Sai lầm dùng vài giọt dầu ăn, tẩy chay mỡ động vật
PGS.TS Bùi Thị Nhung, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, chất béo (lipid) là khẩu phần dinh dưỡng không thể thiếu với trẻ em. Thậm chí ở trẻ nhỏ, như ở nhóm trẻ 6 tháng đến 2 tuổi, năng lượng do lipid cung cấp là 30- 40% trong tổng năng lượng.
Tương tự, với trẻ 3-5 tuổi năng lượng do lipid cung cấp là 25-35%; với trẻ 6-19 tuổi năng lượng do lipid cung cấp là 20-30%.
"Nhu cầu chất béo ở lứa tuổi này là rất lớn, nhưng khi chế biến đồ ăn dặm, đồ ăn cho trẻ nhỏ, nhiều gia đình chỉ cho vài giọt dầu ăn. Không ít bà mẹ còn cầu kỳ sử dụng đủ các loại từ dầu gấc, dầu nành, dầu hướng dương... nhưng chỉ cho một lượng rất ít, chỉ 2-3ml. Nhiều gia đình còn không sử dụng mỡ động vật cho trẻ, nên trẻ bị thiếu hụt chất béo", PGS Nhung cho biết.
Theo PGS Nhung, ở lứa tuổi nhỏ, cơ thể trẻ đang phát triển nhanh, rất cần acid arachidonic, một acid béo không no có nhiều trong mỡ động vật, do đó tỷ lệ cân đối giữa lipid động vật và lipid thực vật được khuyến nghị tương ứng là 70% và 30%.
"Điều này có nghĩa, chất béo từ động vật nên là 70, từ thực vật như các loại dầu ăn, chỉ nên 30. Vì thế, trong bữa ăn hàng ngày, trẻ rất cần mỡ động vật", PGS Nhung nói.
Bên cạnh sử dụng ít dầu mỡ, nhiều gia đình không chế biến món ăn riêng cho trẻ, trên mâm cơm toàn món luộc, hấp, vốn được coi là món ăn của người già, người trưởng thành, khiến trẻ càng thiếu hụt chất béo.
Ngay cả khi thức ăn bổ sung của trẻ thường được cho thêm thịt, cá, trứng, vốn đã có một lượng nhất định lipid động vật rồi nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về lipid cho lứa tuổi này, vì thế, khi chế biến vẫn cần phải cho thêm vào khẩu phần của trẻ cả dầu thực vật và mỡ động vật theo tỷ lệ 70-30, với 70% là mỡ động vật.
Ở giai đoạn 6-12 tuổi, chất béo là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng khi 1g chất béo sẽ cung cấp 9kcal cho cơ thể.
Đồng thời, chúng còn đóng vai trò là dung môi hòa tan các vitamin, tham gia cấu tạo nên các tế bào, dịch thể ở trung ương não bộ và cung cấp cho trẻ những axit béo cơ thể không thể tự tổng hợp.
Bên cạnh đó, khi các món ăn được chế biến cùng dầu ăn hoặc mỡ lợn sẽ đầy đủ hương vị, thơm ngon, bắt mắt, kích thích trẻ ăn nhiều hơn.
Mỡ lợn hay chất béo động vật là thực phẩm giàu vitamin B, D và khoáng chất tốt cho sức khỏe, giúp cơ thể hấp thụ thêm nhiều canxi. Chúng còn chứa lecithin và cholesterol tốt, đây là những chất dinh dưỡng quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển hệ thần kinh não bộ.
Còn dầu ăn thực vật chứa nhiều axit béo chưa no cũng như không có cholesterol. Điều đó sẽ giúp giảm đi lượng cholesterol xấu trong máu. Không chỉ thế, dầu ăn còn chứa các vitamin như E, K và rất dễ hấp thu, vượt trội hơn hẳn so với mỡ lợn.
"Trong ngày, món ăn cho trẻ cần 2-3 món xào rán, với lượng dầu mỡ khoảng 25-30 gram dầu mỡ/ngày. Hiện tại, nhiều gia đình sử dụng quá ít so với nhu cầu chất béo của trẻ", PGS Nhung thông tin.
Tuy nhiên, với những trẻ thừa cân, béo phì việc sử dụng chất béo lại có những điều chỉnh phù hợp, cha mẹ nên cho con đi khám dinh dưỡng để điều chỉnh chế độ ăn uống.
6 điều cần làm, 3 điều nên tránh với người bệnh đột quỵ
Theo PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quy cao nhất, với khoảng 200.000 người mắc mỗi năm.
Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao. Những năm gần đây, nhờ công tác truyền thông nên số người dân bị đột quỵ đến viện sớm đạt khoảng 20%. Tuy nhiên, con số này vẫn là rất thấp so với thế giới.
Với thực trạng như vậy, việc nâng cao nhận thức để người dân đến viện sớm trong “giờ vàng” là vô cùng quan trọng. Dưới đây là những khuyến cáo từ PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai về 6 điều cần làm và 3 điều không nên làm đối với bệnh nhân nghi ngờ đột quỵ.
