Sập tường ở Đồng Nai: Đơn vị thi công “phớt lờ” cảnh báo và an toàn lao động
Ngày 15/5, trong buổi kiểm tra hiện trường và làm việc với tỉnh Đồng Nai, Thứ trưởng bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, sau sự cố sập tường ở Vĩnh Long một năm trước, Bộ đã có văn bản chỉ đạo thực hiện đúng quy định việc thi công các mảng tường lớn trong các khu công nghiệp, song “đáng tiếc sự cố vẫn lặp lại”, khiến 10 người chết.
Trao đổi về vấn đề này với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ĐBQH Bùi Xuân Thống - Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai - bày tỏ: “Theo tôi, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, đòi hỏi cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải có những am hiểu nhất định. Đặc biệt, trong ngành xây dựng, sự an toàn của người lao động phải được đặt lên hàng đầu. Trong pháp luật hiện nay đã có quy định rõ ràng về sử dụng lao động, nhưng vấn đề là thực hiện không nghiêm. Khi phát hiện phải xử lý nghiêm để có tính răn đe, tránh tình trạng tương tự xảy ra, đến khi sự cố xảy ra rồi mới khắc phục, giống như “mất bò mới lo làm chuồng”...”.
“Việc thanh kiểm tra thường xuyên các công trình xây dựng ở các địa phương phải được thực hiện một cách quyết liệt, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Nếu trong quá trình thanh tra lao động có sai sót, khi phát hiện ra những người liên quan đến hành vi tiêu cực, “ăn tiền”, bao che, phải bị xử lý nghiêm trách nhiệm” - Ông nhấn mạnh.
Xem chi tiết: Sập tường ở Đồng Nai: Đơn vị thi công “phớt lờ” cảnh báo và an toàn lao động
Đầu tư 35 tỷ đồng lắp cân tự động, phạt nguội xe quá tải qua cầu Thăng Long
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT cho phép đầu tư dự án lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe cố định, tự động để kiểm soát xe quá tải qua cầu Thăng Long.
Tổng cục Đường bộ cho biết, đề xuất trên là thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT về tập trung sửa chữa mặt cầu Thăng Long và triển khai lắp đặt hệ thống cân điện tử để khai thác đồng thời với dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long khi hoàn thành.
Theo đó, hệ thống kiểm soát xe quá tải sẽ được lắp đặt trên 2 chiều đường, có thể lắp đặt ở đầu cầu phía Bắc hoặc phía Nam. Sẽ có 4 bộ cân được lắp đặt, mỗi chiều đường lắp đặt 2 bộ để kiểm soát 100% xe chở quá tải qua cầu Thăng Long.
Xem chi tiết: Đầu tư 35 tỷ đồng lắp cân tự động, phạt nguội xe quá tải qua cầu Thăng Long
Sự việc vận động không nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19 ở Thanh Hóa: Cần truy trách nhiệm đến cùng người ký văn bản mập mờ
Diến biến mới nhất liên quan đến sự việc này là trưởng thôn Hạnh Phúc và Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã trực tiếp tới nhà các hộ dân xin lỗi việc vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ Covid – 19 cùng việc đã soạn sẵn mẫu đơn cho người dân ký khiến dư luận dậy sóng trong những ngày qua.
Trước đó, dư luận cả nước xôn xao trước thông tin, hàng nghìn người dân thuộc một số huyện, xã của tỉnh Thanh Hóa đã đồng loạt ký vào đơn “tự nguyện” không nhận hỗ trợ vì ảnh hưởng của dịch Covid – 19. Đáng lẽ đây một sự việc đáng mừng, đáng phải tuyên dương, ghi nhận, thậm chí phải khen thưởng cho những cán bộ địa phương làm tốt việc này. Tuy nhiên, điều bất thường là việc người dân đồng loạt ký đơn, mẫu đơn được soạn sẵn để cho dân ký tên...
Sự việc bắt đầu khi trên mạng xã hội xuất hiện lá đơn tự nguyện xin không nhận hỗ trợ của Nhà nước vì dịch Covid – 19 của Lê Xuân Quang (SN 1976), trú tại thôn 4, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân. Liên quan đến việc ký đơn, trao đổi với báo chí, ông Quang cho biết, việc mình ký đơn là hoàn toàn tự nguyện, không có chuyện bị “ép buộc” như dư luận đồn thổi.
Xem chi tiết: Sự việc vận động không nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19 ở Thanh Hóa: Cần truy trách nhiệm đến cùng người ký văn bản mập mờ
Cẩn thận “mất tiền oan” vì bảo hiểm ô tô, xe máy giá rẻ
Trước thông tin lực lượng CSGT trên toàn quốc đồng loạt ra quân kiểm tra, xử lý các phương tiện không cần lỗi ban đầu từ ngày 15/5 – 14/6, không ít chủ phương tiện đã cuống cuồng đi tìm mua bảo hiểm xe máy, ô tô cho các phương tiện của mình. Và đây là điều kiện thuận lợi để các điểm bán bảo hiểm ô tô, xe máy “rởm” mọc lên như nấm sau mưa.
Trả lời phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật về vấn đề này, Đại úy Nguyễn Minh Đức, Đội phó đội CSGT số 7 (phòng CSGT - CATP Hà Nội) cho biết: “Theo Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm xe máy có 2 loại là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.
Bảo hiểm xe máy bắt buộc thuộc loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ ba. Đây là một trong những giấy tờ mà người điều khiển phương tiện bắt buộc phải mang theo khi tham gia giao thông. Còn bảo hiểm có giá 20.000 đồng/năm được rao bán ở ven đường thực chất chỉ là bảo hiểm tự nguyện, tài xế không bắt buộc phải có loại bảo hiểm này”.
Xem chi tiết: Cẩn thận “mất tiền oan” vì bảo hiểm ô tô, xe máy giá rẻ
"Tự động gia hạn tạm trú" cho người nước ngoài đến hết tháng 6
Ngày 18/5, Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an ra thông báo mới về quy định việc tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, công dân nước ngoài nhập cảnh theo diện miễn thị thực, nhập cảnh bằng thị thực điện tử hoặc thị thực du lịch từ ngày 1/3/2020 đến nay được "tự động gia hạn tạm trú" đến hết ngày 30/6/2020, có thể xuất cảnh trong thời gian trên mà không phải làm thủ tục gia hạn tạm trú.
Trường hợp nhập cảnh trước ngày 1/3/2020 nếu chứng minh được bị mắc kẹt do dịch Covid-19, được Cơ quan đại diện ngoại giao xác nhận bằng Công hàm (có bản dịch tiếng Việt) hoặc có văn bản xác nhận của cấp có thẩm quyền Việt Nam về việc bị cách ly, điều trị Covid-19 hoặc lý do bất khả kháng khác…cũng được xem xét áp dụng “tự động gia hạn tạm trú” đến hết 30/6/2020 và phải xuất trình Công hàm hoặc văn bản xác nhận nêu trên khi xuất cảnh.
Công dân nước ngoài trong thời gian được "tự động gia hạn tạm trú" phải khai báo tạm trú và khai báo y tế theo quy định.
Xem chi tiết: "Tự động gia hạn tạm trú" cho người nước ngoài đến hết tháng 6
Hoàng Mai