Khốn cùng phận nghèo gặp họa
Mặc dù sự việc đã xảy ra cả tháng trời, nhưng cho đến nay, người dân xã Quy Mông (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) vẫn không khỏi bàng hoàng và xót xa cho cặp vợ chồng hiền lành, chịu khó là anh Hà Văn Tiệp (SN 1985) và chị Hà Thị Nga (SN 1985) bị ngọn lửa thiêu rụi.
Nhớ lại ngày tai họa ập đến gia đình người anh trai xấu số trong những ngày đầu tháng Chạp, người em trai là Hà Văn Việt vẫn còn bủn rủn, nói trong nước mắt: "Nhà tôi cách nhà anh trai không xa, khi nghe tiếng mọi người hô hoán, kêu la thảm thiết tôi không kịp mặc áo vội lao sang xem có chuyện gì. Tôi không thể tin vào mắt mình nữa, ngôi nhà lợp lá của anh chị đang bốc cháy ngút trời. Anh trai bị lửa thiêu cháy đen, còn chị dâu bị bỏng nặng, cháu gái may mắn thoát nạn. Chỉ còn một gang tay nữa là lửa bén đến giường cháu đang ngủ. Nhìn anh trai mà tôi như đứt từng khúc ruột, không thể diễn tả được, đau đớn quá. Lúc đưa anh đi cấp cứu, mọi người cũng biết trước được anh sẽ khó qua khỏi. Đến bệnh viện cấp cứu thì anh mất, còn chị dâu bị bỏng rất nặng 60 - 70%, bỏng độ 4 (11% trở lên là bỏng nặng - PV)".
Ở gần nhà anh chị nên anh Hà Văn Việt hiểu khá rõ về cuộc sống cũng như sinh hoạt của gia đình anh trai. Nhớ về người anh trai quá cố, giọng anh Việt chùng xuống: "Quê nhà anh miền đồi núi, hầu hết là người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135. Nương rẫy ít, bố mẹ nghèo nên chỉ cho được mảnh đất trống. Anh em họ hàng, xóm làng giúp anh chị dựng được cái nhà mái lá lấy chỗ chui ra chui vào. Vợ chồng anh chị lấy nhau hai bàn tay trắng, cật lực làm việc tối ngày, nhưng cũng chỉ đủ 4 miệng ăn. Kết hôn gần 10 năm nhưng kinh tế vợ chồng anh Tiệp và chị Nga vẫn không khá hơn là mấy. Anh làm đủ nghề từ thợ xây đến đi cày, đi bừa thuê, lúc nào cũng luôn chân luôn tay mà khó vẫn hoàn khó. Chị Nga đi làm nương, lúc rảnh ở nhà trông con và buôn bán lặt vặt. Mãi đến năm ngoái, một công ty thức ăn gia súc đã cho anh chị vay vốn 10 triệu đồng bằng hàng hóa để bán cho công ty. Cuộc sống của anh chị tưởng chừng sẽ khấm khá hơn, ai ngờ kết cục lại như vậy".
Đã hơn một tháng chị Hà Thị Nga điều trị tại Viện Bỏng quốc gia
Được biết, để có thêm thu nhập, vợ chồng anh Tiệp nhận bán hàng cho một công ty thức ăn gia súc. Vì thường xuyên phải chở hàng cho khách mà nhà ở xa cây xăng, nên anh đã mua sẵn gần chục lít xăng để góc nhà. Hôm đó, là ngày 8/12/2012 (âm lịch), trời nhá nhem tối, anh Tiệp vác can xăng đổ vào xe máy để đi đón đứa con trai lớn 6 tuổi ở nhà ông bà nội về chuẩn bị ăn cơm. Bất ngờ can xăng bùng cháy, ngọn lửa bén lên ngọn đèn chiếu sáng đốt bằng khí gas từ hầm biogas, điều này càng làm cho ngọn lửa dữ dội hơn. Nhiều người đoán anh Tiệp vừa đổ xăng vừa hút thuốc. Trong nháy mắt, căn nhà lá bốc lửa cao ngút trời, tất cả chỉ còn lại một đống đổ nát và tro bụi. Cũng may đứa con trai lớn 6 tuổi vẫn gửi ở nhà bà nội, còn bé gái 3 tuổi đang ngủ, suýt bị thiêu sống may mà bác hàng xóm đi chơi về ngang qua, nếu không có lẽ cũng không kịp".
Con mất cha, mẹ chết đi sống lại
Tại họa ập đến xóm nghèo, đặc biệt lại trong những ngày giáp Tết càng khiến bao người không cầm được nước mắt khi chứng kiến đám tang của anh Hà Văn Tiệp. Hình ảnh xúc động và đầy nước mắt của hai bên bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ, còn nỗi đau nào hơn "đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh". Đặc biệt, họ thương hai đứa con còn thơ dại chưa biết thế nào là sinh ly tử biệt mà sớm phải mồ côi cha, còn mẹ thì trong bệnh viện cấp cứu không biết sống chết ra sao. Anh Hà Văn Việt cho biết: "Nhà chỉ có hai anh em, bố mẹ đã già nên mọi việc tôi đứng ra lo liệu. Ngày làm đám tang cho anh, tôi không dám cho hai cháu ở nhà. Thương các cháu còn quá nhỏ mà sớm phải chịu thiệt thòi. Các cháu chỉ kêu khóc đòi bố mẹ ngủ cùng mà không biết điều gì đang xảy ra. Bố mẹ tôi quá sốc trước sự ra đi của anh, mẹ tôi đã không còn nước mắt để khóc nữa", nói đến đây giọng anh Việt nghẹn lại, đôi mắt nhòe đi.
