Sáng 7/7, lãnh đạo sở Y tế tỉnh Đắk Nông cho biết, cho đến nay trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 25 trường hợp dương tính với vi khuẩn bạch hầu, có 2 trường hợp đã tử vong. Trong 25 ca dương tính với vi khuẩn bạch hầu, có những ca không xuất hiện triệu chứng bệnh nên rất khó phát hiện.
Theo vị lãnh đạo này, hiện trên địa bàn tỉnh ghi nhận 4 ổ dịch ở các huyện Krông Nô, huyện Đắk R’Lấp và huyện Đắk G’long (2 ổ dịch tại xã Đắk R’Măng và xã Quảng Hoà).
Trong đó, có 19 bệnh nhân đang điều trị bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên; bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông và trung tâm Y tế huyện Krông Nô. Số ca bệnh còn lại được điều trị khỏi và xuất viện.
“Ngay sau khi xuất hiện dịch, ngành Y tế tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị UBND tỉnh mua huyết thanh điều trị bệnh bạch hầu cho các bệnh nhân. Nhờ vậy, nhiều bệnh nhân trong đó có những ca nặng tình trạng sức khoẻ đã ổn định”, vị lãnh đạo sở Y tế cho biết thêm.
Mặt khác, ngành Y tế tỉnh cũng tổ chức cách ly, khoanh vùng các ổ dịch. Đồng thời, tổ chức tiêm vaccine cho 3.518 người và cho uống thuốc điều trị dự phòng cho 2.569 người trong và ngoài vùng dịch.
Nói về nguyên nhân dịch lây lan nhanh, ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, tại Đắk Nông, quá trình sàng lọc phát hiện 4 ca người lành mang trùng (cơ thể có virus bạch hầu - PV), không có biểu hiện bệnh.
Nếu những người này di chuyển tới vùng miễn dịch tốt thì không sao, nhưng tới vùng lõm tiêm chủng, gặp những người khả năng miễn dịch kém thì sẽ lây lan bệnh.
“Việc tiêm chủng mở rộng chỉ bảo vệ những trẻ em ở khoảng 5 đến 7 tuổi. Độ tuổi trên 7 tuổi có thể bị giảm, mất miễn dịch. Do đó, khuyến cáo người dân đến 7 tuổi, 12 tuổi, 18 tuổi phải tiếp tục tiêm nhắc lại”, ông Chiến cho hay.