Sắp có thỏa thuận ngừng bắn "cuối cùng" cho Dải Gaza?
Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo Ai Cập và Qatar hôm 8/8 cho biết rằng họ đã chuẩn bị đưa ra đề xuất ngừng bắn "cuối cùng" để chấm dứt cuộc chiến ở Dải Gaza đồng thời kêu gọi Israel và Hamas quay trở lại bàn đàm phán vào tuần tới để giải quyết xung đột.
Trong một tuyên bố chung, ông Biden cùng với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani tuyên bố rằng "đã đến lúc" hoàn tất thỏa thuận ngừng bắn và trả tự do cho các con tin bị bắt cóc từ ngày 7/10 năm ngoái cũng như những người Palestine bị Israel giam giữ.
Ba nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng các nhà đàm phán sẽ nhóm họp tại Cairo (Ai Cập) hoặc Doha (Qatar) vào thứ Năm tuần tới, ngày 15/8.
"Không còn thời gian để lãng phí hay lý do nào để trì hoãn thêm nữa", 3 nhà lãnh đạo cho biết trong tuyên bố chung. "Đã đến lúc thả các con tin, bắt đầu ngừng bắn và thực hiện thỏa thuận này. Với tư cách là người trung gian, nếu cần thiết, chúng tôi sẵn sàng trình bày một đề xuất bắc cầu cuối cùng giải quyết các vấn đề về thực hiện còn lại theo cách đáp ứng được kỳ vọng của tất cả các bên".
Các cuộc đàm phán ngừng bắn đã bị hoãn lại sau khi cuộc họp vào cuối tuần trước tại Cairo không đạt được đột phá nào, và quá trình này đã trở nên phức tạp hơn do vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh, người đã dẫn đầu các cuộc đàm phán thông qua các bên trung gian.
Chỉ vài phút sau khi có tuyên bố chung của ông Biden và các nhà lãnh đạo kể trên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã đồng ý "cử phái đoàn đàm phán đến bất kỳ địa điểm nào được quyết định vào ngày 15/8, để thống nhất các chi tiết về việc thực hiện thỏa thuận khung", văn phòng của ông Netanyahu cho biết.
Nhưng không rõ mức độ sẵn sàng đạt được thỏa thuận của phía Israel và Hamas như thế nào. Hamas đã không phản hồi ngay lập tức tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo Mỹ, Ai Cập và Qatar.
Đưa tin từ Amman (Jordan), phóng viên Hamdah Salhut của Al Jazeera cho biết bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai đều sẽ phức tạp vì "có rất nhiều yếu tố động ở đây", đặc biệt là nguy cơ tấn công trả đũa từ Iran hoặc một trong những lực lượng ủy nhiệm của nước này, hoặc cả hai.
Ngoài ra, phóng viên Hamdah Salhut lưu ý rằng người Israel hiện sẽ đàm phán với ông Yahya Sinwar, thủ lĩnh chính trị mới của Hamas, thay thế ông Haniyeh.
"Ông Sinwar được coi là người có đường lối cứng rắn. Ông Netanyahu cũng được coi là người theo đường lối cứng rắn. Điều này có thể làm danh sách các điều không thể thương lượng trong các cuộc đàm phán của cả hai bên dài ra".
"Chim ăn thịt" F-22 Raptor đã có mặt ở Trung Đông
Các chiến đấu cơ F-22 Raptor (Chim ăn thịt) của Không quân Mỹ hiện đang ở Trung Đông "để xử lý các mối đe dọa do Iran và các nhóm được Iran hậu thuẫn" gây ra đối với Israel và quân đội Mỹ trong khu vực, Bộ Chỉ huy trung tâm (CENTCOM) của Mỹ thông báo hôm 8/8.
Lầu Năm Góc đã bổ sung thêm lực lượng vào khu vực sau khi Iran tuyên bố sẽ trả thù cho vụ ám sát ông Haniyeh. Tehran và Hamas tuyên bố Israel phải chịu trách nhiệm, trong khi Tel Aviv vẫn giữ im lặng về vụ ám sát.
Sự trả đũa mà Tehran tuyên bố có thể bao gồm các cuộc tấn công trực tiếp từ lãnh thổ Iran và các cuộc tấn công gián tiếp thông qua các lực lượng ủy nhiệm của họ. Hezbollah của Lebanon do Iran hậu thuẫn, kiểm soát miền Nam Lebanon và biên giới Lebanon với Israel, cũng có thể tiến hành các cuộc tấn công.
Trong những tuần gần đây, lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria đã phải hứng chịu một cuộc tấn công bằng tên lửa từ các lực lượng uỷ nhiệm tại đó.
Mới đây, một cuộc tấn công bằng tên lửa vào Căn cứ Không quân Al Asad ở Iraq hôm 5/8 đã làm 4 quân nhân Mỹ và một nhà thầu Mỹ bị thương, Lầu Năm Góc cho biết hôm 8/8, quy trách nhiệm vụ tấn công vào Al Asad cho một nhóm dân quân Shia liên kết với Iran.
Theo Lầu Năm Góc, kể từ tháng 10, khi xung đột giữa Israel và Hamas tái bùng phát ở Dải Gaza, đã có 180 cuộc tấn công nhằm vào quân đội Mỹ ở Iraq, Syria và Jordan.
Về chiến đấu cơ F-22 Raptor, đây là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trong số các lực lượng mới được Mỹ điều động nhanh đến khu vực, bao gồm cả tàu chiến có khả năng khai hoả hạ tên lửa đạn đạo. Mỹ cũng có thể tăng cường phòng thủ tên lửa đạn đạo trên bộ trong khu vực.
Khoảng một chục chiếc F-22 đã đến một căn cứ ở Trung Đông từ Căn cứ hỗn hợp Elmendorf-Richardson, Alaska, các quan chức Mỹ nói với Tạp chí Air & Space Forces hôm 8/8.
Vượt qua quãng đường hơn 5.600 hải lý (hơn 10.300 km), những chú "Chim ăn thịt" đã thực hiện hành trình qua Bắc Mỹ và Đại Tây Dương, dừng nghỉ tại căn Cứ không quân Lakenheath của Vương quốc Anh, rồi di chuyển qua Biển Địa Trung Hải. Chúng đã đến được căn cứ tạm trong khu vực vào ngày 8/8 với sự trợ giúp của máy bay tiếp dầu.
Một phát ngôn viên của Air Forces Central (AFCENT) từ chối cho biết những chiếc F-22 hoặc bất kỳ máy bay chiến đấu nào khác của Mỹ trong khu vực được bố trí ở đâu, với lý do an ninh.
Minh Đức (Theo NY Times, GZero Media, Air & Space Forces, Al Jazeera)