Bệnh nhi tháng 2 tuổi nguy kịch vì hội chứng rung lắc
Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi tháng 2 tuổi có dấu hiệu tím môi, co giật, tăng áp lực nội sọ, nguy cơ tử vong cao do hội chứng rung lắc.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi được gia đình đưa vào viện trong tình trạng tăng trương lực cơ liên tục, tím môi, thóp trước căng phồng, co giật, có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ, nguy cơ tử vong cao.
Gia đình cho biết trước đó, trẻ không bị té ngã, chấn thương, chưa co giật lần nào. Sau thăm khám lâm sàng và siêu âm thóp, các bác sĩ nghi ngờ trẻ tổn thương thần kinh. Để xác định chính xác tổn thương, bệnh nhi được tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não, soi đáy mắt, kết quả trẻ tụ máu dưới nhện lều tiểu não hai bên và liềm đại não, phù não lan tỏa các bán cầu não 2 bên, kèm xuất huyết võng mạc, phù gai thị, nghi do Hội chứng rung lắc.
Sau khi được xử trí ban đầu tại Khoa Cấp cứu và Chống độc, trẻ được chuyển đến điều trị tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa.
Sau 7 ngày điều trị, trẻ cai được máy thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định. Tuy nhiên, trẻ vẫn còn di chứng tăng trương lực cơ, giảm ý thức, nguy cơ cao sẽ để lại di chứng thần kinh lâu dài, gây ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển não bộ, tương tác xã hội cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ sau này.
ThS.BS Ngô Tiến Đông, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Đây là một chấn thương não nghiêm trọng xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc mạnh. Hội chứng này xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, đặc biệt trong giai đoạn từ 2-4 tháng tuổi, bởi đó là thời điểm trẻ có xu hướng quấy khóc thường xuyên và kéo dài. Tuy nhiên, trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng.
Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trọng lượng đầu chiếm khoảng 10 - 15% trọng lượng cơ thể. Ở độ tuổi này, trẻ có cơ cổ rất yếu không đủ sức nâng đỡ đầu vốn có kích thước tương đối lớn, não bộ chưa phát triển nhiều, nằm "trôi nổi" trong môi trường dịch não tủy bao bọc xung quanh. Rung lắc mạnh, gây ra sự tăng - giảm tốc nhanh chóng của não, tác động va đập vào bề mặt cứng bên trong hộp sọ, làm tổn thương não và các mạch máu não, phù não và tăng áp lực nội sọ.
"Hội chứng rung lắc khó có 1 con số thống kê tỷ lệ chính xác. Trên cộng đồng, tôi lo lắng rằng vẫn còn nhiều trường hợp khác trẻ bị tổn thương do Hội chứng rung lắc mà chúng ta bỏ sót. Có nhiều trẻ chỉ biểu hiện quấy khóc, li bì 1-2 ngày rồi vẫn ăn ngủ bình thường, gia đình sẽ bỏ qua giai đoạn đó. Sau này lớn lên, trẻ mới dần có biểu hiện của bại não, thị lực kém, chậm phát triển, lúc đó rất khó biết được căn nguyên và cũng rất muộn để có thể can thiệp, điều trị được", BS Đông cho biết thêm.
Các biểu hiện của hội chứng này rất đa dạng và thường khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Thời gian khởi phát có thể là ngay sau khi rung lắc hoặc sau một khoảng thời gian: trẻ quấy khóc, nôn nhiều, bú kém, nhịp thở bất thường, lì bì, co giật, hoặc hôn mê. Trong một số trường hợp Hội chứng rung lắc nhẹ, trẻ có thể không biểu hiện triệu chứng ngay, nhưng một thời gian sau có thể gặp phải những vấn đề liên quan đến chậm phát triển tinh thần vận động.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Nhi khoa, các bậc phụ huynh phải ghi nhớ rằng tuyệt đối không thực hiện những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột như: Rung lắc nôi đối với trẻ nhỏ; bế thốc ngược; xốc vác trẻ gấp gáp; tung hứng trẻ khi nô đùa; tát, đánh vào tai, vào đầu, vào mặt trẻ.
