Bác sĩ khuyến cáo nên mổ lác trước 7 tuổi
Chị Hoài Thu (35 tuổi, Thái Nguyên) đang phân vân có nên cho con gái 10 tuổi đi mổ lác. Chị chia sẻ, con gái bị mắt lác từ nhỏ. Ngày trước chị đã từng đưa con đi khám và tập vật lý trị liệu nhưng mãi không khỏi. Tìm hiểu trên mạng, chị mới biết lác có thể phẫu thuật nhưng lại sợ con còn nhỏ. Thời gian gần đây, thấy con thường xuyên bị các bạn trêu chọc chị Thu mới quyết tâm đưa con đến Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 để được tư vấn.
Bác sĩ Lưu Thị Thiều Hoa, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết: Tuỳ theo tình trạng và nguyên nhân gây lác mắt, người bệnh có thể được chỉ định áp dụng một hoặc phối hợp nhiều cách điều trị khác nhau như đeo kính, tập luyện, tiêm thuốc botulinum toxin hoặc phẫu thuật. Phẫu thuật mổ lác được chỉ định khi các phương pháp trên không đạt hiệu quả.
Phẫu thuật chỉnh lác nhằm mục đích điều chỉnh các cơ vận nhãn, đưa hai mắt về thẳng trục, duy trì chức năng thị giác hai mắt và thẩm mỹ cho người bệnh. Phẫu thuật càng sớm khả năng hồi phục và tăng cường thị lực ở cả hai mắt càng cao.
Phẫu thuật lác có thể được thực hiện sớm nhất với trẻ dưới 1 tuổi, đạt hiệu quả cả về chức năng thẩm mỹ và chức năng thị giác hai mắt với trẻ dưới 7 tuổi. Từ 7 tuổi trở lên, việc phẫu thuật mổ lác chủ yếu chỉ đạt hiệu quả cao ở tính thẩm mỹ.
Để mang lại hiệu quả tốt, cha mẹ nên cho trẻ khám chuyên sâu tại các cơ sở y tế chuyên nhãn khoa với hệ thống máy móc hiện đại cùng các phương tiện gây mê hồi sức đảm bảo.
Hà Nội phát hiện thêm tuýp vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết
Ngày 20/11, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 10 đến 17-11), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 2.476 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (giảm 54 ca so với tuần trước đó).
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần qua, trong đó đứng đầu là Thanh Oai với 209 ca, tiếp đến là Hà Đông (206 ca), Đống Đa (199 ca), Hoàng Mai (170 ca), Thường Tín (145 ca), Thanh Trì (133 ca), Phú Xuyên (120 ca), Chương Mỹ (110 ca).
Ngoài ra, trong tuần qua ghi nhận 69 ổ dịch tại 18 quận, huyện, thị xã, giảm 10 ổ dịch so với tuần trước đó. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều ổ dịch như: Đống Đa có 8 ổ dịch; Thường Tín, Thanh Oai, Đông Anh, Hai Bà Trưng - mỗi nơi có 7 ổ dịch; Hà Đông (6 ổ dịch); Thanh Trì (5 ổ dịch)… Như vậy, tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay là 1.826, hiện còn 159 ổ dịch đang hoạt động tại 25 quận, huyện, thị xã.
Đáng lưu ý, ngoài 2 tuýp vi rút Dengue lưu hành chủ yếu là D1 và D2, kết quả giám sát mới đây cho thấy, Hà Nội ghi nhận thêm tuýp D3 gây bệnh sốt xuất huyết.
Cụ thể, theo CDC Hà Nội, kết quả giám sát tuýp vi rút Dengue lưu hành năm 2023 có 14 mẫu dương tính với D1, 17 mẫu dương tính D2, 1 mẫu dương tính D3.
Theo các chuyên gia y tế, ở nước ta, hiện có 4 tuýp vi rút Dengue gây bệnh sốt xuất huyết được ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Do đó, một người có thể mắc đến 4 lần sốt xuất huyết trong đời và lần 2 thường nặng hơn lần đầu.
Bệnh nhân 38 tuổi mắc viêm não Nhật Bản đang hôn mê sâu
Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhân mắc bệnh viêm não Nhật Bản.
Bệnh nhân là T.X.H (mam, 38 tuổi, trú tại xã Ea Riêng, huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk). Theo người nhà bệnh nhân, ngày 27/10, ở nhà bệnh nhân có triệu chứng sốt, người mệt, có mua thuốc uống nhưng không đỡ.
Đến ngày 30/10, bệnh nhân được người nhà đưa đi khám và điều trị tại BVĐK vùng Tây Nguyên.
Ngày 01/11, bệnh nhân được chuyển đến BV Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.
Ngày 16/11, bệnh nhân được chuyển từ BV Chợ Rẫy về BVĐK vùng Tây Nguyên tiếp tục điều trị với chẩn đoán viêm não Nhật Bản.
Hiện tại bệnh nhân hôn mê, thở máy, đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
T.M (tổng hợp)