Gió đã đảo chiều
Trong những tháng gần đây, khi nguồn cung cấp viện trợ, tiền bạc và vũ khí cho phe đối lập ở Syria suy giảm, những hy vọng mỏi mòn từ các thế lực muốn lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad đã không thể ngăn được thực tế rằng, chiến thắng hoàn toàn dành cho nhà lãnh đạo Syria và những người ủng hộ ông.
Đầu tuần này, Jordan – quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với phe đối lập ở Syria đã tuyên bố, "quan hệ song phương với Damascus đang đi đúng hướng".
Lời khẳng định này là một trong những dấu chấm hết cuối cùng cho “cái chết” của lực lượng đối lập ở quốc gia Trung Đông.
Phát ngôn viên Chính phủ Jordan Mohammad al-Momani đã nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình rằng: “Đây là một thông điệp rất quan trọng mà tất cả mọi người nên nghe”.
Tờ The Guardian bình luận, Amman đã nhanh chóng đi theo con đường của Ankara, Doha và Riyadh - những quốc gia từng chung mục tiêu lật đổ nhà lãnh đạo Syria hiện tại, nhưng giờ đây đã quyết định để ông Assad ở lại.
Trở về từ một Hội nghị Thượng đỉnh ở Thủ đô Ả Rập tuần trước, các nhà lãnh đạo đối lập nói họ được thông báo trực tiếp từ Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir về việc Riyadh không còn hứng thú trong việc hỗ trợ cho các nhóm của họ, cũng như mục tiêu lật đổ Chính phủ Syria.
“Saudi Arabia giờ đây không quan tâm đến Syria nữa. Tất cả giờ đây tập trung vào Qatar thay vì Syria”, tờ The Guardian dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao phương Tây cho biết.
Tại nước Anh xa xôi, những tuyên bố hùng hồn về việc Tổng thống Assad phải rời chiếc ghế quyền lực như một bước đi đầu tiên hướng tới hòa bình ở Syria, giờ đây được thay thế bởi những gì mà London gọi là “chủ nghĩa thực dụng hiện thực”.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, tuần trước đã giải thích việc nhà lãnh đạo Assad có rời đi hay không “không phải là một điều kiện tiên quyết".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người được Tổng thống Mỹ Donald Trump giao phó tìm kiếm một giải pháp cho các vấn đề từ Syria cho đến Nga cũng nhiều lần đồng tình với quan điểm nói trên.
Ngoài ra, trong một phát biểu gần đây, ông Trump còn tuyên bố sẽ dừng lại chương trình hỗ trợ vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria thông qua Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt bốn năm qua.
Washington đang cân nhắc tham gia các tiến trình hòa bình tại Geneva và Astana cho Syria.
Bên cạnh đó Mỹ tập trung vào mục tiêu quan trọng hơn là tận diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), thay vì làm khó chính quyền Assad.
Kẻ ngoài cuộc sắp quay lưng
Những thế lực ủng hộ phe đối lập quyết định từ bỏ sự hỗ trợ của mình, vì nhiều lý do khác nhau - Robert Ford, cựu Đại sứ Mỹ tại Damascus và thành viên cao cấp tại viện Trung Đông phân tích.
Theo chuyên gia này, các quốc gia hậu thuẫn phiến quân đã quá nhỏ nhen, liên tục cãi nhau và bất đồng trong việc thống nhất theo tinh thần và chiến lược chung.
Bên cạnh đó, mỗi bên đều có những mục tiêu chính trị riêng và muốn điều khiển phiến quân theo ý mình.
Hơn nữa, việc phiến quân có dây dưa với các nhánh của nhóm khủng bố al-Qaeda là lý do khác khiến người Mỹ và Jordan không thoải mái.
“Jordan không muốn dòng người tị nạn từ Syria cứ mãi đổ về như thác đổ và ngày càng muốn cuộc giao tranh ở phía Nam sẽ sớm dừng lại. Họ chỉ chấp nhận tiếp tục nếu mục tiêu là chống IS”, nhà cựu ngoại giao Mỹ bình luận.
Với điều này, nhà phân tích Robert Ford dự đoán, chính quyền của Tổng thống Assad sẽ sớm giành lại thế kiểm soát đất nước dưới sự ủng hộ nhiệt tình từ Iran và Nga trong tương lai.