Suốt một dải dài khoảng 1.000 dặm (1.600 km), Trung Quốc và Nga bị ngăn cách bởi con sông Amur hùng vĩ – tượng trưng cho lịch sử căng thẳng và phức tạp của hai nước.
Từng là kẻ thù không đội trời chung trong Chiến tranh Lạnh, Moscow và Bắc Kinh trong những năm qua đã tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế, được thúc đẩy bởi mong muốn chung về đối trọng với phương Tây.
Một lá cờ Nga có thể được nhìn thấy tung bay bên dòng sông chảy qua thị trấn biên giới Hắc Hà (Heihe) của Trung Quốc. Nhìn vào thành phố miền biên viễn, Nga và Trung Quốc trông giống hai người bạn hơn là đối thủ.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc gia đã được thể hiện một cách sinh động tại tiền đồn thương mại này. Những chiếc xe tải chở đầy hàng hóa thường xuyên đi qua sông Amur, được gọi là Hắc Long Giang (Heilongjiang) ở Trung Quốc, trên cây cầu đường bộ mới xây, nối Hắc Hà với thành phố kết nghĩa Blagoveschchensk ở Nga.
Những người bạn cũ
Ảnh hưởng của Nga ở Hắc Hà, chẳng hạn như mái vòm hoặc ngọn tháp kiểu Nga trên đỉnh các tòa chung cư cao tầng, trường học, bảo tàng và thậm chí một số tòa nhà chính phủ, thu hút khách du lịch từ khắp Trung Quốc.
Hứng “cơn mưa” trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh của Washington, Nga đã tìm thấy một huyết mạch kinh tế ở nước láng giềng Trung Quốc, với việc lãnh đạo hai nước – Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình – đã tuyên bố mối quan hệ đối tác “không giới hạn” chỉ vài tuần trước khi xung đột ở Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.
Thương mại song phương đã tăng gần 30% vào năm ngoái, theo số liệu của hải quan Trung Quốc, và Nga là nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay.
“Rõ ràng là Nga ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, mặc dù người Nga có thể không thích điều đó”, ông Jon Yuan Jiang, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc-Nga có trụ sở ở Sydney (Australia), nhận xét.
Hắc Hà, thành phố có khoảng 1,5 triệu dân, phần lớn sử dụng song ngữ, với tên cửa hàng, bảng hiệu đường phố và thực đơn được viết bằng tiếng Trung và tiếng Nga. Các chủ doanh nghiệp địa phương, thậm chí cả những người bán trái cây và bỏng ngô ven đường, chào đón người nước ngoài bằng những câu tiếng Nga đơn giản – một kỹ năng mà họ đã học được trước đại dịch khi khách Nga đến chỗ họ với số lượng lớn.
“Khi thương mại biên giới chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, chúng tôi có thể thấy người Nga ở khắp mọi nơi trên đường phố, giống như gặp gỡ những người bạn cũ”, một người đàn ông họ Shi, 70 tuổi, nói với NBC News khi đang đi dạo trong một công viên ven sông, nơi trưng bày những tác phẩm điêu khắc lớn về búp bê Nga.
Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine và các chính sách nghiêm ngặt “zero-Covid” mà Trung Quốc chỉ mới kết thúc gần đây, đã có ít du khách từ bên kia biên giới tới Hắc Hà hơn, cô Tang Lu, chủ một quán bar kiểu Nga có khách hàng chủ yếu là người Nga, cho biết.
“Nhưng người Trung Quốc cũng thích nơi này, và họ có thể hát và giao lưu với người Nga”, cô nói.
Cơ hội giao thương
Trung Quốc và Nga là hai láng giềng có mối quan hệ lâu dài và phức tạp hàng thế kỷ nay. Cuộc xung đột ở Ukraine đã đẩy họ xích lại gần nhau hơn, với việc Bắc Kinh từ chối lên án chiến dịch quân sự của Moscow ở quốc gia Đông Âu.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đang cố gắng đạt được sự cân bằng tinh tế trong cách tiếp cận của ông đối với cuộc xung đột, ông Jiang nói. Trung Quốc đang tìm cách thể hiện mình là trung lập, đồng thời kêu gọi đàm phán hòa bình.
Ông Tập và ông Putin, gọi nhau là “bạn thân”, đã trò chuyện với nhau nhiều lần kể từ khi xung đột ở Ukraine bắt đầu và đã gặp nhau tại Moscow hồi tháng 3.
Ngay trên con sông lịch sử, hồi tháng 6 năm ngoái, Bắc Kinh và Moscow đã long trọng tổ chức lễ khánh thành cây cầu đường bộ đầu tiên nối Hắc Hà của phía Trung Quốc và Blagoveschchensk của phía Nga.
“Cây cầu Blagoveshchensk-Hắc Hà có ý nghĩa biểu tượng đặc biệt trong thế giới không thống nhất ngày nay. Nó sẽ trở thành một sợi dây hữu nghị khác nối kết người dân Nga và Trung Quốc”, ông Yury Trutnev, Đặc phái viên của Điện Kremlin tại Viễn Đông Nga, cho biết.
Dự án trị giá 369 triệu USD kết nối hai thành phố kết nghĩa là thành phố Hắc Hà ở tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc với thủ phủ Blagoveshchensk của vùng Amur thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Moscow hy vọng cây cầu sẽ chứng kiến sự lưu thông của khoảng 4 triệu tấn hàng hóa và 2 triệu hành khách mỗi năm khi hoạt động hết công suất.
Điều đó có khả năng thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương giữa Trung Quốc và Nga, vốn đã được dự báo sẽ tăng lên khi Moscow ngày càng hướng đến Bắc Kinh để xây dựng quan hệ đối tác kinh tế, mặc dù vẫn còn câu hỏi về việc Trung Quốc sẽ hỗ trợ nước láng giềng đang bị phương Tây trừng phạt đến mức nào.
Sự cô lập ngày càng tăng của Nga cũng tạo cơ hội cho các công ty Trung Quốc. Với việc những gã khổng lồ công nghệ như Apple và Samsung đã giảm hoạt động tại nước này, hơn 70% điện thoại thông minh của Nga hiện đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc như Xiaomi, theo nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng M.Video-Eldorado.
Nhưng cuộc chiến ở Ukraine vẫn phủ bóng đen lớn lên các thị trấn biên giới như Hắc Hà.
“Tôi đã bị sốc và cảm thấy không thể tin nổi khi chiến sự nổ ra”, ông Shi cho biết. “Suy cho cùng, chiến tranh gây tổn hại nhiều nhất cho người dân của hai quốc gia tham chiến. Tôi ước cuộc chiến có thể kết thúc càng sớm càng tốt”.
Minh Đức (Theo NBC News, CNN)