Gia đình đầu tiên mà tôi đăng ký “khai sinh” trong làng báo sau khi rời trường đại học chính là tòa soạn Đời sống & Pháp luật. Đó cũng là nơi gieo cho tôi những kỷ niệm đầu đời, cuốn hút sự tò mò và thử thách tôi.
Là một cô gái trẻ, tính cách xem chừng như nhút nhát, ngay từ những ngày bắt đầu đặt bút đăng ký nguyện vọng thi đại học đến nay, dường như tôi chưa nhận được một lời động viên đúng nghĩa để theo nghề. Bởi lẽ, “nhìn con bé tí hon như kia thì sao có thể đi làm báo được?!” - đó là nhận định của những người xung quanh.
Mặc kệ những lời xì xào bàn tán, tôi tìm cách yêu sự nghiệp tôi đã chọn, theo một cách riêng. Nói vậy là bởi, những việc tôi làm, những điều mà tôi muốn làm, có thể tôi mới chỉ chập chững nhập môn, chứ chưa bàn đến chuyên môn tốt hay không,… nhưng tôi yêu điều đó.
Sắm vai tay sai buôn người
Năm 2018, khi vẫn còn là phóng viên thử việc tại tòa soạn Đời sống & Pháp luật, tôi có chuyến đi Hà Giang ăm ắp những trải nghiệm thực tế mang tên “lần đầu tiên”. Trước chuyến đi, sếp tôi có gợi ý về đề tài “Tết cô quạnh ở những ngôi làng giáp biên giới Việt - Trung”. Điều này khá thú vị đối với một con bé ham tò mò như tôi.
Sau một buổi tối tỉ tê quanh trung tâm thị trấn Phó Bảng (huyện Đồng Văn), tôi “bắt sóng” được một bản nghèo, nơi mà những người ở lại thưa thớt trong những nếp nhà thường chỉ có người già và trẻ nhỏ. Sáng sớm hôm sau, tôi lân la từng nhà trong bản để “xin mối” đi sang Trung Quốc làm ăn, với một hoàn cảnh được vẽ ra vô cùng khốn khó. Ban đầu, dân bản vẫn còn khá đề phòng, chẳng ai chịu “mách nước” cho một cô gái xa lạ.
Đến khi mò vào tận những ngôi nhà nằm sâu trong lòng núi, tôi bắt chuyện với một phụ nữ đang xay ngô và sà vào làm cùng. Sau khoảng nửa tiếng tâm sự, chuyện trò, tôi lại ngỏ ý muốn sang Trung Quốc lao động để cải thiện đời sống. Chị chỉ cho tôi đến gặp một người đàn ông trong ngôi nhà khang trang nhất bản.
Vừa đến đầu ngõ, tôi đã nhận thấy sự khác biệt: Không một gia đình nào xung quanh có thể sung túc được như vậy.
Chào hỏi người phụ nữ đang xếp củi trước sân, tôi bước vào gian nhà trong. Người đàn ông phương phi đang ngồi nói chuyện với một vị khách, nhưng thấy tôi, liền lập tức chào tạm biệt vị khách và hẹn gặp vào buổi sau. Vị khách vừa đi khỏi, người đàn ông tự xưng là S. và dò hỏi vì sao lại có cuộc gặp gỡ không báo trước này.
Những tình tiết hư cấu lại được tôi mang ra “chiêu đãi”, với một câu chuyện về một “bà trùm” giấu mặt ở một tỉnh giáp biên khác, chuyên móc nối và đưa người sang Trung Quốc làm thuê. Và tôi, trong vai tay sai “hết đát” của “bà trùm” đó, mong mỏi sẽ tìm thấy một “ông trùm” khác, có thể giúp tôi giải quyết đầu ra.
Nghe đến đây, chưa đợi tôi phải nói thẳng, S. đã bày ra những ly rượu tràn: “Nào, cạn đi rồi nói tiếp!”. Tôi nốc liền mấy ly rượu ngô bỏng rát họng rồi lại trở lại với chuyện chính.
Nhưng S. “cáo già” không muốn bàn chuyện làm ăn tại nhà mà hẹn tôi chiều tối sẽ gặp mặt. Tôi vờ vĩnh hẹn gặp tại một quán cà phê tại trung tâm thị trấn, nhưng hắn gạt phăng đi: “Những chuyện này không thể bàn ở quán cafe được... Vào phòng em ở nhà nghỉ đi. Nhắn cho anh số phòng qua Zalo”. Tôi hơi hoảng, một tay vòng xuống gầm bàn, lập thêm một tài khoản Zalo ảo với số điện thoại phụ. Trong lúc đó, giả bộ cười nói hỉ hả và mời hắn thêm vài ly để đánh trống lảng...
