Lý do giật mình khiến gan nhiễm mỡ, xơ gan dù không nhậu
Gan nhiễm mỡ, xơ gan và các bệnh gan nặng khác thường được liên kết với việc lạm dụng rượu, song không chỉ có vậy.
Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí y học The American Journal of Clinical Nutrion tháng 1-2024 cảnh báo một số món ăn mà nhiều người vẫn sử dụng hằng ngày cũng có thể phá hoại lá gan theo cách không ngờ đến.
Nhóm tác giả đến từ Trường Y tế công cộng Arnold thuộc Đại học Nam Carolina, Trường Y khoa Havard và Trường Y tế công cộng Havard TH Chan (Mỹ) đã phân tích dữ liệu của gần 174.000 người từ 40-69 tuổi, thu thập bởi ngân hàng sinh học Biobank của Anh.
Sau thời gian theo dõi trung bình 8,9 năm, có 1.108 người đã bị gan nhiễm mỡ, 350 người bị xơ gan, 134 trường hợp ung thư gan và 550 trường hợp mắc các bệnh gan khác.
Nhóm tình nguyện viên được chia làm 4 nhóm, phân tích nhiều yếu tố. BMI trung bình của từng nhóm tương tự nhau, tiêu thụ mỗi ngày trên dưới 2.000 calo như nhau, hoạt động thể chất cũng tương đương.
Khác biệt lớn nhất giữa 4 nhóm là mức tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến được điều chỉnh theo năng lượng trung bình ở nhóm thứ nhất chỉ là 209 g/ngày
Nhóm thứ hai tiêu thụ 353 g/ngày, nhóm thứ ba 508 g/ngày, nhóm thứ tư 818 g/ngày.
Kết quả cho thấy tỉ lệ ăn UPF trong thực đơn hằng ngày càng cao, nguy cơ gan nhiễm mỡ và bệnh gan nặng càng tăng; không nhận thấy tác động đáng kể đến bệnh ung thư gan.
So với nhóm thứ nhất, nhóm thứ tư tăng 43% nguy cơ gan nhiễm mỡ, 18% nguy cơ xơ gan và 50% nguy cơ mắc bệnh gan nặng.
UPF cũng gây ra sự khác biệt trong các dấu ấn sinh học lâm sàng. Những người ăn nhiều UPF nhất có men gan cao hơn 26% so với nhóm 1, triglyceride (chất béo trung tính) cao hơn 15%, trong khi cholesterol "tốt" HDL lại thấp.
Ngoài ra, UPF có chất lượng dinh dưỡng kém hơn do thường vắng mặt nhiều vi chất quan trọng; mật độ năng lượng, đường bổ sung, muối, phụ gia lại cao. UPF cũng gây viêm cao, làm trầm trọng thêm quá trình viêm trong tiến triển của bệnh gan.
UPF cũng từng được chứng minh là dễ gây béo phì và phá hoại hệ thống chuyển hóa nói chung.
Theo BBC Good Food, các loại UPF phổ biến có thể kể đến gồm: nước ngọt, nước tăng lực; đồ ăn nhẹ đóng gói (kem, bánh kẹo, khoai tây chiên...); bánh mì, bánh ngọt hay bánh quy sản xuất công nghiệp; bơ phết lên bánh; nước trái cây đóng hộp; thịt chế biến (xúc xích, lạp xưởng, jambon...), sản phẩm giả thịt chế biến sẵn cho người ăn chay, mì gói...
Hiểm họa từ thuốc “xách tay”
Mới đây, người phụ nữ 64 tuổi ở Phú Thọ nhập viện sau 3 ngày uống thuốc giảm đau được mua ở nước ngoài, không có tem phụ. Người bệnh có tiền sử tăng huyết áp và chấn thương sọ não cũ do tai nạn giao thông, không có di chứng. Trước khi vào viện 5 ngày, người bệnh bị đau tay nên đã tự uống 1 loại thuốc giảm đau mua ở nước ngoài (bệnh nhân thấy chồng uống thuốc này đỡ đau nên đã tự uống), mỗi ngày uống 4 viên chia 2 lần.
Sau uống thuốc, bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau bụng, ợ chua, ợ hơi và mệt mỏi. Sau 5 ngày tự theo dõi ở nhà nhưng không đỡ, người bệnh đã đến bệnh viện tỉnh khám. Lúc vào viện, người bệnh tỉnh, đau bụng thượng vị, mệt nhiều, hoa mắt, chóng mặt...
Sau khi có kết quả nội soi tiêu hóa, người bệnh được chẩn đoán: Xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng do loét dạ dày, loét hành tá tràng. Sau đó, bệnh nhân được điều trị thở ô xy, truyền dịch, truyền máu, giảm tiết niêm mạc dạ dày.
Qua 6 ngày điều trị, người bệnh hết đau bụng, không còn hoa mắt, chóng mặt, các chỉ số xét nghiệm máu trở về bình thường. Người bệnh được ra viện, tiếp tục dùng thuốc tại nhà theo đơn của bác sĩ và được tư vấn chế độ sinh hoạt sau điều trị xuất huyết tiêu hóa.