Theo thống kê của Trung tâm quốc gia về Hội chứng rung lắc trẻ em tại Mỹ ước tính, ở Mỹ có 1.000-1.300 trường hợp được ghi nhận mỗi năm. Trong các trường hợp ghi nhận được, ¼ số trẻ tử vong, 80% trẻ sống sót bị tổn thương vĩnh viễn như bại não, liệt, mất thị lực, thiểu năng trí tuệ, động kinh.
Sút cân, đau âm ỉ thượng vị cần lưu ý ung thư dạ dày giai đoạn sớm
6 tháng trước, bà L.H. (66 tuổi, Vĩnh Phúc) đau âm ỉ vùng mạn sườn trái và thượng vị, có lúc đau quanh rốn, đau cả khi đói và sau khi ăn. Bà thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, gầy sụt khoảng 3kg nên đã lần lượt đi khám, nội soi dạ dày tại 3 bệnh viện gần nhà và 1 bệnh viện lớn tại Hà Nội.
Các bệnh viện đều chẩn đoán bà bị viêm dạ dày, sẹo loét hành tá tràng. Sau nhiều đợt điều trị các loại thuốc viêm loét dạ dày nhưng không cải thiện triệu chứng, ngày 18/3, bà đến khám tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai), Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho biết, trên hình ảnh nội soi dạ dày thấy tổn thương loét sùi tại tâm vị (kích thước 5 cm) kèm viêm teo niêm mạc dạ dày.
Tổn thương thâm nhiễm lan xuống phần thân vị, bề mặt mủn, chạm vào dễ chảy máu. Trên hình ảnh phóng đại bằng ánh sáng dải tần hẹp trong quá trình nội soi thấy mạch máu giãn, vài vị trí vô mạch. Kết quả sinh thiết phát hiện bà H. mắc ung thư biểu mô tuyến kém biệt hóa (bệnh lý ác tính).
Ở tuổi còn trẻ, chị N.T.L. (32 tuổi) cũng có triệu chứng đau dạ dày theo từng đợt gần 1 năm nay. Mỗi đợt chị thường bị quặn bụng, chướng bụng, ợ chua, chán ăn, mệt mỏi. Chị nghĩ do đau dạ dày thông thường nên tự mua thuốc về uống.
Dù đã đến các phòng khám nội soi nhưng bác sĩ chỉ chẩn đoán mắc viêm loét kèm H.P dạ dày. Tình trạng đau tăng dần, uống thuốc không cải thiện, sụt 5kg, chị đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội thăm khám. Kết quả nội soi dạ dày tại khoa Tiêu hóa cho thấy, chị bị ung thư dạ dày giai đoạn muộn.
Với 2 trường hợp này, các bác sĩ sẽ phối hợp liên khoa tiêu hóa và ngoại khoa giúp người bệnh được đánh giá giai đoạn, xem xét khả năng phẫu thuật cắt dạ dày qua nội soi ổ bụng. Tùy từng giai đoạn để cân nhắc việc điều trị hóa chất, thuốc đích hay miễn dịch nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót, giảm tối đa nguy cơ tiến triển bệnh.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh cho biết, ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày không có triệu chứng. Người bệnh thường phát hiện tình cờ do nội soi sàng lọc ở độ tuổi trên 40 hoặc nội soi dạ dày vì các lý do khác. Khi ung thư dạ dày có triệu chứng, bệnh thường đã ở giai đoạn tiến triển không còn sớm. Nội soi được xem là tiêu chuẩn vàng giúp tầm soát ung thư dạ dày giai đoạn sớm, phát hiện loét dạ dày tá tràng.
Tại Việt Nam, chỉ dưới 5% ung thư dạ dày được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Nếu người bệnh nội soi dạ dày trong vòng 2-3 năm nhưng thời điểm soi hiện tại bị ung thư dạ dày tiến triển, tình trạng này được coi là bỏ sót bệnh.
