Mỗi người mỗi ngày cần ngủ bao nhiêu giờ?
Mới đây, Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã công bố hướng dẫn mới về số giờ ngủ tối thiểu mỗi ngày có lợi cho sức khỏe.
Theo tờ Yomiuri Shimbun, “Hướng dẫn về giấc ngủ để nâng cao sức khỏe” do Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản soạn thảo, nêu ra nhiều thời lượng ngủ được khuyến nghị khác nhau theo nhóm tuổi. Cụ thể, người lớn nên ngủ ít nhất 6 giờ mỗi ngày, đồng thời cảnh báo việc sử dụng ngày nghỉ nhằm bù đắp tình trạng thiếu ngủ vào các ngày trong tuần có thể khiến sức khỏe bị tổn hại.
Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng khuyến cáo người cao tuổi không nên ngủ quá 8 giờ hoặc ngủ trưa quá lâu vì việc đó làm tăng nguy cơ tử vong.
Cũng theo hướng dẫn mới, học sinh tiểu học nên ngủ từ 9 đến 12 giờ, và học sinh trung học nên ngủ từ 8 đến 10 giờ. Hướng dẫn còn chỉ ra rằng tình trạng thiếu ngủ ở trẻ em đã được cho rằng sẽ dẫn đến béo phì, trầm cảm và kết quả học tập kém. Theo từng nhóm tuổi thì cần ngủ từ 11-14 giờ đối với trẻ từ 1 đến 2 tuổi; 10 -13 giờ đối với trẻ từ 3 đến 5 tuổi.
Cũng theo hướng dẫn này, tập thể dục, như đi bộ và tắm trước khi đi ngủ từ một đến hai giờ sẽ giúp mọi người ngủ ngon hơn, và giữ phòng ngủ càng tối cũng sẽ giúp ngủ ngon.
Người Nhật ngủ trung bình 7 giờ 22 phút mỗi đêm, ngắn nhất trong số 33 quốc gia được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế khảo sát vào năm 2023. Chính vì do thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về não, tim mạch và trầm cảm, nên Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã quyết định đưa ra tiêu chuẩn cho việc cải thiện giấc ngủ.
Trong khi đó, theo thông tin từ trang web của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi ngày trẻ từ 6 - 12 tuổi nên ngủ từ 9 - 12 giờ; từ 13 - 18 tuổi nên ngủ từ 8 - 10 giờ. Người từ 18 - 60 tuổi nên ngủ ít nhất 7 giờ/đêm. Người từ 61 - 64 tuổi nên ngủ từ 7 - 9 giờ và người từ 65 tuổi trở lên nên ngủ từ 7 - 8 giờ.
Cũng theo CDC, mất ngủ kéo dài sẽ làm giảm khả năng hoạt động của hệ miễn dịch, khiến con người dễ bị bệnh hơn. Mất ngủ cũng tác động xấu đến sức khỏe tim mạch, nguy cơ mắc bệnh mạch vành hoặc đột quỵ sẽ tăng lên. Cùng đó mất ngủ triền miênh có thể làm giảm khả năng suy nghĩ của não bộ, ảnh hưởng đến trí nhớ và có thể dẫn đến tăng cân béo phì.
Cứu sống nam thanh niên bị sốt xuất huyết nặng, vỡ hồng cầu hàng loạt
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, các bác sỹ vừa điều trị thành công cho một nam bệnh nhân bị sốt xuất huyết Dengue nặng kèm thiếu máu tán huyết cấp (vỡ hồng cầu).
Hơn 1 tháng trước, nam bệnh nhân 21 tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau cơ, nước tiểu đỏ. Trước đó 4 ngày, thanh niên này khởi phát cơn sốt, đau mỏi cơ, tự mua thuốc giảm đau hạ sốt nhưng không giảm; đến ngày thứ 4, được đưa đến bệnh viện và có chỉ định nhập viện.
Bệnh nhân không ghi nhận các bệnh lý về máu hay bệnh lý về gan trước đây, có thừa cân. Tại bệnh viện, các bác sỹ ghi nhận bệnh nhân sốt cao, li bì, tụt huyết áp, thở nhanh, vàng da; sau đó được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng thể não, sốc, tổn thương gan nặng, tán huyết cấp, được điều trị thở máy, chống sốc tích cực, hỗ trợ gan và làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân tán huyết.
