Cảnh báo bệnh viêm phổi cộng đồng có xu hướng gia tăng
Ngày 19/12, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết nơi này liên tục tiếp nhận các các bệnh viêm phổi mắc phải ở cộng đồng.
Đáng lưu lý, có nhiều người bệnh còn trẻ tuổi, không có bệnh nền nhưng mức độ tổn thương phổi khá nặng nề.
Được biết, theo thống kê từ khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, trung bình mỗi tháng khoa tiếp nhận từ 10 – 15 ca bệnh mắc viêm phổi cộng đồng. Riêng trong tháng 11 và đầu tháng 12, số ca bệnh có xu hướng tăng đột biến cả về số lượng và mức độ.
Mới đây nhất là trường hợp người bệnh nữ 34 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, không mắc bệnh lý mạn tính, vào viện vì ho khạc đờm, sốt, khó thở. Người bệnh tự dùng kháng sinh đường uống tại nhà nhưng tình trạng không cải thiện.
Xét nghiệm cho thấy chỉ số viêm tăng cao, phim chụp ngực ghi nhận thâm nhiễm viêm cả hai phổi. Người bệnh được điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch tích cực, xét nghiệm loại trừ các nguyên nhân khác (lao, u phổi,…). Bệnh cải thiện, sức khỏe người bệnh ổn định và ra viện sau 10 ngày điều trị.
Theo các chuyên gia, viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở các phế nang, tiểu phế quản, phế quản tận,… Viêm phổi xảy ra ở ngoài cộng đồng dân cư được gọi là viêm phổi cộng đồng. Khi bị viêm phổi, trong các phế nang của người bệnh chứa đầy dịch viêm xuất tiết, gây ra các triệu chứng lâm sàng và biến đổi trên phim chụp ngực.
Viêm phổi có thể do nhiều tác nhân gây ra như vi khuẩn, virus, nấm, do thuốc.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khuyến cáo, viêm phổi cộng động có thể xảy ra ở mọi người, kể cả người khỏe mạnh, không có bệnh nền. Do vậy, trước tình trạng bệnh có xu hướng gia tăng như hiện nay, người dân cần tiêm vaccine phế cầu phòng ngừa viêm phổi, tiêm vaccine phòng cúm, đặc biệt người cao tuổi có bệnh lý mạn tính như COPD, suy tim mạn…
Bên cạnh đó, thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ, tập luyện thể dục thể thao. Rửa tay thường xuyên và đúng cách, che miệng và mũi bằng khẩu trang để ngăn ngừa nguồn bệnh, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, tránh dùng chung đồ cá nhân, tránh tiếp xúc với những người mắc/nghi mắc bệnh.
Giữ ấm cơ thể, nếu bị cảm lạnh cần chú ý điều trị khỏi, tránh để chuyển thành viêm phổi.
Không hút thuốc, tránh môi trường có khói thuốc.
Bác sĩ chỉ ra những nguyên nhân khiến người trẻ bị đột quỵ ngày càng gia tăng
TS. Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim, Bệnh viện FV cho biết, bệnh viện hầu như tuần nào cũng tiếp nhận cấp cứu trường hợp người trẻ bị đột quỵ. Đáng lo ngại, số người trẻ bị đột quỵ cũng tăng dần theo từng năm. Điều này cho thấy, người trẻ thường khá chủ quan với sức khỏe của bản thân và có xu hướng coi đột quỵ là bệnh của người lớn tuổi, do vậy không ít trường hợp được đưa đến bệnh viện khi các triệu chứng trở nặng.
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân nữ 35 tuổi, được người nhà đưa tới trong tình trạng mệt mỏi, tê tay và nửa mặt không cử động được. Nhận thấy đây là triệu chứng điển hình của một cơn đột quỵ, các bác sĩ chuyên khoa Tim nhanh chóng tiến hành chụp phim não cho bệnh nhân. Kết quả cho thấy, não bệnh nhân bị tổn thương do nhồi máu não cấp tính. Nguyên nhân gây ra đột quỵ ở nữ bệnh nhân này xuất phát từ lỗ bầu dục, đây là một lỗ nằm giữa hai tâm nhĩ của tim, cục máu đông đã đi qua lỗ thông này lên não.
“Mọi trẻ em sinh ra đều có lỗ bầu dục và lỗ này sẽ đóng lại trong khoảng từ 6 tháng đến một năm sau sinh. Tuy vậy, khoảng 20% người trưởng thành vẫn còn lỗ hình bầu dục ở tim, đây là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Những ai bị đột quỵ do nguyên nhân này cần phải xử lý để tránh tái phát, đặc biệt là ở bệnh nhân trẻ”, bác sĩ Tuấn giải thích thêm.
Theo bác sĩ Hồ Minh Tuấn, trong thực tế, tỷ lệ người bị tái đột quỵ cao gấp 5 lần so với người chưa từng bị trước đó và lần thứ 2 bị đột quỵ sẽ nặng hơn. Để phòng ngừa tái đột quỵ, quan trọng nhất là phải tìm ra nguyên nhân gây đột quỵ. Do đó, bên cạnh liên tục cập nhật các kỹ thuật điều trị tăng cơ hội hồi phục cho bệnh nhân, thời gian qua Bệnh viện FV còn chú trọng đến việc tìm ra nguyên nhân gây đột quỵ để phòng ngừa các nguyên nhân thứ phát, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau điều trị.