Sau cơn nguy kịch, chị Nga đang được chăm sóc tại phòng cách ly vô trùng đặc biệt tại Viện bỏng Quốc gia. Dù trái tim sắt đá đến đâu, ai nhìn thấy cảnh tượng toàn bộ cơ thể của chị hầu như da bị toạc hết và được băng bó kín mít, cộng với đó là tiếng rên trong đau đớn tột bậc, đều khó cầm được lòng mình. Để giảm bớt những cơn đau đớn như tra tấn, chị Nga phải nằm sấp, hai tay đặt lên hai túi nước, hai chân bị treo lên. Kể từ ngày chị Nga nằm viện, mọi chi phí sinh hoạt, viện phí đều do người em chồng và anh trai ruột của chị thay nhau trông nom chăm sóc 24/24h. Sức khỏe của chị hiện vẫn trong tình trạng lúc mê, lúc tỉnh. "Ngày chị mới nhập viện tình trạng nguy kịch lắm, sốt trên 40 độ C. nhiều lúc tưởng không qua nổi. Như đêm ngày mùng 1 Tết chị chết lâm sàng 9 tiếng. Các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng cũng phải lắc đầu. Lúc đó tôi đã gọi điện về cho gia đình báo tin chuẩn bị lo hậu sự. Có lúc tỉnh chị lại hỏi tôi, có phải anh Tiệp chồng chị mất rồi phải không? Mọi người đừng giấu chị nữa. Tôi không thể giấu chị mãi được, cuối cùng chị cũng biết sự thật. Sau cú sốc chồng mất, chị Nga như chết thêm một lần nữa, nhưng khi tỉnh lại, người thân đến thăm và động viên chị lại khỏe lại", anh Hà Văn Việt kể.
Trong phòng cách ly đặc biệt, những người đến thăm chị Nga không thể cầm được nước mắt trước cảnh tượng người phụ nữ mới gần 28 tuổi đời mà phải chịu nỗi đau cả về tinh thần và thể xác. Chị nằm im không thể động đậy, nhưng chị vẫn phải cố sống, cố chịu để vượt qua thời khắc khó khăn nhất bởi ở nhà còn có hai đứa con thơ cần chị nuôi dưỡng, bổn phận làm dâu phải chăm sóc khi bố mẹ đã già. Đầu và tay của chị thỉnh thoảng lại được nâng lên đặt xuống để lấy cảm giác và bớt đi cái tê mỏi đang gặm nhấm cơ thể. Đến nay chị đã qua 5 lần phẫu thuật với số tiền lên đến hơn 300 triệu đồng. Số tiền này quá lớn đối với cả hai bên gia đình, bởi người dân nơi đây quá khó khăn, mọi chi phí sinh hoạt chỉ trông chờ vào nương rẫy, con gà, con lợn. Theo anh Việt, mới đầu tôi tưởng chi phí cũng chỉ vài chục triệu đồng, ai ngờ số tiền lớn quá, ngoài sức tưởng tượng. "Tôi làm việc ở UBND xã, lương hơn 2 triệu đồng mỗi tháng cũng chỉ đủ ăn, lấy đâu ra tiền. Không biết làm thế nào nhưng phải vay mượn anh em họ hàng và bà con lối xóm. Bản thân tôi chỉ sợ và lo cho các cháu còn nhỏ mà phải mồ côi cả bố lẫn mẹ thì khổ quá, sẽ học hành và sống sao đây. Bởi vậy, còn nước còn tát dù thế nào cũng phải cố cứu lấy chị. Số tiền vay mượn đã quá lớn, mà các bác sĩ bảo 5 lần phẫu thuật nữa mới tạm ổn. Cái gì bán được, chỗ nào vay được gia đình tôi đã vay hết”, anh Việt cho biết.
Chia tay người nhà chị Nga, chúng tôi bị ám ảnh bởi câu hỏi, rồi đây hai đứa trẻ sẽ sống ra sao với những cú sốc và mất mát quá khủng khiếp này?
"Gia đình tôi chưa bao giờ đón tết buồn như năm nay, một không khí ảm đạm và đau thương. Hai cháu thiếu hơi bố mẹ cứ khóc suốt, liên mồm hỏi ông bà rằng bố mẹ đâu và bắt chú đi tìm bố mẹ về. Hai cháu không quen thiếu bố mẹ, mỗi khi đi ngủ lại khóc đòi bố. Những lúc như thế ông bà thương chúng lắm, nước mắt cứ trào ra. Mọi người ai cũng thương, các bác hàng xóm cũng vậy, nên đành nói dối bố mẹ cháu đi làm mua sữa và kẹo cho cháu. Cái tết người ta sum họp đông đủ, nhà tôi thì ngược lại. Mẹ tôi cứ vào ra nhìn lên bàn thờ anh trai lại òa khóc, nhiều đêm không ngủ được, ngồi thần người ra. Còn bên nhà chị dâu tôi cũng vậy, buồn lắm, đứng ngồi không yên, con rể vừa mất, bà nội chị thương chị nên cũng mất ngay sau đó. Chúng tôi cũng không báo tin này sợ chị sốc, ảnh hưởng đến việc điều trị. Tôi chỉ mong sao chị sẽ vượt qua để về với gia đình, gượng dậy nuôi các cháu khôn lớn trưởng thành", anh Hà Văn Việt nói. |
Thiên Vũ