3 lý do nên ăn trái cây thay vì uống nước ép
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, trái cây tươi chứa rất nhiều chất dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất, giúp bù đắp mọi sự thiếu hụt mà cơ thể bạn có thể gặp phải. Trong khi đó, nước ép trái cây lại không còn nhiều chất dinh dưỡng như ban đầu, nên có thể khiến bạn bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Trái cây tươi chứa nhiều chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa và giúp bạn duy trì một cơ thể khỏe mạnh. Chất xơ có thể thúc đẩy cơ thể tăng cường trao đổi chất đồng thời ngăn ngừa các vấn đề về ruột kết. Tuy nhiên, nước ép trái cây lại gần như không còn chứa chất xơ và đó là lý do tại sao bạn nên chọn ăn trái cây tươi.
Nước ép trái cây có hương vị tương tự như trái cây tươi nhưng có thể chứa nhiều đường, chất tạo ngọt và hương nhân tạo. Do đó, uống nước ép trái cây có thể gây ảnh hưởng xấu đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, trái cây tươi không chứa bất cứ chất nhân tạo và nguy cơ gây bệnh cũng gần như không có.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, ăn trái cây mỗi ngày có tác dụng bảo vệ lượng dinh dưỡng của cơ thể, làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ, tụt huyết áp, thậm chí ngăn ngừa một số loại ung thư.
Một đánh giá của 9 nghiên cứu cho thấy, ăn trái cây mỗi ngày sẽ giảm 7% nguy cơ mắc bệnh tim. Tiêu thụ nho, táo và quả việt quất liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Đặc biệt, các loại trái cây có múi có thể làm tăng nồng độ citrate trong nước tiểu, giúp giảm nguy cơ sỏi thận.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trái cây nào cũng tốt và bổ dưỡng, nên ăn loại trái cây nào là sự lựa chọn của mỗi người, tùy theo sở thích, thói quen ăn uống và tùy theo tình trạng kinh tế của từng gia đình. Không cứ phải trái cây đắt tiền thì mới bổ dưỡng. Mỗi loại trái cây có vị và tính khác nhau nên nó cũng có công hiệu khác nhau. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ăn 400g rau trái mỗi ngày, rau trái tươi là tốt nhất.
Bác sĩ chỉ ra nguyên nhân gia tăng người trẻ bị nhồi máu cơ tim
Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, trước đây, các ca bị nhồi máu cơ tim thường ở người cao tuổi, nhiều bệnh nền; nhưng thời gian gần đây, nhiều ca bệnh lại là người trẻ tuổi. Tình trạng này xảy ra do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa trong mạch máu bị bong tách ra, di chuyển trong động mạch vành gây tắc động mạch vành, nhất là trên nền động mạch vành đã bị xơ vữa.
Động mạch vành là động mạch nuôi cơ tim, ít có các nhánh ngang, chủ yếu là những “con đường độc đạo” vì vậy khi tắc động mạch vành, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao; làm cho một vùng cơ tim bị chết đi, có thể rối loạn nhịp tim, gây suy tim cấp hoặc ngừng tim.
Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, lý do khiến số người trẻ bị nhồi máu cơ tim tăng lên có rất nhiều, nhưng được cho là do một số nguyên nhân chính như: Áp lực công việc gây căng thẳng, stress, ngủ kém; hút thuốc lá và sử dụng rượu bia; do lối sống ít vận động, ăn nhiều thức ăn chế biến sẵn dẫn tới bị thừa cân, béo phì…
Để phòng tránh các bệnh về tim mạch, nhất là nhồi máu cơ tim, bác sĩ khuyến cáo: Người dân cần thường xuyên đi khám, kiểm tra các chỉ số như: Mỡ máu, đường huyết, huyết áp… đặc biệt cần tích cực vận động, tập thể dục và có lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc; không ăn đồ ăn chế biến sẵn. Người dân cũng có thể tăng cường bổ sung Omega 3 trong các bữa ăn hàng ngày để có thể tăng cường bảo vệ tim mạch.
Trẻ tiểu học cần bao nhiêu năng lượng để vừa khỏe vừa học tốt?
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đây là độ tuổi trẻ bắt đầu làm quen với bạn bè, cô giáo, phải học tập và cũng có nhiều hoạt động vui chơi. Vì vậy, trẻ nên được xây đựng thói quen dinh dưỡng sớm, dễ dạy hơn khi lớn hơn...
Ngoài ra, thời điểm độ tuổi tiểu học cũng là giai đoạn trẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh cả về cân nặng, chiều cao, cũng như trí não. Nhu cầu năng lượng cho trẻ em thay đổi theo tuổi và giới tính. Ở trẻ lớn, năng lượng cần cung cấp còn theo mức độ hoạt động thể lực.
Nói chung, nhu cầu năng lượng cho trẻ em sẽ như sau:
6-7 tuổi: Mức độ hoạt động thể lực trung bình là 1.570 kcal ở bé trai và bé gái là 1.460 kcal.
8-9 tuổi: Mức độ hoạt động thể lực trung bình là 1.820 kcal ở bé trai và 1.730 kcal ở bé gái.
10-11 tuổi: Con số này là 2.150 kcal ở bé trai và 1.980 kcal ở bé gái.
12-15 tuổi: Bé trai cần 2.500 kcal, bé gái cần 2.310 kcal.
Trẻ em có nhu cầu dinh dưỡng cao để đáp ứng sự tăng trưởng về thể chất. Để có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng trong khi chức năng của dạ dày và các cơ quan tiêu hóa còn non nớt, chúng ta cần chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp tiêu hoá, hấp thu dưỡng chất tốt hơn. Cách này cũng giúp cơ thể không rơi vào tình trạng hạ đường máu, mệt mỏi khi các bữa ăn cách xa nhau.
Cha mẹ nên cho trẻ ăn 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ tùy theo lứa tuổi. Bữa ăn phải có đủ năng lượng, nhóm chất dinh dưỡng và cân đối giữa các chất. Cụ thể, chất bột đường chiếm 55-65% năng lượng khẩu phần; chất đạm là 15-20% năng lượng; chất béo là 30% năng lượng khẩu phần.
Chú ý, phụ huynh nên đảm bảo đủ vitamin và khoáng chất cũng như chất xơ. Bạn nên cho con ăn đa dạng thực phẩm theo từng nhóm, có 10-15 loại thực phẩm trong ngày và đảm bảo ít nhất 5/8 nhóm thực phẩm (nhóm ngũ cốc; nhóm thịt cá; nhóm trứng; nhóm sữa và chế phẩm của sữa; nhóm đậu phụ, đậu đỗ; nhóm rau củ quả có màu sắc; nhóm rau củ quả khác; nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ, lạc, vừng, macca…).
Các bữa ăn phụ sẽ cung cấp thêm các chất dinh dưỡng, sản sinh năng lượng, vitamin, chất khoáng cần thiết để giúp trẻ tăng trưởng tốt hơn. Điều này giúp trẻ không bị đói giữa các bữa chính và có thêm sức bền cho trẻ vận động, vui chơi và học tập tới cuối ngày.
Bổ sung thêm sữa lúa mạch để tăng cường dinh dưỡng và sức bền cho trẻ cũng là lựa chọn lý tưởng. Thời điểm hợp lý cho trẻ uống thêm sữa là giữa buổi sáng hoặc giữa buổi chiều.
T.M (tổng hợp)