩm, các bác sĩ khuyến cáo, cách tốt nhất là có giải pháp để giữ gìn vệ sinh môi trường sống và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Nên duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, ngủ đúng giờ và đủ giấc; chú ý tập thể dục hằng ngày để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nâng cao đề kháng của cơ thể, giúp chống lại các tác nhân gây bệnh.

Đặc biệt, đối với người già và trẻ nhỏ, cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất, vi chất, vitamin cần thiết. Ăn chín, uống sôi để tránh mắc các bệnh về đường tiêu hóa; hạn chế tối đa việc ăn đồ tái, sống; không ăn thực phẩm ôi thiu, mốc để tránh nhiễm khuẩn…

Bên cạnh đó, khi ra khỏi nhà, nên đeo khẩu trang để phòng bệnh. Mặc đủ quần áo để thích ứng với thời tiết bên ngoài. Luôn mang theo ô hoặc áo mưa khi ra ngoài để cơ thể không bị dính nước mưa nhiễm lạnh.

Nên sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo hoặc bật điều hòa ở chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40-60% là tốt nhất. Quần áo cần được sấy thật khô để tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển. Hạn chế mở cửa để không khí ẩm nồm không thể vào nhà.

Nội tạng tổn thương vì tai nạn sinh hoạt hy hữu

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết bệnh nhân là bé trai H.D.H (trú tại Bình Thuận).

Tai nạn xảy ra khi em phụ cha lùa bò. H. vấp ngã và bị đàn bò (khoảng 20 con) dẫm phải. Người nhà xua đuổi đàn bò rồi nhanh chóng đưa em đến phòng khám ở địa phương. Kết quả chụp CT scan sọ não, siêu âm bụng chưa ghi nhận bất thường.

Về đến nhà, cậu bé bị nôn máu đỏ sẫm một lần. Tại bệnh viện địa phương, kết quả siêu âm ổ bụng ghi nhận em H. bị tràn dịch ổ bụng, tụ máu bao lách, với chẩn đoán chấn thương lách - đa chấn thương - tai nạn sinh hoạt. Bé trai được sơ cứu rồi chuyển lên TP.HCM.

Đời sống - Tin tức Đời sống 18/3: Người già, trẻ nhỏ ùn ùn nhập viện vì nồm ẩm

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), bác sĩ ghi nhận trẻ lừ đừ, có vết xây xát ở ngực, bụng, tay chân, vết bầm hai bên cẳng chân.

Bệnh nhân được chụp CT scan não, ngực, bụng. Kết quả, không ghi nhận tổn thương não, chấn thương dập rách lách độ 4, tụ máu lượng ít ở hạ vị và rãnh đại tràng phải, dập rách phổi rải rác vùng thùy dưới phổi trái, tràn khí tràn máu màng phổi trái, tổn thương đông đặc phế nang vùng lưng phổi, tràn khí trung thất.

Trẻ được hỗ trợ hô hấp, thở oxy, truyền dịch, truyền máu, hội chẩn các chuyên khoa. Các bác sĩ quyết định điều trị bảo tồn, chăm sóc vết thương da phần mềm, chích ngừa uốn ván, theo dõi sát tình trạng tổn thương nội tạng.

Sau 4 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhi cải thiện dần. Em H. tỉnh táo, hồng hào, CT scan não, ngực, bụng và siêu âm ngực bụng không thấy xuất huyết thêm.

Đau đầu như nào thì phải đi khám để điều trị

Bác sĩ Chử Văn Dũng (Khoa Nội – Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, đau đầu là một triệu chứng rất thường gặp, do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 50% người lớn có ít nhất một lần bị đau đầu trong năm.

Đau đầu là hiện tượng đau lan tỏa một vùng bất kỳ ở khu vực đầu – mặt do kích thích các thụ cảm thần kinh đau. Phần lớn cấu trúc nhu mô não và khu vực não thất không nhạy cảm với đau.

