Ngày 30/9 Đài CNN đưa tin, cách đây 1 tháng, một người đàn ông tỉnh dậy và phát hiện một con dơi trên cổ mình tại ngôi nhà thuộc quận Lake, bang Illinois.
Sau đó, cơ quan y tế địa phương đã tiến hành xét nghiệm và cho ra kết quả con dơi dương tính với virus gây bệnh dại. Tuy nhiên, ông nhất quyết không điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.
Một tháng sau, người đàn ông bắt đầu gặp các triệu chứng đau đầu, cổ, tê ngón tay, khó kiểm soát cánh tay và nói khó khăn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 28/9 xác nhận ông bị mắc bệnh dại. Lý do người đàn ông này từ chối tiêm vaccine phòng bệnh dại cũng không được tiết lộ.
Các chuyên gia động vật hoang dã sau đó tìm thấy một bầy dơi tại nhà của người đàn ông.
Qua sự việc, các bác sĩ khuyến cáo, bất cứ ai bị động vật có bệnh dại cắn nên chữa trị ngay lập tức. Một khi các triệu chứng thể hiện, người mắc bệnh dại sẽ không còn cách nào chữa trị.
Hầu hết loài dơi không có bệnh dại, nhưng các chuyên gia nói rằng điều quan trọng là phải xác định xem bất kỳ con vật nào bạn tiếp xúc có mắc bệnh hay không.
Nếu không thể xét nghiệm dơi hoặc động vật khác để phát hiện bệnh dại, cách an toàn nhất là tiêm vắc-xin phòng bệnh dại sau phơi nhiễm.
“Nếu một người không được điều trị dự phòng và có các triệu chứng của bệnh dại, thì sẽ không có phương pháp điều trị nào thực sự thành công để có thể sống sót”, bác sĩ thú y Connie Austin, thuộc cơ quan y tế công cộng bang Illinois cho biết.
Bệnh dại có thể lây nhiễm khi bị động vật nhiễm bệnh cắn hoặc cào, như chó, gấu trúc, chồn hôi hoặc cáo. Theo CDC Mỹ, hầu hết trường hợp mắc bệnh dại ở người tại Mỹ đều bắt nguồn từ loài dơi.
Mặc dù có số ca bệnh dại ở người được ghi nhận rất ít nhưng khoảng 60.000 người Mỹ tiêm vaccine sau phơi nhiễm mỗi năm.
Phong Anh (T/h theo Zing, Người Lao Động)