Theo thống kê tỷ lệ ung thư dạ dày tiến triển bị bỏ sót trên nội soi từ 5-10 % số trường hợp. Theo tiến sĩ Khanh, những nguyên nhân bỏ sót ung thư dạ dày trên nội soi thường do thời gian nội soi dạ dày quá ngắn (đây là lý do hay gặp nước nước ta, vì số lượng bệnh nhân quá đông bác sĩ soi rất nhanh hoặc bệnh nhân nội soi không gây mê nên nôn ọe nhiều, bác sĩ không thể kéo dài thời gian nội soi); chuẩn bị trước nội soi không tốt (còn thức ăn trong dạ dày, không dùng dung dịch tan bọt và nhầy); bác sĩ không được đào tạo chuẩn mực; chất lượng của máy nội soi dạ dày…
Tiến sĩ Khanh nhấn mạnh, để tránh tối đa khả năng bỏ sót chẩn đoán ung thư dạ dày trên nội soi, tất cả nội soi được thực hiện theo quy trình: người bệnh nhịn ăn trước đó 6-8 giờ hoặc nhịn ăn qua đêm, được uống thuốc tan bọt và nhầy trước khi nội soi 15-20 phút, bác sĩ nội soi tiến hành quan sát, chụp ảnh và ghi hình lại tất cả các vị trí theo quy định, các bác sĩ nội soi được chuẩn hóa về nội soi phát hiện tầm soát ung thư sớm.
Theo chuyên gia tiêu hóa này, ung thư dạ dày là bệnh phổ biến, có nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe và tỷ lệ tử vong cao.
Mọi người dự phòng để giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, giữ cân nặng phù hợp, tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư đường tiêu hóa bằng nội soi, nhất là ở những người có nguy cơ cao như béo phì, tiền sử gia đình có bố mẹ hoặc anh em ruột mắc ung thư dạ dày, trên 40 tuổi dù không có triệu chứng dạ dày, nhiễm khuẩn H.P dạ dày, thường xuyên hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia…
"Phát hiện sớm giúp điều trị khỏi, nâng cao chất lượng sống, giảm chi phí điều trị", bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Công bố kết quả xét nghiệm vụ ngộ độc cơm gà ở Khánh Hòa
Sáng 19/3, Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa nhận kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang từ mẫu thực phẩm, bệnh phẩm, nước và bàn tay của quán cơm gà Trâm Anh.
Kết quả trong mẫu hành phi lấy tại quán phát hiện vi khuẩn Salmonella spp (1,1 x 102 MPN/g); trong mẫu rau dưa chua phát hiện vi khuẩn Bacillus cereus (2,3x101 CFU/g) và vi khuẩn Escherichia coli (9,0x101 CFU/100ml).
Mẫu bàn tay của nhân viên quán dương tính với vi khuẩn Staphylococcus aureus; trong mẫu nước máy tại vòi khu vực chế biến phát hiện vi khuẩn Escherichia coli (3,2x101 CFU/100ml) và vi khuẩn Coliform (7,6x101 CFU/100ml).
Mẫu nước giếng lấy tại thùng chứa nước giếng dùng để rửa dụng cụ phát hiện vi khuẩn Escherichia coli (9,6x101 CFU/100ml), vi khuẩn Coliform (1,2x104 CFU/100ml) và vi khuẩn Pseudomonas aeruginosa (2,8x102 CFU/100ml).
Theo Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, kết hợp thông tin điều tra dịch tễ, triệu chứng lâm sàng, kết quả kiểm nghiệm mẫu bệnh phẩm, mẫu thực phẩm, xác định đây là vụ thực phẩm do vi sinh vật.
Trước diễn biến ngộ độc sau ăn cơm gà, chủ cơ sở Trâm Anh công bố 2 số điện thoại để khách hàng liên hệ. Đồng thời gửi lời xin lỗi, nhận trách nhiệm về vụ ngộ độc và chi hơn 500 triệu đồng để lo viện phí cho người bệnh.
Từ ngày 11/3 đến nay, ghi nhận 367 người có triệu chứng nôn ói, tiêu chảy nhiều lần, sốt, đau bụng và các biểu hiện ngộ độc sau khi ăn cơm gà Trâm Anh. Hiện còn 75 người đang nằm điều trị tại các bệnh viện, trung tâm và cơ sở y tế và sức khỏe dần ổn định.
T.M (tổng hợp)