Những ngày sau đó, tình trạng sốc của bệnh nhân được kiểm soát. Tuy nhiên, tình trạng tán huyết tiếp tục tiến triển, gây suy gan, suy thận, tiểu ít, vàng da. Xét nghiệm tìm nguyên nhân tán huyết ghi nhận men G6PD của bệnh nhân rất thấp. Các bác sỹ xác định đây là trường hợp tán huyết cấp do thiếu men G6PD.
Sau khi hội chẩn đa chuyên khoa, các bác sỹ đã tiến hành thay huyết tương, lọc máu liên tục, truyền máu và chế phẩm máu, truyền thuốc để ổn định huyết động, điều chỉnh điện giải, cân bằng dịch. Sau nhiều ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện, suy thận hồi phục, có nước tiểu, vàng da giảm, hết tán huyết. Bệnh nhân tỉnh dần và được cai máy thở, rút ống nội khí quản, tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân và được xuất viện sau 32 ngày điều trị.
Theo các bác sỹ, thiếu men G6PD là một bệnh lý di truyền, đa phần không có biểu hiện lâm sàng hoặc biểu hiện nhẹ nếu mức độ thiếu men G6PD không nhiều. Tuy nhiên, trong số ít trường hợp, bệnh nhân sẽ vào đợt tán huyết cấp khó kiểm soát sau khi bị nhiễm trùng nặng hoặc sử dụng các thuốc có tính oxy hóa cao. Biểu hiện lúc này là phản ứng vỡ hồng cầu hàng loạt gây thiếu máu cấp có thể tử vong nếu không kiểm soát kịp thời.
Đây là một trong số những trường hợp sốt xuất huyết Dengue nặng, suy đa cơ quan được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cứu sống trong thời gian qua. Các bác sỹ cảnh báo, sốt xuất huyết ở người lớn có thể chuyển nặng như: sốc, xuất huyết hoặc suy cơ quan dẫn đến tử vong. Đặc biệt, với những bệnh nhân có cơ địa như béo phì, có bệnh lý nền (tim, thận, gan, bệnh lý máu, thai kỳ…), diễn tiến của sốt xuất huyết có thể trở nên phức tạp.
Sốt xuất huyết là dịch bệnh lưu hành quanh năm tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. Hiện nay, dù không phải là cao điểm dịch nhưng các bác sỹ khuyến cáo, người dân luôn chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp như: ngủ màn, dùng thuốc thoa phòng muỗi đốt, diệt lăng quăng, diệt muỗi… Khi có biểu hiện sốt cao trên 2 ngày hoặc không giảm dù đã dùng thuốc hạ sốt hoặc sốt kèm mệt mỏi, vàng da, nôn ói, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Làm đẹp 'cấp tốc' đón Tết theo Tiktok nhiều người mất tết
BSCKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội da liễu Việt Nam chia sẻ, hiện bác sĩ đang tiếp nhận nhiều ca làm đẹp bị biến chứng vì tin "bác sĩ" tự phong tràn ngập mạng xã hội.
Do mặt có mụn nên nữ sinh 19 tuổi ở Bắc Ninh đã dùng kem đánh răng chữa mụn theo hướng dẫn trên TikTok khiến mặt "nở hoa" chi chít.
Chia sẻ với bác sĩ, nữ sinh này kể, trong một lần lướt TikTok, nữ sinh đã tình cờ xem được một đoạn video hướng dẫn mẹo chữa mụn bằng cách bôi một ít kem đánh răng. Thấy kết quả "thần thánh" mụn có thể biến mất ngay sáng hôm sau, nữ sinh đã lập tức làm theo ngay. Thế nhưng 'hiệu quả' mà nữ sinh này nhận được sau một đêm là da mặt không những không hết mụn mà còn "nở hoa", khiến cô phải tức tốc đi khám.
"Bệnh nhân đến khám với tâm lý vô cùng lo lắng và hoảng sợ. Trên mặt có rất nhiều thương tổn, bao gồm: Nhiều mụn viêm, mụn mủ trên nền da đỏ rát, ngứa ngáy, châm chích, khó chịu. Bệnh nhân cũng chia sẻ, bôi kem đánh răng vào vị trí mụn cảm giác ban đầu dịu mát, dễ chịu. Do đó đã bôi nhiều lần trong ngày và với nhiều vị trí trên mặt, gây ra tình trạng kích ứng", Bác sĩ Tiến Thành chia sẻ.
