Phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ dịp Tết
Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bé L.A. (10 tuổi, ở Nghệ An) trong tình trạng nôn, lơ mơ, co giật. Sau khi các bác sĩ xử trí ban đầu, trẻ được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán. Do không có biện pháp điều trị đặc hiệu ngộ độc thuốc diệt chuột, trẻ đã tử vong sau gần 1 ngày vào viện.
Bác sĩ Nguyễn Tân Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: “Trong các dịp Tết Nguyên đán hằng năm, số trẻ nhập viện vì tai nạn thương tích đều tăng cao hơn. Trẻ nhỏ thường hiếu động, chưa có nhận thức, phản xạ bảo vệ bản thân, hoặc trẻ vị thành niên đang ở giai đoạn thích thể hiện cái tôi cá nhân”.
Đặc biệt, theo chuyên gia này, với những trẻ sống ở các đô thị lớn, dịp Tết được cùng gia đình về các vùng nông thôn với môi trường mới nhiều điều lạ với trẻ, nhưng cũng có nhiều nguy cơ hơn như ao, hồ, cây cối… Trong khi đó, người lớn vì bận rộn mà lơ là khiến trẻ gặp phải nhiều tình huống gây nguy hại sức khỏe, tính mạng.
Bác sĩ lưu ý, các phụ huynh và người chăm sóc đóng vai trò rất quan trọng trong phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ. “Tất cả các tai nạn thương tích ở trẻ, cần được sơ cứu đúng cách và đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Tân Hùng khuyến cáo.
BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TPHCM) cho biết, vào những ngày giáp Tết và Tết, các phụ huynh thường bận rộn nên không có người trông trẻ, đặc biệt là với các bé từ 1 đến 3 tuổi.
Ở lứa tuổi này, trẻ có thể bị các tai nạn trong nhà như dị vật đường thở, điện giật, bỏng, ngạt nước, uống nhầm hóa chất, chấn thương…
Theo bác sĩ Tiến, một trong những tai nạn thường gặp ở trẻ là dị vật đường thở như khi ăn dưa hấu có hạt, hoặc cắn hạt dưa, hạt bí, hạt hướng dương, ngay cả kẹo mứt…
Đặc biệt, trẻ có nguy cơ cao bị dị vật đường thở khi vừa ăn vừa cười đùa hoặc khóc. Do đó, cách phòng ngừa tốt nhất là không cho trẻ nhỏ ăn các loại thức ăn có hạt. Hoặc, khi ăn, cha mẹ phải lấy hết hạt ra cho trẻ.
Một nguy cơ khác là trẻ có thể bị điện giật do những chùm đèn trang trí trên chậu cây cảnh, nhang điện, đèn hào quang, nhấp nháy ở các bàn thờ. Những đèn này thường thu hút trẻ, khiến bé tò mò, chạm vào nên bị điện giật.
Phụ huynh có thể phòng ngừa bằng cách hạn chế trang trí đèn nhấp nháy, hoặc để ở xa tầm với của trẻ. Các ổ điện cần được che kín bằng những nút nhựa an toàn.
“Vào ngày Tết, các gia đình thường dùng khăn trải bàn, trên đó để bình trà nóng hoặc phích nước sôi để châm trà, hoặc để các thức ăn nấu nóng trên bàn. Khi đó, trẻ có thể chạm phải hoặc kéo khăn bàn làm rơi đổ, gây bỏng.
Hay, phụ huynh có thể ủi đồ ngày Tết và quên để bàn là tại nơi trẻ sờ tới được, gây bỏng. Phòng ngừa bằng cách hạn chế sử dụng khăn trải bàn hoặc phải cố định thật chắc để trẻ không thể kéo rơi đổ. Sau khi ủi đồ xong, phải để bàn là xa tầm với của trẻ”, chuyên gia cảnh báo.
Một nguy cơ khác trẻ có thể gặp là ngạt nước. Một số gia đình có hòn non bộ trong nhà. Trẻ có thể đến đó và ngã vào hồ hoặc xô nước, gây ngạt. Do đó, cha mẹ cần phòng ngừa bằng cách không thiết kế hồ trong nhà khi gia đình có trẻ nhỏ. Ngoài ra, cần đậy nắp bồn cầu hoặc không chứa nước trong các xô.
“Trẻ có thể bò, đi quanh nhà và vớ bất cứ thứ gì cho vào miệng từ đó có thể có chất gây ngộ độc, ảnh hưởng tính mạng trẻ”, chuyên gia cho biết. Phụ huynh cần phòng ngừa bằng cách không đựng hóa chất trong các chai nước giải khát. Các hóa chất phải để xa tầm với và tầm nhìn của trẻ...
