Loại củ rẻ như cho, tác dụng bổ thận
Bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết khoai lang không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao mà có những công dụng phòng chữa bệnh tốt.
Trong Đông y, củ khoai lang tính bình, vị ngọt, tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện vị, tiêu viêm, thanh can, lợi mật, sáng mắt.
Khoai lang được dùng chữa vàng da, ung nhọt, viêm tuyến vú, phụ nữ kinh nguyệt không đều (dùng trước kỳ kinh), nam giới di tinh, trẻ em cam tích, lỵ.
Trong Tây y, nhiều nghiên cứu cho thấy khoai lang chứa loại protein độc đáo có hiệu quả chống oxy hóa. Protein trong khoai lang có khoảng 1/3 hoạt tính chống oxy hoá của glutathione (một trong những sản phẩm quan trọng của cơ thể có vai trò trong việc tạo các chất chống oxy hóa). Điều này giúp giải thích về những đặc tính hỗ trợ chữa bệnh của khoai lang.
Không chỉ có những đặc tính chống oxy hoá, khoai lang còn chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ.
Khoai lang rất giàu vitamin A(dưới dạng beta-caroten), vitamin C, vitamin B6, một số khoáng chất như mangan, đồng, kali và sắt. Đặc biệt, khoai lang còn được biết đến là thực phẩm giàu chất xơ hoà tan tốt cho hệ tiêu hoá.
Nhờ lượng vitamin A, vitamin C dồi dào, khoai lang là thực phẩm chống viêm có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị bệnh. Beta-caroten và vitamin C chống oxy hóa giúp cho cơ thể loại bỏ các gốc tự do.
Ngoài ra, khoai lang còn có vitamin B6 cần thiết cho cơ thể để chuyển đổi homocysteine, sản phẩm trong tiến trình tạo ra acid amin quan trọng trong việc bảo vệ các tế bào.
Các công trình nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra dịch chiết từ củ khoai lang trắng có thể hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường. Các nghiên cứu cho thấy ăn khoai lang giúp hỗ trợ cho sự ổn định nồng độ đường trong máu và làm giảm sức kháng insulin.
Bác sĩ Vũ cho biết, chiết xuất caiapo từ củ khoai lang trắng có thể kiểm soát tốt lượng đường máu và cholesterol trong bệnh đái tháo đường tuyp 2. Chất này đã được Nhật Bản điều chế thành dược phẩm bổ sung dành cho bệnh nhân tiểu đường.
Nghiên cứu tại Ðại học Vienna (Áo) đã tìm hiểu phương thức hoạt động và tính hiệu quả của caiapo từ khoai lang thử nghiệm trên những người mắc bệnh mắc đái tháo đường tuyp 2 với liều dùng trong vòng 12 tuần.
Kết quả cho thấy khi điều trị bằng caiapo chiết từ khoai lang làm giảm lượng hemoglobin A-1c (HbA1c) là yếu tố chỉ định lượng đường máu dư thừa. Lượng đường máu ở nhóm sử dụng caiapo từ khoai lang cũng giảm hơn nhiều.
Khoai lang được coi là loại thực phẩm giúp giảm cân rất tốt. Do năng lượng trong khoai lang rất ít, chỉ bằng 1/3 so với cơm và 1/2 so với khoai tây. Khoai lang không chứa chất béo và cholesterol, ngăn được tiến trình chuyển hóa đường trong thức ăn thành mỡ và chất béo trong cơ thể.
Ăn khoai lang trước bữa ăn chính sẽ làm bạn giảm được một lượng lớn thức ăn đưa vào cơ thể.
Ăn khoai lang rất có lợi cho hệ tiêu hóa vì thành phần vitamin C và các axit amin giúp kích thích nhu động ruột, làm quá trình tiêu hóa thức ăn trở nên nhanh hơn, ngăn ngừa tình trạng táo bón.
Bác sĩ Vũ cho biết, khoai lang trong y học cổ truyền được dùng trong nhiều bài thuốc đơn giản. Người bị cảm sốt mùa nóng, không ra được mồ hôi, có thể nấu khoai lang trắng với cải bẹ xanh ăn thay cơm để giúp ra mồ hôi, hạ sốt, giải cảm.