Trưa đó, tôi báo cáo tình hình với sếp qua điện thoại. Sếp dặn dò: “Làm gì cũng phải đặt an toàn của bản thân lên trên hết nhé!”.
Chiều muộn, S. gõ cửa phòng tôi. Cũng khá run, bởi ở cái chốn này, nhà nghỉ cũng hoang vu đến độ chẳng có một bóng khách vãng lai, mà chủ nhà nghỉ còn chẳng buồn xuất hiện. Thậm chí, đến lúc tôi gọi điện trả phòng, chị chủ nhà nghỉ còn bảo: “Em cứ khóa cửa phòng lại rồi treo chìa khóa ở cửa cho chị luôn cũng được. Ở đấy chẳng có ai đâu!”.
Trong căn phòng kín, tôi có chút thấp thỏm, chỉ sợ mình để lộ sơ hở nào, sẽ khó mà thoát được. S. bắt đầu yêu cầu tôi kể lại tường tận về nhân thân, hoàn cảnh, về “bà trùm” cũ và nguyên nhân khiến một người tự xưng là tay sai có hàng chục “món hàng” trong tay như tôi lại không có đất làm ăn ở tỉnh nhà, mà phải lặn lội sang tỉnh khác “móc nối”.
Sau khi “vượt ải”, hắn bắt đầu muốn kiểm tra nguồn hàng. Tôi thuận miệng: “Thú thực với anh, mấy chị em kia cũng ở trên bản xa, toàn phận lấy chồng sớm, rồi chồng thì toàn những thằng nát rượu, đi làm thì không chịu, quanh năm chỉ biết đánh vợ, nạt con... Mấy chị em uất ức, khổ cực quá, nhà thì nghèo, muốn nhờ em đưa đi làm để “đổi đời”, cho mấy thằng chồng sáng mắt ra... Nếu chị M. (“bà trùm” cũ) vẫn còn hoạt động, em đã chẳng phải lặn lội sang đây để tìm anh. Có gì anh em cân đối phần trăm”.
Hắn chìa cho tôi xem những đoạn clip ghi lại một số hình ảnh những người lao động mà hắn “giúp đỡ” vượt biên thành công, làm công nhân trong các trang trại mía hay khu chế xuất... và khoe khoang đủ điều. Mặc dù, trước đó, tôi đã tiếp xúc với một vài nạn nhân, sau khi sang làm công nhân bên đó, bị bóc lột đến mức thậm tệ, khó khăn lắm mới có thể trốn ngược trở về. Tôi hiểu họ đã “bị lừa bán”, nhưng trước câu chuyện của S., vì hắn muốn tôi tin nên tôi vẫn không ngừng gật gù, tấm tắc.
Sau một hồi “vẽ mộng”, S. bắt đầu lộ rõ hơn: “Anh nói thật, phụ nữ muốn sang bên đó làm ăn mà muốn nhàn hạ, việc nhẹ, lương cao, thì chỉ có đi làm “nghề ấy” (tức “làm gái” - PV). Anh nghĩ, chuyến này em về tuyển lựa lại thật kỹ, ít nhất thì trông cũng phải ưa nhìn một tí, rồi “tút tát” lên, đưa sang mới được giá”.
Thấy tôi ra chiều đồng ý, hắn đề cập đến phần trăm chia chác là 70-30. Tôi cò kè: “Anh cũng phải để em sống với chứ. Trước đây, em dắt mối cho chị M. chưa bao giờ kém. Rồi chi phí “tuốt tát” cho chúng nó như anh vừa bảo, cũng em lo chứ ai lo. Chính anh cũng bảo hàng “ngon” thì mới được giá còn gì...”. Mục đích cò kè chỉ để hắn nhận thấy tôi có “máu buôn” đích thực!
Hắn đồng ý sẽ tăng phần trăm nếu được xem mặt hàng trước, nên tôi hứa hẹn khi trở về nhà sẽ ngay lập tức gửi hình ảnh.
Chuyến đó, sau khi trở về Hà Nội, tôi vẫn còn nhớ mãi cú thử thách của S., thăm dò phản ứng của tôi: “Còn gần 2 tháng nữa là Tết, đợt này, biên làm hơi căng. Chắc đợi khoảng đầu năm thì ta bắt đầu nhỉ? Nhưng trước đó, anh có buổi hẹn gặp với “đối tác” của chúng ta bên đó. Em có đi cùng không? Em có thể đóng vai “vợ hờ” của anh trong chuyến đi...”.
