Loại cá rẻ hơn cá hồi, là kho DHA nhưng nhiều người bỏ qua
Khi nhắc tới cá hồi, ai cũng biết đây là loại cá có hàm lượng DHA cao, ngoài hương vị thơm thì không thể bỏ qua các giá trị dinh dưỡng mà nó đem lại. Đối với trẻ đang lớn, bổ sung DHA giúp phát triển võng mạc và tế bào não, trì hoãn quá trình lão hóa não, cải thiện trí nhớ.
Mặc dù đây là loại cá giàu DHA và nhiều giá trị dinh dưỡng, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để ăn thường xuyên hay hàng ngày, vì giá thành của loại cá này không hề rẻ. Tuy nhiên, có một loại cá giá thành rẻ hơn nhiều so với cá hồi và chứa rất nhiều DHA, đó là cá thu.
Chuyên gia dinh dưỡng Li Wan Ping – người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, 100gam cá hồi chứa 1614mg DHA, nhưng cùng trọng lượng đó thì cá thu lại có lượng DHA lên tới 4503mg (gấp gần 3 lần cá hồi).
Bên cạnh đạm, DHA, EPA, cá thu còn giàu các chất dinh dưỡng khác, nhờ đó mà loại cá này đem lại những lợi ích nổi bật cho sức khỏe dưới đây.
Tốt cho hệ xương: Trong cá thu có nhiều vitamin D – loại vitamin có thể làm giảm nguy cơ gãy xương. Ngoài ra, lượng canxi mà loại cá này đem lại cũng giúp tăng cường sự chắc khỏe cho hệ xương của bạn. Vì vậy, thêm cá thu vào thực đơn ăn uống của gia đình là việc rất nên làm.
Tăng cường lưu thông máu, tốt cho tim mạch: Khi thường xuyên gặp vấn đề về huyết áp, bạn sẽ dễ mắc các bệnh liên quan tới tim mạch. Với các axit béo không bão hòa, loại cá này có khả năng cải thiện vấn đề cao huyết áp. Ngoài ra, các dưỡng chất trong cá thu cũng giúp tăng cường tuần hoàn và lưu thông máu trong cơ thể.
Ngăn ngừa thiếu máu: Trong cá thu chứa sắt, vitamin B12, folate, đây là chất giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Bệnh thiếu máu thường đi kèm với các triệu chứng như mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, rối loạn thị lực, từ đó gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Ngoài ra, ăn cá thu còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, giảm tình trạng mất trí nhớ ở người già và giúp đẹp da.
Cả nước ghi nhận 13.000 ca mắc tay chân miệng, tăng 2,5 lần so cùng kỳ
Theo TS. Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh.
Bệnh tay chân miệng hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, tuy nhiên công tác tác phối hợp, giám sát phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục mầm non hiện vẫn chưa hiệu quả.
Có hai nhóm tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackie virus A16 (CA16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong khi các trường hợp nhiễm CA16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Giới chuyên gia lưu ý, có hai biến chứng thường gặp với bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn. Những dấu hiệu nặng của bệnh tay chân miệng như: Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình nhiều (>= 2 lần trong 30 phút); vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè….
Cùng với bệnh tay chân miệng, số ca mắc sởi, ho gà cũng cảnh báo gia tăng, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023. Các ca mắc ghi nhận trong năm có xu hướng cao trong thời gian từ tháng 1 - 4. Về ho gà, đến nay cả nước đã ghi nhận 118 ca mắc, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023.
Để phòng chống các bệnh truyền nhiễm, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần đưa con đi tiêm chủng đầy đủ các bệnh trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm như sởi, ho gà, bạch hầu.
Bên cạnh đó, thực hiện vệ sinh làm sạch môi trường các vật dụng dễ bị ô nhiễm, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường và rửa lại một lần nữa; tránh hành vi tiếp xúc gần với người khác cũng mắc bệnh… ; theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và người mắc bệnh, nhất là trẻ em đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời nếu nhận thấy triệu chứng sốt cao, li bì, mất tỉnh táo…
Vì sao dân văn phòng dễ bị bệnh trĩ, phòng ngừa thế nào?
Theo thống kê của Hội Hậu môn trực tràng học Việt Nam, bệnh trĩ chiếm tỷ lệ 35 - 50% các ca bệnh về đại trực tràng. Căn bệnh này khá phổ biến ở những người có công việc phải ngồi nhiều giờ, ít hoạt động thể chất và những người phải ngồi bất động.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh trĩ xuất hiện ở nhóm đối tượng có công việc ngồi nhiều 8 - 9 tiếng mỗi ngày, ít vận động, lạm dụng rượu bia, người béo phì, phụ nữ mang thai, táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính. Bên cạnh đó, thói quen ngồi bồn cầu lâu, rặn nhiều khi đi đại tiện, chế độ ăn thiếu rau xanh cũng góp phần gây bệnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Hậu, mặc dù không phải là bệnh ác tính nhưng bệnh trĩ ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Khối trĩ gây ra cảm giác ngứa rát, đau đớn vùng hậu môn, nhất là khi đại tiện.
