Sai lầm tai hại gây nhiều vụ thương vong do chó cắn và bệnh dại
Bé gái 4 tuổi, ngụ Bình Thuận, được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM vì vết thương khắp mặt, mũi. Thủ phạm gây ra vết thương này lại là một con chó nhỏ khoảng 6 tháng tuổi.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Hàm Tân (Bình Thuận), lúc mới bị chó cắn, bé không được tiêm phòng dại mà gia đình điều trị bằng phương pháp dân gian. Đến khi nhập viện, tức sau 9 ngày kinh hoàng, bé không qua khỏi do mắc bệnh dại.
Đây không phải trường hợp hiếm hoi bị chó mèo, súc vật cắn, cào gây thương vong trong thời gian gần đây.
Dại là căn bệnh không mới và luôn được cảnh báo thường xuyên do người Việt có thói quen nuôi chó mèo trong nhà. Tuy nhiên, những sai lầm, chủ quan có thể khiến nhiều người gặp nguy hiểm từ chính những vật nuôi này.
Chỉ 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn mới đây, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), tiếp nhận gần 90 trường hợp bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ... cắn hoặc cào. Trẻ em chiếm 90% trong các trường hợp bị súc vật tấn công.
Các bác sĩ cho biết rất nhiều vật nuôi tấn công người chưa được tiêm vaccine phòng dại. Thời điểm người bị cắn lại rơi vào dịp nghỉ dài, khiến việc tiếp cận với huyết thanh, vaccine phòng dại khó khăn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, dại là bệnh viêm não tuỷ cấp tính do virus, rất nguy hiểm. Virus dại có thể lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, cào, thậm chí chỉ cần vết liếm trên da bị tổn thương.
Ngoài ra, virus dại có thể lây từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng hoặc tiếp xúc với chất tiết của người bị dại.
Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm.
Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn của động vật càng nặng, gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vaccine, có khoảng 60.000-70.000 người chết do bệnh này.
Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.
Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%. Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh.
Khi bị chó, mèo hoặc động vật hoang dại cắn hay gây tổn thương, mọi người cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được tư vấn, hướng dẫn dự phòng. Đặc biệt, người dân cần lưu ý những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ.
Các bác sĩ cho hay dự phòng dại bằng huyết thanh và vaccine là giải pháp duy nhất, hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng của người bị phơi nhiễm. Việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, lấy nọc, đắp lá cây... có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hoặc gây ra các tình trạng nhiễm trùng cơ hội.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại được tiêm càng sớm càng tốt vào ngày đầu sau khi bị cắn, hoặc trong vòng 7 ngày sau mũi vaccine đầu tiên.
Cách phát hiện sớm trẻ bị ngộ độc chì
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu - Chống độc, BV Nhi Trung ương cho biết, mới đây bé gái T.M. (9 tuổi, ở Hà Tĩnh) được chuyển đến viện trong tình trạng lơ mơ, co giật nhiều và kéo dài, giảm tri giác. Tại đây bệnh nhi được chẩn đoán bị ngộ độc chì nặng và có tổn thương não.
Gia đình của bé T.M. cho biết bé có tiền sử động kinh, thời gian gần đây gia đình thấy bé bị co giật nhiều nên đã mua thuốc cam không rõ nguồn gốc về cho bé uống.
Khác với người lớn, ngộ độc chì ở trẻ em chủ yếu là do dùng thuốc có chì hoặc tiếp xúc với đồ vật có hàm lượng chì cao. Trẻ bị ngộ độc chì có thể do tiếp xúc với chì qua nhiều nguồn khác nhau, thường là do uống, bôi thuốc cam, thuốc tưa lưỡi có chì được lưu hành bất hợp pháp hoặc tiếp xúc với các đồ chơi được sơn bằng loại sơn có chứa chì.
