Tin tức Đời sống 25/4: Cắt môi hình trái tim, cô gái nhận cái "kết đắng"

Tin tức Đời sống 25/4: Cắt môi hình trái tim, cô gái nhận cái "kết đắng"

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 5, 25/04/2024 12:02

Cập nhật tin tức đời sống ngày 25/4: Bất ngờ nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc chì ở trẻ nhỏ; Cắt môi trái tim, cô gái nhập viện vì đôi môi biến dạng...

Bất ngờ nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc chì ở trẻ nhỏ

Một bệnh nhi 3 tuổi, ở Thanh Hóa bị ngộ độc chì nặng nhập viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch, nguyên nhân do cha mẹ cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bệnh động kinh.

Theo gia đình, trẻ có tiền sử mắc bệnh động kinh từ lúc 6 tháng tuổi. Cách nhập viện 3 tháng, gia đình thấy trẻ co giật nhiều hơn, tuy nhiên thay vì tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh của các bác sĩ chuyên khoa thì gia đình lại tự ý đi mua thuốc nam không rõ nguồn gốc dạng viên về cho trẻ uống. Sau khi dùng thuốc, tình trạng co giật của trẻ có giảm hơn, tuy nhiên khoảng 1 tháng nay trẻ xuất hiện rối loạn hành vi, khóc buồn vô cớ, hay kêu đau đầu…

Lúc này, gia đình vội đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng trẻ co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái. Với nghi ngờ trẻ bị ngộ độc chì, các bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết và xét nghiệm định lượng chì trong máu. Kết quả cho thấy bệnh nhi bị ngộ độc chì rất nặng với nồng độ chì trong máu trên 100 µg/dL (ngưỡng được chấp nhận là dưới 10 µg/dL). Ngoài ra, trẻ còn thiếu máu nặng và giãn não thất.

Hiện trẻ đang được điều trị tích cực nhưng vẫn trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu.

Tại đây, các bác sĩ đã từng tiếp nhận trẻ ngộ độc chì trong hoàn cảnh tương tự. Đó là một trẻ 9 tuổi, vốn mắc động kinh từ khi 6 tuổi, thấy con co giật nhiều nên gia đình đã mua thuốc cam không rõ nguồn gốc về cho trẻ uống.

Sau khi dùng thuốc, các cơn giật của bệnh nhi không giảm mà còn tăng lên kèm theo nôn, đau đầu, lơ mơ dần. Trẻ được cấp cứu tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, rồi tiếp tục chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch.

Đời sống - Tin tức Đời sống 25/4: Cắt môi hình trái tim, cô gái nhận cái 'kết đắng'

TS. BS Đào Hữu Nam, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Chì là 1 loại kim loại nặng, rất độc gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của con người, đặc biệt là đối với trẻ em. Khi xâm nhập vào cơ thể, kim loại này có thể gây ra nhiều bệnh lý về thần kinh, tim mạch, huyết học, dạ dày, đường ruột, thận và sẽ phải mất hàng chục năm mới có thể thải được chì ra ngoài.

Ngộ độc chì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ em với các biểu hiện bao gồm: kích thích, co giật, lơ mơ, hôn mê, liệt bì; chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, mất các kỹ năng học tập, thay đổi thái độ hành vi, mệt mỏi; Nôn, đau bụng, chán ăn; Da xanh xao, cơ thể gầy yếu do thiếu máu.

Ngoài các triệu chứng rõ rệt như trên, trẻ nhiễm độc chì còn có rất nhiều biểu hiện kín đáo, chỉ có thể phát hiện bằng các xét nghiệm định lượng chì trong máu.

BS Nguyễn Tân Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thêm: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc chì ở trẻ như tiếp xúc với môi trường ô nhiễm từ các khu công nghiệp, nguồn nước nhiễm chì, sơn tường, xăng dầu nhiễm chì, pin, đồ chơi bằng nhựa có sơn chì, đồ hộp đựng thức ăn có hàn chì… Đặc biệt là việc dùng các loại thuốc nam được dân gian gọi là thuốc cam không rõ nguồn gốc, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu và phổ biến nhất gây ngộ độc chì ở trẻ em.

"Các bậc phụ huynh hãy thật tỉnh táo và tin tưởng vào các phương pháp điều trị đã được y học chứng minh. Không nên nghe, làm theo những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng, tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc, không có giấy phép lưu hành. Đối với các bệnh nhi có bệnh mạn tính phải tuân thủ điều trị cũng như tái khám theo đúng hẹn tại cơ sở y tế uy tín", BS Hùng khuyến cáo.

Đồng quan điểm, BS Hữu Nam lưu ý thêm, để phòng ngừa ngộ độc chì cho trẻ em, cha mẹ cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ như thường xuyên rửa tay, cắt móng tay, hướng dẫn trẻ không đưa tay và mọi vật lên miệng; Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, hạn chế để trẻ tiếp xúc với đồ chơi không đảm bảo chất lượng có thể nhiễm chì và các kim loại nặng khác. Đồng thời, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ. Nếu nghi ngờ trẻ mắc phải tình trạng ngộ độc chì, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Cắt môi trái tim, cô gái nhập viện vì đôi môi biến dạng

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ (25 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng đôi môi bị biến dạng, sưng nề, đau rát, chảy nhiều dịch mủ sau 3 ngày phẫu thuật cắt môi trái tim.

Bác sĩ Hoàng Hồng, phụ trách Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết qua thăm khám, vùng môi bệnh nhân bị nhiễm trùng khá nặng, nhiều mủ, gây sưng nề toàn bộ vùng dưới mặt. Ở môi trên, môi dưới và niêm mạc miệng có nhiều ổ mủ trắng.

