Tăng gấp đôi nguy cơ sinh non ở phụ nữ hút thuốc
Một nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Cambridge (Anh) cho thấy, hút thuốc trong khi mang thai dẫn đến nhiều rủi ro.
Cụ thể, việc hút thuốc trong thai kỳ sẽ tăng gấp 2,6 lần nguy cơ sinh non. Đồng thời, nguy cơ trẻ sinh ra nhỏ hơn tuổi thai thật của trẻ sẽ tăng 4 lần nếu người mẹ hút thuốc trong lúc mang thai. Hiện ở Anh có khoảng 8,8% phụ nữ mang thai hút thuốc. Khuyến cáo được đưa ra là hút thuốc trong khi mang thai làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ, và khói thuốc gây hại cho trẻ sơ sinh trước và sau khi chúng được sinh ra.
Cũng theo nghiên cứu, cứ 5 trẻ được sinh ra từ những bà mẹ hút thuốc khi mang thai thì có 1 trẻ bị nhẹ cân. Trẻ sinh ra quá nhỏ hoặc quá sớm đều không khỏe mạnh. Những em bé có mẹ hút thuốc khi mang thai có phổi yếu hơn những em bé khác, điều này làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát hàng tháng đối với người trưởng thành ở Anh, các nhà nghiên cứu từ Đại học College London đã xem xét thói quen hút thuốc của 197.266 người, trong đó có 44.052 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (18 đến 45 tuổi). Họ nhận thấy tỷ lệ hút thuốc ở những phụ nữ có điều kiện kinh tế thuận lợi đã tăng từ 11,7% lên 14,9% trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến đầu năm 2024. Trong khi đó, tỷ lệ hút thuốc ở phụ nữ thuộc các nhóm nghèo giảm từ 28,7% xuống 22,4%.
Đáng chú ý, khảo sát của College London còn cho biết, việc hút thuốc lá điện tử ở phụ nữ từ 18 đến 45 tuổi đã tăng gấp hơn 3 lần trong 10 năm qua. Gần 1/5 (19,7%) phụ nữ cho biết đã sử dụng thuốc lá điện tử vào năm 2023, tăng từ 5,1% tính từ năm 2013.
Nghiên cứu cũng cho thấy có tới 61,4% phụ nữ từ 18 đến 45 tuổi có hút thuốc cho biết họ chủ yếu hút thuốc lá cuốn bằng tay, tăng từ 40,5%.
Tiến sĩ Sharon Cox cho rằng, lý do khiến phụ nữ trẻ thuộc tầng lớp trung lưu hút thuốc nhiều hơn là "không rõ ràng". Bà nói: "Tuy nhiên, có thể họ không phải chịu áp lực tài chính nên đã hút thuốc nhiều hơn".
Còn theo tác giả dẫn đầu nhóm nghiên cứu - tiến sĩ Sarah Jackson, thật đáng lo ngại khi gia tăng tỷ lệ hút thuốc trong phụ nữ trung lưu.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 16/4, với 383 phiếu thuận và 67 phiếu chống, Hạ viện Anh đã thông qua dự luật ngăn chặn giới trẻ hút thuốc. Luật mới sẽ cấm bán thuốc lá cho người sinh sau ngày 1/1/2009. Sau đó, mỗi năm sẽ nâng độ tuổi hút thuốc lá thêm 1 năm cho đến khi áp dụng với toàn bộ dân số. Theo thống kê chính thức, khoảng 6,4 triệu người tại Anh, tương đương 13% dân số trưởng thành của nước này hút thuốc lá.
Thủy đậu vào mùa, coi chừng nhầm lẫn bệnh mùa nắng
Bệnh nhi NTT (5 tuổi, ngụ tỉnh Long An) nhập BV Nhi đồng Thành phố vì bị té chấn thương đầu và phần mềm, được điều trị bảo tồn. Sau đó bệnh nhi xuất hiện dấu hiệu bệnh thủy đậu như sốt, nổi bóng nước ở mặt - bụng, ngứa.
Theo BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố, có thể bệnh nhi ủ bệnh từ lúc đi học, tiếp xúc bên ngoài (thông thường thời gian ủ bệnh của thủy đậu từ 2-3 tuần).
