Thời tiết chuyển lạnh sâu, cách để phụ huynh phát hiện sớm bệnh đường hô hấp cho trẻ
TS.BS. Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, thời điểm giao mùa, chênh lệch nhiệt độ rất thuận lợi cho các loại virus liên quan đến bệnh hô hấp phát triển. Một số trẻ nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, sốt cao và có trường hợp nặng phải thở ôxy hoặc thở máy.
Biểu hiện chung của bệnh nhân nhiễm virus liên quan đến hô hấp là sốt cao, có thể sốt cao liên tục 39-40 độ C và không đáp ứng với thuốc hạ sốt, viêm long đường hô hấp trên như chảy nước mũi, ho, trẻ lớn đau rát họng, đặc biệt khi khám thấy họng viêm đỏ rất rõ, một số trẻ có viêm phế quản. Theo bác sĩ Hải, thông thường nếu trẻ chỉ mắc cúm sẽ tự khỏi sau 3-5 ngày, không cần phải nhập viện điều trị.
"Chủ yếu là dùng thuốc hạ sốt tại nhà như paracetamol. Nếu trẻ được chăm sóc tốt, không có bội nhiễm thì tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh cho trẻ, tránh tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Khi trẻ có các biểu hiện như suy hô hấp, thở nhanh, khó thở, mệt, ho, khò khè, sốt cao, uống hạ sốt không đáp ứng, quấy khóc, bỏ ăn, bỏ bú, nôn trớ, hoặc cơ địa mắc bệnh lý mạn tính nào đó thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm để được điều trị kịp thời", BS Hải cho biết.
Theo TS.BS. Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, ngoài những tác động của thời tiết, sai lầm trong cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ là một trong những nguyên nhân khiến cho trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp. Để phòng tránh bệnh về đường hô hấp cho trẻ, gia đình nên vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho con, giữ ấm nhưng không để cho trẻ nóng quá, nếu trẻ bị ra mồ hôi sẽ nhiễm lạnh ngược trở lại, rất nguy hiểm.
"Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng, chống các bệnh hô hấp, ngoài việc cho trẻ ăn đủ thịt, cá, trứng, sữa, cha mẹ cũng cần bổ sung các loại vitamin hoặc những chất khoáng, ăn rau và hoa quả, uống đủ nước có tác dụng tăng sức đề kháng cho trẻ. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn nếu có thể. Đặc biệt nên cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ để phòng, tránh bệnh hô hấp hiệu quả", BS Hanh nhấn mạnh.
Một điều rất quan trọng mà cha mẹ cũng cần chú ý, để trẻ sống trong môi trường thông thoáng, cửa cần kín,tránh gió lùa, phòng ngủ sạch sẽ. Nếu ở trong môi trường không khí bẩn, ô nhiễm, ẩm thấp sẽ làm cho trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp.
"Khi trẻ bị ốm, có nhiều cha mẹ có suy nghĩ kiêng tắm cho con vì sợ tắm trẻ nhiễm lạnh. Điều này là sai lầm, bởi cơ thể trẻ là cơ thể đang phát triển, nếu trẻ chơi đùa nhiều sẽ ra mồ hôi. Vì vậy, dù trẻ có bị sốt hay ho, viêm mũi, họng cha mẹ vẫn nên lau người, thay quần áo sạch sẽ hàng ngày cho con. Hoặc cha mẹ có thể tắm cho trẻ ở trong phòng ấm, kín gió, tắm nhanh, lau người khô, mặc quần áo ấm, như thế sẽ an toàn cho trẻ" - TS.BS Lê Thị Hồng Hanh chia sẻ.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, bệnh hô hấp là bệnh lây qua đường không khí, trẻ nhỏ nên hạn chế đến nơi công cộng đề phòng lây nhiễm chéo. Các bậc phụ huynh cần tăng cường theo dõi sức khoẻ con trẻ, phát hiện sớm các triệu chứng sớm của bệnh để đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị. Bên cạnh đó, cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường sinh sống, trường học của trẻ. Cùng với đó, để phòng bệnh, phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.
