Cảnh báo 'khung giờ độc' không nên tập thể dục vào mùa lạnh dễ gây đột quỵ
Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định đột quỵ và thời tiết có mối liên quan với nhau. Thời tiết lạnh là mối nguy cơ hàng đầu gây ra đột quỵ, nhất là với nhóm người cao tuổi, người có tiền sử bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, béo phì.
Bác sĩ Minh Đức cho biết, ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15 - 20% vào mùa lạnh. Thực tế tại các bệnh viện có khoảng 60 - 70% các bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nền nhiệt thường lạnh hơn buổi trưa, chiều.
Lý giải điều này, vị bác sĩ cho hay khi trời lạnh, để thích nghi, cơ thể có những phản xạ co mạch máu do tuyến thượng thận tăng tiết catecholamine nhằm giữ nhiệt, tránh mất nước. Chính điều này làm cho huyết áp buổi sáng hay tăng đột ngột dễ gây ra xuất huyết não hoặc nhiệt độ giảm đột ngột cũng làm số lượng hồng cầu, tiểu cầu tăng lên, làm tăng độ nhớt máu, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông gây ra nhồi máu não. Đây là 2 dạng chính của đột quỵ não.
Tập thể dục có lợi cho sức khỏe, giúp máu huyết lưu thông phòng ngừa bệnh tật, kiểm soát cân nặng, giảm stress, tạo sức bền, tạo giấc ngủ ngon, tăng cường sinh lý. Tuy nhiên, chọn bài tập thể dục phải phù hợp với tuổi và bệnh tật đi kèm.
Bác sĩ Đức khuyến cáo, nên chọn khung giờ tập thể dục làm sao cho phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể. Tập thể dục buổi sáng giúp não bộ sản sinh ra endorphin (chất dẫn truyền thần kinh) - có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng, giảm đau.
Trong khi tập thể dục từ 14 - 18h dễ giảm mỡ thừa hơn do cơ bắp, hoạt động enzym được sẵn sàng cho sức bền của cơ thể.
Khung giờ tập thể dục cần chọn lựa tùy theo sức khỏe người tập. Không nên cố gắng dậy thật sớm trong khi đêm qua ngủ muộn và cố gắng tập trong khi trời lạnh có sương nhiều cũng dễ nhiễm bệnh.
Nếu tập thể dục vào buổi sáng thì cần khởi động trước cho các cơ bắp sẵn sàng. Điều quan trọng là nên tập thể dục đều đặn, chọn khung giờ phù hợp không tạo áp lực thức dậy sớm, tránh cơ thể thay đổi nhiệt độ đột ngột, bác sĩ Minh Đức nhắn nhủ
Số người nhập viện do cúm A tăng đột biến
Bác sĩ Đặng Thị Thu Phương, Phó khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết riêng đơn vị này trong ngày 18/1 đã tiếp nhận 42 người nhiễm cúm A điều trị nội trú, với đủ độ tuổi.
Đặc biệt, có nhiều ca bệnh tiến triển nặng, biến chứng, hay gặp nhất là biến chứng ở phổi, viêm cơ.
Các địa phương khác ở khu vực miền Bắc cũng đang có số lượng người mắc cúm A tăng cao từ tháng 12 đến nay. Đặc biệt, ở những khu vực tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, khu công nghiệp… xảy ra các chùm ca bệnh.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trước đó cũng tiếp nhận nhiều người mắc cúm A phải nhập viện điều trị trong tình trạng nặng, thậm chí, có bệnh nhân bị biến chứng trắng phổi, viêm phổi.
Bệnh viện Nhi Trung ương mỗi ngày cũng tiếp nhận trên dưới 100 trẻ đến khám được xét nghiệm ra cúm A.
Bệnh viện Sản Nhi Ninh Bình trong 2 tuần trở lại đây tiếp nhận trung bình 15 trẻ nhỏ mắc cúm A. Đáng chú ý là một số trường hợp nặng, cần nhập viện điều trị.
Thay đổi gene muỗi để loại bỏ sốt rét
Viện nghiên cứu y khoa Burkina Faso (RIHS) do Giáo sư sinh học Abdoulaye Diabate đứng đầu đang phát triển một kỹ thuật mới nhằm quét sạch các loài muỗi truyền bệnh, đặc biệt là sốt rét, bằng cách thay đổi gene của muỗi đực.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt rét là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Burkina Faso, nơi gần như toàn bộ 22 triệu dân, đặc biệt là trẻ em, có nguy cơ mắc bệnh. Dữ liệu gần đây từ văn phòng khu vực châu Phi của WHO cho thấy, bệnh sốt rét đã giết chết gần 19.000 người ở Burkina Faso vào năm 2021. Để đối phó với căn bệnh này, GS. Abdoulaye Diabate cùng các cộng sự đã tạo ra công nghệ chỉnh sửa gene. Thông thường, bệnh sốt rét lây truyền qua vết cắn của muỗi Anopheles cái bị nhiễm bệnh còn muỗi đực thì không, nên chỉnh sửa gene cho muỗi đực là có ý nghĩa. Với công nghệ gene, các loài muỗi cái truyền bệnh sẽ không thể sinh sản sau khi người ta thả những con đực đã được chỉnh sửa gene vô sinh vào môi trường. Từ đó, quần thể muỗi cái sẽ bị suy giảm và việc truyền bệnh sốt rét sẽ dừng lại.
Trước RIHS, có nhiều nơi thử nghiệm công nghệ này như Oxitec của Mỹ nhưng chỉnh sửa gene ở muỗi cái làm cho muỗi cái Aedes aegypti truyền bệnh sốt vàng da, virus sốt xuất huyết và zika chết. Hoặc năm 2016, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế triển khai kỹ thuật sử dụng tia X để khử trùng muỗi đực ở châu Mỹ Latinh và vùng Caribe, nhằm giảm khả năng sinh sản của muỗi cái truyền virus Ebola.
Nghiên cứu của Diabate là một trong những nghiên cứu đầu tiên sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene để nhắm mục tiêu vào muỗi đực và được ứng dụng ngay tại châu Phi, nơi được xem là "rốn sốt rét".
T.M (tổng hợp)