Tin tức Đời sống 20/2: Tác hại của việc xem điện thoại khi đi vệ sinh

Tin tức Đời sống 20/2: Tác hại của việc xem điện thoại khi đi vệ sinh

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 3, 20/02/2024 12:10

Cập nhật tin tức đời sống ngày 20/2: Tác hại không ngờ của việc xem điện thoại khi đi vệ sinh; Trả giá vì "cày đêm"...

Tác hại không ngờ của việc xem điện thoại khi đi vệ sinh

Theo THS.BS Trần Đức Cảnh (Khoa Nội soi và Thăm dò chức năng, Bệnh viện K), sử dụng điện thoại thông minh quá mức không chỉ cản trở việc ngủ đủ giấc mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến việc ăn uống và hoạt động thể chất phù hợp, gây chứng rối loạn tiêu hóa chức năng, đặc biệt ở trẻ em.

Theo một thống kê, 30,9% thanh thiếu niên ở Italya từ 11-14 tuổi mắc rối loạn tiêu hóa chức năng liên quan đến việc sử dụng điện thoại thông minh quá mức.

Việc sử dụng điện thoại quá lâu khi đi vệ sinh gây nên một số rối loạn tiêu hóa như rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột, viêm niêm mạc mức độ thấp, thay đổi tính thấm của ruột.

Ngoài tác hại của việc sử dụng điện thoại quá mức nói chung thì việc sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh còn gây một số tác hại khác tới đường tiêu hóa.

Điện thoại có thể là vật dụng thu hút nhiều vi trùng, từ hàng trăm loại vi khuẩn, nấm, nấm men. Hầu hết các loại vi trùng này vô hại, nhưng nhiều loại lại là mầm bệnh tiềm ẩn. Mặt khác, nhà vệ sinh cũng là nơi chứa nhiều vi khuẩn, đặc biệt như sàn nhà, bồn tiểu, bệ toilet, bồn rửa, vòi rửa, tay nắm cửa. Sử dụng điện thoại trong nhà vệ sinh càng khiến điện thoại bị nhiễm bẩn nhiều hơn.

Một số mầm bệnh trong phân có thể kể tên như: Salmonella, E.Coli và C.Difficile gây nhiễm khuẩn nhiều cơ quan, trong đó có hệ tiêu hóa nhạy cảm. Vi khuẩn E.Coli có thể gây nhiễm khuẩn tiêu hóa, nhiễm khuẩn huyết thậm chí dẫn đến tử vong.

Vi khuẩn Salmonella có thể gây tiêu chảy, viêm đường ruột, thương hàn, trong trường hợp khuẩn Salmonella lan từ ruột vào máu và các cơ quan khác thì có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Vi khuẩn C.Difficile có thể gây tiêu chảy, viêm ruột, dẫn đến tử vong, các chuyên gia nhận định loại vi khuẩn này đang ngày càng trở nên nguy hiểm.

Ngay cả khi bạn cố gắng hết sức và cất điện thoại đi trước khi lấy giấy vệ sinh, không chạm vào thiết bị di động cho đến khi rửa tay sạch thì vẫn có thể xảy ra nhiễm khuẩn, vì vi trùng thực tế có ở khắp mọi nơi trong nhà vệ sinh.

Bạn có thể đã cẩn thận nhưng không thể biết người khác đã làm những gì trong nhà vệ sinh, nhất là nhà vệ sinh công cộng ở văn phòng hoặc nơi làm việc. Do đó, để đảm bảo vệ sinh thì bạn không nên mang theo điện thoại để sử dụng trong lúc đi vệ sinh.

Với nhiều người, nhà vệ sinh không chỉ là nơi giải quyết nhu cầu sinh lý mà còn là không gian yên tĩnh dành cho bản thân. Có người còn chọn cách kéo dài và tận hưởng thời gian một mình này bằng cách đọc tài liệu, tạp chí, sách báo.

Hơn nữa, mang điện thoại vào nhà vệ sinh thay cho vài tờ báo kẹp dưới cánh tay cũng giúp bạn tránh khỏi sự để ý, kỳ thị của người khác. Vậy nên việc mang điện thoại vào nhà vệ sinh trở nên phổ biến ở nhiều người và họ hình thành thói quen kéo dài thời gian đi vệ sinh.

Tuy nhiên, điều này có thể gây ảnh hưởng đến trực tràng. Cụ thể khi ngồi vệ sinh quá 20 phút, đẩy phần lớn trọng lượng cơ thể lên hậu môn, tạo áp lực kéo dài lên trực tràng, ảnh hưởng tới sự lưu thông máu và gây ra trĩ hoặc làm bệnh trĩ có sẵn trở nên nặng hơn, khiến các búi trĩ bị ứ máu, gây các triệu chứng như đau, sưng hoặc chảy máu.

