30 năm sau lần cất cánh đầu tiên, máy bay chiến đấu đa nhiệm Eurofighter Typhoon (Cuồng phong trời Âu) đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết khi nó hình thành “xương sống” của lực lượng không quân các nước Đức, Anh, Italy và Tây Ban Nha, đồng thời cũng giúp củng cố các lực lượng không quân ngoài châu Âu.
Với hơn 850.000 giờ bay, mẫu tiêm kích “hoàn toàn do châu Âu sản xuất” này sẽ tiếp tục nối dài thành tích của mình trên bầu trời thêm hơn 30 năm nữa, có thể là đến năm 2060.
Thông tin trên được 2 trong số các nhà sản xuất Eurofighter Typhoon là Airbus và BAE Systems cho biết khi trả lời hãng truyền thông Ấn Độ idrw.org, trang Bulgarian Military đưa tin hôm 30/5.
Lý do 2 nhà sản xuất đưa ra tuyên bố trên là vì đang có đồn đoán rằng Typhoon sẽ bị chương trình máy bay chiến đấu siêu thanh thế hệ tiếp theo Tempest thay thế vào năm 2040.
Đối với cả các quốc gia đối tác sản xuất của Typhoon (bao gồm Anh, Italy, Đức và Tây Ban Nha) và các nhà khai thác (gồm Ả Rập Xê-út, Oman, Áo, Qatar và Kuwait), đây là tin vui. Điều này có nghĩa là trong ít nhất 3 thập kỷ tới, việc bảo dưỡng và nâng cấp phi đội Eurofighter sẽ không bị gián đoạn.
Ấn Độ cũng quan tâm đến thông tin này vì Eurofighter là nhà thầu cho chương trình Máy bay chiến đấu đa năng hạng trung [MRFA] của Delhi. Theo giới phân tích trong nước, Eurofighter là đối thủ nặng ký với Rafale trong cuộc đấu thầu.
Lý do là với Eurofighter, Ấn Độ có thể nhận được chuyển giao công nghệ, đồng nghĩa với việc hỗ trợ chương trình “Made in India” của gã khổng lồ Nam Á. Tuy nhiên, chuyên gia vẫn tin rằng Rafale tiếp tục có cơ hội tốt hơn trong chương trình MRFA.
Theo trang web của Airbus, Eurofighter Typhoon là một máy bay chiến đấu đa nhiệm, hai động cơ, hoạt động trong mọi thời tiết, có thể được sử dụng để chiến đấu không đối không và không đối đất. Nó được phát triển bởi liên doanh Eurofighter giữa Airbus (Đức và Tây Ban Nha), BAE Systems (Vương quốc Anh) và Leonardo (Italy).
Vào ngày 27/3/1994, chiếc Eurofighter Typhoon DA1 đã cất cánh lần đầu tiên ở Manching, Bavaria. Cho đến nay, 680 chiếc Eurofighter Typhoon đã được 9 quốc gia đặt hàng – 603 chiếc trong số đó đã được giao. Chiếc “Cuồng phong” đầu tiên được giao cho Không quân Đức vào năm 2003.
5 khách hàng xuất khẩu sử dụng Eurofighter Typhoon gồm Áo (15 chiếc), Ả Rập Xê-út (72 chiếc), Oman (12 chiếc), Kuwait (28 chiếc) và Qatar (24 chiếc).
Hai động cơ của Eurofighter Typhoon tạo ra công suất khoảng 150.000 mã lực và tăng tốc lên Mach 2,35 (2.900 km/h). Giống như tên của mình, “Cuồng phong” chỉ cần 2 phút để đạt độ cao gần 11.000 m. Điều này khiến nó trở nên lý tưởng cho nhiệm vụ cảnh báo phản ứng nhanh (QRA), ngăn chặn những kẻ xâm nhập xâm nhập lãnh thổ quốc gia.
Eurofighter Typhoon có nhiều biến thể. Block 1 là biến thể đầu tiên, với khả năng không đối không và không đối đất hạn chế và hệ thống radar cơ bản. Block 2 sở hữu hệ thống điện tử hàng không, phần mềm cải tiến, khả năng không đối không và không đối đất nâng cao, các chế độ radar tiên tiến và hệ thống tác chiến điện tử cải tiến.
Block 2B và Block 5 có các thiết bị điện tử mới hơn, hệ thống cảm biến nâng cao, chế độ radar cải tiến và tăng khả năng tương tác với các máy bay và hệ thống khác. Block 1 đến Block 5 là một phần của loạt Eurofighter Typhoon Trance 1. Tranche 2 bao gồm Block 8, Block 10 và Block 15.
Biến thể Block 10 được trang bị Hệ thống phụ trợ phòng thủ (DASS) trên nền tảng Praetorian; Hệ thống nhận dạng bạn hay thù (IFF) Chế độ 5; Hệ thống thiết bị chỉ huy tác chiến trên không (ACMI); khả năng khai hỏa tên lửa AIM-120C-5 AMRAAM và IRIS-T.
Về khả năng chiến đấu không đối đất, “Cuồng phong” có thể thả bom GBU-24, Paveway III và IV và thiết bị nhắm mục tiêu không đối đất Rafael LITENING III. Block 15 có thể khai hỏa tên lửa MBDA Meteor AAM và Taurus KEPD, Storm Shadow và Brimstone.
Airbus hiện đang sản xuất 38 chiếc Eurofighter Typhoon Trance 4 cho Không quân Đức, còn gọi là Quadriga, ở Manching. Airbus cũng sẽ cung cấp 20 máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon Tranche 4 mới, còn được gọi là Halcon I, cho Không quân Tây Ban Nha từ năm 2026 đến năm 2030.
Gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng châu Âu cam kết biến Eurofighter trở thành máy bay của tương lai. Mẫu Tranche-5 được cung cấp cho Ấn Độ kết hợp công nghệ được phát triển như một phần của sáng kiến Tiến hóa dài hạn (LTE). LTE tập trung vào những tiến bộ trong hệ thống nhiệm vụ, giao diện phi công, tính linh hoạt trong vận hành và hiệu suất động cơ.
Những cải tiến này sẽ không chỉ nâng cao khả năng của “Cuồng phong” mà còn giúp nó đóng vai trò quan trọng trong Hệ thống phòng không chiến đấu tương lai (FCAS) của châu Âu.
Minh Đức (Theo Bulgarian Military, Airbus.com, EurAsian Times)