Bệnh nhân được chẩn đoán mụn trứng cá kèm theo viêm da tiếp xúc kích ứng nặng. Với tình trạng này, việc điều trị sẽ phức tạp hơn mụn trứng cá thông thường ban đầu.
Cũng tương tự như nữ sinh này, một nam sinh 16 tuổi đến từ Hải Phòng cũng đến khám BS Tiến Thành với gương mặt chi chít mụn. Bệnh nhân cho biết do đang ở tuổi dậy thì, gương mặt của nam sinh xuất hiện rất nhiều mụn trứng cá, đặc biệt là vùng trán và cằm. Mặc cảm, xấu hổ vì bị bạn bè trêu trọc, nam thanh niên này đã lên mạng tìm thông tin và được giới thiệu một sản phẩm được quảng cáo trị mụn trứng cá tức thì.
"Đúng như quảng cáo, sau 2 tuần bôi kem, cả đám mụn trứng cá đều giảm nhiều. Tuy nhiên, khi em tiếp tục bôi thêm 3 tuần thì mụn xuất hiện nhiều hơn, xuất hiện nhiều mụn mủ, mụn bọc, da đỏ mẩn đỏ, ngứa nhiều…" nam bệnh nhân chia sẻ.
Bệnh nhân được chẩn đoán bị biến chứng do kem trộn có chứa corticoid. Tại thời điểm nhập viện da mặt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn với chi chít mụn mủ. Bệnh nhân cũng được chẩn đoán: trứng cá do thuốc, da bị tổn thương do corticoid bôi.
Bác sĩ Thành cho biết thêm, đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp biến chứng, trong quá trình khám chữa bệnh bác sĩ gặp khá nhiều ca bệnh bị tổn thương, biến chứng: mỏng da, giãn mạch, sạm da do bôi kem trộn, kem gây độc tế bào để điều trị nám, mụn, trắng cấp tốc…
Theo BS Tiến Thành, trong vòng tháng 12/2023 và tháng 1/2024 bác sĩ đã tiếp nhận hơn 30 bệnh nhân bị biến chứng sau khi làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ chui, spa, quán cắt tóc. Mặc dù các chuyên gia cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có nhiều người không sợ. Thậm chí bệnh nhân còn giấu, không muốn chia sẻ cho bác sĩ biết là làm ở tình huống như nào, chỉ biết khóc khi hỏi nguyên nhân…
Hiện nay người thực hiện các kỹ thuật chăm sóc da ở một số spa, thẩm mỹ viện, quán cắt tóc thường đi học các khóa ngắn hạn chừng 3-4 tháng theo kiểu dạy nghề, sau đó về trực tiếp làm và quảng cáo tiêm meso; tiêm filler... Điều đáng nói những nơi nhận đào tạo cũng không quan tâm trình độ đầu vào và kiểm tra kết quả đào tạo của học viên.
Theo Bác sĩ Tiến Thành, việc tiêm meso; tiêm filler; hay các thủ thuật xâm lấn cho dùng nhỏ chỉ được thực hiện tại cơ sở y tế được Sở y tế, Bộ Y tế cấp phép hoạt động, được phê duyệt danh mục kỹ thuật trong phạm vi hoạt động chuyên môn.
"Chỉ có một số cơ sở của Bộ Y tế như trường Đại học Y, bệnh viện da liễu,... mới được cấp mã đào tạo về chuyên ngành da liễu thẩm mỹ làm đẹp. Những cơ sở này mới đủ điều kiện được chứng nhận làm các thủ thuật tiêm filler, botox. Những người được phép tham gia khóa học đào tạo này phải là bác sĩ đa khoa, bác sĩ thẩm mỹ, da liễu… Do đó, các nhân viên ở spa, trung tâm làm đẹp, thợ cắt tóc, gội đầu không được học để thực hiện các thủ thuật này". -BS Tiến Thành nói.
Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, BS. Thành khuyến cáo, các chị em có nhu cầu làm đẹp cần tỉnh táo và sáng suốt để lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, có đội ngũ tư vấn, bác sĩ chuyên khoa để thực hiện dịch vụ.
Thời điểm giáp Tết, dù đã có những cảnh báo nhưng thời gian gần đây vẫn liên tục gia tăng các trường hợp bị biến chứng sau làm đẹp.
T.M (tổng hợp)