Khoai lang tính nhuận tràng nên thường được dùng trong các bài thuốc giúp giảm táo bón. Để chữa táo bón, bạn có thể ăn khoai lang luộc hoặc luộc khoai nghiền nhuyễn thành sinh tố rồi uống.
Người có bệnh trĩ có thể dùng nước luộc khoai tươi hay khô giã nát uống vào buổi sáng giúp cải thiện bệnh lý.
Phụ nữ bị viêm tuyến vú dùng khoai lang trắng gọt vỏ, giã nhuyễn đắp lên vú, có thể phối hợp với tỏi giã nhuyễn để đắp.
Khoai lang là thực phẩm rất tốt cho thận. Những người thận dương hư, đi tiểu nhiều lần có thể dùng bài thuốc thịt chó hầm với khoai lang, cho thêm chút rượu và gia vị. Đối với trường hợp thận âm hư, đau lưng mỏi gối thì dùng lá khoai lang tươi non 30 g, mai rùa 30 g, sắc kỹ lấy nước uống.
Khoai lang dù rất tốt cho sức khoẻ tuy nhiên không nên quá lạm dụng, chúng ta chỉ nên ăn khoai ở mức vừa phải, cân bằng với các nhóm thực phẩm khác. Khi dùng khoai lang làm thuốc điều trị cần tham vấn ý kiến của người có chuyên môn.
Làm gì để phòng các bệnh về da trong mùa nắng nóng?
Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận điều trị cho gần 100 trường hợp viêm nhiễm da liên quan đến thời tiết nắng nóng như: Viêm da nhiễm trùng, nhọt, chốc lây, nấm da, lang ben, viêm mô tế bào… Ngoài ra, còn có các bệnh khác xuất hiện trong mùa nắng nóng như nám da, tàn nhang.
Lý giải nguyên nhân khiến cho nhiều người dễ mắc các bệnh về da khi thời tiết nắng nóng, Thạc sĩ - bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh cho biết, tia UV trong ánh nắng mặt trời là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh về da, bao gồm cháy nắng, lão hóa da, nám da, ung thư da. Tia UV có thể phá hủy cấu trúc collagen và elastin trong da, khiến da trở nên nhăn nheo, chảy xệ và kém đàn hồi. Tia UV cũng có thể kích thích sản sinh melanin, dẫn đến tình trạng nám da, tàn nhang.
Chưa kể, mồ hôi tiết ra nhiều trong mùa nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển, gây ra các bệnh da liễu như mụn nhọt, viêm da, hăm da. Mồ hôi cũng có thể làm da mất đi độ ẩm, khiến da trở nên khô rát, ngứa ngáy.
Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều kem chống nắng, kem dưỡng da, mỹ phẩm trong mùa nóng có thể khiến da bị bí bách, dễ nổi mụn và kích ứng.
Để phòng tránh các bệnh về da trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài trời nắng để tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời, đặc biệt là vào giờ cao điểm từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Khi ra ngoài, cần che chắn da cẩn thận bằng quần áo, mũ rộng vành, kính râm; sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và thoa lại sau mỗi 2 giờ.
Giữ da luôn sạch sẽ và khô ráo, tắm rửa thường xuyên bằng nước mát, không nên tắm nước quá nóng; sử dụng các sản phẩm sữa tắm dịu nhẹ, không chứa chất tẩy rửa mạnh; lau khô da sau khi tắm và thoa kem dưỡng ẩm để giữ da mềm mại.
Uống đủ nước mỗi ngày giúp thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố và giữ cho da luôn đủ ẩm. Nên uống nước lọc hoặc nước trái cây, hạn chế uống nước ngọt có ga. Ăn nhiều rau xanh và trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C như cam, bưởi, kiwi, ớt chuông. Hạn chế ăn thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ. Ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi và tái tạo da. Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress.
Theo dự báo, trong những ngày tới tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tiếp tục nắng nóng gay gắt, có thời điểm lượng tia UV cao nhất ở mức 10, được cảnh bảo là mức rất nguy hại.
Khuyến cáo mới về quản lý cân nặng ở người đái tháo đường
Trong hướng dẫn mới năm 2024, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) cho biết, ngoài BMI các phép đo khác về phân bổ chất béo cần được xem xét khi điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường type 2.