Ngộ độc chì cấp thường do hấp thu chì qua đường tiêu hóa, ở nước ta rất hay gặp do uống các thuốc Nam, đặc biệt là các loại thuốc tễ, thuốc tán không rõ nguồn gốc trong thành phần có chứa hồng đơn, mẫu đơn, chu sa, thần sa... không được bào chế khử độc an toàn (trong thành phần các vị thuốc này có các kim loại nặng hàm lượng cao như: Chì, thủy ngân, asen...).
Ngộ độc chì mạn chủ yếu do tiếp xúc với các yếu tố môi trường (không khí, nước, thực phẩm) và nghề nghiệp. Cần nhấn mạnh các nghề có nguy cơ cao bị nhiễm độc chì mạn tính như: Nấu chì, sản xuất acqui chì, ngành in, ngành sản xuất nhựa, kinh doanh xăng dầu, hàn chì, đốt rác thải rắn, sản xuất thủy tinh, sản xuất sơn...
Triệu chứng nhiễm độc chì ở trẻ nhiều lúc khó phát hiện ra, nhất là trong trường hợp lượng chì nhiễm dưới mức nguy hiểm, nhưng nó lại gây bệnh mạn tính cho trẻ. Trong trường hợp này trẻ sẽ có biểu hiện thần kinh mệt mỏi, suy nhược, tính tình trở nên dễ cáu gắt, nhức nhối khắp mình.
Những trẻ nhiễm độc chì đều bị bệnh thiếu máu. Mặt khác, chì ảnh hưởng lên bộ máy tiêu hóa, nên trẻ sẽ ăn uống giảm sút, hay chán ăn, buồn nôn, đau bụng, có những lúc đau dữ dội, sắc mặt tái xám. Nếu bị nhiễm độc chất chì nhiều sẽ dễ dẫn đến suy gan và thận.
Nhiễm độc chì là một loại bệnh môi trường, khó phát hiện, nhưng thường gặp nhất là ở lứa tuổi thiếu niên nhi đồng. Các bậc phụ huynh cần phải lưu ý, vì trong đô thị thường có nhiều chất thải, khói bụi, đất cát... và nhất là đồ chơi của trẻ.
Ngộ độc chì ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể, tùy theo mức độ. Nếu biểu hiện rõ thì về thần kinh có thể mệt mỏi, đau đầu, yếu cơ, liệt, trẻ em có chậm phát triển trí tuệ, dễ cáu gắt, quấy khóc, nặng hơn thì lơ mơ, hôn mê, co giật.
Đáng lo ngại nhất là chì làm ảnh hưởng xấu tới trí tuệ trẻ em, nồng độ chì trong máu càng tăng thì chỉ số IQ của trẻ càng giảm. Ở mức độ nặng hơn thì có thể bị liệt cơ, mềm nhũn chân tay, thiếu máu, co giật và hôn mê.
Ngộ độc chì có thể chữa được, nhưng kết quả chữa phụ thuộc vào mức độ ngộ độc, thời gian ngộ độc được phát hiện. Ngộ độc càng nhẹ, phát hiện sớm và điều trị giải độc càng sớm, càng tích cực thì bệnh nhân hồi phục tốt. Nếu phát hiện muộn, bệnh nặng, đặc biệt nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ khi đã có các biểu hiện thần kinh, trí tuệ giảm thì hồi phục sẽ kém hơn.
Để phòng chống ngộ độc chì, khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên cho con uống thuốc không rõ nguồn gốc từ các thầy lang. Nếu muốn thì nên tìm đến các hiệu thuốc có đăng ký rõ ràng hoặc sử dụng những bài thuốc được cấp phép.
Đặc biệt, gia đình không nên tự ý mua và sử dụng các loại thuốc cam không có nguồn gốc để cho trẻ uống, bôi. Gia đình cũng cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ như: Rửa tay, cắt móng tay, không để trẻ đưa tay và mọi vật lên miệng. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ nhỏ tiếp xúc với đồ chơi không rõ nguồn gốc, vì điều này có thể sẽ khiến trẻ bị nhiễm kim loại nặng và chì.