Vì bệnh nhi đang theo dõi chấn thương sọ não, tổn thương phần mềm, nguy cơ nhiễm trùng cao, lại bị thủy đậu nên tình trạng nặng hơn. Bệnh nhi được điều trị tích cực bằng thuốc đặc hiệu, truyền tĩnh mạch, bôi vết thương, điều trị kháng sinh. Sau gần ba tuần, sức khỏe bệnh nhi ổn định, đã xuất viện.
Một bệnh nhi khác chỉ mới 31 ngày tuổi (ngụ Đồng Tháp) mắc thủy đậu nặng, phải nhập BV Nhi đồng 1 trong tình trạng sốt, ho, thở mệt, nổi bóng nước toàn thân.
BS chẩn đoán bệnh nhi bị thủy đậu, điều trị bằng kháng sinh chống bội nhiễm, giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, mặc đồ thoáng mát, nằm phòng cách ly để tránh lây lan. Sau 8 ngày điều trị, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định, nếu tiến triển tốt sẽ sớm xuất viện.
Dấu hiệu mắc thủy đậu ở người lớn
Phát ban do thủy đậu xuất hiện từ 10-21 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với virus varicella-zoster. Phát ban thường kéo dài khoảng 5-10 ngày. Các triệu chứng tiền triệu có thể xuất hiện từ 1-2 ngày trước khi phát ban trên da bao gồm sốt, ăn không ngon, đau đầu, mệt mỏi và cảm giác không được khỏe.
Khi phát ban thủy đậu xuất hiện sẽ trải qua ba giai đoạn phát triển và thường đi kèm với ngứa và đau rát, gồm: phát ban đỏ bùng phát trong vòng vài ngày; mụn nước xuất thành nhân trên nền ban đỏ trong vòng khoảng một ngày rồi vỡ ra và rỉ dịch; các mụn nước khô lại đóng mài và phải mất vài ngày sau mới lành.
Thủy đậu có thể lây truyền 48 giờ trước khi phát ban và cho đến khi tất cả mụn nước khô đóng mài.
Thủy đậu có thể nghiêm trọng và dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như nhiễm khuẩn da và mô mềm, mất nước, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết hay hội chứng sốc nhiễm độc. Trong một số trường hợp rất hiếm có thể dẫn đến tử vong.
BS CKII NGUYỄN VŨ HOÀNG - Trưởng khoa Lâm sàng 2 (BV Da liễu TP.HCM)
BS Tiến cho biết, trong gần 3 tháng đầu năm 2024, BV Nhi đồng Thành phố tiếp nhận khám, điều trị cho 112 ca thủy đậu, trong đó 9 ca nặng phải điều trị nội trú. Số ca thủy đậu bắt đầu nhiều từ tháng 3, trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 5-6 ca, đa số ở thể nhẹ do đã tiêm ngừa.
“Tình hình tiếp nhận, điều trị bệnh thủy đậu tại BV không tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, hiện đang là thời điểm bệnh thủy đậu vào mùa (từ tháng 2 đến tháng 6 hằng năm), kèm theo những bệnh truyền nhiễm mùa nắng nóng nên phụ huynh phải hết sức lưu ý”, BS Tiến nói.
Tại khoa Nhiễm - Thần kinh (BV Nhi đồng 1) đang điều trị nội trú hai ca thủy đậu nặng, biến chứng. Mỗi ngày, ngoại trú tiếp nhận 2-3 ca tái khám.
BS CKII Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, cho biết một tháng qua khoa tiếp nhận điều trị gần 20 ca thủy đậu, có tăng so với những tháng đầu năm. Trong đó đa số trẻ còn nhỏ, chưa được tiêm ngừa, bị lây từ người nhà.
Theo BS Quy, trẻ còn quá nhỏ khi mắc thủy đậu sẽ nguy hiểm hơn trẻ lớn vì dễ biến chứng hơn. Các biến chứng có thể gặp như nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, tổn thương đa cơ quan, viêm phổi nhiều hơn… kéo dài thời gian điều trị, tốn kém chi phí.
Đối với trẻ có bệnh nền, suy dinh dưỡng, khi mắc thủy đậu sẽ tiến triển nặng hơn so với trẻ bình thường vì hệ miễn dịch kém hơn.