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, có trường hợp trẻ nhỏ dưới 3 tuổi ngậm đũa, thìa trong lúc ăn, chạy chơi bị ngã. Khi đó, chiếc đũa đâm vào thành sau họng gây xuất huyết sưng nề tắc nghẽn đường thở, đồng thời, gây suy hô hấp.
Trường hợp khác bị bát vỡ cứa cổ, gây đứt mạch máu lớn, dẫn tới sốc mất máu. Vì vậy, ở nhóm tuổi này, phụ huynh nên đút cho trẻ ăn. Trong trường hợp để trẻ tự ăn, phụ huynh vẫn phải giám sát chặt chẽ.
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới sức khỏe não bộ
Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên toàn cầu, chiếm khoảng 11% số ca tử vong. Khoảng 50 triệu người mắc chứng mất trí nhớ và con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 150 triệu người vào năm 2050. Quá dễ dàng để bác bỏ điều này như một hệ quả tự nhiên của dân số già.
Một nghiên cứu đã xem xét sức khỏe của hơn 413.000 người tham gia dự án Biobank của Anh. Tất cả đều ở độ tuổi từ 40 - 69 và không mắc chứng mất trí nhớ, ung thư hoặc đột quỵ khi bắt đầu nghiên cứu. Sức khỏe của họ được theo dõi, tập trung vào mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và quá trình chuyển đổi từ trạng thái khỏe mạnh sang đột quỵ, mất trí nhớ hoặc cả hai. Dữ liệu cũng được thu thập về lối sống của họ, bao gồm hút thuốc, tập thể dục, uống rượu và chế độ ăn uống, cũng như tình trạng kinh tế xã hội của họ.
Trong suốt 11 năm, 6.484 người bị đột quỵ, 3.813 người mắc chứng mất trí nhớ và 376 người bị đột quỵ và mắc chứng mất trí nhớ. Sau khi tính đến các yếu tố rủi ro khác, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ hệ giữa việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong thời gian dài và việc mắc chứng mất trí nhớ, cũng như việc phát triển chứng mất trí nhớ sau đột quỵ.
Giáo sư Frank Kelly của Imperial College London - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Những phát hiện mới này làm rõ rằng, ô nhiễm không khí đóng vai trò quan trọng như thế nào trong quá trình chuyển đổi của chứng đột quỵ và mất trí nhớ, ngay cả ở nồng độ thấp hơn chất lượng không khí tiêu chuẩn hiện tại của Vương quốc Anh”.
“Mục tiêu về ô nhiễm hạt theo Đạo luật Không khí sạch của Vương quốc Anh cao gấp đôi hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và dự kiến đạt được vào năm 2040. Nếu không sớm đáp ứng hướng dẫn của WHO, sẽ có thêm hàng nghìn người nữa đang có nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như đột quỵ và mất trí nhớ chỉ vì họ không được hít thở không khí trong lành” – ông Frank Kelly cho biết thêm.
Trước đó vào năm 2022, một ủy ban của Chính phủ Anh đã xem xét 69 nghiên cứu và kết luận rằng, ô nhiễm không khí đã đẩy nhanh quá trình suy giảm nhận thức ở người cao tuổi và làm tăng nguy cơ dẫn đến chứng mất trí nhớ.
Nhầm lẫn giữa bệnh zona và tiểu đường
Trước nhập viện 2 tuần, ông P.V.M. (63 tuổi, TP.HCM) nổi các cụm mụn nước ở bả vai, cổ, gáy và trước ngực gây ngứa rát, đau nhức.
Ông đi khám ở phòng khám gần nhà, được chẩn đoán zona và được kê thuốc kháng sinh uống kèm thuốc bôi 10 ngày. Thấy vết thương không lành, ông tự ý mua nhiều loại lá cây về đắp thì vết thương mưng mủ, lở loét và đau nhiều hơn nên được vợ đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Ông nhập viện trong tình trạng vùng cổ gáy và bả vai trái sưng nề, hoại tử, bốc mùi hôi tanh và nổi nhiều mụn mủ đồng thời bị đau nhiều, mệt mỏi, li bì, ăn uống kém, không thể đi lại và mất ngủ về đêm.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM nghi ngờ người bệnh nhiễm trùng nặng, nhiễm trùng máu do bội nhiễm vết thương vùng cổ, gáy và vai trái, đồng thời phát hiện ông mắc bệnh tiểu đường mà trước đó chưa được phát hiện với mức đường huyết lúc nhập viện gấp tới 5-6 lần với người bình thường (chỉ số bình thường < 140 mg/dL).