Các cấu trúc nhận cảm đau vùng đầu mặt bao gồm: da, tổ chức dưới da; cơ vùng đầu – cổ; động mạch ngoài sọ và màng xương sọ; cấu trúc vi thể mắt, tai, khoang mũi, hàm mặt; các xoang tĩnh mạch màng cứng và các nhánh, khu vực xoang hang; màng cứng nội sọ; các động mạch lớn.

Phần lớn các trường hợp đau đầu thường nhẹ, không nguy hiểm. Tuy nhiên, có một số trường hợp đau đầu là một triệu chứng của các bệnh lý thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Cụ thể, đau đầu có thể do bệnh lý mạch máu não (thiếu máu cục bộ, đột quỵ xuất huyết, viêm mạch, dị dạng mạch, huyết khối xoang tĩnh mạch,…); viêm do nhiễm trùng (viêm màng não, viêm não, áp xe não,..) hoặc không do nhiễm trùng (tự miễn, ung thư, hóa học); chấn thương sọ não; u não và các khối choán chỗ; hội chứng tăng áp lực nội sọ; dị dạng Chiari loại I;…

Hoặc, bệnh lý về mắt, bệnh lý về tai mũi họng, bệnh lý về nha khoa, bệnh động mạch cảnh hoặc đốt sống đoạn ngoài sọ (bóc tách động mạch).

Ngoài ra do cơn tăng huyết áp, sốt cao, thiếu oxy máu, tăng C02 máu, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm virus,… Các nguyên cứu cho thấy, hơn 95% các trường hợp đau đầu là lành tính.

Các trường hợp đau đầu do các bệnh lý nguy chiếm tỷ lệ thấp, tuy nhiên ít người có thể phân biệt được trường hợp nào là nghiêm trọng. Có một số yếu tố cảnh báo nguy hiểm ở nhưng người mắc đau đầu như triệu chứng hoặc dấu hiệu thần kinh (ví dụ: ý thức thay đổi, tê yếu tay chân, song thị, phù gai thị, méo miệng, nói khó, không hiểu lời nói,…), tăng huyết áp nặng, người bệnh suy giảm miễn dịch hoặc ung thư, đau đầu kèm cứng cổ, đau đầu như sét đánh (đau đầu dữ dội và đạt đỉnh trong vòng vài giây).

Người bệnh có thể có tình trạng co giật, thay đổi tính cách, lú lẫn hoặc ngất xỉu, đau đầu tăng khi ho hoặc khi vận động, các triệu chứng toàn thân (ví dụ: sốt, sụt cân,…) như đau đầu ngày càng trầm trọng hoặc cơn đau đầu tính chất khác hẳn trước đây, khởi phát đau đầu sau 50 tuổi.

Nếu đau đầu mà có kèm theo bất kỳ một trong các dấu hiệu cảnh báo trên, người bệnh cần ngay lập tức đến các cơ sở y tế để được bác sỹ đánh giá đầy đủ.

Cũng theo bác sĩ Chử Văn Dũng, hầu hết các trường hợp đau đầu lành tính có thể được chẩn đoán thông qua hỏi bệnh và khám bệnh mà không cần xét nghiệm. Tuy nhiên, một số bệnh lý nghiêm trọng có thể cần phải xét nghiệm khẩn cấp hoặc ngay lập tức (khi có các dấu hiệu cảnh báo).

Cộng hưởng từ sọ não (MRI) cho đánh giá hiệu quả nhất hình ảnh về não bộ, cắt lớp vi tính sọ não cũng có thể sử dụng. Có thể dựng phim mạch máu não (MRA hoặc CTA) để đánh giá về tình trạng mạch khi nghi ngờ.

Ngoài ra, nếu đang nghi ngờ viêm màng não, xuất huyết dưới nhện, viêm não hoặc bất kỳ nguyên nhân nào của viêm màng não nên chọc dịch não tủy và xét nghiệm dịch não tủy.

Các xét nghiệm, thăm dò khác (ví dụ: đo nhãn áp, soi đáy mắt, xét nghiệm máu, nội soi tai mũi họng,…) có thể được thực hiện khi có triệu chứng gợi ý tùy tình huống.

T.M (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.