Bệnh nhân cho biết trước đó đã phẫu thuật cắt môi trái tim tại một spa sau khi xem một quảng cáo trên mạng xã hội. Phí dịch vụ cắt môi trái tim là 14 triệu đồng, nhưng giảm 50%, chỉ còn 7 triệu đồng. Hình ảnh quảng cáo rất đẹp, người chủ spa còn đăng những bức hình có mặt tại một bệnh viện để chứng minh sự uy tín.

Theo bệnh nhân này, khi đến spa làm phẫu thuật môi trái tim, cô rất ngạc nhiên vì spa lại đặt tại một căn hộ chung cư, nhưng vì đã đã đặt tiền nên vẫn quyết định làm dịch vụ.

"Phẫu thuật xong, thấy vùng môi bắt đầu sưng nề, viêm nhiễm, đau đớn, tôi tìm hiểu và biết chủ spa mới chỉ học xong cấp 3, không có chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ"- cô gái trẻ chia sẻ với bác sĩ.

Bác sĩ Hồng cho biết ngay sau khi tiếp nhận, bệnh nhân đã được làm sạch mủ ở vết thương, điều trị nhiễm trùng để tránh lan ra vùng mặt. Bệnh nhân cũng lấy dịch mủ để cấy phân lập vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.

"Hiện vùng môi trên của bệnh nhân sưng to, căng nề, nhiễm trùng nghiêm trọng, còn vết thương môi dưới rách rộng, lõm sâu nên không tự liền được. Khoảng 10 ngày nữa khi điều trị nhiễm trùng ổn định, bác sĩ sẽ khâu lại tổn thương. Tuy nhiên, kể cả khi đã được điều trị thì nguy cơ đôi môi biến dạng là khó tránh khỏi"- bác sĩ Hồng nói.

Theo bác sĩ Hồng, gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp tai biến sau tiêm filler, hoại tử da sau khi hút mỡ bụng,... Điểm chung của các trường hợp này là đều thực hiện tại các spa, người thực hiện không phải bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, không được đào tạo về y khoa...

WHO báo động tình trạng sử dụng rượu, thuốc lá điện tử trong thiếu niên

Văn phòng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu ngày 24/4 công bố báo cáo cho thấy một “bức tranh đáng lo ngại” về việc sử dụng chất gây nghiện trong thiếu niên.

Báo cáo "Hành vi sức khỏe ở trẻ em trong độ tuổi đi học" được thực hiện 4 năm/lần. Năm nay báo cáo được xây dựng dựa trên dữ liệu khảo sát đối với 280.000 thanh niên trong độ tuổi 11, 13 và 15 ở châu Âu, Trung Á và Canada, với kết quả chỉ ra rằng việc sử dụng rượu và thuốc lá điện tử phổ biến ở thiếu niên hiện nay là “đáng báo động”.

WHO nêu rõ các nhà hoạch định chính sách không thể bỏ qua những phát hiện chấn động nêu trên do hậu quả về lâu dài của những xu hướng này này là rất lớn.

Theo báo cáo, 57% số thiếu niên 15 tuổi được hỏi thừa nhận đã uống rượu ít nhất 1 lần. Ngoài ra, 9% thiếu niên cho biết đã từng say xỉn ít nhất 2 lần.

Có 56% số các em gái được hỏi cho biết từng uống rượu, trong khi tỉ lệ này ở các em trai là 56%. WHO lưu ý rằng việc uống rượu nói chung đã giảm ở các nam thiếu niên, trong khi lại tăng lên ở các nữ thiếu niên. Có tới 38% số các em gái được hỏi thừa nhận rằng mình đã say rượu ít nhất 1 lần trong 30 ngày qua, trong khi tỷ lệ này ở các nam thiếu niên là 36%.

Báo cáo của WHO nhấn mạnh: “Những phát hiện này nêu bật tình trạng rượu sẵn có và phổ biến, qua đó cho thấy nhu cầu cấp thiết về các biện pháp chính sách tốt hơn để bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi tác hại do rượu gây ra”.

Theo WHO khu vực châu Âu – chịu trách nhiệm quản lý vấn đề y tế tại 53 quốc gia châu Âu, trong đó có một số quốc gia ở Trung Á, tỷ lệ trẻ em uống rượu tăng từ 5% ở độ tuổi 13 lên 20% ở độ tuổi 15, "chứng tỏ xu hướng lạm dụng rượu trong giới trẻ ngày càng gia tăng".

Báo cáo của WHO cũng nhấn mạnh việc sử dụng thuốc lá điện tử (thường được gọi là "vape") ngày càng tăng trong thiếu niên.

Kết quả khảo sát cho thấy trong năm 2022 có 13% số trẻ em từ 11-15 tuổi đã hút thuốc, ít hơn 2 điểm phần trăm so với 4 năm trước đó. Khoảng 32% thiếu niên 15 tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử và 20% cho biết đã hút 1 lần trong 30 ngày qua.

Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết: “Việc sử dụng các chất có hại rộng rãi ở trẻ em tại nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Âu và cả tại các khu vực khác nữa đang là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng”. Ông đề xuất các chính phủ cần tăng thuế đối với rượu và thuốc lá điện tử, hạn chế lưu hành và quảng cáo về những sản phẩm này trên thị trường, đồng thời ban hành lệnh cấm các chất tạo hương liệu.

Theo WHO: “Việc một người tham gia các hành vi có nguy cơ cao khi còn ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể hình thành hành vi của họ ở giai đoạn trưởng thành, trong đó việc sử dụng chất kích thích khi còn nhỏ sẽ gây nguy cơ nghiện cao hơn ở thời điểm sau đó. Bản thân họ, cũng như cả xã hội sẽ phải trả giá đắt cho những hậu quả này".

T.M (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.