Hóa thân thiếu nữ 17 tuổi bán “cái ngàn vàng”
Dịp khác, tôi có cơ duyên với một vai diễn khác trong phóng sự Hé lộ đường dây mua bán “cái ngàn vàng”. Với tiêu chuẩn gương mặt của một thôn nữ 17 tuổi, ngay thời điểm đó, hai đồng nghiệp đã nghĩ đến tôi và ngỏ ý mời tôi tham gia vào phi vụ. Sau khi chị đồng nghiệp (trong vai trò môi giới) đã hoàn thành công đoạn “nhử mồi”, chúng tôi bắt đầu hối hả cho buổi hóa thân của tôi, đến gặp vị đại gia kia tại địa chỉ được chỉ định, một chung cư cao cấp giữa Thủ đô.
Trong kế hoạch ban đầu, tôi chỉ tiếp cận với vị đại gia muốn mua “cái ngàn vàng” để giải đen (theo quan niệm mê tín) và “giao dịch” ở sảnh căn hộ để đảm bảo an toàn. Trong lúc đó, những người đồng nghiệp của tôi sẽ ghi lại toàn cảnh, còn tôi thì sử dụng máy ghi âm và camera quay lén để thu dữ liệu trong phạm vi gần.
Tuy nhiên, khôn ngoan không lại với kẻ gian, vừa đặt chân đến sảnh căn hộ, một người đàn ông đeo kính ngoắc tôi đi theo phía sau. Tôi hơi giật mình, dáo dác tìm kiếm ánh mắt của đồng nghiệp xung quanh, rồi cũng phải lao theo nhịp chân dồn dập của ông ta.
Đến trước một chiếc cửa kính được mở bằng vân tay, tôi ái ngại vì bảo mật càng cao thì những người đồng nghiệp sẽ càng khó dõi theo tôi. Cố nán lại hơn một phút với lý do bị đau chân, vì là thôn nữ nên đi giày cao gót không quen, tôi chỉ mong đồng nghiệp sẽ kịp thời nhận ra.
Thấy có người đi qua bắt đầu chú ý, vị đại gia thở rít qua kẽ răng: “Bây giờ, một là em đi lên, hai là em đi về đi. Anh không thích em cứ dùng dằng mãi như vậy”. Lúc đó, tôi chỉ kịp nghĩ: “Mất bao nhiêu công sức của đồng nghiệp mới mò ra được mối này. Bây giờ mình mà đi về thì mọi nỗ lực trước đó của cả nhóm đổ sông, đổ bể hết”, rồi đánh liều bước theo.
Thang máy dừng lại ở tầng 25, tôi bẽn lẽn đi sau lưng vị đại gia rồi ngập ngừng ở trước cửa phòng. Ông ta chui tót vào phòng với túi đồ vừa mua ở siêu thị dưới tầng 1, liên tục thúc giục tôi đi vào phòng. Thấy tôi vẫn mãi thập thò, ông ta dùng mọi lời lẽ ngon ngọt đối đãi. Tôi bảo muốn xuống uống cà phê ở tầng 1 trước để tâm sự cho đỡ sợ, nhưng lúc này đã là 11h đêm, ông ta vặn vẹo và nói, trong phòng có tất cả đồ uống cần thiết.
Biết không thể đứng ngoài mãi, tôi bước vào căn phòng kín. Việc đầu tiên là tôi than đói, do cả ngày chưa được ăn gì để chủ nhân căn phòng này làm đồ ăn và quay lưng lại phía tôi để tôi dễ bề nhắn thông tin số phòng, số tầng và cập nhật thông tin cho đồng nghiệp.
Trong lúc này, những đồng nghiệp của tôi nhanh chóng di chuyển lên phía trước cửa phòng để tiện bề hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp. Chị đồng nghiệp trong vai môi giới cũng liên tục nhắn tin cho vị đại gia, thương lượng và nhờ vả ông ta “hãy nhẹ nhàng với tôi, kẻo tôi sợ”.
