Hôm 20/10, Nga tuyên bố một lệnh ngừng bắn kéo dài 11 tiếng cho phép dân thường, các chiến binh phe đối lập, các phiến quân và những người bị thương rời khỏi phía đông thành phố Aleppo một cách an toàn mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào.
Sau đó, thỏa thuận ngừng bắn này đã được kéo dài thêm 2 ngày, nhưng các chiến binh đã từ chối.
“Câu hỏi về việc làm mới chế độ ‘tạm dừng nhân đạo’ trong thời điểm này không liên quan”, Sergey Ryabkov, thứ trưởng ngoại giao Nga nói trong bình luận chính thức đầu tiên từ Moscow về lý do không gia hạn thỏa thuận ngừng bắn.
Ông Sergey Ryabkov nói thêm, để gia hạn lệnh ngừng bắn, “đối thủ của chúng ta phải đảm bảo rằng những nhóm đối lập chính phủ phải có hành động phù hợp, bởi họ đã phá hỏng đợt sơ tán y tế trong thời gian tạm dừng nhân đạo”.
Ryabkov lên tiếng chỉ trích liên minh do Mỹ dẫn đầu, cho rằng liên minh này chỉ biết lên án Nga và Syria mà không thực sự “gây ảnh hưởng với phe đối lập và các phiến quân”.
Ryabkov cũng nói rằng ông không nhìn thấy “các điều kiện” để thiết lập những cuộc đàm phán cấp bộ trưởng về vấn đề Syria với Mỹ trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra. Trước đó, ngày 15/10, cuộc đàm phán cấp ngoại trưởng giữa Nga, Mỹ và các cường quốc khu vực nhằm giải quyết tình hình Syria đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ kết quả nào.
“Hầu như từ nay cho đến khi bầu cử Mỹ diễn ra, không có thời gian nào thích hợp để đàm phán. Thành thật mà nói, tôi không thấy các điều kiện thuận lợi để tổ chức một cuộc gặp cấp bộ trưởng”, ông nói, nhấn mạnh rằng Syria và Nga đang thực hiện những thỏa thuận quốc tế.
Điện Kremlin trước đó ca ngợi thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo như một “biểu hiện thiện chí” khi Nga đang phải đối mặt với những chỉ trích về việc đánh bom ở phía đông Aleppo trong hoạt động hỗ trợ chính phủ Syria.
Ông Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Nga, cũng bày tỏ sự quan ngại về số lượng nhỏ dân thường và chiến binh rời khỏi Aleppo và rất ít người rời đi bằng một lối duy nhất.
Ông Lavrov hôm 21/10 đã cáo buộc rằng chiến binh từ nhóm phiến quân Jabhat Fateh al-Sham và Ahrar al-Sham đã cản trở dân thường và các chiến binh khác rời thành phố bằng cách “đe dọa, tống tiền và dùng vũ lực”.
Mặt khác, phe đối lập Syria khẳng định rằng người dân không chịu rời đi vì không có gì đảm bảo rằng những người sơ tán trong tình trạng bị thương sẽ không bị lực lượng chính phủ bắt giữ, và không có quy định cung cấp viện trợ nhân đạo cho những người còn ở lại trong khu vực này.
Danh Tuyên