Nửa đời hương phấn
Hỏi thăm người dân sống trong hẻm nhỏ đường số 13, quận Thủ Đức, TP.HCM nhưng chẳng ai biết “cô đào” Trang Kim Sa là ai. Chỉ đến khi tôi hỏi “ông Sang bán vé số” thì mọi người mới hay. Thì ra “ông Sang vé số” là cái tên người ta hay dùng để gọi người đàn bà chuyển giới 74 tuổi ngày ngày bán vé số dạo ở ngoại ô TP.HCM này. Vì sợ bị kỳ thị nên dù đã chuyển giới sang nữ nhưng bà Sa vẫn cố thể hiện như một người đàn ông. Bà Sa bảo: “Ở đây, người ta kỳ thị dữ lắm, mà tôi già rồi, mắc công người ta cười nhạo. Nên thôi...”.
Ngô Văn Sang là tên thật của “cô đào” Trang Kim Sa. Ngày bé, ông Sang học giỏi và đẹp trai nhất khu phố khiến biết bao cô gái thầm thương trộm nhớ. Nhưng lớn lên, khi bắt đầu biết nhận thức, bắt đầu biết thế nào là rung động đầu đời, Sang nhận ra mình bị nhầm giới tính. Ông thích và yêu người đồng giới hơn. Thế nhưng ngày đó không ai tin và chấp nhận việc này.
Bà Sa nói: “Khi cảm nhận được mình là người đồng tính, tôi thấy xung quanh như sụp đổ và cố dằn lòng rằng đây không phải là sự thật. Tôi gồng mình và cố kiểm soát bản thân để không ai phát hiện. Vì nếu họ biết thì cũng chẳng ai đồng cảm mà chỉ coi tôi như một con người kỳ dị. Hơn nữa, vì tôi là con một nên lại càng không muốn ba mẹ mình phải đau lòng. Ngày đó, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về, tôi xin làm công nhân rồi lang thang đủ nghề để kiếm sống”.
“Nhưng lúc nào tôi cũng thèm trở thành con gái. Lúc đó, ở trên phường, mỗi tuần sẽ tổ chức một đêm văn nghệ. Vì bản thân từ bé đã mê hát, mê múa nên đêm nào tôi cũng tham gia. Dần dần tôi quen với những người đồng tính giống mình trong đám hát. Rồi cả đám rủ nhau thành lập đoàn lô tô để đi hát đó đây. Nói đúng hơn là để được sống là chính mình”, bà Sa cho biết thêm.
Rồi bà Sa theo đoàn bỏ ra tận miền Bắc. Khi xa quê hương, cái tên Sang đã hoàn toàn biến mất mà chỉ còn lại là Trang Kim Sa. Đêm đêm, bà “cháy hết mình” trong những gánh lô tô nhấp nháy ánh đèn xanh đỏ.
“Bê đê thời đó ít lắm, có mấy đoàn như Trâm Vàng, Hải Đăng, Mây Trắng... thôi. Được cái chị em sống với nhau tình cảm như gia đình. Cứ ngày ngủ, đêm lại phấn son để kêu cờ. Sơn La, Điện Biên, Hà Giang..., nơi nào tôi cũng đã đặt chân đến. Thi thoảng, khi nghĩ về gia đình, chúng tôi cũng cảm thấy có lỗi với mẹ cha nhưng rồi lại tự an ủi nhau. Đêm đêm, chúng tôi cùng kêu cờ, “mua vui” cho gánh lô tô, một vài khách thương phận bọt bèo mà mua giùm tấm vé”, bà nhớ lại.
Sau gần chục năm đi hát, ông Sang quyết định chuyển giới khi đã hơn 30 tuổi. Đó là cơ hội duy nhất để làm phụ nữ bằng da bằng thịt. Bà nói: “Thời đó đâu có hiện đại như bây giờ. Cứ mua thuốc về rồi chị em tự làm cho nhau. Xăm chân mày, bơm ngực, sửa mũi, gì cũng làm được”.
Ở thời kỳ hoàng kim trong sự nghiệp, cái tên Trang Kim Sa được biết bao người hâm mộ. Đoàn nào có Trang Kim Sa là y như rằng đêm đó hết sạch vé. Thời gian cứ thế trôi qua, từ đoàn lô tô này đến đoàn lô tô khác, cô đào Kim Sa rong ruổi khắp mọi miền đất nước.
“Năm 2013, tôi cùng đoàn biểu diễn tại Nha Trang. Như bao đêm khác, sau khi hát hò, tâm sự cùng chị em trong đoàn xong, tôi đi ngủ. Sáng ra, tôi thấy một bên người cứng ngắc, không thể cử động được. Chị em trong đoàn thấy vậy hoảng hốt đưa tôi vào bệnh viện. Bác sĩ bảo tôi bị liệt nửa người”, bà Sa bàng hoàng nhớ lại biến cố cuộc đời mình.