Thạc sĩ bác sĩ Trần Đình Mạnh Long, Khoa Nội tiết- Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết tình trạng đường huyết cao lâu ngày không được phát hiện cùng với cách chăm sóc, điều trị vết thương chưa hợp lý đã khiến tình trạng bệnh của ông M. diễn tiến nặng hơn và có nguy cơ rơi vào nhiễm toan ceton, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Ngay lập tức, người bệnh được kiểm soát đường huyết tích cực bằng insulin truyền tĩnh mạch và điều trị thuốc kháng sinh mạnh.
Sau 3 ngày điều trị, tình trạng nhiễm trùng được kiểm soát, mức đường huyết ổn định nên ông M. cảm thấy khỏe hơn nhiều, vết thương giảm đau nhức, thoát khỏi nguy kịch và ông tiếp tục được rạch tháo mủ từ ổ áp xe, cắt lọc da, mô hoại tử, làm sạch vết thương.
Sau 7 ngày chăm sóc, vết thương tiến triển tốt, ông M. được các bác sĩ đặt máy hút áp lực âm để đẩy nhanh quá trình lành vết thương. Trước khi xuất viện, bác sĩ Long tư vấn cho ông M. về chế độ ăn cho người tiểu đường, cách dùng thuốc, chăm sóc vết thương và lịch tái khám.
Ông M. không biết bản thân bị tiểu đường nhưng trong vòng 6 tháng nay, ông có các dấu hiệu: khát nước, uống nước và đi tiểu nhiều lần trong ngày, sụt cân, nhìn mờ. Trước đây, ông M. có thói quen bỏ bữa, có ngày chỉ uống một ly cà phê và thường xuyên ăn khuya. “Không ngờ chỉ bị zona bình thường nhưng có thêm bệnh tiểu đường lại gây vấn đề nghiêm trọng như vậy.” ông M. chia sẻ.
Bác sĩ Trần Đình Mạnh Long giải thích tình trạng đường huyết cao lâu ngày thường gây suy giảm chức năng miễn dịch của cơ thể.
Người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt đường huyết sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây nhiễm trùng lan rộng, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Ngược lại, nhiễm trùng là một tình trạng bệnh cấp tính. Khi bị nhiễm trùng nặng, cơ thể sẽ có các cơ chế phản ứng lại gây tăng đường huyết.
Do đó có thể nói, nhiễm trùng và tăng đường huyết tác động qua lại như một vòng tuần hoàn, nếu không kiểm soát tốt cả hai yếu tố thì sẽ làm tăng khả năng thất bại trong điều trị.
Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường và trên 55% trường hợp trong số đó đã có biến chứng. Nguy hiểm hơn khi thể bệnh chiếm đa số là tiểu đường tuýp 2 lại có diễn biến âm thầm.
Người bệnh khó phát hiện triệu chứng trên cơ thể cho đến khi đã có biến chứng. Nhiều trường hợp người bệnh tiểu đường chỉ phát hiện bệnh khi phải nhập viện do các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, suy thận, nhiễm toan ceton, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, biến chứng bàn chân đái tháo đường, mờ mắt, mù lòa…
Để phòng bệnh tiểu đường bác sĩ Long khuyên người dân nên có chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng, hạn chế ăn nhiều chất bột đường, thịt đỏ, dầu mỡ, không ăn khuya, thức khuya, bỏ thói quen hút thuốc lá, hạn chế sử dụng thức uống có cồn,…
Người đang có tình trạng thừa cân, béo phì nên tăng cường hoạt động thể lực, giảm cân để đạt cân nặng lý tưởng sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, người dân nên khám sức khỏe tổng quát ít nhất 1 lần/năm giúp phát hiện sớm bệnh, phòng biến chứng.
Một biến chứng khác của bệnh tiểu đường đó là viêm loét da. Để phòng nhiễm trùng da, người tiểu đường ngoài kiểm soát tốt đường huyết cần vệ sinh tắm rửa hàng ngày sạch sẽ, lau khô người sau khi tắm. Dưỡng ẩm da, tránh thoa kem vào vùng kẽ ngón chân, khe mông, nếp gấp để tránh ẩm ướt.
Với người tiểu đường cần kiểm soát tốt đường huyết bằng cách duy trì lượng đường huyết lúc đói từ 80 - 130 mg/dl, đường huyết sau ăn 2 giờ <180mg/dl, HbA1c dưới 7%, chỉ số BMI từ 18,5 - 23 kg/m2, ngoài ra cần kiểm soát cả huyết áp và mỡ máu…
Để đạt được kết quả điều trị tốt, người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định, có chế độ ăn và luyện tập phù hợp. Người bệnh có các bệnh đi kèm như rối loạn lipid, huyết áp cao… cần theo dõi điều trị phối hợp tránh gây biến chứng nguy hiểm.
T.M (tổng hợp)