5 triệu người Việt Nam mắc căn bệnh dễ dẫn tới mờ mắt
Theo thống kê của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, nước ta có khoảng 5 triệu người mắc đái tháo đường, căn bệnh được coi như đại dịch khi số ca bệnh ngày càng tăng. Bệnh này không chỉ gặp ở người già như trước đây mà ngày càng trẻ hóa, liên quan nhiều đến lối sống ít vận động, dùng nhiều đồ ăn nhanh dẫn tới béo phì. Bệnh gây ra rất nhiều biến chứng lên tất cả bộ phận của cơ thể như mắt, thận, phải cắt cụt chi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường thường không rõ, giai đoạn đầu chưa có ảnh hưởng nhiều về thị lực. Chỉ khi người bệnh có các biểu hiện khó chịu nhìn mờ, cảm giác ruồi bay trước mắt, đi khám thì đã ở giai đoạn đe dọa thị lực.
Bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong những biến chứng giao thoa nên việc chẩn đoán càng khó, hay bị bỏ qua.

Bác sĩ Bảy kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân (ảnh: BVCC).
Bác sĩ Bảy cho biết thêm, người bệnh cần kiểm soát tốt tất cả yếu tố nguy cơ, biến chứng, có chiến lược để đạt được mục tiêu đường huyết, huyết áp, lipid máu, hướng tới ổn định bệnh, giảm nguy cơ, chậm tiến triển, duy trì cuộc sống chất lượng dài lâu.
Trên toàn cầu, tỷ lệ bệnh lý võng mạc ở bệnh nhân đái tháo đường là 22,3% tương đương hơn 103 triệu người (2020). Dự kiến đến năm 2045, tỷ lệ này tăng lên 55,6% - hơn 160 triệu người mắc. Ở nhiều quốc gia, bệnh võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân chính gây mù lòa với nhóm người trong độ tuổi lao động. Chi phí cho điều trị võng mạc đái tháo đường khá cao, khoảng 629 USD/bệnh nhân/năm.
Để phòng nguy cơ này, bác sĩ khuyến cáo người mắc cần quản lý bệnh đái tháo đường tốt. Hãy biến việc ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất trở thành một phần trong thói quen hằng ngày. Uống thuốc tiểu đường hoặc insulin theo chỉ dẫn.
Người bệnh phải kiểm tra và ghi lại lượng đường huyết của mình nhiều lần trong ngày để theo dõi sát sao, nếu cao bất thường cần liên hệ bác sĩ.
Ngoài ra, những người trên 45 tuổi nên đi xét nghiệm đường huyết ít nhất 3 năm 1 lần. Phụ nữ có tiền sử bị đái tháo đường thai kỳ, buồng trứng đa nang cũng cần được kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn.
Gánh nặng bệnh tim mạch ngày càng gia tăng
Theo số liệu của Liên đoàn Tim mạch thế giới, ước tính mỗi năm khu vực ASEAN có khoảng 4 triệu người chết vì bệnh tim mạch. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, gánh nặng bệnh tật và chi phí cũng tăng đáng kể.
Bệnh tim mạch chuyển hóa bao gồm các bệnh lý như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu... Các bệnh lý tim mạch đang là nguy cơ hàng đầu trên toàn thế giới, theo các thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tử vong do bệnh tim mạch chiếm tới 39,5% trong tổng số các nguyên nhân gây tử vong trên toàn cầu.
GS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: "Viện Tim mạch, mỗi năm tiếp nhận khoảng trên 20 nghìn ca điều trị. Riêng can thiệp động mạch vành có tới 4 nghìn ca, trong đó có một nửa là nhồi máu cơ tim cấp. Đặc biệt "bộ mặt" về nhồi máu cơ tim cấp hiện có nhiều thay đổi, với nhiều độ tuổi và đáng lưu ý có bộ phận người bệnh trẻ tuổi chỉ khoảng ngoài 30 tuổi, thậm chí mới 24, 25 tuổi... Các bệnh nhân tim mạch trẻ tuổi đều có chung đặc điểm, nam giới, béo phì, hút thuốc lá và tiền sử gia đình có người mắc bệnh lý này".
