Trao đổi với Dân Trí ngày 9/8, ông Lê Viết Thuận, Chánh văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông cho biết, nguy cơ vỡ đập thủy điện Đắk Kar (nằm trên hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước) vẫn còn hiện hữu. Hàng ngàn người dân ba tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng đã được di dời đến nơi an toàn.
Đến thời điểm hiện tại, sự cố kẹt van xả trên công trường thủy điện Đắk Kar vẫn chưa khắc phục được. Hiện tại nước đang được xả qua đường ống áp lực. Chiều nay, chờ mực nước rút để tiếp tục khắc phục van xả.
Ông Thuận thông tin, các đơn vị đã có phương án khoan lỗ chờ, nếu trường hợp xấu xảy ra là nổ mìn để xả lũ.
Trong khi đó, Tiền Phong dẫn lời ông Lê Mai Toản, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp xác nhận, mực nước tại hồ thủy điện Đắk Kar đã hạ xuống 2,5m so với ngày hôm qua (8/8) và đạt ngưỡng an toàn. Nếu trong những ngày tới, trời vẫn tiếp tục mưa lớn thì mức độ nguy hiểm lại tăng lên.
Theo báo Dân Sinh, tại Bình Phước, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng cho biết đã ra công văn hỏa tốc yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn… chủ động di dời dân khỏi vùng có nguy cơ vỡ đập thủy điện Đắk Kar.
Theo thống kê ban đầu của địa phương, đến nay, tại huyện Bù Đăng đã cứu được 2 người dân bị nước lũ cô lập. 5 căn nhà bị ngập hoàn toàn trong lũ. Một căn nhà bị sạt lở; 3 ha điều, cà phê của người dân bị nước lũ cuốn trôi và hàng chục ha bị ngập trong nước; 3 chiếc cầu bị lũ cuốn trôi.
Như thông tin đã đưa trước đó, chiều tối ngày 8/8, ông Nguyễn Xuân Cường, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ký công điện khẩn gửi các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng cảnh báo về nguy cơ vỡ đập thủy điện Đắk Kar, dung tích 13 triệu m3.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Đắk Nông, công trình hồ thủy điện Đắk Kar, huyện Đăk R’Lấp đang thi công có dung tích 13 triệu m3 bị sự cố kẹt cửa van, không xả tiêu thoát được dẫn đến sạt lở đập trong điều kiện khu vực được dự báo còn tiếp tục xảy ra mưa lớn (80mm-100mm/24h, có nơi trên 100mm).
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu khẩn trương tổ chức thông tin về sự cố đập đến các cấp chính quyền và người dân, tổ chức di dời khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng. Chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan chức năng bằng mọi biện pháp hạ thấp mực nước để tránh xảy ra tình huống vỡ đập đột ngột; Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai ứng cứu khi có tình huống xảy ra.
Bá Di (Tổng hợp)