Khi mang thai tăng cân bao nhiêu là đủ?
Theo BS. Lê Thị Thu Hà, Bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Nếu bà mẹ tăng khoảng 18 kg trong thời kỳ mang thai là một mối nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con”. BS. Hà cảnh báo nếu mẹ bầu tăng cân quá nhiều sẽ có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh khó hoặc phải sinh mổ vì con to, khó chẩn đoán tim thai vì mỡ ở thành bụng rất dày.
Tăng cân quá mức có thể dẫn đến tăng huyết áp và thậm chí là các biến chứng khi chuyển dạ, vì vậy chị em cần hết sức cẩn thận. Phụ nữ mang thai cũng nên tránh thức ăn nhiều đường vì cùng với việc tăng cân quá mức, ăn nhiều đồ ngọt có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường thai kỳ. Đái tháo đường thai kỳ nguy hiểm cho bà mẹ mang thai và em bé vì dễ dẫn đến các biến chứng tiềm ẩn như sinh con quá cân, nguy cơ chuyển dạ sinh non, hạ đường huyết sơ sinh...
Nhưng phụ nữ mang thai tăng cân quá ít cũng là một vấn đề, vì nó có nghĩa là con bạn sẽ có nguy cơ nhẹ cân. Nữ hộ sinh hoặc bác sĩ sản khoa thường theo dõi cân nặng của bạn trong 3 giai đoạn của thai kỳ và sẽ đưa ra lời khuyên cụ thể liên quan đến hoàn cảnh và nguy cơ biến chứng khác nhau của bạn.
Bà bầu nên quản lý cân nặng của mình bằng nhiều cách, có thể áp dụng chỉ số BMI để kiểm tra và xác định được số cân nên tăng trong quá trình mang thai.
BMI = cân nặng (kg) chia bình phương chiều cao:
Với phụ nữ nhẹ cân (BMI dưới 19,8), mức tăng cân hợp lý khi mang thai là 12-18kg.
Đối với phụ nữ cân nặng bình thường (BMI từ 19,8-26), khi mang thai tăng cân hợp lý từ 11-14kg.
Phụ nữ thừa cân (BMI từ 26-29) trong thời kỳ mang thai nên tăng cân hợp lý là từ 8-11kg.
Với phụ nữ béo phì (BMI trên 29), mức tăng cân hợp lý ở thai kỳ là 8kg.
Khi mang thai đôi hoặc sinh ba, đây là trường hợp đặc biệt nên mức tăng cân hợp lý của bà mẹ là 15-20kg trong suốt thai kỳ.
Hà Nội phát hiện ca ho gà đầu tiên trong năm, bệnh dễ lây ở lớp học
Hà Nội đã ghi nhận bệnh nhân ho gà đầu tiên trong năm 2023, thông tin từ Sở Y tế Hà Nội.
Cụ thể, bệnh nhân là bé gái 6 tuần tuổi, có địa chỉ tại Đan Phượng khởi phát bệnh ngày 10/11 với triệu chứng ho, không sốt, không nôn.
Ngày 11/11, gia đình đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, được chẩn đoán viêm phế quản phổi và kê đơn thuốc điều trị tại nhà.
Điều trị 3 ngày không thấy bệnh thuyên giảm, ngày 14/11, gia đình đưa trẻ đi khám tại Bệnh viện Phương Đông và được kê đơn thuốc về nhà điều trị tiếp.
Đến ngày 16/11, bệnh nhân có biểu hiện ho nhiều về đêm, bú kém, cơn ho kéo dài khoảng 10 phút, có cơn tím tái mặt.
Trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng thở oxy mask 5 lít/phút, SpO2 89% (không thở oxy), họng đỏ, mũi nề. Bệnh nhân được xét nghiệm PCR ho gà cho kết quả dương tính.
Theo Sở Y tế Hà Nội, ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện chính của bệnh là cơn ho dữ dội, thở rít vào.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là đối với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trường học.
Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho.
Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy.
Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn. Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Tiêm vaccine là biện pháp phòng bệnh ho gà chủ động và hiệu quả nhất. Trẻ được tiêm mũi một khi 2 tháng tuổi; mũi 2 khi 3 tháng tuổi; mũi 3 khi 4 tháng tuổi; mũi 4 lúc 18 tháng tuổi.
Những trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, tiêm chủng muộn cần tiêm chủng càng sớm càng tốt sau đó để phòng bệnh ho gà hiệu quả.
Bên cạnh việc tiêm vaccine phòng bệnh, người dân cần bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.
Đồng thời thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ hàng ngày. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.
Hoại tử nặng do tự điều trị rắn cắn suốt 20 năm
Ngày 30/11, bác sĩ Nguyễn Duy Quang, Khoa Chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết vừa phẫu thuật thành công theo phương pháp chuyển vạt da sau cho bệnh nhân HVO (55 tuổi, huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) bị hoại tử do rắn cắn.
Đáng chú ý, bệnh nhân bị rắn cắn nhưng không đến bệnh viện mà tự điều trị suốt 20 năm, dẫn đến nhiễm trùng, ổ loét, khuyết hổng lộ xương, lộ gân chân.
Bệnh nhân kể, khoảng 20 năm trước khi đi làm ngoài ruộng thì bị rắn cắn vào cổ chân phải. Tại thời điểm thấy rắn cắn không phải là rắn độc nên anh đã về nhà, tự xử lý vết thương.
Sau đó vết rắn cắn lành có để lại sẹo co rút cổ chân và các ngón chân khiến bệnh nhân khó khăn trong việc co duỗi cổ chân và vận động các ngón chân.
Khoảng 4 tháng trước, khi đến bệnh viện khám thì bệnh nhân thấy sẹo vùng cổ chân phải loét, chảy dịch nhiều, vết loét đau nhức, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày cũng như công việc.
Nghĩ là bình thường nên bệnh nhân ở nhà tự mua thuốc bôi nhưng vẫn không đỡ, thậm chí ổ loét ngày càng lan rộng, sâu, hoại tử hết phần da, thịt vùng cổ chân phải.
Do thấy bệnh tình ngày càng nặng, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa điều trị.
Qua thăm khám các bác sĩ khoa Chỉnh hình – Bỏng chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng hoại tử nặng cổ chân phải, tạo ổ loét rộng có kích thước 20x15 cm.
Các bác sĩ quyết định cắt bỏ ổ loét nhiễm trùng, sử dụng phương pháp phẫu thuật chuyển vạt Sural che phủ vùng cổ chân phải, giải phóng sẹo co rút cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật được thực hiện thành công, bệnh nhân tỉnh táo, hồi lưu máu vạt tốt.
Sau 7 ngày phẫu thuật, tình trạng vạt da ghép hồng hào, vết mổ khô, ổ loét cổ chân phải đã được che phủ kín, bệnh nhân không còn đau nhức và tập vận động co duỗi bàn chân tốt, các ngón chân không còn hiện tượng co rút.
Dự kiến bệnh nhân sẽ được xuất viện trong một vài ngày tới.
T.M (tổng hợp)