Tin tức Đời sống 5/12: Cha mẹ "anti vắc xin", con bị đẩy vào vòng nguy hiểm

Tin tức Đời sống 5/12: Cha mẹ "anti vắc xin", con bị đẩy vào vòng nguy hiểm

Thứ 5, 05/12/2024 11:49

Cập nhật tin tức đời sống ngày 5/12: Cha mẹ 'anti vắc xin', con trẻ bị đẩy vào vòng nguy hiểm; Tưởng chỉ bị nhiệt miệng, không ngờ ung thư lưỡi...

Cha mẹ 'anti vắc xin', con trẻ bị đẩy vào vòng nguy hiểm

Mới đây, một bé trai 4 tuổi (ngụ TPHCM) được đưa vào khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng ho nhiều không đỡ. Bé được chẩn đoán bị biến chứng viêm phổi do sởi. Điều tra bệnh sử, người bố cho biết trẻ chưa từng tiêm phòng vì mẹ bé anti vắc xin.

Bác sĩ Dư Tuấn Quy - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết đây không phải là trường hợp cá biệt có phụ huynh phản đối tiêm vắc xin.

"Tính đến ngày 4/12, khoa đang điều trị cho 110 bệnh nhi mắc sởi. Số trường hợp nhập viện đã tăng rõ rệt trong những tuần gần đây, từ 80 lên hơn 100 ca mỗi tuần. Hầu hết các bé đều chưa tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ 2 mũi. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại", bác sĩ Quy nhận định.

Theo bác sĩ Quy, hiện nay, nhiều phụ huynh có quan niệm phản đối vắc xin vì sợ con xuất hiện tác dụng phụ sau tiêm như tự kỷ. Tại khoa Nhiễm - Thần kinh, khoảng 10-12% phụ huynh của bệnh nhi mắc sởi có quan điểm này.

Bên cạnh đó, một số bé chưa được tiêm ngừa do phụ huynh không nhớ lịch hoặc trẻ không đáp ứng đủ điều kiện sức khỏe vào ngày hẹn tiêm. Có bé lại mắc bệnh khi chưa kịp tiêm đủ mũi.

Ngoài ra, ở một số vùng, người dân vẫn coi thường sởi, xem đây là căn bệnh nhẹ nên không cho con tiêm phòng.

Tưởng chỉ bị nhiệt miệng, không ngờ ung thư lưỡi

Ngày 5/12, Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) cho biết nơi đây vừa phẫu thuật tái tạo lưỡi cho bệnh nhân bị ung thư lưỡi, có hạch di căn dưới hàm phải.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Trãi, cho biết bệnh nhân là ông N.V.P (64 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau nhiều, nói khó không rõ tiếng.

Khai thác tiền sử, người nhà bệnh nhân cho hay cách nhập viện 6 tháng, ông P. phát hiện có vết loét vùng lưỡi phải, đau nhói. Tuy nhiên, ông P. nghĩ là loét do nhiệt miệng nên tự mua thuốc uống, nhưng không đỡ.

Vết loét ngày càng lớn, cứng dần và dễ chảy máu, khiến ông P ăn uống rất khó khăn, chỉ có thể uống nước và sữa.

Cách nhập viện 2 tuần, bệnh nhân đau nhiều nên người nhà đưa đi khám bệnh. Lúc này, khối u ở lưỡi đã to, dính xuống sàn miệng rất đau khiến bệnh nhân nói khó, không rõ tiếng.

Tại Bệnh viện Nguyễn Trãi, bệnh nhân được sinh thiết khối u, có kết quả Carcinoma tế bào gai sừng hoá, biệt hoá vừa của lưỡi, bác sĩ chỉ định nhập viện.

Qua thăm khám, làm các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhân có u ở thân lưỡi phải, kích thước 4x3 cm, nhiễm cứng, lồi lõm không đều, loét, dễ chảy máu, nhiều giả mạc, xâm lấn dính vào sàn miệng.

Lưỡi bị hạn chế vận động, làm bệnh nhân nuốt khó và nói không rõ, rất bất tiện trong sinh hoạt. Thêm nữa, bệnh nhân có hạch di căn dưới hàm phải, kích thước 7 mm, hình tròn, bờ trơn láng, mật độ chắc, không dính da, ấn không đau.

Trước tình trạng trên, các bác sĩ đã chỉ định cắt toàn bộ lưỡi, nạo hạch cổ, tái tạo lưỡi bằng vạt cơ ngực lớn.

Sau mổ, bệnh nhân được rút khai khí đạo, được tập nuốt, tập phát âm. Hiện bệnh nhân đã ăn được sữa, khả năng nói đã phục hồi 50%, vết mổ lành tốt, giảm đau.

Bác sĩ Tiến cho hay phẫu thuật tái tạo lưỡi bằng vạt cơ có cuống mạch, giúp cho bệnh nhân phục hồi khả năng nói và nuốt, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nam thanh niên bất ngờ bị đột quỵ, thừa nhận một sai lầm nhiều người Việt Nam mắc phải

Theo Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều ca đột quỵ có tuổi đời còn rất trẻ (dưới 45 tuổi), chiếm 15% tổng số bệnh nhân của toàn Trung tâm. Điển hình gần đây là nam bệnh nhân 31 tuổi, được chuyển tới Trung tâm Đột quỵ trong tình trạng hôn mê, đặt ống nội khí quản và huyết áp liên tục tăng cao 180/100 mmHg. Tình trạng huyết áp không giảm ngay cả khi đã được sử dụng thuốc truyền tĩnh mạch.

Qua khai thác tiền sử bệnh, người nhà bệnh nhân cho biết: Từ năm 2020, bệnh nhân đã có tiền sử chảy máu não bán cầu trái do tăng huyết áp. Khi điều trị ổn định, bệnh nhân được cho về nhà dùng thuốc để điều trị tăng huyết áp. Sau một thời gian bệnh nhân thấy huyết áp bình thường, chủ quan nghĩ rằng bệnh đã khỏi nên tự ý bỏ thuốc không điều trị. Bệnh nhân có tiền sử sử dụng thuốc lá, bia, rượu.

Tin tức Đời sống 5/12: Cha mẹ "anti vắc xin", con bị đẩy vào vòng nguy hiểm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

BSCKII. Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết: Khi tiếp nhận bệnh nhân nhập viện, huyết áp của người bệnh liên tục tăng cao. Kết quả chụp phim cho thấy, bệnh nhân tiếp tục chảy máu não bên đối diện, bên phải và lần này thể tích lớn hơn và có máu trong não thất. Qua hội chẩn các chuyên khoa: Bệnh nhân khó có thể tiến hành phẫu thuật do đã chảy máu cả 2 bên não và hôn mê sâu. Bệnh nhân được chỉ định tiếp tục điều trị hồi sức nội khoa. Bệnh nhân liên tục sốt cao, ý thức chậm, hôn mê, không cai được thở máy, tiên lượng nặng.

Theo các chuyên gia, chảy máu não thường đột ngột, diễn biến nhanh. Tăng huyết áp là căn nguyên chiếm tới 80 - 85% số ca chảy máu não, còn 15 - 20% do chảy máu não thứ phát do vỡ dị dạng mạch máu, u não, viêm mạch… Khi mạch máu bị tắc nghẽn hoặc vỡ, phần não liên quan không thể hoạt động được dẫn đến đột quỵ.

T.M (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.