Nepal là điểm du lịch nổi tiếng, lý tưởng cho những chuyến phiêu lưu ngoài trời. Trong bối cảnh biên giới mở cửa trở lại cũng như các hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ, du lịch – ngành kinh tế xương sống của đất nước này hy vọng sẽ hồi phục trở lại.
Khách du lịch đang dần quay trở lại Nepal trong bối cảnh quốc gia thuộc dãy Himalaya này đã dỡ bỏ những hạn chế đi lại sau khi số ca nhiễm Covid đã giảm ở mức ổn định.
Du khách tới Nepal có thể một lần nữa hưởng lợi từ chương trình cấp thị thực nhập cảnh sân bay mà không còn phải lo lắng về quy định bắt buộc mang theo “hộ chiếu vắc-xin”.
Nandini Lahe-Thapa, Giám đốc Tổng cục Du lịch Nepal (NTB), chia sẻ với kênh truyền hình Đức Deutsche Welle (DW), tính đến đầu năm nay, số lượng khách du lịch đến Nepal nhiều hơn so với toàn bộ năm 2021.
"Điều này cho thấy ngành du lịch đang hồi sinh và có xu hướng phục hồi... du khách đang cảm thấy tự tin để đi du lịch", bà nói.
Năm 2021, NTB chỉ ghi nhận khoảng 150.000 du khách quốc tế. Trong khi đó, chỉ riêng trong 3 tuần đầu tiên của tháng 4/2022, ngành du lịch Nepal đã đón gần 50.000 khách.
Tuy nhiên, lượng du khách vẫn duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đại dịch. Theo dữ liệu do Cục quản lý Nhập cảnh, Nepal đã đón khoảng 310.000 du khách trong quý I/2019 và khoảng 220.000 khách du lịch trong cùng kỳ năm 2020.
Năm 2019, Nepal đã đón tổng cộng 1,3 triệu du khách quốc tế thông qua đường hàng không. Con số trên không bao gồm những khách đến quốc gia này bằng đường bộ từ Ấn Độ.
Theo Ngân hàng Nepal Rastra, ngành du lịch cung cấp việc làm cho khoảng 20% lực lượng lao động của Nepal và đóng góp 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Người leo núi trở lại dãy Himalaya
Những người leo núi và đi bộ đường dài đang dẫn đầu hành trình quay trở lại. Theo Sở Du lịch Nepal, tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 870 nhà leo núi nước ngoài nộp đơn xin giấy phép leo hơn 20 đỉnh núi thuộc dãy Himalaya ở Nepal vào mùa xuân.
Đáng chú ý, hơn 300 nhà leo núi, phần lớn đến từ Mỹ và châu Âu, đã được cấp giấy phép leo đỉnh Everest.
Khi lưu lượng khách du lịch tăng lên, các khách sạn và nhà khách ở Quận Solukhumbu, khoảng 120km về phía Đông thủ đô Kathmandu, đã chật kín người. Đây là điểm xuất phát chính của nhiều người leo núi và đi bộ đường dài.
Ashok Pokharel, Chủ tịch Hiệp hội các nhà điều hành du lịch Nepal, chia sẻ với DW, hầu hết những khách du lịch ưa mạo hiểm đến thăm Nepal là những người trẻ tuổi thích chinh phục thử thách.
“Đây là sự phục hồi tự nhiên sau khi đại dịch dịu đi”, ông nhận định. "Hiện Chính phủ và các bên liên quan khác nên đưa ra chiến lược cụ thể để khôi phục toàn bộ ngành Du lịch - Khách sạn cũng như duy trì hoạt động kinh doanh".
NTB cho biết, hầu hết du khách đến từ Ấn Độ, Mỹ, Anh, Đức và Pháp.
Trước khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc là nguồn cung cấp khách du lịch chính cho Nepal. Nhưng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đã làm tê liệt ngành du lịch Trung Quốc. Trong thời kỳ trước đại dịch, thường có 4 chuyến bay trực tiếp giữa Nepal và Trung Quốc.
Ông Pokharel cho biết, Nepal đang nỗ lực nâng cao năng lực du lịch và sẵn sàng chào đón du khách Trung Quốc trở lại.
Những thách thức trong phục hồi du lịch
Ngành Du lịch - Khách sạn Nepal tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực do phần lớn nhân viên nghỉ việc trong thời gian đại dịch bùng phát.
Nhiều hướng dẫn viên du lịch và nhân viên phục vụ đã phải chuyển nghề hoặc rời khỏi đất nước để tìm kiếm việc làm.
Bà Lahe-Thapa, Giám đốc NTB, cho biết ngành du lịch sẽ dần phục hồi khi nhiều người lao động hơn quay trở lại thị trường. Tuy nhiên, mọi người vẫn lo lắng về khả năng các hạn chế phòng chống dịch được khôi phục.
Các bên liên quan e ngại về hậu quả của đại dịch cùng với tác động của xung đột giữa Nga và Ukraine đang tiếp diễn đối với sự hồi phục nhanh chóng của ngành du lịch.
Tổng giám đốc Cục quản lý Nhập cảnh, Narayan Prasad Bhattarai, nói với DW, số lượng khách du lịch đến Nepal giảm sút do những báo cáo gần đây về sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 ở nước láng giềng Ấn Độ. Tác động kinh tế từ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cũng đang ảnh hưởng đến du lịch toàn cầu.
“Cuộc xung đột đã làm lu mờ triển vọng về sự “hồi sinh” nhanh chóng của ngành du lịch trong tương lai gần vì nó đẩy chi phí du lịch lên cao và làm gián đoạn các đường bay”, ông Bhattarai nhận định.
Hoàng Ngân (Theo DW)