Tin tức Đời sống 27/2: Đột quỵ ở người trẻ tăng nhanh, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Tin tức Đời sống 27/2: Đột quỵ ở người trẻ tăng nhanh, bác sĩ chỉ cách phòng tránh

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 3, 27/02/2024 11:51

Cập nhật tin tức đời sống ngày 27/2: Cách xử lý nhanh khi trẻ bị hóc; Món ăn khiến bé gái phải chạy thận suốt đời...

Cách xử lý nhanh khi trẻ bị hóc

BS CKI Đoàn Thị Thanh Hồng, khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, đa phần trẻ bị hóc dị vật đều dưới bốn tuổi, chủ yếu hóc các loại hạt như dưa, hướng dương, hạt điều...

Phụ huynh có thể nhận biết trẻ bị hóc dị vật qua các biểu hiện như: có những cơn ho sặc sụa dữ dội, khó thở. Một số trẻ lớn có biểu hiện hoảng loạn hoặc ra dấu hiệu bị nghẹn ở cổ.

Nếu dị vật gây tắc nghẽn hoàn toàn đường thở, trẻ bị hóc sẽ có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, ngưng tim.

Về cách xử lý kịp thời trẻ bị hóc, đối với trẻ dưới 2 tuổi, phụ huynh thực hiện vỗ lưng, ấn ngực:

Đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng ngón trỏ và ngón giữa trái đẩy cằm trẻ lên cho cổ trẻ ưỡn tránh gập đường thở. Sau đó dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ (ở khoảng giữa hai bả vai).

Nếu thấy trẻ còn khó thở, tím tái, cần lật ngửa trẻ sang tay phải và dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng ½ xương ức 5 cái.

Tiếp tục luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho đến khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc thấy trẻ khóc được.

Đối với trẻ trên 2 tuổi, phụ huynh thực hiện tư thế ngồi hoặc đứng phía sau người trẻ sao cho thuận tiện vòng hai tay qua người trẻ.

Bàn tay trái tạo thành nắm đấm, đặt ngay thượng vị, dưới mũi ức phía trước ngực và bàn tay phải ôm lấy nắm đấm. Ấn mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên cho đến khi dị vật ra ngoài.

Sau khi thực hiện các thao tác này phụ huynh vẫn nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám hoặc có những phương pháp kiểm tra thêm nếu cần, cho dù trẻ đã nôn ra dị vật.

Gia đình không nên để trẻ đùa giỡn, quấy khóc trong lúc ăn hoặc cho ăn các loại hạt, đồ chơi có kích thước nhỏ. Tránh tình trạng trẻ cho vào miệng và gặp phải sự cố đáng tiếc tương tự.

Món ăn khiến bé gái phải chạy thận suốt đời

Tờ China Times đưa tin trong chương trình Vấn đề sức khỏe, bác sĩ Hồng Vĩnh Tường, chuyên khoa Thận, cho biết đã điều trị cho một cô bé mới 12 tuổi bị urê huyết, viêm cầu thận mạn tính.

Tình trạng của bệnh nhi chỉ được phát hiện khi bé bị cảm sốt nặng và được gia đình đưa đi thăm khám. Dù được điều trị tích cực, bệnh nhi vẫn không tránh được việc phải chạy thận suốt đời.

Theo bác sĩ Hồng Vĩnh Tường, cô bé 12 tuổi có chế độ ăn uống kém lành mạnh, nhiều dầu mỡ và muối. Sau khi tan học, cô bé thường xuyên đến các quầy bán hàng rong để mua gà rán ăn.

Thói quen này của em đã bắt đầu từ năm lên 8-9 tuổi. Mỗi tuần, cô bé ăn gà rán đến 4-5 lần. Với tần suất nói trên, ước tính cô bé ăn hơn 200 miếng gà rán/năm. Việc tiêu thụ thực phẩm nhiều calo, nhiều muối và dầu trong một thời gian dài khiến thận của cô bé gặp vấn đề.

Theo bác sĩ Hồng Vĩnh Tường, gà rán phủ bột và chiên giòn có thể chứa trung bình rất nhiều calo, hơn cả việc ăn hai bát cơm trắng. Đặc biệt, trong quá trình chiên rán, nếu dầu nấu ăn không được thay mới, chiên đi chiên lại nhiều lần, có thể sinh ra nhiều chất gây ung thư hoặc kim loại nặng gây hại cho sức khỏe.