6 điều cần làm: Lập tức gọi xe cứu thương; Phải nói “đột quỵ não” với cấp cứu 115; Theo dõi triệu chứng và hỏi chuyện người bệnh; Hãy khuyến khích người bệnh nằm xuống; Thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR); Phải bình tĩnh.
Bên cạnh những việc cần làm, PGS. Mai Duy Tôn cũng khuyến cáo những điều không nên làm đối với bệnh nhân đột quỵ não.
Thứ nhất, không được cho người bệnh uống thuốc.
Mặc dù aspirin là chất làm loãng máu, tuy nhiên không được cho người bệnh uống aspirin hay bất kỳ một loại thuốc nào khác. Cục máu đông chỉ là một trong vô số nguyên nhân dẫn dến đột quỵ não. Đột quỵ não cũng có thể do một mạch máu vỡ trong não gây ra.
Vì vậy, khi không biết người thân bị mắc loại đột quỵ nào thì tuyệt đối không cho họ uống bất kỳ loại thuốc nào. Từng có nhiều sự cố vô cùng đáng tiếc khi người thân cho bệnh nhân uống An cung.
Thứ hai, không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.
Tránh đưa thức ăn hoặc nước uống cho người bị đột quỵ não. Lý do, bệnh nhân đột quỵ não thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt. Do đó, cho người bệnh ăn hoặc uống có thể dẫn đến tình trạng nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp và hệ quả là viêm phổi.
Thứ ba, không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện.
Các triệu chứng đột quỵ não rất khó để nhận biết ngay từ đầu. Người bệnh có thể nhận ra có gì đó không ổn, nhưng không nghi ngờ đột quỵ não. Nếu bạn phán đoán người bệnh đang bị đột quỵ não thì tuyệt đối không để người bệnh tự đi xe đến viện mà hãy gọi 115 và chờ sự giúp đỡ.
Thiếu nữ nguy kịch vì mỡ máu cao
Cô gái N.T.T. (19 tuổi, quê ở Cao Bằng) nhập cấp cứu vào Trung tâm Y tế Thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) trong tình trạng đau bụng dữ dội vùng quanh rốn, nôn nhiều.
Kết quả xét nghiệm lâm sàng cho thấy T. có nồng độ triglyceride (chỉ số mỡ) máu cao gấp 36 lần những người bình thường. Cô được chẩn đoán viêm tụy cấp nặng do tăng chỉ số mỡ máu và chuyển lên khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực và Chống độc điều trị.
Tại đây, bệnh nhân được thở oxy, truyền dịch, kháng sinh, tiêm và uống thuốc hạ mỡ máu kết hợp nhịn ăn.
Sau 6 ngày điều trị, chỉ số của cô gái hạ xuống đáng kể, tình trạng cải thiện hơn. Người bệnh hết đau bụng, tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn ổn định và được cho ra viện vài ngày sau đó.
Trước đó, T. có tiền sử mắc viêm tụy cấp do tăng chỉ số mỡ máu. Cô từng phải lọc máu thay huyết tương tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng).
Theo bác sĩ Bùi Đức Vương, khoa Cấp cứu - hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên, viêm tụy cấp là quá trình tổn thương cấp tính của tụy.
Bệnh thường xảy ra đột ngột với những triệu chứng lâm sàng đa dạng. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng suy đa tạng nặng, tỷ lệ tử vong cao.
Sỏi mật và nghiện rượu là nguyên nhân chính gây bệnh viêm tụy cấp với 80% bệnh nhân. Nguyên nhân xếp sau đó là tăng chỉ số mỡ máu, chiếm 1,3-3,8%. Tuy nhiên, mặt bệnh này thường không được chú ý và hay bị bỏ qua trong chẩn đoán.
Người bệnh viêm tụy cấp thường có các cơn đau bụng đột ngột và dữ dội vùng trên rốn, lan lên ngực sang hai bên mạn sườn ra sau lưng. Mức độ đau tăng dần, đạt đỉnh sau vài giờ và có thể kéo dài nhiều giờ sau đó.
Bên cạnh đau bụng, 70-80% bệnh nhân viêm tụy cấp có triệu chứng buồn nôn. Cùng với đau bụng và nôn ói, người bệnh cũng có thể gặp hiện tương chướng bụng, bí trung, đại tiện...
Để phòng bệnh viêm tụy cấp, bác sĩ Vương khuyến cáo người dân không nên lạm dụng dụng bia rượu quá mức độ cho phép.
Mọi người nên có chế độ ăn uống khoa học, vệ sinh, ít gia vị để tránh bị sỏi mật. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ gây ra viêm tụy cấp.
Ngoài ra, những người mắc bệnh đái tháo đường, mỡ máu, sỏi mật… nên khám định kỳ để quản lý tốt bệnh nền, tránh để biến chứng gây viêm tụy cấp.
T.M (tổng hợp)