Theo ADA, giảm cân phải là mục tiêu chính đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 2, lặp lại khuyến nghị trước đó. Giảm cân hơn 10% trọng lượng cơ thể có liên quan đến kết quả sức khỏe tốt hơn cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2, bao gồm cả việc thuyên giảm bệnh.
Một phần của hướng dẫn mới, được gọi là Tiêu chuẩn chăm sóc bệnh tiểu đường, bao gồm khuyến nghị cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sử dụng các phép đo khác về phân bổ mỡ trong cơ thể, chẳng hạn như chu vi vòng eo, tỷ lệ vòng eo/hông và/hoặc tỷ lệ vòng eo/chiều cao cùng lúc với BMI (so với hướng dẫn năm 2023, ADA chỉ tập trung vào BMI).
BMI từ lâu đã là thước đo được sử dụng để đánh giá nguy cơ liên quan đến bệnh đái tháo đường type 2. Điều này là do béo phì có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh cũng như khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, nếu chỉ BMI sẽ không đầy đủ để xác định sức khỏe của một người, vì nó không tính đến thành phần cơ thể, chẳng hạn như khối lượng cơ bắp hoặc nơi tích trữ chất béo trên cơ thể, cũng như sắc tộc, tuổi tác và chủng tộc...
TS. Robert Gabbay, Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ cho biết: Tỷ lệ vòng eo/hông, cung cấp cái nhìn đầy đủ hơn về tình trạng béo phì ở mỗi cá nhân và có thể hướng dẫn liệu pháp. Chúng tôi biết rằng chu vi vòng eo hoặc tỷ lệ eo/hông cao là một yếu tố rủi ro bổ sung dẫn đến kết quả tồi tệ hơn.
ADA khuyến nghị các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên đo chu vi vòng eo, tỷ lệ eo-hông và/hoặc tỷ lệ eo - chiều cao cùng với chỉ số BMI.
- BMI: Là thước đo dựa trên chiều cao và cân nặng, được tính bằng cách chia cân nặng (tính bằng kilôgam) cho bình phương chiều cao tính bằng mét (kg/m2).
Theo TS. Andrew Krafson, phó giáo sư lâm sàng tại Đại học Michigan, chuyên về nội tiết và tiểu đường: BMI rất tiện lợi, nhưng chu vi vòng eo và tỷ lệ vòng eo đến hông cũng sẽ rất hữu ích.
- Chu vi vòng eo: Chu vi vòng eo là số đo vòng eo, giúp đo lượng mỡ quanh bụng. Đây là một phép đo hữu ích vì điểm chu vi cân nặng cao hơn, cho thấy mỡ bụng quá mức, có liên quan đến bệnh đái tháo đường type 2.
CDC cho biết, bạn có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì cao hơn nếu bạn là nam giới có chu vi vòng eo trên 101cm hoặc phụ nữ có chu vi vòng eo lớn hơn 88cm.
- Tỷ lệ eo-hông: Đây là một cách khác để đánh giá tình trạng béo bụng (có thể là dấu hiệu dự báo bệnh đái tháo đường type 2). Số đo này được tính bằng cách đo cả vòng eo và vòng hông, sau đó chia số đo vòng eo cho số đo vòng hông. Tỷ lệ eo/hông lý tưởng đối với phụ nữ phải nhỏ hơn 0,85 và của nam giới phải nhỏ hơn 0,9.
- Tỷ lệ vòng eo trên chiều cao: Tương tự như vậy, tỷ lệ vòng eo trên chiều cao cao hơn có thể là yếu tố dự báo bệnh béo phì và/hoặc bệnh đái tháo đường type 2. Tỷ lệ vòng eo trên chiều cao của một người có thể được tính bằng cách chia chu vi vòng eo cho chiều cao của họ. Theo nghiên cứu được công bố trên Plos One, tỷ lệ vòng eo trên chiều cao lớn hơn 0,53 ở nam và 0,54 ở nữ có liên quan đến béo phì và bệnh tật.