Một trường hợp điển hình, bệnh nhân nam (31 tuổi) chuyển tới Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, đặt ống nội khí quản và huyết áp liên tục tăng cao 180/100 mmHg. Tình trạng huyết áp không giảm ngay cả khi đã được sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch.
Qua khai thác tiền sử bệnh, người nhà bệnh nhân cho biết, từ năm 2020, bệnh nhân đã có tiền sử chảy máu não bán cầu trái do tăng huyết áp. Khi điều trị ổn định, bệnh nhân được cho về nhà dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp. Sau một thời gian bệnh nhân thấy huyết áp bình thường, chủ quan nghĩ rằng bệnh đã khỏi nên tự ý bỏ thuốc không điều trị. Bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc lá, bia, rượu.
BSCKII Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết: Khi tiếp nhận bệnh nhân nhập viện, huyết áp của người bệnh liên tục tăng cao. Kết quả chụp phim cho thấy, bệnh nhân tiếp tục chảy máu não bên đối diện, bên phải và lần này thể tích lớn hơn và có máu trong não thất. Bệnh nhân khó có thể tiến hành phẫu thuật do đã chảy máu cả 2 bên não và hôn mê sâu. Bệnh nhân được chỉ định tiếp tục điều trị hồi sức nội khoa. Bệnh nhân liên tục sốt cao, ý thức chậm, hôn mê, không cai được thở máy, tiên lượng nặng.
Thực tế, những trường hợp phải nhập viện vì các bệnh tim mạch khi tuổi đời còn khá trẻ như trên không còn là hãn hữu trong những năm gần đây.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, nhiều bệnh nhân nhồi máu cơ tim chỉ ngoài 20 tuổi, thậm chí có người hơn 30 tuổi đã phải làm cầu nối mạch vành hoặc đặt stent. "Tại Bệnh viện Tim Hà Nội, số ca phẫu thuật tim mỗi năm đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, từ 1.000 ca lên hơn 2.000 ca. Trong cộng đồng, tỷ lệ người trẻ 30-40 tuổi mắc tăng huyết áp, tiểu đường cũng rất cao, nhưng nhiều người chủ quan, không phòng ngừa, dẫn đến gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội" – PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền thông tin.
Trong khi đó, TS.BS Dương Hồng Niên - Trưởng khoa Nội Tim mạch (Bệnh viện 19/8) cũng cho biết, theo xu thế chung, tỷ lệ người mắc bệnh lý tim mạch đến khám và điều trị tại bệnh viện ngày càng tăng. "Gần đây, chúng tôi thường xuyên cấp cứu các trường hợp bị nhồi máu cơ tim, có bệnh nhân mới ngoài 20 tuổi. Bên cạnh đó, hàng ngày, khu vực phòng khám tiếp nhận 200-300 bệnh nhân đến khám với nhiều bệnh khác nhau, trong đó chủ yếu là tăng huyết áp, hội chứng mạch vành cấp và mãn tính… Điều đó cho thấy bệnh lý tim mạch đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa, đặc biệt là các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa".
Nhận định về nguyên nhân, chuyên gia cho rằng, xuất phát từ nhiều yếu tố như lối sống ít vận động, chế độ ăn uống không lành mạnh, gia tăng tình trạng béo phì, tăng huyết áp và đái tháo đường. Bên cạnh đó, sự gia tăng tuổi thọ trung bình và áp lực cuộc sống ngày càng cao cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch. Chính vì vậy, việc tầm soát sớm bệnh lý tim mạch trở thành một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.
Các chuyên gia khuyến cáo, bệnh tim mạch có thể được phòng ngừa thông qua vận động thể thao và chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, thực phẩm quá nhiều cholesterol, tăng tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ và đạm thực vật, đặc biệt là đạm đậu nành.
T.M (tổng hợp)