Do đó, việc ăn gà rán và món ăn chiên rán ngập dầu thường xuyên không chỉ làm tăng cân mà còn gây hại cho gan, thận, hệ tim mạch, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư.

Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ có tỷ lệ người chạy thận nhân tạo cao nhất thế giới.

Bác sĩ Hồng Vĩnh Tường cho biết suy thận có thể được chia thành cấp tính và mạn tính. Suy thận cấp tính có khả năng phục hồi nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân ở Đài Loan đều mắc suy thận mạn tính, tức thận đã bị tổn thương nghiêm trọng trong nhiều năm và không còn khả năng phục hồi.

Đột quỵ ở người trẻ tăng nhanh, Bệnh viện Bạch Mai khuyên 6 điều cần làm, 3 điều nên tránh

PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất thế giới, với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm.

Với cấp cứu đột quỵ, việc người bệnh được đến viện sớm trong “giờ vàng” là tối quan trọng. PGS.TS. Mai Duy Tôn khuyến cáo 6 điều cần làm và 3 điều không nên làm đối với bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ…

6 ĐIỀU CẦN LÀM

Lập tức gọi xe cứu thương: Gọi 115 là lựa chọn thông minh nhất khi người thân của bạn bị đột quỵ.

Phải nói “đột quỵ não” với cấp cứu 115: Khi bạn gọi 115 và yêu cầu trợ giúp, hãy thông báo cho người điều hành rằng bạn nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ não. Nhân viên cấp cứu 115 sẽ được chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ chuyển bệnh nhân.

Phải theo dõi các triệu chứng và hỏi chuyện người bệnh: Trong khi chờ xe cứu thương đến hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt. Hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không? Ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường... Những thông tin này rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử.

Hãy khuyến khích người bệnh nằm xuống: Nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng, hãy khuyến khích họ nằm nghiêng với tư thế đầu cao. Để giữ cho người bệnh thoải mái, hãy nới lỏng quần áo của họ. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển họ.

Thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR): Một số người bệnh có thể bất tỉnh trong cơn đột quỵ não. Nếu điều này xảy, hãy đánh giá tình trạng hô hấp của họ, xem họ có còn thở không. Nếu bạn không thể bắt được mạch, hãy bắt đầu thực hiện hồi sinh tim phổi...

Phải bình tĩnh: Cố gắng giữ bình tĩnh trong suốt quá trình chờ cứu thương 115 đến.

3 ĐIỀU KHÔNG NÊN LÀM

Không được cho người bệnh uống thuốc: Mặc dù aspirin là chất làm loãng máu, tuy nhiên không được cho người bệnh uống aspirin hay bất kỳ một loại thuốc nào khác. Cục máu đông chỉ là một trong vô số nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não. Đột quỵ não cũng có thể do một mạch máu vỡ trong não gây ra. Vì vậy, khi không biết người thân bị mắc loại đột quỵ nào thì tuyệt đối không cho họ uống bất kỳ loại thuốc nào. Đã có nhiều sự cố vô cùng đáng tiếc khi người thân cho bệnh nhân uống An cung...

Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì: Tránh đưa thức ăn hoặc nước uống cho người bị đột quỵ não. Bởi vì bệnh nhân đột quỵ não thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt. Do đó, cho người bệnh ăn hoặc uống có thể dẫn đến tình trạng nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp và hệ quả là viêm phổi.

Không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện: Các triệu chứng đột quỵ não rất khó để nhận biết ngay từ đầu. Người bệnh có thể nhận ra có gì đó không ổn, nhưng không nghi ngờ đột quỵ não. Nếu bạn phán đoán người bệnh đang bị đột quỵ não thì tuyệt đối không để người bệnh tự đi xe đến viện mà hãy gọi 115 và chờ sự giúp đỡ.

Cũng theo PGS.TS. Mai Duy Tôn, khi thấy người bệnh có các triệu chứng nghi ngờ như méo miệng một bên, nói ngọng, thất ngôn, yếu liệt hoặc tê bì tay chân một bên, mất thị lực đột ngột một hoặc hai mắt... thì chúng ta phải chạy đua với thời gian để tới viện sớm nhất có thể.

T.M (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.