Tử thần rình rập từ món ăn nhiều người yêu thích
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, tại đây vừa ghi nhận 1 trường hợp tử vong do ăn tiết canh lợn. Đó là nam bệnh nhân 50 tuổi (ở Giao Thủy, Nam Định), có tiền sử khỏe mạnh.
Ba ngày trước khi vào viện, bệnh nhân có mổ lợn, chế biến tiết canh liên hoan tất niên cùng bạn bè. Sau liên hoan 1 ngày, bệnh nhân thấy đau mỏi người, đi ngoài phân lỏng 2 lần, kèm sốt cao rét run, người khó chịu, chân tay tím tái. Người nhà đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại bệnh viện tuyến huyện rồi chuyển tới Bệnh viên Đa khoa tỉnh Nam Định.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, theo dõi do liên cầu lợn (Streptococcus suis), được chỉ định dùng kháng sinh, vận mạch, đặt ống nội khí quản thở máy và chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện tiếp nhận bệnh trong tình trạng thở oxy, đồng tử 2 bên giãn, mạch bẹn không bắt được, huyết áp không đo được, toàn thân nổi vân tím, ban xuất huyết hoại tử vùng mặt, tay và chân.
Bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn, tim có đập trở lại. Tuy nhiên, sau hồi sức tích cực, tình trạng không cải thiện, bệnh nhân tử vong cùng ngày.
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Phương, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, nam bệnh nhân tử vong do sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn có suy đa tạng, toan chuyển hóa-rối loạn đông máu nặng.
Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín…
Một số nhà hàng hiện nay dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê,.. để bán ở các cửa hàng nhưng khi xét nghiệm vẫn ra vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis.
Ngoài ra, cũng có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh do có thể do ăn thịt lợn nhiễm bệnh nhưng chế biến còn sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.
Người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn bao gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Thời gian ủ bệnh của liên cầu khuẩn lợn trên người là từ vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người.
Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy,.. khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.
Trường hợp nặng, người bệnh có biểu hiện ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, mê hoảng, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu và sốc nhiễm trùng và tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Bác sĩ khuyến cáo, vi khuẩn liên cầu lợn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Hiện nay bệnh này chưa có vắc-xin, vì thế để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết. Nên đeo găng tay và phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống, rửa tay sạch sau khi chế biến thịt.
Người dân cũng cần bỏ các thói quen ăn uống không lành mạnh như tiết canh (kể cả tiết canh lợn và các loại tiết canh dê, ngan, vịt). Khi có các triệu chứng của bệnh, cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời.
Thống kê của Bộ Y tế cách đây không lâu cho thấy khoảng 70% bệnh nhân liên cầu lợn có ăn tiết canh, số còn lại ăn nem chạo sống, tiếp xúc, giết mổ lợn bệnh.
Điều tra dịch tễ học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trước đó cũng cho kết quả tương tự, gần 70% bệnh nhân liên cầu lợn từng giết mổ, ăn thịt lợn tái, tiết canh.
Cách ăn trứng khiến cơ thể sinh bệnh
Bạn đang tìm kiếm một chế độ ăn uống tốt hơn cho năm mới? Trứng có thể là một lựa chọn tốt. Món ăn sáng yêu thích này đã từng gây tranh cãi giữa các chuyên gia về sức khỏe, với bằng chứng và lời khuyên trái ngược nhau về trứng và cholesterol.
Nhưng một chuyên gia dinh dưỡng tuyên bố đã giải mã được: Thực phẩm giàu protein này không có hại cho sức khỏe như bạn nghĩ, tùy thuộc vào cách chúng được chế biến.
Tiến sĩ Kellyann Petrucci, bác sĩ trị liệu và chuyên gia tư vấn dinh dưỡng tại Pennsylvania, chia sẻ rằng trứng cung cấp lượng lớn chất dinh dưỡng như: Riboflavin, sắt, kẽm, phốt pho, folate, choline và một số vitamin khác nhau, theo New York Post.
"Choline giúp xây dựng màng tế bào chắc khỏe, đàn hồi và đóng vai trò quan trọng trong quá trình methyl hóa - quá trình bật và tắt gen. Lượng Choline cao có thể giúp ngăn ngừa trầm cảm, mất trí và lo lắng,” Petrucci chia sẻ. Chuyên gia này cũng khẳng định trứng không ảnh hưởng đáng kể đến hàm lượng cholesterol trong cơ thể.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy cholesterol trong cơ thể chúng ta không nhất thiết bị ảnh hưởng bởi cholesterol trong chế độ ăn uống.
