Tin tức Đời sống 21/10: Cảm cúm giao mùa và một số biến chứng nguy hiểm

Tin tức Đời sống 21/10: Cảm cúm giao mùa và một số biến chứng nguy hiểm

Thứ 2, 21/10/2024 12:00

Cập nhật tin tức đời sống ngày 21/10: Cảnh giác với bệnh cảm cúm giao mùa; Gia tăng các ca tử vong vì bệnh dại...

Cảnh giác với bệnh cảm cúm giao mùa

Gần đây, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị một số trường hợp trẻ nhỏ có triệu chứng đau đầu, ho sốt tương tự như cảm cúm tuy nhiên sau khi thực hiện các xét nghiệm kết quả trẻ bị mắc viêm cơ tim.

Trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng giống các bệnh lý thông thường khác như mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, ho...

Do triệu chứng khởi phát bệnh khá giống sốt, cảm cúm thông thường nên nhiều phụ huynh chủ quan, đến khi trẻ nhập viện thì đã trong tình trạng nguy hiểm tính mạng.

TS.Lê Hồng Quang, Trưởng khoa Nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong một số trường hợp nhập viện có bé P. (8 tuổi, Nghệ An) có các triệu chứng khởi phát của bệnh là khó thở, tức ngực.

Người nhà bệnh nhi cho biết bé vốn khỏe mạnh, hiếu động, không có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch trước đó. Sau cơn tức ngực khiến bé khó thở, gia đình vô cùng lo lắng vội đưa bé vào bệnh viện tỉnh và được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Rất may bé chỉ mắc viêm cơ tim thể nhẹ và được cấp cứu kịp thời.

Tuy nhiên, một số trường hợp viêm cơ tim nguy kịch ở trẻ, gia đình nhầm tưởng là bệnh lý thông thường nên đến khi được đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám, trẻ đã rơi vào tình trạng mệt mỏi, môi tái, bác sĩ chỉ định lắp monitor theo dõi và siêu âm tim thì nhận thấy chức năng tim bất thường.

Bệnh nhi phải điều trị ECMO, kết hợp các thuốc chống loạn nhịp, thuốc vận mạch, thuốc trợ tim... Các triệu chứng viêm cơ tim ở trẻ em đa dạng, không đặc hiệu nên rất dễ xảy ra tình trạng chẩn đoán nhầm.

Các bác sỹ khuyến cáo, ngoài các biểu hiện lâm sàng ho, sốt, đau bụng, nôn... nếu trẻ có kèm theo các triệu chứng khác như thở nhanh, đau ngực, khó thở, nhịp tim nhanh, môi và da tái... thì gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Nếu có nghi ngờ, bệnh nhi cần được thực hiện các thăm dò cận lâm sàng như chụp X-quang ngực, điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm men tim, chụp MRI tim... để có chẩn đoán xác định.

Cảm cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do các virus cúm gây ra. Bệnh dễ lây lan thành dịch mỗi khi giao mùa, thời tiết chuyển lạnh hoặc chuyển nóng thất thường.

Bệnh cúm thường có tốc độ lây lan khá nhanh, do người bệnh hít phải không khí có chứa virus cúm. Trẻ nhỏ rất dễ mắc căn bệnh này do ảnh hưởng thời tiết. Khi mắc cảm cúm, người bệnh có một số triệu chứng cơ bản như nhức đầu, ho sốt, ngạt mũi, rát họng... Trẻ em khi có dấu hiệu thường ho khan, rát họng thường quấy khóc, bỏ ăn, cơ thể mệt mỏi...

Với những triệu chứng thông thường, cơ thể sẽ mệt mỏi khoảng 3 - 4 ngày và tự hết trong vòng 7 - 10 ngày. Cũng bởi thế, nhiều phụ huynh thường chủ quan cho rằng đây là bệnh thông thường, trẻ có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Thực tế, cảm cúm ở trẻ em có thể diễn tiến nặng và nguy hiểm hơn ở người lớn. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ từ dưới 12 tuần tuổi khi xuất hiện những biểu hiện bất thường sau thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và xử lý kịp thời: Thân nhiệt vượt quá 38 độ C, sốt kéo dài không giảm, sốt liên tục; trẻ thở khò khè, khó thở, đau tai.

Trường hợp bệnh cảm cúm kéo dài mãi không khỏi, triệu chứng cúm dần nghiêm trọng, người bệnh cần chủ động thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán đúng bệnh và thực hiện điều trị theo đúng chỉ định.

Không chỉ riêng trẻ nhỏ, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế khi người lớn bị cảm cúm có những triệu chứng nghiêm trọng kéo dài thì cần phải uống thuốc và chữa trị tích cực, nếu không có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như gây ra viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm phế quản cấp, viêm phế quản mãn tính, viêm phổi, viêm cầu thận cấp tính, viêm tai giữa, viêm xoang...

Để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ xảy ra tình trạng viêm cơ tim cấp ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo bố mẹ cần cho trẻ ăn uống khoa học, đủ dinh dưỡng và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng; thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là các mũi phòng bạch hầu, cúm, quai bị, Rubella...

Gia tăng các ca tử vong vì bệnh dại

Theo Bộ Y tế, trung bình mỗi năm cả nước ghi nhận khoảng 80 ca tử vong vì bệnh dại, tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2024, nước ta đã có 65 ca tử vong vì căn bệnh này, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm vì vô phương cứu chữa. Chỉ có vaccine mới có thể cứu bệnh nhân khỏi cái chết khi bị chó, mèo dại cắn, cào, liếm vào vết thương hở. Đặc biệt, một số rất ít trường hợp tiêm không kịp khi bệnh nhân mới tiêm được 1-2 mũi vaccine đầu tiên thì đã tử vong do vết thương ở vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ, virus tấn công vào não trước khi vaccine có hiệu lực. Vì vậy, người dân tuyệt đối không chủ quan.

