Phố, làng ngập trong biển nước
2h sáng ngày 18/10, nước lũ lên nhanh phút chốc nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà, từ quê đến nội thành, mẹ cha bồng bế con chạy lũ trong đêm. Mực nước dâng kỷ lục chưa từng có tại Hà Tĩnh khiến người dân quê tôi “trở tay không kịp”. Hàng nghìn người treo trên gác chạn, trên mái nhà giữ tính mạng.
Ngày thứ 4 của trận lũ lịch sử (21/10), mực nước đã rút dần. Tuy nhiên nhiều vùng vẫn đang ngập sâu, nước chảy xiết khiến công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.
Bưng hộp cơm đoàn cứu trợ vừa mới trao cho, ông Thìn (trú thôn 2, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên) cho biết, năm nay ông 50 tuổi, cuộc đời ông chưa bao giờ chứng kiến cơn lũ nào khủng khiếp như vậy. “Nước lũ lên rất nhanh, vợ chồng tôi không kịp dọn đồ lên cao. Chỉ kịp lấy một số vật dụng rồi treo lên gác mái giữ tính mạng. Đồ đạc, lợn gà trong chuồng đều trôi theo nước lũ hết rồi”, ông Thìn mếu máo.
“Nước lũ lên nhanh từng phút một, tôi cùng chồng chỉ kịp bồng con trèo lên mái nhà. Nhìn tài sản, bò trôi theo nước lũ mà xót xa. Mất trắng rồi”, bà Tâm, trú tại thôn Tân Mỹ, xã Cẩm Duệ bật khóc.
Nằm dưới hạ lưu hồ chứa nước Kẻ Gỗ, Cẩm Xuyên là huyện ngập sâu nhất trong đợt lũ vừa qua. Có những vùng như xã Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Thành của huyện này nước ngập lên đến 3m, vượt đỉnh lũ năm 2010 khoảng 70cm.
Vốn là vùng chưa bao giờ là tâm lũ nên kinh nghiệm, phương tiện đối phó với lũ của người dân nơi đây hầu như không có. Bởi vậy, khi nước lũ tràn về, họ hoàn toàn bị động, toàn bộ tài sản, trâu, bò, lợn gà, thóc lúa... đều không di dời được gì.
Trao đổi với Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Phạm Đăng Nhật, Bí thư Huyện ủy huyện Cẩm Xuyên cho biết, khu vực khó tiếp cận nhất là xã Cẩm Thạch bởi phải vượt qua sông Ngàn Mọ, nước chảy xiết rất nguy hiểm. Chính vì vậy, khu vực này đến chiều tối ngày thứ 3 (20/10) của đợt lũ lực lượng chức năng mới tiếp cận được.
“Cẩm Thành, Cẩm Duệ, Cẩm Thạch, Cẩm Thịnh là những vùng ngập sâu nhất của huyện Cẩm Xuyên. Đặc biệt là xã Cẩm Thịnh, chưa bao giờ ngập lũ nên khi nước dâng, người dân hoàn toàn bị động, không có kinh nghiệm. Quá trình cứu hộ, chúng tôi đã phát huy tất cả các thuyền nhỏ trong dân để tiếp tế các thuyền to của đoàn. Toàn huyện huy động được khoảng 31 chiếc thuyền, lực lượng biên phòng, quân sự, công an tỉnh đưa vào khoảng 50 chiếc ca nô nữa. Suốt 4 ngày nay, tiếp cận những địa bàn xung yếu nhất, ưu tiên người già, trẻ em trước thì di dời để đảm bảo an toàn tính mạng còn bây giờ thì cung cấp nhu yếu phẩm đảm bảo không để dân đói, dân rét”, ông Nhật thông tin.
Trước đó, vào ngày 19/10 huyện Cẩm Xuyên đã di dời 13.300 hộ với 43.200 người; huyện Thạch Hà 1.420 hộ, 2.685 người; TP.Hà Tĩnh 263 hộ, 701 người đến nơi tránh trú an toàn. Đây là những địa bàn hạ du hồ chứa nước Kẻ Gỗ, bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề trong cơn lũ vừa qua.
Tình người trong lũ
Tính đến thời điểm hiện tại, mưa lũ đã khiến 5 người tại Hà Tĩnh tử vong, 62 xã tại địa bàn 9 huyện, thị bị ngập sâu, tổng 26.171 hộ với 63.363 người. Con số thiệt hại về kinh tế thì vô cùng nặng nề, chưa thể thống kê hết. Thế nhưng, trong khó khăn, hoạn nạn tinh thần tương thân, tương ái lại được phát huy, vô cùng xúc động.
