Những tiết lộ mới nhất này vừa được tờ Der Spiegel của Đức đăng tải. Và cũng nhờ hoạt động gián điệp này mà Mỹ đã thực hiện được một số khoản đầu tư thu lời vào các doanh nghiệp Mexico.
Trước đó, thông tin về việc Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) do thám đương kim Tổng thống Mexico Pena Nieto đã được kênh truyền hình Globo của Brazil đề cập. Nay, những bằng chứng được Snowden cung cấp cho thấy trong tháng 5/2010, NSA đã đột nhập vào tài khoản thư điện tử công khai của người tiền nhiệm của ông Nieto là ông Felipe Calderon.
Nhờ việc theo dõi được những trao đổi điện tử của ông Calderon, các điệp viên Mỹ đã thu được “những thông tin ngoại giao, kinh tế và giới lãnh đạo, giúp họ hiểu sâu hơn về hệ thống chính trị Mexico và những sự ổn định ở bên trong”, tờ tạp chí của Đức trích dẫn một bản báo cáo tối mật của NSA.
Tổng thống Mexico Pena Nieto (phải) và người tiền nhiệm Calderon
Chiến dịch đột nhập vào tài khỏan thư điện tử của Tổng thống được tình báo Mỹ gán cho mật danh “Flatliquid”. Có một điều đáng chú ý đó là ông Calderon lại là vị Tổng thống Mexico được xem như thân thiết với Mỹ hơn hẳn những người tiền nhiệm.
Hoạt động do thám đối với Tổng thống Nieto bắt đầu khi ông còn đang vận động tranh cử hồi đầu mùa Hè năm 2012, bài báo cho biết. NSA đã nhắm vào điện thoại của ông Nieto và 9 người thân cận, qua đó lập một sơ đồ về các mối liên lạc thường xuyên của họ. Sau đó, cơ quan này cũng theo dõi điện thoại của những cá nhân này. Tổng cộng 85.489 tin nhắn đã bị NSA chặn được, bao gồm cả tin nhắn của Tổng thống Nieto.
Sau khi thông tin NSA do thám ông Nieto được kênh Globo phát sóng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hứa với ông Nieto rằng sẽ điều tra vụ việc này, và trừng phạt những ai chịu trách nhiệm trong việc đột nhập các tài khoản thư điện tử cá nhân.
Một chiến dịch khác của NSA tại Mexico có tên “Whitetamale”, đã cho phép cơ quan này xâm nhập vào thư điện tử của các quan chức cấp cao thuộc lực lượng bài trừ các băng đảng ma túy và đường dây buôn bán người. Được thực hiện từ tháng 8/2009, chiến dịch này đã giúp Mỹ không chỉ có được thông tin về các hoạt động chống tội phạm của Mexico, mà còn cả “những vấn đề ngoại giao”, một tài liệu nội bộ của NSA viết.
Chỉ trong một năm, chiến dịch này đã cho ra 260 báo cáo mật, giúp hỗ trợ các cuộc đàm phán về các vấn đề chính trị, giúp người Mỹ lên kế hoạch đầu tư quốc tế.
“Các chiến dịch TAO (Chiến dịch tiếp cận được thiết kế riêng - một đơn vị của NSA chuyên thực hiện các nhiệm vụ như đột nhập thư điện tử của Tổng thống) đã tiếp cận được một số cơ quan chính phủ Mexico và đây mới chỉ là sự khởi đầu - chúng tôi có ý định đi xa hơn nhiều đối với mục tiêu quan trọng này”, bản báo cáo của NSA viết.
Họ cũng ca ngợi chiến dịch là “cực kỳ thành công”, và chỉ ra rằng các đơn vị chịu trách nhiệm do thám “đang hướng tới những thành công trong tương lai”.
Tình báo kinh tế là một động lực cho hoạt động do thám của NSA, điều mà cơ quan này luôn một mực phủ nhận, nhưng đã được chỉ ra trong nhiều tài liệu trước đây.
Theo Dân trí