Rửa trứng trước khi bảo quản trong tủ lạnh: Có cần thiết?
Trứng là thực phẩm quen thuộc được sử dụng hàng ngày và phù hợp với mọi lứa tuổi. Vì thế việc bảo quản loại thực phẩm này sao cho đúng là điều được các bà nội trợ quan tâm.
Đây cũng là thực phẩm có thời gian bảo quản lâu hơn những thức ăn khác, chính vì thế trứng thường được người tiêu dùng mua về bảo quản trong tủ lạnh để ăn dần. Tuy vậy, tới nay nhiều người tiêu dùng vẫn đặt câu hỏi: Có nên rửa trứng trước khi bảo quản trong tủ lạnhhay không?
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia an toàn thực phẩm, trứng khi mới được đẻ ra sẽ có một lớp phấn hồng để bảo vệ cho vi khuẩn không xâm nhập vào trong quả, để tăng khả năng nở.
Tuy nhiên, lớp sáp này chỉ có thể bảo vệ trứng bên trong nhưng không có khả năng tiêu diệt vi khuẩn bám bên ngoài vỏ. Trong khi đó có thể vỏ trứng sẽ chứa các vi khuẩn từ phân gà, trấu hoặc vi khuẩn từ quá trình vận chuyển, mua bán… nhất là trứng được bán tại các chợ dân sinh.
Chính vì thế, theo vị chuyên gia này, người dân khi mua trứng ở chợ về thì nên rửa sạch trứng và lau khô trước khi bảo quản trong tủ lạnh. Điều này nhằm hạn chế mang vi khuẩn vào tủ lạnh và gây lây nhiễm chéo sang thực phẩm khác.
"Chú ý rửa nhẹ nhàng để tránh làm vỡ trứng, vừa rửa hết chất bẩn bám bên ngoài vỏ trứng vừa không làm mất lớp sáp ngoài vỏ. Nhất là trứng vịt hoặc trứng ngỗng càng được khuyến cáo bắt buộc phải rửa bởi chúng thường có rất nhiều vi khuẩn salmonella, đây là loại vi khuẩn gây ra tỉ lệ nhiễm độc rất lớn", PGS Thịnh chỉ rõ.
Đối với trứng mua ở siêu thị, các loại trứng đóng vỉ thường đã được tiệt trùng, người dân có thể không cần rửa lại nhưng cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để bảo quản theo đúng nhiệt độ và thời hạn bảo quản.
3 trẻ phải nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm
Theo thông tin từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lạng Sơn, ngày 25/10, Trường Mầm non xã Hòa Bình (huyện Văn Quan) có 27/31 trẻ đến lớp. Các bé uống sữa buổi sáng, ăn cơm buổi trưa với thực đơn gồm thịt lợn xay rim cá hộp; canh bí nấu thịt lợn băm. Khoảng 14h cùng ngày, trẻ ăn cháo bí đỏ nấu với thịt.
Đến hơn 16h, sau khi đón trẻ về nhà, có 17 phụ huynh phản ánh trẻ có triệu chứng đau bụng buồn nôn; trong đó ba trường hợp có biểu hiện nặng được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Văn Quan để theo dõi, điều trị.
Sáng 26/10, khi Đoàn công tác của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm về làm việc tại trường Mầm non xã Hòa Bình, huyện Văn Quan, có 10/17 trẻ đã ổn định sức khỏe, đến lớp bình thường; 4 trẻ còn lại có triệu chứng tương tự được theo dõi ở nhà.
Ông Nguyễn Nam Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Khi nắm được thông tin Chi cục cũng thành lập đoàn vào kiểm tra. Qua kiểm tra sơ bộ ban đầu thì điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm ở phân trường đó thì họ cũng tuân thủ tốt. Chúng tôi đã lấy mẫu thức ăn về và chuyển sang CDC để xét nghiệm, qua đó tìm hiểu nguyên nhân vụ việc”.