Theo BS Tiến, ở trẻ nhỏ, bệnh thủy đậu thường biểu hiện sốt, hắt hơi, sổ mũi, chán ăn (giống triệu chứng nhiễm khuẩn hô hấp cấp) nên đôi khi bị nhầm lẫn bệnh về đường hô hấp. Sau đó trẻ bắt đầu nổi hồng ban nhỏ, dần thành mụn nước, mọc ở vùng phân bố thần kinh (mặt, ngực, bụng, lưng) gây đau, ngứa.
Trẻ lớn khi mắc thủy đậu có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, đau khớp, nhức mình, chán ăn (như triệu chứng nhiễm siêu vi). Ở giai đoạn khởi phát, khi có bội nhiễm, trẻ sẽ sốt cao. Sau đó bắt đầu nổi mụn nước, hết lứa này đến lứa khác.
Tổn thương da sẽ phân bố theo hệ thống dây thần kinh, gây đau và ngứa. Khi bệnh trở nặng sẽ gây biến chứng về nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm phổi, tổn thương niêm mạc đường tiết niệu,…
Bệnh thủy đậu có thể lây trước khi phát ban hai ngày, cho đến khi mụn nước thủy đậu khô, đóng mài. Nếu mụn nước chứa virus thủy đậu bị bể ra có thể dễ lây lan hơn.
“Hiện đã có vaccine phòng ngừa thủy đậu cho trẻ. Trẻ có thể tiêm ngừa mũi đầu tiên từ 9 đến 12 tháng tuổi tùy theo loại vaccine. Nếu có điều kiện, nên tiêm mũi thứ 2 giúp tăng cường miễn dịch”, BS Tiến khuyến cáo.
BS Quy chia sẻ thêm, mùa nắng nóng, nhiều phụ huynh dễ nhầm lẫn dấu hiệu của thủy đậu với dị ứng da, rôm sảy. Tuy nhiên, rôm sảy nổi mẩn đỏ, còn thủy đậu nổi hồng ban, bóng nước.
“Nếu thấy trẻ sốt, nổi bóng nước nhiều hơn, không phải chỉ là các mẩn đỏ, nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Ngoài tiêm ngừa cho trẻ em, người lớn cũng nên tiêm ngừa thủy đậu để tránh mắc bệnh và lây lan cho trẻ”, BS Quy khuyến cáo.
Hà Nội ghi nhận ca mắc sởi đầu tiên
Sở Y tế Hà Nội thông tin, ca mắc sởi đầu tiên trên địa bàn là bé gái 10 tuổi, ở huyện Chương Mỹ.
Bệnh nhi nói trên khởi phát bệnh từ ngày 27/3, đến 12/4, xét nghiệm xét nghiệm ELISA IgM sởi và rubella của bệnh nhi cho kết quả dương tính. Trước đó, bệnh nhi này đã được tiêm 3 mũi vaccine phòng sởi. Như vậy, đây là ca mắc sởi đầu tiên trong năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2023 không ghi nhận ca mắc.
Ngoài ra, Sở Y tế Hà Nội cho hay, bên cạnh ca mắc sởi, trong tuần qua, thành phố cũng ghi nhận thêm 1 ca mắc ho gà, tại quận Thanh Xuân. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 46 ca mắc ho gà, tại 20 quận, huyện; số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023. Phần lớn các ca mắc là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 52,2%), tỷ lệ trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ chiếm 70% số ca mắc.
Đối với dịch sốt xuất huyết, trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 7 ca mắc; giảm 6 ca so với tuần trước; trong tuần không ghi nhận thêm ổ dịch mới. Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 576 ca mắc sốt xuất huyết, tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Trong tuần tới, Hà Nội tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện sớm các ổ dịch, chùm ca bệnh tay chân miệng, đặc biệt tại trường mầm non, tiểu học. Tổ chức hoạt động vệ sinh môi trường, khử khuẩn phòng, chống bệnh tay chân miệng tại trường mầm non, mẫu giáo khi có ca bệnh, ổ dịch; tăng cường công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống một số dịch bệnh mùa hè như: Tay chân miệng, ho gà, thủy đậu, sởi, rubella…
T.M (tổng hợp)