Tuy nhiên theo TS. Andrew Krafson, có một số do dự trong việc sử dụng các phép đo bổ sung ngoài BMI trong môi trường lâm sàng. Ông cho biết các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần được đào tạo về cách thực hiện các phép đo như vậy một cách chính xác và bệnh nhân có thể cảm thấy không thoải mái khi phải vén áo hoặc hạ quần để thực hiện. Đây là những rào cản nhỏ nhưng quan trọng.
Một khuyến nghị quan trọng khác từ ADA: Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 bị thừa cân hoặc béo phì, việc kiểm soát cân nặng và kiểm soát đường huyết phải là mục tiêu chính.
Trong khuyến nghị của mình, ADA chỉ ra rằng giảm 10% trọng lượng cơ thể trở lên có liên quan đến những lợi ích sức khỏe tích cực, bao gồm khả năng thuyên giảm bệnh đái tháo đường type 2, cải thiện kết quả và tỷ lệ tử vong về tim mạch lâu dài.
Khi nói đến các biện pháp can thiệp hoặc công cụ giảm cân, ADA khuyến nghị theo thứ tự sau:
- Dinh dưỡng, hoạt động thể chất và liệu pháp hành vi
- Dược lý
- Các thiết bị y tế
- Phẫu thuật chuyển hóa
"Thay đổi lối sống là liệu pháp chính bằng dinh dưỡng và tập thể dục hiệu quả. Tuy nhiên, nếu những cách này không hiệu quả, người ta phải xem xét các loại thuốc như semaglutide hoặc tirzepatide. Phẫu thuật chuyển hóa là một lựa chọn khác khi không đạt được mục tiêu về cân nặng", Gabbay cho biết.
- Dinh dưỡng, hoạt động thể chất và trị liệu hành vi: Phần này bao gồm các biện pháp can thiệp như tư vấn sức khỏe thường xuyên, tập trung vào các chiến lược dinh dưỡng, tập thể dục và hành vi nhằm giúp mọi người đốt cháy thêm 500 đến 750 calo mỗi ngày.
- Khuyến nghị về dược lý: ADA cho biết nên giảm thiểu các loại thuốc điều trị bệnh đi kèm liên quan đến tăng cân bất cứ khi nào có thể. Đối với những người thừa cân hoặc béo phì và mắc bệnh đái tháo đường type 2, nên cân nhắc dùng thuốc thúc đẩy giảm cân cùng với việc thay đổi lối sống.
Thuốc được ưu tiên là chất chủ vận thụ thể peptide 1 giống glucagon (GLP-1) như ozempic (semaglutide) hoặc chất chủ vận polypeptide insulinotropic (GIP) phụ thuộc glucose kép và chất chủ vận GLP-1 như mounjaro (tirzepatide).
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% số người thành công trong việc giảm 10% trọng lượng cơ thể và duy trì mức đó trong một năm chỉ bằng cách quản lý lối sống. Khi các loại thuốc giảm cân và tiểu đường này phát triển, chúng hiệu quả hơn rất nhiều và thực sự thì việc giảm cân như vậy trở nên dễ dàng hơn, TS. John Buse nhà nội tiết học và giáo sư tại Đại học North chia sẻ.
- Thiết bị y tế: ADA thừa nhận rằng các thiết bị thắt dạ dày đã không còn được ưa chuộng do hiệu quả lâu dài hạn chế và tỷ lệ biến chứng cao.
- Phẫu thuật chuyển hoá: ADA cho biết, phẫu thuật giảm cân có thể được xem xét đối với những người mắc bệnh đái tháo đường có chỉ số BMI lớn hơn 30, như một cách để quản lý cân nặng và lượng đường trong máu. Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng phải được thực hiện bởi các chuyên gia có kinh nghiệm dày dặn trong việc quản lý bệnh béo phì, tiểu đường và phẫu thuật đường tiêu hóa.
"Những hướng dẫn của ADA tập trung vào việc giảm cân và quản lý cân nặng vì có thể cải thiện kết quả sức khỏe của những người mắc bệnh béo phì và đái tháo đường type 2. Bằng cách tập trung vào việc giảm cân, về cơ bản chúng tôi đang giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bệnh đái tháo đường type 2, thay vì cung cấp cho ai đó thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, thuốc điều trị huyết áp và thuốc bổ sung giảm cholesterol của người bệnh", TS. John Buse cho biết.
T.M (tổng hợp)