Phòng bệnh thoái hóa khớp trong mùa đông
Giai đoạn chuyển mùa sang đông là khoảng thời gian "ám ảnh" của những người mắc bệnh khớp bởi tình trạng đau nhức, tê cứng khớp, khó vận động tăng lên. Nguyên nhân là khi thời tiết chuyển lạnh, không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da và làm cho mạch máu tại các vùng da đó co lại, làm giảm khả năng lưu thông của dịch khớp, máu đến các khớp xương bị hạn chế hoặc ít nên lượng máu nuôi dưỡng khớp bị thiếu, các màng hoạt dịch và sụn khớp bị thương tổn, gây đau nhức.
Thoái hóa khớp tuy không phải là bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây ra những cơn đau mạn tính, khiến người bệnh suy giảm chức năng vận động, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống, sinh hoạt. Bệnh có thể dẫn đến nhiều vấn đề như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, giảm năng suất lao động...
Bác sĩ Luyện Trung Kiên (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết: Để phòng bệnh thoái hóa khớp, tùy điều kiện cụ thể mà người cao tuổi duy trì chế độ sinh hoạt hợp lý cả trong ăn, uống, đi lại, chơi thể thao... Đặc biệt, người cao tuổi cần lưu ý duy trì chế độ tập luyện phù hợp, hạn chế mang vác nặng hay thực hiện các động tác quá sức. Ngoài ra, người cao tuổi nên duy trì một chế độ tập luyện và phục hồi chức năng đều đặn, hết sức tránh việc bất động khớp (trừ giai đoạn đang viêm cấp) vì nếu không vận động thì khớp dễ bị cứng, giảm tiết dịch khớp, dẫn đến xơ hóa các dây chằng, teo cơ, loãng xương, dính khớp và mất dần chức năng của khớp. Bên cạnh các biện pháp phòng bệnh không dùng thuốc, có thể cân nhắc các loại thuốc phòng và chữa thoái hóa khớp hiệu quả như glucosamine sulfate, chondroitin sulfate, diacerin, piascledine...
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng khuyến cáo: Trong đợt tiến triển của thoái hóa khớp, nếu bệnh nhân đau nhiều, cần phải dùng biện pháp giảm đau thì nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ chuyên ngành cơ xương khớp để được kê đơn thuốc giảm đau hoặc tiêm chống viêm nội khớp, tránh việc dùng các thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc và lạm dụng thuốc giảm đau.
Người già bị thừa cân béo phì thì áp lực lên xương khớp tăng, khiến khớp quá tải và dễ thoái hóa. Do đó, người cao tuổi nên kiểm soát cân nặng hợp lý để bảo vệ khớp. Nếu đang trong tình trạng thừa cân béo phì, bệnh nhân cần giảm cân bằng việc tham gia các hoạt động thể chất và có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học.
Gia đình cần xây dựng chế độ ăn khoa học cho người cao tuổi như tiết giảm các chất béo (dầu, mỡ các loại), chất ngọt (kẹo, bánh, chè, mứt, trái cây quá chín ngọt như xoài, nhãn, vải; các loại thức uống ngọt); tránh xa rượu và thuốc lá; bảo đảm bổ sung những chất chống lão hóa như vitamin E, vitamin A, canxi, vitamin C, vitamin D và các khoáng chất vi lượng như selenium, kẽm, magnesium... Khi thời tiết chuyển lạnh, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt là cổ, ngực, tay, chân...
Bên cạnh chế độ ăn uống và luyện tập, người cao tuổi cần xây dựng thói quen khám sức khỏe tổng quát 6 tháng/lần. Đặc biệt, cần đi khám ngay khi có triệu chứng đau khớp; tái khám định kỳ hằng tháng với các bệnh như gout, viêm khớp dạng thấp... để điều trị kịp thời, tránh nguy cơ dính khớp (không hồi phục được) và không để các tổn thương lan rộng khó kiểm soát...
Trẻ mắc bệnh hô hấp do virus gia tăng
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở vừa tổ chức cuộc họp chuyên gia giữa 3 bệnh viện nhi cùng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) để đánh giá nguyên nhân của hiện tượng tăng số ca viêm đường hô hấp cấp tính ở trẻ em trong những tháng gần đây.
Số liệu báo cáo của các bệnh viện chuyên khoa nhi cho thấy, tình trạng trẻ đến khám, điều trị ngoại trú, điều trị nội trú và số trường hợp tử vong của nhóm bệnh hô hấp trong 10 tháng đầu năm 2023 có sự gia tăng so với năm 2021 và 2022.
Cụ thể, 4 bệnh viện tại TPHCM gồm: Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi Đồng Thành phố đã tiếp nhận 238.000 ca khám bệnh hô hấp; số ca nhập viện do hô hấp là 39.400 ca; số ca tử vong là 223 ca.
Trong 3 tuần đầu của tháng 11/2023 bệnh tiếp tục có xu hướng tăng. Trung bình trong ngày, mỗi bệnh viện nhi đang tiếp nhận, điều trị nội trú từ 200 đến 280 trẻ mắc bệnh hô hấp. Khoảng 60% bệnh nhân là trẻ đến từ các tỉnh thành, 40% còn lại là nhóm bệnh nhi tại TPHCM.
Trước thực trạng số ca bệnh gia tăng, Sở Y tế TPHCM đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xét nghiệm, truy tìm nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm từ OUCRU xác định, tác nhân chính gây gia tăng bệnh hô hấp ở trẻ là do vi rút cúm mùa, RSV, Enterovirus, và các vi khuẩn H.Influenza, Strep.pneumonia và Mycoplasma pneumonia.
Phẫu thuật thành công cho bệnh nhân mắc ung thư da đầu hiếm gặp
Người bệnh N.T.V (SN 1958, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng) đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp với biểu hiện loét da đầu vùng chẩm kích thước gần 10×8 cm. Sau khi được chẩn đoán ung thư da đầu giai đoạn 3 xâm lấn hội lưu tĩnh mạch dọc, bệnh nhân đã được phẫu thuật thành công.
Kết quả chụp CT cho thấy ổ dịch hóa ở bao trong trái hướng đến tổn thương cũ, hình ảnh ăn mòn và khuyết xương chẩm vùng đường giữa. Kết quả giải phẫu bệnh: Carcinoma vảy sừng hóa xâm nhập.
Trước tình trạng bệnh nhân có khối u xâm lấn hội lưu tĩnh mạch dọc, rất nguy hiểm có thể tước đi tính mạng của người bệnh tức thì nếu xảy ra biến chứng chảy máu trước và trong phẫu thuật, các bác sĩ của Khoa Phẫu thuật sọ não – cột sống, Khoa Ngoại Ung bướu và chăm sóc giảm nhẹ, kíp tạo hình vi phẫu, cùng bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức đã hội chẩn để lên kế hoạch phẫu thuật.
Sau gần 10 giờ phẫu thuật, ca phẫu thuật đã thành công. Người bệnh hồi phục sức khỏe tốt, ăn uống được, vạt da sống tốt. Giải phẫu bệnh và hóa mô miễn dịch khối u cho kết quả: ung thư biểu mô vảy sừng hóa xâm nhập (Carcinoma). Sau khi làm các xét nghiệm tầm soát toàn bộ các diện cắt u không cho thấy có sự di căn của khối u, cũng như các hạch vùng đầu mặt cổ. Người bệnh được tiếp tục theo dõi bởi chuyên khoa ung bướu.
T.M (tổng hợp)