Đời quay lưng vẫn còn người tri kỷ
Từ cái ngày biết mình bị liệt phải nằm một chỗ, bà Sa cảm thấy bản thân mình vô dụng. Không hát được cũng không làm gì phụ cho đoàn, đến miếng ăn cũng phải nhờ chị em cho ăn. Bà cảm thấy mình bất lực, tuyệt vọng. Bà lấy điện thoại gọi điện về cho người thân ở TP.HCM. “Không hiểu sao lúc đó tôi lại nhớ mỗi số của bà Hai (bạn thân của bà Sang-PV) và gọi cho bà này. May mắn là bà ấy vẫn còn dùng số này. Tôi tâm sự và kể cho bà Hai nghe về mọi thứ, nước mắt rơi lúc nào không hay. Đầu dây bên kia, tôi nghe tiếng bà Hai nghẹn lại rồi trách sao giờ tôi mới báo”.
Dù kinh tế chỉ đủ sống qua ngày nhưng bà Hai vẫn quyết định dồn hết tiền dành dụm đưa bà Sa về lại TP.HCM. Người thân bạn bè ai cũng bảo bà Hai bị điên, đã nghèo rồi còn dám liều đưa người liệt về nuôi.
“Gia đình, bạn bè lúc đó phản đối dữ lắm nhưng tôi vẫn một mực mang ông về nuôi. Chúng tôi chơi thân với nhau từ lúc nhỏ vì nhà hai đứa sát cạnh nhau. Ngày đó nhà ông giàu hơn nhà tôi nhiều nên lúc nào có gì ngon là ông lại đem qua cho tôi ăn”, bà Hai chia sẻ.
Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên khi vẫn gọi bà Sa là “ông Sang”, bà Hai cười bảo: “Đối với tôi thì ông Sang vẫn là đàn ông mà”. Hai người sống chung trong căn nhà nhỏ chưa đầy 4m2, được bà Hai thuê với giá 800 ngàn đồng/tháng.
Bà nói: “Trời nắng thì không sao chứ trời mưa thì sợ lắm. Nhất là những ngày bão, tôi vừa lo nước ngập, vừa lo nhà tốc mái”.
Bà Hai giờ đã tuổi lục tuần, tóc bạc nửa mái đầu. Bà cũng có đôi mắt buồn như bà Kim Sa, ẩn hiện sau cặp kính dày cộm.
“Khi ông Sang đi lính, tôi vẫn thường lên thăm nuôi. Ông ngại, trách tôi lên thăm gì lên hoài. Mà hôm nào thư về, ông cũng bảo thèm chà bông. Lâu lâu, ông gửi về cho tôi mớ măng le rừng, đắng nhưng ngon lắm. Lúc ông về, chúng tôi gặp nhau có một lần rồi ông ấy bỏ xứ đi theo đoàn lô tô mấy chục năm.
Ngày biết ông ấy đồng tính, tôi vừa thương vừa giận vì chưa kịp nói với nhau tiếng nào ông ấy đã bỏ đi biệt tăm. Giờ gia đình ông Sang đâu còn ai, ông ấy một thân một mình, không lẽ tôi là bạn thân mà không giúp gì. Để ông sống một mình như vậy, tôi không đành lòng”, bà Hai cho biết thêm.
Thương bạn cưu mang mình, bà Sa nhiều lần thử châm cứu với mong muốn có thể đi lại được, kiếm gì làm để phụ thêm tiền cơm cho bà Hai.
“Chiều hôm đó, khi tôi đang hì hục rửa chén thuê thì con Út (hàng xóm nhà bà Hai-PV) chạy qua trách sao để “ông Sang” đi bán vé số. Tôi vội bỏ việc, vừa đạp xe về vừa khóc. Nhưng ông ấy quyết tâm quá, tôi cũng đành chịu cho ông đi bán”, bà Hai nước mắt lưng tròng kể.
Những ngày đầu đi bán vé số, bà Sa cứ té ngã suốt. Ấy vậy mà bà vẫn quyết tâm đi. Nhiều lúc bán còn bị người ta giật, lừa lấy hết cả vé số lẫn tiền. Thế nhưng bà vẫn không nản lòng.
Cứ 5h sáng, cả hai người lại chia nhau đi 2 hướng. Bà Hai dậy sớm nấu nồi cơm, kho mớ cá mặn. Bà đi “ở đợ” cho nhà người ta gần 40 năm, ngày được 60 ngàn đồng. Bà nói, bà cố kiếm thêm chút đỉnh tiền gọi là “cơm rau” cho 2 người. Trong khi đó, bà Sa đi bán vé số hai bận sáng - tối.
Khi tôi tạm biệt họ cũng là lúc màn đêm buông xuống hẻm nhỏ. Xong mâm cơm, 2 bà già lại ngồi trên ghế xếp, chơi đùa với chú chó đã theo chân bà Sa suốt 9 năm. Cả hai đều xem nó như một thành viên trong gia đình.
Thỉnh thoảng, trong căn nhà chật chội ấy, bà Sa lại cất tiếng ca. Tuy giọng đứt quãng nhưng nghe vẫn mùi và cay đắng: “Con số gì ra, con số gì ra/Cờ ra con mấy, con số gì ra/Chúc Anh Đài là gái giả trai, con ba mươi hai/Tình chỉ đẹp khi còn say đá, con ba mươi ba...”.