Làm gì để phòng bệnh tim mạch?
TS.BS Hồ Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết, hiện nay bệnh lý tim mạch tại Huế nói riêng cũng như Việt Nam nói chung ngày càng gia tăng. Tuổi thọ người dân tăng, bệnh lý tim mạch cũng tăng theo tuổi. Mặt khác, bệnh lý chuyển hóa tăng khiến cho người trẻ mắc bệnh tim mạch nhiều hơn.
Bệnh lý tim mạch thường gặp ở người lớn tuổi (ở Việt Nam khoảng sau 50 tuổi), tuy nhiên những năm gần đây, cùng với tỷ lệ tăng của các bệnh lý đái tháo đường, stress, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động... bệnh lý tim mạch ngày càng trẻ hóa, ngay cả người trẻ cũng có thể bị.
"Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân trẻ từ 25-40 tuổi đến khám và điều trị tăng, nhiều bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp trước độ tuổi 40, thậm chí, trước tuổi 30 được ghi nhận với tình trạng rất nguy hiểm", TS.BS Hồ Anh Bình nói.
TS.BS Hồ Anh Bình đưa ra 10 lời khuyên theo khuyến cáo của Liên đoàn Tim mạch Thế giới để bảo vệ trái tim luôn khỏe mạnh. Cụ thể, cần thiết lập chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa, không nên ăn mặn.
Tập thể dục thường xuyên, mỗi ngày tập từ 30 – 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch. Không hút thuốc lá, đây là nguyên nhân trực tiếp gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột qụy và nhiều bệnh lý tim mạch khác.
Duy trì cân nặng hợp lý, nếu thừa cân cần giảm cân sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, triglycerit, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI).
Hạn chế uống rượu, bia vì uống nhiều rượu, bia làm cân nặng tăng lên và gây bệnh tăng huyết áp. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình, công sở, nơi công cộng. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.
Cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức, cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả...
Phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ho gà, sởi và thủy đậu
Ngày 20/3, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine.
Cục Y tế dự phòng cho biết theo thông tin ghi nhận từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác gần 70 trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Ngoài ra, nhiều trường hợp mắc bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và thủy đậu cũng ghi nhận rải rác ở nhiều nơi.
Hiện nay, tại khu vực miền Bắc đang trong giai đoạn thời tiết gió lạnh, mưa ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát triển, lây lan và làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Bên cạnh đó, việc gián đoạn trong cung ứng các vaccine của Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) trong thời gian qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trên toàn quốc; nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vaccine là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vaccine.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine, Cục Y tế dự phòng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.
Cùng đó thực hiện tốt công tác thu dung, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng chống lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ để đề xuất, triển khai các biện pháp chống dịch phù hợp, kịp thời.
Thúc đẩy triển khai tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình TCMR đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm vaccine phòng bệnh, chưa tiêm đủ mũi, nhất là trong thời gian bị gián đoạn cung ứng vaccine phòng bệnh.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh truyền thông về nguy cơ mắc bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh ho gà, các bệnh dự phòng bằng vaccine để người dân chủ động thực hiện phòng bệnh; vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch và khuyến khích việc tiêm vaccine phòng bệnh đối với phụ nữ mang thai.
Cùng đó Sở Y tế các tỉnh, thành phố hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.
Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, tập trung vào khu vực có ghi nhận trường hợp mắc bệnh, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng để chủ động ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh ho gà và các bệnh dự phòng bằng vaccine.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp bệnh, ổ dịch qua Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
Bé gái 2 tuổi bỏng nặng 40% do bếp gas mini phát nổ
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố cho biết vừa cứu sống một trường hợp trẻ bị bỏng nặng do bếp gas mini phát nổ.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp nhận cháu L. K. H. M. (27 tháng, nữ) nhập viện trong tình trạng bỏng nặng. Khai thác bệnh sử cho thấy, trong lúc cháu bé ngồi ăn cơm với người thân thì đột nhiên bếp gas mini phát nổ, gây bỏng các thành viên.
Trong đó cháu bé và cha mẹ phỏng nặng, còn ông bà phỏng nhẹ được điều trị tại bệnh viện địa phương. Sau khi được sơ cứu, cháu bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố để điều trị.
BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, cháu bé nhập viện trong tình trạng huyết áp khó đo, diện tích phỏng khoảng 40% ở tay, chân, mặt, ngực bụng, các bác sĩ truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc giảm đau và chăm sóc vết thương.
Sau đó, cháu bé được chuyển đến khoa Phỏng – Chỉnh hình điều trị, chăm sóc vết bỏng bằng các dung dịch sát trùng không gây đau và các loại gạc sinh học diệt khuẩn, tiêu mô hoại tử, kích thích tạo mô hạt, không dính mô khi thay gạc, kết hợp với dinh dưỡng hợp lý.
Kết quả sau 10 ngày điều trị, tình trạng vết bỏng được cải thiện dần. Cha mẹ cháu bé được điều trị phỏng tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) cũng đang phục hồi vết thương. Ông bà bị phỏng cũng được điều trị khỏi ở bệnh viện địa phương.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo các gia đình cần thận trọng trong sinh hoạt hằng ngày, tránh nguy cơ gây tổn thương với trẻ nhỏ. Nên dùng bếp mini loại sử dụng cồn hoặc bếp từ. Không để các đồ dùng nóng, sôi, bàn ủi nóng, pô xe mới chạy về, chai lọ hóa chất, thuốc diệt chuột, côn trùng, thuốc uống điều trị, ổ điện,… ở ngang tầm với trẻ.
Đặc biệt, trong nhà tấm không nên để xô có nước vì trẻ có thể ngã vào, hạn chế tủ bàn ghế, vật nặng có thể ngã đè trẻ,… tránh cho trẻ nhỏ tiếp cận những nơi nguy hiểm có dụng cụ, vật liệu cháy nổ.
Bên cạnh đó, khi bị bỏng nước sôi hay lửa, cần đưa trẻ ra nơi an toàn, xối nước lên vết thương để bớt bỏng thêm, bớt đau rồi đưa đến bệnh viện cấp cứu. Không được bôi kem đánh răng, nước mắm, dấm, mỡ trăn chưa qua xử lý, lá cây... làm vết bỏng nặng hơn, dễ nhiễm trùng.
T.M (tổng hợp)