Tuy nhiên, theo điều tra dịch tễ, nguyên nhân chủ yếu khiến người dân không đi tiêm vaccine dại do cho rằng bị chó, mèo nhà cắn và chó mèo không mắc bệnh dại, nên không cần tiêm. Có một số trường hợp tử vong oan khi tin và tìm đến thầy lang chữa dại chứ không đi tiêm phòng. Đặc biệt là trẻ nhỏ sau khi bị chó mèo cắn, nhiều em không nói với gia đình, lỡ mất cơ hội tiêm vaccine, gây nên những cái chết hết sức thương tâm.

Tin tức Đời sống 21/10: Cảm cúm giao mùa và một số biến chứng nguy hiểm- Ảnh 1.

Cần tiêm vaccine phòng dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn (Ảnh minh họa).

TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng Văn phòng Chương trình phòng, chống bệnh dại Quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong 3 năm trở lại đây, số người bị tai nạn do động vật cắn tại Việt Nam tăng liên tục, tới 30-40%. Năm 2023, cả nước có 82 người tử vong vì bệnh dại, gần 700.000 người phải tiêm dự phòng vaccine và huyết thanh kháng dại sau khi bị chó, mèo cắn. Nguy cơ bệnh dại tại Việt Nam đang hiện hữu và rất cao. Do lượng người bị động vật cắn tăng nhanh chóng, trong khi công ty sản xuất vaccine cung ứng không kịp, trong thời gian qua có sự thiếu hụt vaccine trong thời gian ngắn, gây ra nguy cơ lớn cho đối tượng yếu thế.

Những địa phương có dịch dại bùng phát mạnh và nhiều ca tử vong trên toàn quốc gồm: Bình Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, Nghệ An, Bến Tre, Tây Ninh, Long An và Hoà Bình. Trong suốt những năm qua, bệnh dại luôn đứng đầu về số ca tử vong trong số các bệnh truyền nhiễm, chỉ sau dịch sởi năm 2014, sau dịch COVID-19 năm 2021-2022. Công tác phòng chống bệnh dại đã kéo dài nhiều năm, nhưng dường như hiệu quả chưa cao.

Theo Cục Thú y, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó hiện đang là 58%, tuy nhiên, một số tỉnh, tỷ lệ tiêm phòng chó chưa đạt 30%. Đây là một trong những nguyên nhân khi chó dại còn trong cộng đồng, gây nguy cơ cao truyền bệnh dại sang người qua vết cắn, cào, liếm.

Theo số liệu của Bộ Y tế, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 500.000 người bị chó cắn, chỉ tính riêng chi phí điều trị dự phòng bằng tiêm vaccine dại và huyết thanh kháng dại là khoảng 2.000 tỷ đồng. Năm 2023, có 700.000 ca tiêm vaccine kháng dại, chi phí gần 3.000 tỷ đồng. Ngoài ra, chưa kể các chi phí khác như phẫu thuật thẩm mỹ, nạn nhân hoặc người nhà phải nghỉ làm để điều trị với những tổn thất do bị chó cắn còn rất lớn.

Bé trai 10 tháng tuổi yếu mềm hai chân chỉ sau 2 ngày sốt

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, mắc bệnh liệt mềm cấp được ghi nhận tại địa phương là bé trai 10 tháng tuổi, ở huyện Cư M'gar.

Theo người nhà bệnh nhi, từ ngày 29/9, bé trai có triệu chứng sốt cao liên tục trong vòng 2 ngày. Sau đó, trẻ giảm sốt nhưng yếu mềm hai chi dưới, không đứng được.

Ngày 3/10, trẻ được người nhà đưa đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên. Bệnh nhi được chẩn đoán liệt tứ chi/ TD viêm tuỷ cắt ngang chưa loại trừ Guillain-Barre (bệnh viêm đa dây thần kinh cấp tính).

Trong quá trình hội chẩn, các bác sĩ thống nhất chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, gia đình không có điều kiện nên trẻ được đưa về nhà để tiếp tục theo dõi.

Đến ngày 18/10, bệnh nhi có kết quả dương tính với Poliovirus Sabin-Like 3 discordant. Hiện trẻ còn yếu hai chi dưới và đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar.

Ngay sau khi ghi nhận ca bệnh, CDC đã phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar và Trạm Y tế xã Ea Kiết triển khai điều tra, giám sát dịch tễ khu vực xung quanh nhà bệnh nhi. Bên cạnh đó, các nhân viên y tế đã xử lý môi trường bằng hóa chất ChloraminB 0,5% ở nhà người bệnh và 6 hộ gia đình lân cận.

Trạm Y tế tham mưu UBND xã Ea Kiết cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm chủng để phòng chống dịch bệnh, đồng thời khuyến cáo người dân khi nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, điều trị.

Liệt mềm là các tổn thương ngoại biên làm trẻ giảm hoặc mất khả năng vận động của một hoặc nhiều chi.

Người mắc bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như sốt, chán ăn, nhức đầu, buồn nôn, đau cơ các chi, gáy và lưng, dần dần mất vận động dẫn đến liệt không đối xứng. Bệnh thậm chí có thể gây liệt tủy sống, liệt hành tủy dẫn đến suy hô hấp và đe dọa tính mạng.

Để chủ động phòng chống bệnh bại liệt, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nước sạch, không phóng uế ra môi trường. Phân của trẻ em cũng phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

- Phòng bệnh cho trẻ bằng cách uống hoặc tiêm vaccine ngừa bại liệt theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

T.M (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.