Theo Healthline, một số nghiên cứu so sánh bữa ăn nhiều trứng và ít trứng cho thấy, có rất ít sự khác biệt về tác động đến nồng độ cholesterol hoặc tỷ lệ cholesterol “tốt” và cholesterol “xấu”. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã liên kết trứng với nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn, kêu gọi tiêu thụ trứng ở mức vừa phải.
Tiến sĩ Petrucci đã cảnh báo rằng các món trứng kết hợp xúc xích và thịt xông khói có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe do hàm lượng chất béo bão hòa và natri cao.
Theo Mayo Clinic, những thức ăn này cùng với dầu ăn hoặc bơ để nấu món trứng chiên có thể gây hại nhiều hơn chính quả trứng. Thay vào đó, Petrucci khuyên nên nấu trứng trong bơ hoặc bơ sữa trâu từ những con bò nuôi trên đồng cỏ.
Các chuyên gia khuyến nghị người lớn khỏe mạnh có thể tiêu thụ tối đa 7 quả trứng mỗi tuần một cách an toàn, nhưng những hướng dẫn đó có thể sớm thay đổi.
Jerlyn Jones, chuyên gia dinh dưỡng và người phát ngôn của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, chia sẻ rằng trứng là “một nguồn dinh dưỡng dồi dào.”
Jones giải thích: “Trứng chứa nhiều vitamin protein như vitamin A, D, E và chất chống oxy hóa.” Jones cũng ủng hộ một chế độ ăn uống đa dạng vì chúng tốt cho đôi mắt và tim mạch của bạn.
Nhóm người có nguy cơ cao cần tiêm chủng đầy đủ để ngừa biến thể JN.1
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người thuộc nhóm nguy cơ cao, có bệnh lý nền cần được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin, kể cả COVID-19 và những loại vắc-xin khác như phế cầu, viêm hô hấp, … để ngừa biến thể phụ JN.1 của SARS-CoV-2.
Theo đó, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã phát hiện biến thể phụ JN.1 của SARS-CoV-2 ở các bệnh nhân nhập viện trong tháng 12/2023 tại TPHCM. JN.1 là một biến thể phụ từ biến thể BA.2.86 của Omicron, được WHO xếp vào nhóm "biến thể đáng quan tâm".
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết sự gia tăng liên tục của JN.1 tại một số quốc gia cho thấy rằng biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn hoặc “lẩn tránh” hệ thống miễn dịch của con người tốt hơn. Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy JN.1 gây ra nguy cơ gia tăng đối với sức khỏe cộng đồng so với các biến thể hiện đang lưu hành khác.
“Nhìn chung, khi mắc COVID-19 thì các triệu chứng có xu hướng giống nhau giữa các biến thể. Triệu chứng và mức độ nghiêm trọng khi mắc COVID-19 thường phụ thuộc nhiều vào khả năng miễn dịch và tình trạng sức khỏe của chúng ta”, bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC TP.HCM chia sẻ.
Đại diện HCDC cho biết trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, việc gia tăng giao lưu, đi lại, gặp gỡ là một trong những yếu tố thuận lợi cho việc lây lan các tác nhân gây bệnh hô hấp trong đó có COVID-19. Đặc biệt là đối với những người thuộc nhóm nguy cơ như: người cao tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai,... thì việc tăng cường các biện pháp tự bảo vệ như: vắc-xin, quản lý tốt bệnh nền… là điều hết sức quan trọng và cần thiết.
Để ngăn chặn dịch bệnh, HCDC khuyến cáo người thuộc nhóm nguy cơ cần được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin, kể cả COVID-19 và những loại vắc-xin khác như phế cầu, viêm hô hấp, … Bên cạnh đó, khuyến cáo thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng nước sạch và xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, che miệng, mũi khi ho, hắt hơi.
Người dân cần ăn uống đầy đủ để cơ thể khỏe mạnh, ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi có triệu chứng mắc bệnh cần đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người thuộc nhóm nguy cơ, đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị.
T.M (tổng hợp)