Chẳng hạn như trường hợp của bệnh nữ 25 tuổi, là nhân viên kế toán. Bệnh nhân đến khám trong tình trạng vùng hậu môn đau rát, đi tiêu máu, khối sa hậu môn sau mỗi lần đi đại tiện, phải dùng tay để đẩy vào. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị trĩ hỗn hợp hình vòng tắc mạch ở giai đoạn 3 (giai đoạn nặng), kèm da thừa ở hậu môn. Với trường hợp này, bệnh nhân cần tiêm xơ trĩ nội soi phần trĩ nội, đồng thời đốt điện và tiểu phẫu phần trĩ ngoại và da thừa.
“Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, bệnh viện tiếp nhận 900 trường hợp bệnh trĩ, trong đó chiếm 50% dân văn phòng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chất công việc của dân văn phòng thường ngồi nhiều là yếu tố thuận lợi hình thành búi trĩ và bệnh nhân cũng thường đến thăm khám ở giai đoạn bệnh nặng”, bác sĩ Hậu thông tin.
Lý giải về tình trạng bệnh trĩ xuất hiện nhiều ở giới văn phòng, bác sĩ Hậu cho biết, việc ngồi nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu, khiến máu bị tắc nghẽn, khó lưu thông đến hậu môn, trực tràng, làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở vùng này. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho các búi trĩ hình thành và phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt với những người bị sa búi trĩ, việc ngồi nhiều sẽ làm bệnh diễn tiến nặng hơn, gây đau đớn.
Bên cạnh đó, những đối tượng ngồi nhiều thường làm việc trí óc, do đó yếu tố căng thẳng, stress với công việc sẽ làm giảm nhu động ruột, chính là nguyên nhân gây táo bón; hay rặn nhiều khi đi đại tiện sẽ làm tăng tổn thương và áp lực lên tĩnh mạch ở hậu môn, hình thành búi trĩ hoặc là bệnh diễn tiến nặng hơn.
Ngoài ra, thói quen ăn uống không khoa học, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ nhưng lại ăn ít chất xơ, uống không đủ nước… chính là những yếu tố cộng hưởng khiến bệnh trĩ xuất hiện phổ biến ở những đối tượng này. Tuy nhiên, thường người bệnh không biết bản thân mắc bệnh trĩ ở giai đoạn nhẹ hoặc ngại đi khám, cho đến khi búi trĩ phát triển lớn, có triệu chứng đau rát hoặc chảy máu mới đi thăm khám và điều trị (chiếm 90%).
Theo bác sĩ, tuỳ thuộc vào loại trĩ, nguyên nhân gây bệnh, yếu tố đi kèm, mức độ nặng nhẹ mà bác sĩ sẽ có chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Trường hợp bệnh nhẹ chỉ cần dùng thuốc, thay đổi lối sống (điều chỉnh dinh dưỡng, thói quen sinh hoạt). Trường hợp nặng cần phải can thiệp bằng thủ thuật, phẫu thuật như thắt dây chun, tiêm xơ, đốt laser... Một số biến chứng nặng nề của bệnh trĩ như hoại tử búi trĩ có thể gây nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Bác sĩ Hậu lưu ý, đối với những người làm công việc văn phòng nên tập thói quen sau 30 - 60 phút nên đứng dậy đi lại 5-10 phút, đi ra ngoài, lấy nước uống hoặc có thể đứng tại chỗ để giãn cơ, giúp cơ thể được thư giãn và thúc đẩy máu đi khắp cơ thể. Đặc biệt, những người làm việc trí óc cần có kế hoạch làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, kiểm soát stress, tập đi cầu một khung giờ nhất định, uống nhiều nước (2- 2,5 lít nước/ngày), tránh thức khuya, hạn chế chất kích thích và đồ cay nóng, ăn nhiều rau xanh và trái cây, duy trì chế độ vận động phù hợp, không nên ngồi bồn cầu quá lâu.
Đặc biệt, khi người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, chảy máu và đau đớn khi đi đại tiện thì cần thăm khám ngay. Bệnh phát hiện sớm sẽ giúp việc chữa trị đơn giản, giảm đau đớn, giảm biến chứng cũng như giảm được chi phí điều trị.
T.M (tổng hợp)