Do cả SDF và PYD đều được Mỹ hỗ trợ nên cuộc tấn công của lực lượng các chiến binh người Kurd này có thể được coi là một biến số mới ở Bắc Syria và có thể ảnh hưởng tới động lực của nhiều cường quốc là đối thủ của Washington ở quốc gia này.
Chiến dịch quân sự lần này nhắm đến 600 chiến binh IS ở nơi ẩn náu cuối cùng của chúng tại Deir Ezzor. Hơn 20.000 dân thường đã được sơ tán và chiến dịch này được đánh giá có thể là trận chiến cuối cùng chống IS ở Syria.
Được Mỹ hỗ trợ không kích, các cuộc tấn công quân sự của SDF có thể sẽ nhanh chóng giành thắng lợi ở miền Đông Syria.
Cuộc tấn công lần này khiến dư luận tập trung trở lại tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 12/2018 về việc rút quân Mỹ ra khỏi Syria. Lý do mà ông Trump đưa ra khi đó là IS đã bị đánh bại.
Tuy nhiên, sau thông báo của người đứng đầu Nhà Trắng, cả cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo đều bày tỏ sự quan ngại đối với việc rút quân, khiến ông Trump sau đó “quay ngoắt” với tuyên bố của chính mình và khẳng định vẫn chưa có thời điểm cụ thể cho quá trình đưa lính về nước.
Tuy nhiên, sự do dự của Washington đã khiến Ankara trở nên lo lắng. Thổ Nhĩ Kỳ vốn coi các chiến binh SDF và PYD là “những kẻ khủng bố”, không khác gì các tay súng IS.
Ankara tin rằng PYD là nhánh ở Syria của một “nhóm khủng bố” khác, có tên đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang theo dõi chặt chẽ việc mở rộng và phát triển quân sự của SDF ở miền Bắc Syria.
Ankara đã phát động hai cuộc tấn công quân sự ở Syria vào năm 2016 và 2018 để mở rộng ảnh hưởng ở phía Bắc nước này, đồng thời loại bỏ sự hiện diện của các chiến binh người Kurd tại đây.
Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị khởi động một chiến dịch mới ở phía Bắc Syria, nhằm thiết lập một vùng đệm ở khu biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ làm nơi lưu trú cho 3,5 triệu dân tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ và hàng ngàn phiến quân Syria do Ankara hậu thuẫn.
Tuy nhiên, những thách thức đối với kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria hiện đang nhân lên gấp đôi.
Một mặt, các phiến quân Syria do Ankara hậu thuẫn vẫn chiếm một khu vực diện tích lớn ở Bắc Syria. Chính phủ Syria coi những phiến quân này là “khủng bố”, còn lính Mỹ và Thổ là “những kẻ xâm lược bất hợp pháp”.
Tỉnh Idlib là căn cứ chính của các phiến quân Syria do Ankara chống lưng, cũng là nơi ẩn náu của Hay’at Tahrir al-Sham, một nhánh của al-Qaeda tại Syria.
Mặc dù vùng đệm được thành lập bởi Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran tại Idlib nhằm tách biệt các lực lượng Chính phủ và phiến quân, nhưng các cuộc giao tranh và đối đầu giữa hai bên, đặc biệt là với Hay’at Tahrir al-Sham, vẫn nổ ra.
Chính phủ Syria cam kết sẽ chiếm lại tỉnh Idlib để thống nhất toàn bộ các vùng lãnh thổ, thu về một mối dưới sự kiểm soát của chính quyền Damascus.
Mặt khác, mối đe dọa của Ankara với SDF và PYD có thể được ngăn chặn.
PYD đã được Mỹ và Nga coi là một đối tác quan trọng trong việc đánh bại IS kể từ năm 2013, và lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và các phiến quân do Syria hậu thuẫn không vượt qua sông Euphrates để tấn công SDF ở Đông Bắc Syria nhờ có sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đây.
Mặc dù ông Trump cam kết sẽ rút quân khỏi Syria nhưng thời hạn vẫn chưa được đề cập một cách rõ ràng. Và với việc SDF khởi động một chiến dịch quân sự mới ở Bắc Syria chống IS, lý do của ông Trump sẽ không còn hợp lý.
Cuộc tấn công chống lại IS có thể sẽ kéo dài trong nhiều tuần, trong khi việc loại bỏ tàn dư IS có thể còn tiếp tục trong nhiều tháng hoặc lâu hơn, và có thể Mỹ cần phải mở rộng sự hiện diện quân sự ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ khả năng sẽ không có cơ hội tấn công SDF và PYD.
Chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hỗ trợ phiến quân địa phương để loại bỏ PYD đang bị thách thức bởi cả nỗ lực tái chiếm toàn bộ lãnh thổ của Chính phủ Syria cũng như sự hợp tác của Washington với PYD nhằm đánh bại IS.
Có thể nói, bằng cuộc tấn công mới của SDF nhằm vào IS tại Bắc Syria, lời hứa rút quân của ông Trump có thể sẽ có thêm thời gian trì hoãn, và kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria sẽ khó tìm thấy được thành công.
Xem thêm: Quân Chính phủ Syria phản đòn trước cuộc tấn công bắn tỉa ở Bắc Hama