Chạy đua cứu bệnh nhân suy đa tạng do sốt xuất huyết
Bất ngờ xuất hiện tình trạng sốt, người mệt mỏi, anh Linh (tên bệnh nhân đã được thay đổi), 38 tuổi đã nhập viện thăm khám. Ngay khi đến Bệnh viện đa khoa Hà Đông thăm khám, các bác sĩ đã chẩn đoán anh mắc sốt xuất huyết ở tình trạng nặng và ngay lập tức được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
“Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng và phải hồi sức thở máy, có tình trạng suy đa phủ tạng, suy gan, suy thận, tiêu cơ vân, rối loạn đông máu”, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết.
Cũng theo bác sĩ Phúc, hiện tại, anh Linh đang được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và tiên lượng cực kỳ nặng nề, tiên lượng tử vong ở bệnh nhân lên đến 80-90%. “Đánh giá tình trạng suy gan của bệnh nhân đang giảm dần, tuy nhiên những tạng khác vẫn đang suy giảm và hiện tại, chức năng phổi, tình trạng ý thức của bệnh nhân chưa được cải thiện”, bác sĩ Phúc đánh giá.
Ngoài anh Linh, tại Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị cho 2 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Cả 2 bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng, suy gan, hôn mê gan. Hiện tại, tình trạng của 2 bệnh nhân này đã cải thiện.
Cứu thành công trẻ 13 tuổi bị tim bẩm sinh khó chữa
Tháng 6/2023, bệnh nhi N.C.T (13 tuổi, trú huyện Diễn Châu, Nghệ An) có dấu hiệu bị đau tức ngực, khó thở, mệt mỏi. Gia đình đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Qua khai thác tiền sử và kết quả xét nghiệm máu, X-quang tim phổi, đo điện tim và siêu âm tim cho thấy bệnh nhân bị bệnh tim bẩm sinh dạng thông liên thất, kích thước 3,1mm.
Bác sĩ Hoàng Văn Toàn - Phó Trưởng khoa Tim mạch của bệnh viện cho biết, thông liên thất là dạng dị tật bẩm sinh tim không hiếm gặp. Tại bệnh viện, đã có trên 30 trẻ được can thiệp bít lỗ thông liên thất bằng kỹ thuật bít dù. Tuy nhiên, bé N.C.T lại khó khăn, phức tạp hơn, bởi vị trí lỗ thông nằm dưới 2 đại động mạch, rất khó tiếp cận lỗ thông.
Các bệnh nhân bị tim bẩm sinh thông liên thất có chỉ định bít dù thường gặp vị trí phần màng, có gờ chủ bám tốt. Riêng thông liên thất dưới hai đại động mạch thường có chỉ định phẩu thuật tim hở, rất ít ca bệnh có đủ tiêu chuẩn để thực hiện điều trị bằng phương pháp bít dù qua da. Do đó, phương án can thiệp tim mạch hay chuyển mổ mở cho bệnh nhi được bệnh viện hội chẩn cẩn trọng.
Bệnh nhi N.C.T phát hiện bệnh khi đã lớn, cân nặng và hình thái lỗ thông có thể xem xét lựa chọn điều trị bằng phương pháp can thiệp bít dù qua da. Đây là phương án tối ưu, ít xâm lấn, không cần phải phẫu thuật. Kỹ thuật can thiệp tim mạch giúp trẻ tránh được ca đại phẫu, giảm đau đớn, giảm chi phí điều trị, thời gian hồi phục sức khỏe nhanh hơn.
Sau khi làm can thiệp, bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn, chỉ cần siêu âm kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, phương pháp này đối với trường hợp của bệnh nhi T có thể xảy ra tình trạng gây hở van động mạch chủ, làm cho tình trạng bệnh của trẻ còn nặng nề hơn so với lúc chưa được điều trị, nên đòi hỏi ê-kíp can thiệp tim mạch phải đưa ra chiến lược cụ thể, tối ưu để thực hiện can thiệp cho bệnh nhi.
Ngày 13/6, bệnh nhi N.C.T tiến hành can thiệp tim bẩm sinh bằng phương pháp bít dù sau khi ê-kíp can thiệp tim mạch đã chuẩn bị phương án kỹ lưỡng.
Sau hơn 1 giờ đồng hồ thực hiện, ca can thiệp được diễn ra thuận lợi và thành công, trẻ hồi phục và xuất viện sau đó 2 ngày.
T.M (tổng hợp)