Trên trục đường QL1A những đoàn xe cứu trợ treo băng rôn “Hướng về Hà Tĩnh”, “Hướng về miền Trung” chở theo thực phẩm, thuốc men nối dài. Ngoài lực lượng chức năng, chính quyền, công an, quân đội nỗ lực vượt lũ cứu hộ thì nguồn nhu yếu phẩm từ đông đảo các đoàn từ thiện khắp mọi miền đất nước đã giúp sức rất lớn cho chính quyền địa phương đảm bảo được công tác cứu hộ, cứu đói, cứu rét cho người dân suốt 4 ngày qua.
Hàng nghìn suất cơm, xôi đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ nấu, di chuyển bằng thuyền giữa mênh mông nước lũ đi phát cho những hộ dân đang bị cô lập. Hàng nghìn chiếc bánh chưng được các khối xóm trong tỉnh và cả bà con nhân dân tỉnh Nghệ An gói, nấu để kịp thời đưa vào vùng lũ cứu trợ. Hình ảnh các mẹ, các chị, các cụ ông, cụ bà tóc bạc trắng bên bếp lửa bập bùng nồi bánh chưng khiến cả nước xúc động. Các nhà báo, phóng viên trên địa bàn tâm lũ cũng trở thành 1 tình nguyện viên vừa tác nghiệp, vừa đi cứu hộ bà con.
Chưa hết lo lắng, ở trong bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, chị Trần Thị Huế, mẹ cháu Ngọc An Nhiên (7 tháng tuổi, trú xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà) cho hay, nước lũ dâng cao, 2 mẹ con chị cùng bà ngoại bị cô lập hoàn toàn. 2 ngày nay, cháu An Nhiên bị khó thở, sốt cao chị vô cùng lo lắng nhưng không có chiếc cano nào di chuyển vào cả, nhiều đoàn cứu trợ đi thuyền nhỏ nên không thể đưa được cháu bé ra ngoài.
“Rất may chiều nay gia đình tôi gặp được 1 đoàn cứu trợ. Họ đi ca nô vượt nước lũ đưa con tôi vào bệnh viện cấp cứu kịp thời, còn mua chăn màn, hỗ trợ tiền cho cháu nhập viên. Tôi vô cùng xúc động, cảm kích”, chị Huế nói.
Theo đó, vào chiều nay, chị Trần Thị Tố Hoa, cùng đoàn cứu trợ trú tại huyện Hương Sơn xuất phát, chở theo 2 ca nô xuống Hà Tĩnh đi cứu trợ bà con đang bị ngập lụt.
Khi đến xã Thạch Đỉnh, huyện Thạch Hà, thuyền rẽ vào nhà 1 hộ dân thì nghe tiếng kêu cứu. Gia đình này đang có cháu bé sốt cao 2 ngày nay. Ngay sau đó, cả đoàn đã vượt nước lũ, hơn 30 phút mới đưa được cháu bé vào viện cấp cứu.
“Mấy ngày qua, theo dõi trên facebook, thời sự, đọc báo nhìn những hình ảnh bà con cô lập trong mưa lũ, tôi không cầm nổi nước mắt. Ngay sau đó, tôi đã kết nối với Nhà báo Phan Xuân Hồng. Chúng tôi đã quyên góp được tiền mua 2 ca nô cùng nhu yếu phẩm bánh chưng, xúc xích, đồ ăn sẵn đưa vào vùng lũ giúp sức cùng mọi người cứu hộ bà con”, chị Hoa nói.
Đó là 1 trong rất nhiều đoàn từ thiện đã hỗ trợ, giúp sức với cơ quan chức năng cứu hộ bà con bị ngập lụt suốt 4 ngày qua. Những chiếc ca nô được các nhà hảo tâm, đoàn từ thiện mua từ Bắc vận chuyển về Hà Tĩnh để kịp đi cứu trợ. Hàng chục chiếc xe mô tô nước cũng được các đoàn từ thiện đưa vào để cơ động trong việc đưa đồ ăn, nước uống vào tận ngõ, ngách sâu nơi những người dân đang mắc kẹt. Quán ăn, quán nước đâu đâu cũng treo biển “Phục vụ miễn phí cho các đoàn cứu hộ”.
Quê tôi trong nước lũ lạnh lẽo nhưng ấm áp tình người. Dân tộc tôi trong đau thương mất mát lại luôn đoàn kết “một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”.