Ai dễ mắc bệnh đường hô hấp?
Gần đây, các ca mắc bệnh đường hô hấp đang có xu hướng gia tăng. Một trong những nguyên nhân khiến các bệnh đường hô hấp tăng chủ yếu là môi trường và thời tiết.
ThS.BSCKII Vũ Thị Dịu, Phó Trưởng khoa Nội Hô hấp – Bệnh viện 19/8 cho biết, các bệnh đường hô hấp gặp trong thời điểm này thường được chia làm 3 nhóm:
- Một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp trên: viêm amidan, viêm mũi họng hoặc viêm mũi xoang dị ứng.
- Viêm phế quản cấp, viêm phổi.
- Những người mắc bệnh hen, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) rất dễ xảy ra các đợt cấp.
Trẻ em đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp (hen, viêm phổi, suy hô hấp, viêm tiểu phế quản, viêm họng, chảy mũi ...) Thời tiết chuyển lạnh là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập làm suy giảm hệ miễn dịch khiến trẻ chán ăn, hay quấy khóc...
Với người già, theo thời gian, hệ thống miễn dịch và cơ quan hô hấp cũng dần suy giảm là yếu tố thuận lợi cho vi khuẩn, virus tấn công hệ miễn dịch, hô hấp. Hơn nữa ở người già thường có các bệnh lý mạn tính đi kèm, hay thói quen hút thuốc cũng khiến làm tăng nguy cơ bội nhiễm.
Thời tiết lạnh kèm không khí ô nhiễm là một trong những yếu tố làm nặng hơn các bệnh về hô hấp ở bệnh nhân mắc bệnh về phổi (hen, COPD) hoặc những người mắc các bệnh lý mạn tính khác như: đường hô hấp như tim mạch, suy tim, suy thận, đái tháo đường…
Tại Khoa Nội Hô hấp – Bệnh viện 19/8 trong 2 tuần gần đây ghi nhận nhiều ca nhiễm cúm A và các bệnh đường hô hấp liên quan đến virus Adeno và RSV.
Các bệnh đường hô hấp nếu không điều trị đúng cách rất dễ dẫn tới các biến chứng như viêm phổi, nặng hơn là suy hô hấp và thậm chí có thể gây tử vong. Nhất là đối với trẻ em, người già, người mắc các bệnh lý mạn tính khi mắc các bệnh lý hô hấp sẽ rất dễ để lại biến chứng. Hoặc những người có bệnh nền về hô hấp mỗi lần nhập viện sẽ rất ảnh hưởng đến sức khỏe vì các đợt cấp sẽ gây ra các cơn khó thở dẫn đến biến chứng suy hô hấp cấp hoặc viêm phổi do bội nhiễm. Bên cạnh đó mỗi lần xảy ra đợt cấp, chức năng phổi của bệnh nhân sẽ bị xấu đi và tình trạng bệnh nặng lên.
Do vậy các đối tượng như: người già, trẻ nhỏ, người mắc các bệnh lý mạn tính, người có dấu hiệu bệnh trở nặng (ho kéo dài, khó thở, sốt cao...) cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, tránh trường hợp biến chứng nặng.
Chân tím đen, lở loét do suy giãn tĩnh mạch
Các bác sĩ Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa can thiệp giữ lại đôi chân cho người bệnh P.Q.T (64 tuổi, Phú Thọ). Bệnh nhân bị suy tĩnh mạch 2 chân dẫn đến viêm loét, hoại tử, có nguy cơ phải cắt bỏ.
Cụ thể, theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân ở huyện Yên Lập, Phú Thọ bị đau tức chân nhiều năm nay. Bệnh nhân đã đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không đỡ. Thời gian gần đây, người bệnh đau nhức nhiều, 2 chân tím đen, loét nhiều chỗ, đi lại rất khó khăn nên đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám.
Người bệnh đến khám trong tình trạng đi lại khó khăn, phải có sự hỗ trợ; mặt ngoài cẳng chân phải có vết loét hoại tử mủ, kích thước khoảng 6x5cm. Mặt trước cẳng chân trái có nhiều vết loét khô. Các vết loét tồn tại từ lâu không có dấu hiệu phục hồi mà ngày càng nặng lên.
Sau khi thăm khám kỹ lưỡng, bằng siêu âm doppler mạch máu, chụp dựng hình mạch máu, các bác sĩ của Khoa Can thiệp tim mạch đã chẩn đoán: Bệnh nhân suy tĩnh mạch hiển lớn 2 bên chân giai đoạn C6, biến chứng loét hoại tử cẳng chân hai bên.
Bác sĩ Nguyễn Thị Cẩm Bình - Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết: “Người bệnh đến với chúng tôi ở giai đoạn bệnh khá muộn, đã loét, hoại tử, tổn thương chân phải nặng nề, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt. Nếu tiếp tục không được điều trị đúng phương pháp, tình trạng loét tiến triển ngày một lan rộng, nguy cơ nhiễm khuẩn huyết cao và có thể phải cắt cụt chi”.
Sau 10 ngày can thiệp và chăm sóc tích cực, người bệnh ổn định, vận động đi lại tốt, các vết loét dần hồi phục.
Bị nghi ngờ lấy tiền của bạn, bé trai 11 tuổi tự treo cổ
Tối 7/12, BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM) cho biết các bác sĩ tại đây vừa kịp thời cứu bé trai N.Q.T (11 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) bị tổn thương não do thiếu oxy khi treo cổ tự tử.
Trước khi nhập viện, bé T. được người nhà gọi dậy đi học. Tuy nhiên, sau đó không thấy bé ra ngoài, khi mở cửa vào phòng phát hiện bé treo cổ tự tử. Ngay sau đó, bé được đưa đến phòng khám gần nhà trong tình trạng mê, không cử động, thở yếu. Tại đây, bé được sơ cứu thở oxy và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại bệnh viện, ghi nhận bệnh nhi thở yếu, tím tái. Do đó, các bác sĩ đã đặt nội khí quản giúp thở, sử dụng thuốc vận mạch vì huyết áp giảm. Sau đó, bé T. được thực hiện chụp CT-scan, kết quả nghi ngờ phù não, không ghi nhận hình ảnh xuất huyết cấp nội sọ.
Qua tìm hiểu, bé T. bị nghi ngờ lấy tiền của bạn trên lớp. Vì vậy, bé uất ức, suy nghĩ tiêu cực và treo cổ tự tử, dẫn đến nguy hiểm tính mạng.
Độ tuổi vị thành niên là lứa tuổi cần được các bậc phụ huynh chia sẻ, nắm bắt tâm tư tình cảm, những rắc rối nội tâm để kịp thời động viên, hóa giải, giúp trẻ thoát được 'khủng hoảng' tinh thần, tránh những suy nghĩ tiêu cực dẫn đến hành động bồng bột đáng tiếc.
T.M (tổng hợp)