Lệnh giới nghiêm tại Damascus, được áp đặt kể từ khi phiến quân giành quyền kiểm soát thủ đô Syria, đã được dỡ bỏ hoàn toàn vào ngày 11/12.
Người dân được kêu gọi quay trở lại làm việc khi quốc gia Trung Đông đang tìm cách vượt qua những tác động theo sau bước ngoặt chứng kiến sự kết thúc của chính quyền Bashar al-Assad.
Hàng ngàn người tị nạn ở các quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Lebanon đã nhanh chóng trở về Syria trong tuần này, xe của họ chất đầy hành lý và hy vọng về một cuộc trở về nhà trong hòa bình.
Nhưng không phải tất cả người tị nạn Syria ở khắp nơi trên thế giới đều chung suy nghĩ như vậy, dù Thủ tướng lâm thời Mohammed al-Bashir, người được nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) bổ nhiệm vào ngày 10/12, vừa ra lời kêu gọi hồi hương.
Ông Al-Bashir, cựu lãnh đạo khu vực Idlib ở Tây Bắc Syria, được bổ nhiệm lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp cho đến tháng 3 năm sau. Ban lãnh đạo mới, nơi HTS đóng vai trò chủ đạo, đã tìm cách trấn an các nhóm tôn giáo thiểu số và hứa rằng quyền của tất cả các nhóm tôn giáo và dân tộc sẽ được đảm bảo.
Thủ lĩnh HTS Ahmad al-Sharaa (còn được gọi là Abu Mohammed al-Jolani) hôm 11/12 tuyên bố sẽ giải tán lực lượng an ninh của chính quyền cũ, đóng cửa các nhà tù, đồng thời cho biết ông đang theo dõi chặt chẽ các kho vũ khí hóa học có thể có và phối hợp với các tổ chức quốc tế để bảo vệ chúng. HTS đã tuyên bố sẽ không sử dụng những vũ khí đó trong bất kỳ trường hợp nào.
Nhóm an ninh của liên minh phiến quân kiểm soát Syria hôm 11/12 đã tiếp quản Sân bay quốc tế Damascus, sân bay quốc tế chính của đất nước, cho người dọn dẹp sạch sẽ, nhằm khuyến khích các hãng hàng không quốc tế nối lại các chuyến bay tới thủ đô.
Ở phía Đông Bắc đất nước, lực lượng do người Kurd lãnh đạo đã tuyên bố lệnh ngừng bắn do Mỹ làm trung gian vào ngày 11/12 với các chiến binh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại thành phố chiến lược Manbij.
Nhiều ngày giao tranh dữ dội ở thành phố có đa số người Ả Rập này đã nổ ra sau khi lực lượng do HTS lãnh đạo lật đổ chính quyền Assad vào ngày 8/12.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một liên minh do người Kurd lãnh đạo gồm các lực lượng dân quân được Mỹ hậu thuẫn, đã báo cáo rằng 218 chiến binh đã thiệt mạng trong giao tranh và cam kết sẽ rút khỏi khu vực này "càng sớm càng tốt".
Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) đã xác nhận vào ngày 10/12 rằng chỉ huy của họ, Tướng Michael Kurilla, đã đến thăm các căn cứ của Mỹ tại Syria và gặp gỡ các đối tác SDF.
Lãnh tụ Tối cao Iran Ali Khamenei hôm 11/12 đã hạ thấp tác động của việc chính quyền Assad sụp đổ đối với ảnh hưởng khu vực của Tehran, bác bỏ quan điểm cho rằng việc làm suy yếu vai trò của Syria trong "trục kháng chiến" chống lại Israel sẽ làm giảm sức mạnh của Iran.
Ông Khamenei cáo buộc Mỹ, Israel và một "quốc gia láng giềng" của Syria giấu tên đứng sau kế hoạch lật đổ ông Assad. Iraq, Israel, Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ đều có chung biên giới với Syria.
Qatar đã công bố kế hoạch mở lại Đại sứ quán của mình tại Damascus, vốn đã bị đóng cửa từ năm 2011. Quyết định này phù hợp với nỗ lực của Qatar nhằm chuyển viện trợ nhân đạo cho người dân Syria thông qua một cầu hàng không đã được thiết lập.
Theo Liên Hợp Quốc, tình hình nhân đạo ở Syria vẫn rất tồi tệ. Các bệnh viện quá tải, tình trạng thiếu lương thực vẫn tiếp diễn và những người dân phải di dời phải đối mặt với chấn thương lan rộng.
Giá bánh mì ở các thành phố như Idlib và Aleppo đã tăng vọt 900% và hơn 1 triệu người đã phải di dời kể từ khi cuộc tấn công do nhóm HTS dẫn đầu bắt đầu vào ngày 27/11.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) đã báo cáo rằng có nhiều bãi mìn cản trở việc di chuyển và cung cấp viện trợ, với ít nhất 52 bãi mìn đã được xác định trong 10 ngày qua.
Minh Đức (Theo Xinhua, Reuters)