BS Bùi Mạnh Cường - Trưởng khoa Nội hô hấp - Tiêu hóa (Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) cho biết, xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày, hành tá tràng là tình trạng máu chảy từ lòng mạch vào trong ống tiêu hóa, người bệnh có biểu hiện nôn ra máu... Tình trạng này rất nguy hiểm nếu không phát hiện sớm.
Nhiều bệnh nhân chỉ có biểu hiện mệt mỏi nên chủ quan không đến bệnh viện thăm khám, đến khi chóng mặt, hoa mắt, ngất mới đến bệnh viện, thậm chí có nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng sốc mất máu ảnh hưởng tới tính mạng. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ tử vong của bệnh lý này 10 - 20%. Vì vậy, cần phải chẩn đoán càng sớm càng tốt, để có biện pháp xử trí, cấp cứu kịp thời.
Theo BS Cường, nhiều loại thuốc xương khớp của nước ngoài mà người dân hay mua trong thành phần có các hoạt chất chống viêm giảm đau không steorid, ngoài tác dụng chống viêm, giảm đau sẽ ảnh hưởng tới dạ dày gây ra viêm loét thậm chí có thể biến chứng xuất huyết tiêu hóa. Do đó, người dân khi thấy có những triệu chứng bệnh, bị đau, ốm, mệt mỏi… thì nên đến bệnh viện khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc điều trị bệnh để tránh tiền mất, tật mang.
Đáng lưu ý, Bệnh viện Bạch Mai hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc hóa chất do tiếp xúc qua da hoặc đường uống. BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những ca ngộ độc này chủ yếu là hóa chất có nguồn gốc nước ngoài, bên ngoài không có tiếng Việt mà hầu hết là tiếng nước ngoài. “Thậm chí khi dịch ra tiếng Việt, các bác sĩ vẫn không rõ bên trong hóa chất này chính xác chứa chất gì để có phác đồ điều trị phù hợp nhất” - BS Nguyên cho hay.
Theo BS Nguyên, hiện nay nhiều người lựa chọn các loại hóa chất gia dụng là hàng “xách tay” hoặc trôi nổi, sản phẩm không có thành phần, khuyến cáo hoặc chỉ có tiếng nước ngoài. Nhiều người sử dụng nhầm dẫn tới ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vết loét nhỏ trên da cảnh báo căn bệnh nguy hiểm
Bệnh sốt mò do loại vi khuẩn có tên Orientalis tsutsugamushi, thuộc họ Rickettsia, trung gian truyền bệnh là ấu trùng bọ ve mò.
Nếu không phát hiện kịp thời và có hướng điều trị đúng, bệnh có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, khiến bệnh nhân mắc viêm cơ tim, suy đa tạng, thậm chí là tử vong.
Theo TS.BS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện truyền nhiễm, Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, sốt mò có những biểu hiện sau:
- Sốt cao đột ngột, liên tục, kéo dài, kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi người.
- Da xung huyết, kết mạc mắt xung huyết, có thể phù nhẹ dưới da vùng mặt và mu chân.
- Ngoài da xuất hiện vết loét hình bầu dục, kích thước từ 0,5-2 cm, có vẩy đen hoặc đã bong vẩy tạo thành vết loét có gờ, đáy hồng, không tiết dịch hoặc rỉ ít dịch... Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh. Người bệnh có vết này thường không đau, không ngứa ở những vùng da mềm như nách, ngực, cổ…
- Vào khoảng cuối tuần thứ nhất của bệnh, người bệnh còn xuất hiện vết ban ngoài da toàn thân, có dạng dát sẩn. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể gặp ban xuất huyết.
- Sưng hạch lympho tại chỗ vết loét hoặc toàn thân, hạch mềm, đau.
- Gan to, lách to, một số trường hợp có thể có vàng da.
Người bệnh sốt mò cũng thường có các biểu hiện tổn thương phổi như ho. Một số trường hợp sốt mò nặng có thể có hiện tượng khó thở, suy hô hấp cấp, huyết áp tụt; nhiều trường hợp biến chứng viêm cơ tim.
Theo TS Mạnh, phòng bệnh hiệu quả là không để ấu trùng mò cắn đốt lên cơ thể.
Mọi người có thể phát quang bụi rậm, diệt ổ dịch, bôi thuốc diệt côn trùng, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, giặt quần áo sau một lần sử dụng để hạn chế nơi trú ẩn của ấu trùng mò.
Ngoài ra, nếu sống trong những khu vực gần nhiều lùm cây, sông, suối, người dân cũng nên phun thuốc diệt côn trùng, vệ sinh sạch sẽ.
Đặc biệt, người bệnh không được tự ý điều trị bệnh tại nhà, không chủ quan. Những ai nghi ngờ mình mắc bệnh qua những triệu chứng trên nên đến ngay cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe.
T.M (tổng hợp)