Người đàn ông sau khi làm xong một món ăn đã dắt tôi ra ban công ngồi, cùng hai lon nước ngọt. Thực sự là một tay rất cảnh giác, hồi đầu, ông ta thăm dò tôi đủ điều, khiến tôi ngay lập tức phải nảy ra những câu trả lời. Lúc đó, vừa “câu giờ”, vừa phải ứng biến bằng những tình tiết tự mình “vẽ” ra. Trong thứ ánh sáng mập mờ, leo lắt từ chiếc đèn phía trong phòng hắt ra, ông ta bắt đầu đề cập đến những chuyện khác hơn so với lúc ngồi trong ánh sáng. Tôi thận trọng nhìn những miếng thịt trên chiếc đĩa, không đụng đến thì sẽ bị nghi ngờ, mà ăn thì lại sợ có vấn đề. Để vị đại gia ăn liền một lúc 3 -4 miếng thịt, tôi cũng mạnh dạn cầm dĩa lên. Những vừa đưa lên miệng thì vội nhăn mặt, kêu không quen ăn, thấy mùi hơi khó chịu. Ông ta tiếp tục mở lon nước ngọt trước mặt tôi, tôi đòi uống sữa, vậy mà trong tủ lạnh lại có sữa thật. Tôi đưa chai sữa lên miệng, vờ nuốt nước bọt như đang uống ừng ực từng ngụm một, rồi lại quay trở lại câu chuyện đang dang dở.
Sau những màn thuyết phục ngọt nhạt, đêm đã về khuya nên vị đại gia tỏ rõ vẻ nóng lòng, đứng dậy, giục tôi quay lại phòng và đi thẳng vào chuyện chính với những lời lẽ có phần suồng sã hơn, rồi hướng dẫn cô gái 17 tuổi phải làm những gì, làm như thế nào một cách thô tục. Thấy tôi tỏ ra hoàn toàn ngờ nghệch, vị đại gia lại càng trở nên sốt sắng: “Em không phải làm gì cả. Chỉ cần vào nhà vệ sinh 5 phút rồi ra đây. Chỉ cần nằm thôi, anh làm hết!”. Thậm chí, ông ta còn 2 lần lao về phía tôi, định ôm chầm lấy “con mồi”...
May mắn sau pha diễn xuất táo bạo của mình, tôi đã có “chiêu” để thoát được khỏi căn phòng đó và trở về vòng ngoài với những người đồng nghiệp.
Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng mà nhóm chúng tôi đã ghi lại được những thông tin quan trọng nhất thông qua buổi gặp tối đó. Mặc dù, trước đó, ai cũng không khỏi thót tim.
Nơi chắp cánh
Có lẽ, tôi đến với tòa soạn Đời sống & Pháp luật cũng là một cái duyên. Và những trải nghiệm được thắp lên trong tôi khi là một thành viên trong đó cũng chính là một cái duyên.
Vốn bỏ lỡ một năm sau khi tốt nghiệp, rồi mới bước chân vào một tòa soạn báo chí một cách chính thức, tôi vẫn là một cô bé ngơ ngác trước những nhiệm vụ đầu đời, đi đến những nơi xa, gặp những người lạ và nghe những lời tâm sự đầy xúc động... Ở đây, tôi có thể học những gì tôi thiếu và làm những điều tôi muốn.
Trước đây, tôi cứ nghĩ, trong một môi trường làm việc hẳn sẽ có nhiều bon chen khiến ta mệt mỏi. Nhưng ở môi trường này, điều mà tôi cảm nhận lại hoàn toàn khác!
Mọi người vui vẻ và tử tế với nhau trong cùng một không gian ần gũi, dường như không có qua nhiều khoảng cách ở mỗi vị trí. Điều đó góp phần mang đến hiệu quả kết nối và tương tác giữa các bộ phận với nhau.
Sếp và những người đồng nghiệp trong cùng ban trực tiếp gắn kết với tôi mỗi ngày cũng luôn có những chia sẻ kịp thời, chỉ bảo và định hướng cho tôi từng chút băn khoăn trong lòng. Dù gia đình có chưa ủng hộ tôi theo nghề, tôi cũng đang có thêm một gia đình sôi nổi và gắn kết ở đây.
Và hơn hết, tôi có cơ hội để trải nghiệm những mảnh ghép hấp dẫn, những mảnh ghép mà tôi ao ước từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường - đó là được hóa thân vào những tình huống để đi vào từng góc khuất. Góp sức cùng những người đồng nghiệp vén bức màn bí mật tối tăm của cuộc sống, chính là một trong những nhiệm vụ long lanh nhất trong mắt một cô phóng viên trẻ như tôi.
Lâu lâu, tôi lại thức dậy và mỉm cười khi đọc những dòng phản hồi tích cực của độc giả, nhiều độc giả tâm huyết còn soạn cho tôi những bức thư chia sẻ và cảm ơn dài đến hàng nghìn từ để cảm ơn tòa soạn. Đó có lẽ là những khoảnh khắc đáng trân quý mà tôi nghĩ rằng, thật khó để có thể diễn tả trọn vẹn…
Tôi yêu!
Cẩm Mịch