Không nên sử dụng các vật dụng liên quan đến chì như ắc quy chì thải loại, sơn có chì, đồ chơi có chứa chì. Khi chọn sơn nhà, người tiêu dùng cần tìm hiểu mua những loại sơn không chứa chì.
Bên cạnh đó, các hoạt động liên quan đến chì cần phải được thực hiện ở khu công nghiệp riêng biệt. Nếu cha mẹ làm việc trong môi trường có chì, trước khi tiếp xúc với trẻ phải tắm, gội, thay quần áo sạch để tránh lây nhiễm chì cho trẻ.
Nguyên nhân số ca đột quỵ tăng trong dịp Tết
Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn (8 - 15/2), Khoa Đột quỵ não đã tiếp nhận 68 bệnh nhân đột quỵ cấp cứu và chuyển tuyến đến điều trị với số lượng rất lớn.
Cụ thể, vào ngày cao điểm nhất, cơ sở y tế này đã thu dung 15 bệnh nhân, tăng 20 - 30% so với thông thường. Trong đó, có 28 bệnh nhân cần can thiệp nội mạch cấp cứu (16 ca nhồi máu não sớm can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, 12 ca xuất huyết dưới nhện can thiệp nút túi phình động mạch).
Ngoài ra, có 5 bệnh nhân cần phẫu thuật giải áp kết hợp đặt dẫn lưu não thất mở cấp cứu (xuất huyết não lớn hoặc xuất huyết dưới nhện có lụt máu não thất).
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Khoa Đột quỵ não đã phối hợp cùng nhóm đột quỵ mạch máu não tổ chức cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ. Trong đó, đa số là cấp cứu tối khẩn cấp và bệnh nhân nặng chuyển tuyến từ các bệnh viện tuyến dưới ở khu vực miền Bắc.
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến, Chủ nhiệm Khoa Đột quỵ não, Phó Viện trưởng Viện Thần kinh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, thông thường, những dịp lễ tết, số lượng bệnh nhân đến cấp cứu đột quỵ rất đông do tuyến dưới chuyển tuyến nhiều hơn. Tuy nhiên, số ca cấp cứu chưa năm nào tăng đột biến như năm nay. Tình trạng quá tải xảy ra ngay từ những ngày đầu Tết Nguyên đán.
“Khí hậu thay đổi thất thường là một trong những nguyên nhân gây ra đột quỵ. Một số bệnh nhân dừng không uống thuốc điều trị huyết áp (đặc biệt là bệnh nhân trẻ) hoặc không tuân thủ các thuốc điều trị huyết áp như ngày thường”, bác sĩ Tuyến chia sẻ.
TS.BS Nguyễn Văn Tuyến cũng khuyến cáo, những ca cấp cứu đột quỵ tăng đột biến kể trên là con số khuyến cáo đến người dân nói chung. Trong đó, ngay cả người trẻ tuổi có bệnh nền cũng nên thực hiện lối sống lành mạnh.
Đồng thời, đặc biệt tuân thủ chế độ dùng thuốc khi điều trị bệnh nền như tăng huyết áp không chỉ trong dịp Tết Nguyên đán mà tất cả các dịp lễ hội khác. Qua đó, để tránh hậu quả khôn lường đến từ nguy cơ đột quỵ não.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, khi nhận thấy những dấu hiệu bệnh nhân bị đột quỵ thì thời gian là vô cùng quan trọng. Người dân nên gọi ngay cấp cứu 115 hoặc đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.
Bởi, thời gian vàng trong đột quỵ não là 4,5 giờ nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối (làm tan cục máu đông) hoặc trong 6 - 8 giờ lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não.
Nếu người bệnh được điều trị trong khoảng thời gian này hoặc sớm hơn thì hoàn toàn có cơ hội hồi phục, hạn chế tối đa biến chứng. Ngược lại, nếu muộn hơn, thì việc điều trị rất khó khăn, cơ hội phục hồi sẽ thấp đi, khả năng tiên lượng xấu rất cao.
T.M (tổng hợp)