Bé trai 10 tuổi kêu đau đầu rồi đột quỵ não
Báo điện tử VOV đưa tin, bệnh nhi Nguyễn N.H. (10 tuổi), trú quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng vào cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người phải, không nói được. Người nhà cho biết, khi đang chơi thì bé nói đau đầu, sau đó méo miệng, lơ mơ, nói khó nên đưa đến Bệnh viện Đà Nẵng.
Tại phòng cấp cứu, các bác sĩ tiến hành chụp CT sau đó hội chẩn khẩn và nhận định, đây là trường hợp đột quỵ trẻ em rất hiếm gặp, bệnh nhi vào viện có tình trạng yếu nửa người phải tiến triển đến liệt hoàn toàn và rối loạn tri giác, may mắn là gia đình đã kịp đưa cháu đến Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian vàng.
Các bác sĩ đã kích hoạt “báo động đỏ nội viện” với mức độ “đặc biệt” nhất để huy động sự hỗ trợ của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch não, nhân viên xét nghiệm của bệnh viện để làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Đồng thời, hội chẩn khẩn với chuyên gia đột quỵ đầu ngành ở Tp.HCM ngay trong đêm để chẩn đoán chính xác và quyết định điều trị cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết với hy vọng cứu sống bệnh nhi.
Bác sĩ Phạm Như Thông, Phó Trưởng khoa Đột quỵ, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi bị đột quỵ như vậy chưa từng gặp tại Bệnh viện Đà Nẵng. Việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro vì có thể có thêm biến chứng, cũng như có thể để lại di chứng ảnh hưởng đến tương lai của cháu bé. Rất may là bệnh nhi đáp ứng điều trị, cải thiện dần sau quá trình điều trị thuốc và tập phục hồi chức năng tích cực.
Hiện, bệnh nhi vừa xuất viện và đi học trở lại sau gần một tháng nằm viện.
Cảnh giác với căn bệnh nuốt nghẹn
Chia sẻ trên báo Công an nhân dân, cô gái trẻ T.T.A.T. (SN 1996, trú tại thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) cho biết, trong 2 tháng cô sút 15kg vì không ăn uống được. Vốn có sức khoẻ bình thường, mỗi bữa ăn có thể ăn 2-3 bát cơm, nhưng 2 tháng nay cô bỗng bị nuốt vướng, nuốt nghẹn, ban đầu là nuốt khó khi ăn cơm, sau đó nghẹn cả lúc ăn cháo và uống nước kèm theo nôn.
Nghĩ mình mắc bệnh ung thư, cô gái đã lên Hà Nội khám và điều trị bằng nhiều loại thuốc nhưng không đỡ. Càng ngày cô càng không ăn uống được do cứ ăn vào lại nôn, lúc nào cũng cảm thấy ứ nghẹn, đau tức ở cổ họng, cơ thể suy kiệt nặng. Theo tâm sự của T., có lúc cổ họng khát khô, thèm một ngụm nước mà không thể uống, bởi cứ uống là lập tức nôn dữ dội. Sức khỏe kiệt quệ khiến cô rất khổ sở.
Sau khi thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cô gái được chẩn đoán mắc bệnh co thắt tâm vị. Cô được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi mở cơ thắt thực quản và dạ dày, kết hợp tạo van chống trào ngược. Sau mổ, bệnh nhân đã ăn uống lại được.
Những bệnh lý nguy hiểm người chơi thể thao cần biết
Chia sẻ trên báo Giao thông, BS Đỗ Quốc Phong, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện E cho biết, mỗi năm tại đây tiếp nhận 4-5 bệnh nhân vào cấp cứu do sốc, choáng do vận động gắng sức. Bệnh nhân khi nhập viện thường có dấu hiệu choáng váng, mạch nhanh, ngất, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
PGS.TS Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết, tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe là rất tốt. Tuy nhiên, nếu không đảm bảo an toàn tập luyện, không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó có thể bị chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp. Thậm chí, người tập có thể đối mặt với tình trạng nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...
Thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Thậm chí, có những người đã biết trước bệnh lý tim mạch, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ. Hoặc có người có bệnh lý tiềm ẩn nhưng chưa phát hiện vì họ không đi khám, hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa, không được phát hiện.
"Trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào, người tập cần phải kiểm tra thể lực. Có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý tiềm tàng như: bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp…", ông Kha khuyến cáo.
Đồng quan điểm, BS. CKI Nguyễn Đức Hưng, Phó trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, không ít trường hợp tử vong đáng tiếc khi chạy bộ hay tham gia các hoạt động thể thao mang tính cạnh tranh do đột quỵ tim.
Nhiều trường hợp mắc bệnh lý tim mạch không có triệu chứng. Khi người bệnh hoạt động gắng sức phải lấy năng lượng nhiều hơn, tăng chuyển hóa cơ bản, mất nước và điện giải khiến những bệnh lý tim mạch tiềm ẩn bị khởi kích, như loạn nhịp nguy hiểm hoặc kích thích nghẽn đường ra thất trái trong bệnh cơ tim phì đại… dẫn đến hậu quả ngừng tim phổi, đột tử nếu không cấp cứu kịp thời.
Để phòng ngừa tình trạng đáng tiếc có thể xảy ra, BS Hưng khuyến cáo trước khi tập chạy, nhất là chơi các môn thể thao đòi hỏi sức bền, có tính cạnh tranh cao, cần kiểm tra thể lực, kiểm tra chuyên sâu tim mạch, hô hấp, tuần hoàn. Nếu thấy các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, nhanh mệt, hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, huyết áp tăng, huyết áp tụt… phải đi khám và điều trị kịp thời.
T.M (tổng hợp)