Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã bắt đầu đại tu hệ thống nhập cư của Đức để cho phép nhiều người nhập cư ở lại nước này hơn. Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ quyền người tị nạn nói rằng các biện pháp này vẫn là chưa đủ.
Chính phủ Đức hy vọng sẽ cho hơn 130.000 người nhập cư bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng về mặt pháp lý cơ hội ở lại lâu dài, như một phần của cuộc đại tu hệ thống nhập cư của Đức.
Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz hôm 6/7 đã nhất trí về một gói cải cách được cho là sẽ mở ra triển vọng về quyền cư trú cho những người đã sống ở Đức hơn 5 năm với giấy phép tạm dung, hay còn gọi là “Duldung” (tolerance status).
"Chúng ta là một quốc gia thu hút nhập cư đa dạng. Bây giờ chúng ta muốn trở thành một quốc gia hội nhập tốt hơn", Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser, thành viên Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của Thủ tướng Scholz, tuyên bố trên Twitter.
"Tôi muốn tích cực định hình nhập cư và hội nhập thay vì quản lý các vấn đề này một cách miễn cưỡng như đã làm trong 16 năm qua", bà nói, tiếp tục đề cập đến các chính sách của chính phủ bảo thủ trước đây.
“Duldung”, hay giấy phép tạm dung, thường được cấp cho những người đã bị từ chối tị nạn nhưng không thể trở về quê hương vì nhiều lý do.
Những lý do này có thể bao gồm mối đe dọa chiến tranh hoặc bị bắt giữ ở quê nhà, mang thai hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc vì họ đang học tập hoặc học nghề ở Đức. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, họ vẫn có nghĩa vụ rời khỏi Đức và sống dưới nguy cơ bị trục xuất.
Trạng thái lấp lửng pháp lý
Một “Duldung” chỉ có giá trị trong một thời gian ngắn và mọi người có thể được cấp giấy phép này nhiều lần liên tiếp nhưng không được phép tham gia vào thị trường lao động Đức.
Theo kế hoạch mới, do Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser đề xuất, những người đã có Duldung trong 5 năm (tính đến ngày 1/1/2022), có thể đủ điều kiện để được cư trú 1 năm, trong thời gian đó họ phải chứng minh sự sẵn sàng hội nhập của mình thông qua việc học tiếng Đức và tìm một công việc có khả năng đảm bảo thu nhập.
Những người nhập cư như vậy sẽ phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Bất kỳ ai bị kết án phạm tội nghiêm trọng, xin tị nạn dưới danh tính giả hoặc nộp nhiều đơn, sẽ không được hưởng đãi ngộ này.
Có những ngoại lệ đối với quy tắc kết án hình sự: những tội phạm bị trừng phạt với mức phạt tiền thấp hoặc tại tòa dành cho những người phạm tội trẻ tuổi sẽ được “châm chước”.
Ông Karl Kopp, giám đốc phụ trách các vấn đề châu Âu của tổ chức bảo vệ quyền người tị nạn Pro Asyl, cho biết ông đã gặp nhiều người vướng vào tình trạng lấp lửng pháp lý này.
"Hãy tưởng tượng bạn có giấy phép tạm dung (Duldung), bạn có gia đình, những đứa con của bạn đang học tập và lớn lên ở đây, nói thông thạo tiếng Đức", ông nói với DW. "Và tại một thời điểm nào đó, tất cả những gì bạn muốn là một loại giấy tờ thể hiện rõ ràng rằng bạn thuộc về đất nước này. Tất cả những gì bạn muốn là chấm dứt trạng thái lấp lửng pháp lý đó".
"Nhiều người cũng sống với nỗi sợ hãi cụ thể trong nhiều năm: Cảnh sát sẽ đến trục xuất họ. Điều này khiến họ cảm thấy kiệt sức và gây ra rất nhiều đau khổ", ông nói.
Theo ông Kopp, ông cũng biết nhiều trường hợp có giấy phép tạm dung, có nơi đào tạo việc làm, và người thuê họ phải đấu tranh để họ được phép ở lại đất nước.
Ủy viên phụ trách hội nhập của chính phủ, bà Reem Alabali-Radovan, đã viết trên Twitter rằng luật mới sẽ là cầu nối để khoảng 135.000 người được ở lại Đức.
"Chúng tôi đang định hình lại nước Đức như một quốc gia thu hút nhập cư hiện đại", bà Alabali-Radovan cho biết.
Ý kiến trái chiều
Các chính trị gia đối lập đã lên tiếng chỉ trích. Ông Alexander Throm, phát ngôn viên chính sách đối nội của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), nói rằng các kế hoạch của chính phủ sẽ tạo động cơ cho tình trạng nhập cư trái phép ồ ạt vào Đức.
"Trên hết, liên minh cầm quyền đang phá hoại luật tị nạn với sáng kiến này", ông Throm nói với mạng tin tức RND.
Trong khi đó, đồng lãnh đạo Đảng Xanh Omid Nouripour bày tỏ ủng hộ biện pháp này, đồng thời tuyên bố rằng nó sẽ giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động có tay nghề cao của Đức.
"Chúng ta đang mở ra những triển vọng mới cho mọi người", ông Nouripour nói với mạng truyền thông Funke.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng cần phân biệt giữa trường hợp thủ tục xin tị nạn được chấp nhận, và người làm đơn nhận được giấy phép bảo vệ (protection status), với trường hợp đơn xin tị nạn bị từ chối.
“Nếu người có đơn xin tị nạn bị từ chối cũng vẫn được phép ở lại Đức lâu dài, thì bản thân thủ tục xin tị nạn sẽ trở nên vô nghĩa”, ông Nouripour giải thích.
Những bước nhỏ hướng tới hội nhập
Các tổ chức tị nạn đã hoan nghênh cách tiếp cận chung của chính phủ, nhưng vẫn hoài nghi về tiến trình thực hiện.
"Chúng tôi hoan nghênh ý định của chính phủ về việc cung cấp cho hơn 100.000 người giấy phép cư trú thường xuyên", ông Kopp của Pro Asyl cho biết. "Nhưng chúng tôi cũng chỉ ra một số vấn đề mà chúng tôi nghĩ rằng luật pháp cần phải chính xác hơn".
Có điều, ông Kopp cũng lưu ý rằng quá khó để buộc người ta cố gắng hoàn thành các điều kiện cần thiết để nhận được giấy phép cư trú trong vòng 1 năm hoặc có nguy cơ bị đẩy trở lại tình trạng lấp lửng pháp lý mà giấy phép tạm dung mang lại.
"Chúng tôi muốn thấy sự linh hoạt nhân đạo hơn", ông nói. "Có thể dễ dàng xảy ra trường hợp một người ra ngoài tìm việc nhưng không thành công vì tình hình kinh tế hiện tại".
Ông cũng cho biết, ông muốn thấy luật mới bao gồm một điều khoản ngăn chặn nguy cơ trục xuất đối với bất kỳ ai đủ điều kiện cư trú theo chương trình mới.
Bà Alabali-Radovan nhấn mạnh, gói cải cách hiện tại này chỉ là "cột mốc đầu tiên" và nhiều kế hoạch nữa sẽ được thực hiện trước cuối năm nay, bao gồm các biện pháp cho phép người nhập cư tiếp cận tốt hơn với thị trường việc làm và nhập tịch.
Minh Đức (Theo DW)