Qua ghi nhận, nguyên nhân bị đột quỵ ở người trẻ có nhiều điểm khác so với người lớn tuổi. Thống kê cho thấy, khoảng 20 - 30% các nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ đến từ tim. Cụ thể, cục máu đông hình thành trong buồng tim hoặc khối tĩnh mạch dưới chân chạy qua lỗ thông ở tim rồi lên não. Một số người bị bệnh về đông máu, tăng đông tạo huyết khối ở tĩnh mạch não, gây ra đột quỵ.
Riêng ở nữ giới, có những người bị đột quỵ do dùng thuốc ngừa thai chứa estrogen cao trong một thời gian dài. Bệnh nhân đột quỵ trẻ nhất mà Bệnh viện FV từng điều trị là một phụ nữ 22 tuổi. Bệnh nhân này sử dụng thuốc ngừa thai trong một thời gian dài, cộng với việc dùng thuốc kháng viêm. Chính sự ảnh hưởng của hai loại thuốc đã gây ra chứng đột quỵ.
Bên cạnh đó, lối sống ít vận động, tiền sử gia đình có người đột quỵ, bị mắc bệnh tim mạch cũng góp phần gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ.
“Khả năng hồi phục cho người bị đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào việc điều trị sớm. Thời gian “vàng” để làm tan cục máu đông chỉ có thể trong vòng từ 4 đến 6 giờ, nếu chậm hơn, tuần hoàn máu không lưu thông có thể dẫn đến vùng não đó bị hoại tử. Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng như mắt mờ, chỉ nhìn thấy rõ một bên; giọng nói bị đớ, nói không ra tiếng; mặt bị lệch sang một bên; mất thăng bằng, đi không vững, bị ngã … bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt”, bác sĩ Hồ Minh Tuấn nhấn mạnh.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, khi phát hiện ra bị bệnh đột quỵ, người nhà bệnh nhân không sử dụng các thủ thuật dân gian như chích vào đầu ngón tay. Nếu tập trung quá nhiều vào thủ thuật dân gian có thể làm chậm trễ thời gian “vàng” điều trị cho bệnh nhân.
Bệnh nhân đột quỵ tăng vào mùa Đông
Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước đã khẳng định, đột quỵ có mối liên quan mật thiết với thời tiết.
Các nghiên cứu tại Pháp cho thấy, đỉnh cao của đột quỵ tại nước này rơi vào các tháng Hai và tháng Tư – thời điểm trời lạnh nhất trong năm. Các nghiên cứu từ các quốc gia như Phần Lan, Australia, Mỹ, Đức, Đài Loan, Trung Quốc và Iran đều báo cáo rằng đột quỵ xảy ra thường xuyên hơn trong những tháng lạnh.
Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15 - 20% vào mùa Đông. Cụ thể, ở miền Bắc thường gặp các ca nhồi máu não vào tháng 11, 12, 1; Miền Trung hay gặp nhồi máu não vào tháng 10, xuất huyết não thường tháng 12.
Tại miền Nam, giai đoạn tháng 11, 12, và tháng 1 xảy ra đột quỵ não nhiều như phía Bắc. Trong 3 tháng này, số lượng bệnh nhân đột quỵ bao gồm nhồi máu não và xuất huyết não tùy địa phương chiếm từ 30 - 50% tổng số bệnh nhân đột quỵ của cả năm.
Bác sĩ Minh Đức cũng cho biết thêm, khoảng 60 - 70% các bệnh nhân đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm. Đây là thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Thêm nữa, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%.
Làm rõ cơ chế vì sao lại dễ bị đột quỵ vào mùa lạnh, TS.BS Minh Đức cho hay, khi nhiệt độ giảm, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine nhằm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể.
Tình trạng co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở các bệnh nhân có kèm theo xơ vữa động mạch.
Thêm vào đó, hiện tượng co mạch giúp giữ cơ thể không mất nước cũng làm tăng độ nhớt máu. Nhiệt độ giảm cũng làm cơ thể tăng sản xuất hồng cầu và tiểu cầu nhằm tăng sự trao đổi chất của cơ thể, dẫn đến máu vón cục tạo thành cục máu đông.
Từ đó, tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dễ dẫn đến nhồi máu não. “Việc ăn những thức ăn chứa nhiều năng lượng giúp làm ấm cơ thể nhưng lại ít vận động khi trời lạnh cũng là yếu tố góp phần tăng nguy cơ đột quỵ mùa lạnh”, TS.BS Minh Đức chia sẻ.
Theo chuyên gia này, để phòng đột quỵ mùa lạnh, cần kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, bệnh tim mạch, sử dụng thuốc chống đông máu. Đồng thời, cần có chế độ ăn lành mạnh, tránh căng thẳng, stress trong cuộc sống.
Ngoài ra, người dân nên vận động nhẹ nhàng từ 3 - 5 phút trước khi xuống giường vào buổi sáng. Giữ nhiệt độ trong nhà cân bằng, không để xuống thấp dưới 25 độ C và cân bằng với nhiệt độ ngoài trời. Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ lạnh. Không tắm muộn cũng như không tắm nước lạnh, sử dụng nước ấm khoảng 37 độ C là phù hợp nhất.
Việc giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ trong mùa lạnh rất quan trọng. Cần lưu ý việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể gây sốc nhiệt. Đồng thời, tăng cường hoạt động thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để hỗ trợ tim mạch cần tuân theo nguyên tắc không hoạt động quá sức.
T.M (tổng hợp)