Sử dụng điện thoại quá lâu khi đi vệ sinh cũng làm rối loạn trục não ruột, gây các chứng rối loạn tiêu hóa chức năng như khó tiêu, táo bón hoặc tiêu chảy. Các rối loạn này càng phổ biến và nặng hơn ở người trẻ tuổi.

Bên cạnh đó, với những người bị táo bón, thói quen ngồi vệ sinh lâu lại sử dụng điện thoại sẽ càng làm máu ứ lại trong xương chậu, làm nặng thêm bệnh trĩ và làm tăng nguy cơ phát triển ung thư.

Do đó, sử dụng điện thoại khi ngồi vệ sinh có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Để có sức khỏe tốt nói chung và có đường tiêu hóa khỏe mạnh nói riêng thì bạn không nên sử dụng điện thoại trong lúc đi vệ sinh và nên lau chùi điện thoại thường xuyên.

Trả giá vì "cày đêm"

Nam bệnh nhân 22 tuổi được người nhà phát hiện đưa đi cấp cứu sau khi gục ngay trên bàn làm việc. Qua hình ảnh chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ phát hiện có một ổ nhồi máu não nhỏ gây liệt nửa người bên phải bệnh nhân.

May mắn ổ nhồi máu não được xử lý kịp thời. Theo người nhà, bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá, thừa cân, béo phì và thường xuyên làm việc đến 2-3 giờ sáng. Thời gian gần đây bệnh nhân than phiền về tình trạng mệt mỏi, không tỉnh táo và khó tập trung vào công việc. Bên cạnh đó, chứng đau đầu xuất hiện ngày càng dữ dội.

Đời sống - Tin tức Đời sống 20/2: Tác hại của việc xem điện thoại khi đi vệ sinh

Hầu hết người trẻ cho rằng họ làm việc khuya để giải quyết các công việc cá nhân, học tập. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như: đi chơi khuya, tán gẫu trên mạng, lướt Facebook, "cày" phim, game… "Tôi đi làm thêm đến 11-12 giờ đêm mới về tới nhà. Ăn uống, tắm gội xong thì đã sang ngày mới. Lúc đấy mới có thời gian rảnh để giải trí, thư giãn sau một ngày căng thẳng. Dần dần việc thức khuya, ăn đêm trở thành thói quen. Có những hôm mệt người, muốn đi ngủ sớm cũng không thể ngủ được", Hoàng Nam, sinh viên đại học năm thứ 4, nói.

Bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), cho biết đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Những năm gần đây, tỉ lệ bệnh nhân trẻ nhập viện do đột quỵ não và đột quỵ tim có xu hướng gia tăng. Tình trạng này có liên quan đến thói quen sinh hoạt không điều độ của người trẻ như thừa cân, béo phì, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, thức khuya... Trong đó, thói quen thức khuya cần được cảnh báo.

Theo sinh lý cơ thể và nhịp sinh học của con người thì ban đêm là thời gian nghỉ ngơi, phục hồi của các cơ quan, tế bào trong cơ thể. Thức đêm đi ngược lại nhịp sinh học bình thường, gây căng thẳng tế bào, đặc biệt là các tế bào thần kinh, gây rối loạn chuyển hóa, từ đó có thể dẫn tới nguy cơ đột quỵ não, tim.

Thức khuya, ăn đêm, sử dụng đồ ăn nhanh, đồ ăn nhiều đường, nhiều năng lượng là nguyên nhân gây béo phì ở người trẻ, kèm theo đó là các hệ lụy rối loạn chuyển hóa mỡ, nguy cơ xơ vữa mạch máu, hình thành cục máu đông… gây đột quỵ não và tim. Việc thức khuya, sinh hoạt không điều độ kéo dài, trở thành thói quen sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lý đối với người trẻ.

Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ đôi khi có thể nhầm lẫn với mệt mỏi, căng thẳng thông thường, đặc biệt ở người trẻ. Các dấu hiệu đôi khi chỉ thoáng qua như đau đầu, mờ mắt, tê nhẹ mặt. Người trẻ, đặc biệt là những người có nhiều yếu tố nguy cơ, cần kiểm tra sớm nếu như có các dấu hiệu đau đầu, mờ mắt, nhức mắt, tê bì mặt, chân tay, đau tức ngực, cảm giác mệt kéo dài…

Các bác sĩ cảnh báo thức khuya không trực tiếp gây ra nhồi máu não, thế nhưng nó lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh về tim mạch và mạch máu não, từ đó có thể dẫn đến nhồi máu não và tử vong bất cứ lúc nào. Bởi khi con người thức khuya sẽ đi ngược lại với chu trình sinh học của cơ thể và các tế bào phải làm việc quá sức gây nên tình trạng căng thẳng tế bào và rối loạn chuyển hóa. Về lâu dài gây tổn thương các cơ quan chức năng trong cơ thể.

TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, dẫn ra nhiều câu chuyện đau lòng cần cảnh báo cho cộng đồng. Không ít doanh nhân thành đạt khá trẻ đã từ giã cõi đời. Nhiều trường hợp đột quỵ xuất huyết não tử vong ở lứa tuổi 8X (dưới 40)...

Theo giới chuyên môn, đột quỵ ở người trẻ chiếm khoảng 15% các ca đột quỵ. Con số này đang ngày càng tăng, tuy nhiên nhiều người trẻ hiện chưa quan tâm phòng bệnh đúng mức. Đặc biệt, chưa nhận biết được các dấu hiệu đột quỵ hay dấu hiệu tai biến ở người trẻ để kịp thời cấp cứu hiệu quả.

"Việc thức khuya còn ảnh hưởng tới hệ miễn dịch. Khi thức khuya cơ thể dễ bị thiếu năng lượng, mệt mỏi và làm cho sức đề kháng giảm sút. Vì vậy, những người thức khuya thường xuyên sẽ dễ bị mắc các bệnh do vi sinh vật gây nên như cúm, viêm nhiễm đường hô hấp... cao hơn so với người ngủ đủ giấc. Đặc biệt, nếu người trẻ ngủ dưới 5 giờ/ngày thì nguy cơ teo não tăng 25%; nguy cơ đột quỵ và tử vong do bệnh tim và các bệnh mạch vành tăng 48 lần so với người ngủ đủ giấc..." - bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm phân tích.

Các bác sĩ khuyến cáo ở bất cứ lứa tuổi nào, ngủ đúng giờ, đủ giấc cũng đều có lợi cho sức khỏe, giúp cơ thể phục hồi, cung cấp năng lượng đầy đủ cho một ngày hoạt động tiếp theo. Việc ngủ đủ giấc, chất lượng giấc ngủ tốt sẽ giúp cho các tế bào giảm căng thẳng, các quá trình chuyển hóa bên trong cơ thể diễn ra bình thường thể hiện bởi tinh thần sảng khoái, minh mẫn, tràn đầy năng lượng. Để có một giấc ngủ đủ về thời gian, tốt về chất lượng cần lưu ý không ăn quá no, không dùng chất kích thích, vận động vừa sức trước khi đi ngủ, dùng các biện pháp thư giãn như nghe nhạc, đọc sách để đi vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng.

"Thời điểm sau Tết cổ truyền nhiều người vẫn chưa hết bận rộn với công việc, chưa kể các cuộc liên hoan, tiệc tùng... Để giữ sức khỏe tốt trong dịp này cần quan tâm đến sự thay đổi của thời tiết, bố trí công việc hợp lý, hạn chế lạm dụng bia rượu, các đồ uống có cồn, sinh hoạt điều độ, tránh đảo lộn thói quen sinh hoạt hằng ngày, tuân thủ thuốc điều trị bệnh mạn tính nếu có", một bác sĩ lưu ý.

Sở Y tế TP.HCM thông tin về 2 trường hợp nghi ngộ độc botulinum dịp Tết

Sau kỳ nghỉ Tết, Sở Y tế TP.HCM nhận được báo cáo của Bệnh viện Nhi đồng 2 về hai trường hợp bệnh nhi nghi ngờ ngộ độc botulinum toxin.

Hai bệnh nhi này nhập viện ngày 6/2/2024 và ngày 7/2/2024 trong tình trạng buồn nôn và nôn ra thức ăn, than đau đầu.

Sau khi khai thác bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp CT-scan, MRI não, đo điện cơ và các xét nghiệm cần thiết khác, các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 đã hội chẩn và không loại trừ các bệnh nhi bị ngộ độc botulinum toxin.

Do đó, các bác sĩ thống nhất sử dụng giải độc tố botulinum.

Đến nay, tình trạng 2 bệnh nhi đã cải thiện. Một bệnh nhi đã cai máy thở và theo dõi tại khoa Tiêu hóa, bệnh nhi còn lại tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại khoa Hồi sức.

Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lấy mẫu phân của 2 bệnh nhi, gửi đến Viện Y tế công cộng TP.HCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định.

Hiện tại, tình trạng hai bệnh nhi đã cải thiện, một trẻ đã cai máy thở và theo dõi tại khoa Tiêu hóa, một trẻ tiếp tục được chăm sóc và theo dõi tại khoa Hồi sức và có dấu hiệu lâm sàng cải thiện tốt.

Bệnh viện Nhi đồng 2 đã lấy mẫu phân của bệnh nhân và gửi đến Viện Y tế công cộng TP.HCM để xét nghiệm và chẩn đoán xác định.

T.M (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.